Triều Tiên từ chối gần 3 triệu liều vaccine của hãng dược Sinovac Biotech Trung Quốc, nói rằng nên chuyển tới các nước bị ảnh hưởng trầm trọng hơn, Quỹ Nhi đồng Quốc tế Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết ngày 1/9.
Tin tức thế giới ngày Thứ năm 02 tháng 9 năm 2021 |
Bộ Công cộng của quốc gia cô lập này viện dẫn mức cung vaccine toàn cầu còn hạn chế và tình hình virus tăng mạnh tại các nơi, theo UNICEF, cơ quan quản lý nguồn cung vaccine cho chương trình COVAX dành cho các nước thu nhập thấp.
Cho tới nay, Triều Tiên không báo cáo ca COVID nào cả và đã áp đặt những biện pháp chống virus nghiêm ngặt, kể cả đóng cửa biên giới và cấm đi lại trong nước.
Một phát ngôn viên của UNCEF nói với Reuters rằng Bộ Công cộng Triều Tiên sẽ tiếp tục liên lạc với chương trình COVAX để nhận vaccine trong tương lai.
Hồi tháng 7, Triều Tiên từ chối các chuyến vaccine AstraZeneca vì quan ngại về phản ứng phụ, theo một cơ quan nghiên cứu Hàn Quốc có liên hệ với cơ quan tình báo Hàn Quốc.
Viện Chiến lược An ninh Quốc gia nói Triều Tiên không mặn mà với vaccine Trung Quốc vì lo ngại có thể kém hiệu nghiệm, nhưng tỏ ra quan tâm tới vaccine của Nga.
Một số nước như Thái Lan và Uruguay đã bắt đầu tiêm các vaccine khác cho những ai đã tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc trong nỗ lực gia tăng bảo vệ.
“Chúng tôi tiếp tục làm việc với nhà cầm quyền Triều Tiên để giúp đáp ứng với đại dịch COVID-19,” theo một phát ngôn viên của Liên minh Vaccine và Miễn dịch Toàn cầu, một trong những tổ chức đồng lãnh đạo chương trình COVAX.
Mỹ: Bắc Kinh ‘‘đe dọa nghiêm trọng’’ tự do hàng hải ở Biển Đông
Bộ Quốc Phòng Mỹ gọi quy định « an toàn hàng hải » mới của Trung Quốc tại Biển Đông là mối « đe dọa nghiêm trọng » đối với tự do hàng hải và thương mại quốc tế. Tuyên bố được Hoa Kỳ đưa ra đúng vào ngày 01/09/2021, ngày mà quy định của Bắc Kinh, buộc nhiều tàu thuyền nước ngoài phải khai báo chi tiết khi đi qua các vùng « lãnh hải » của Trung Quốc, chính thức có hiệu lực.
Hôm qua, 01/09/2021, theo truyền thông châu Á, trả lời báo giới về quy định hàng hải mới của Trung Quốc, người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Mỹ John Supple nhấn mạnh: « Hoa Kỳ tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên biển, bao gồm cả ở Biển Đông, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp không bị cản trở, các quyền và lợi ích ở Biển Đông và của các quốc gia ven biển ».
Phát ngôn viên Ngủ Giác Đài cho biết thêm : « Hoa Kỳ kiên quyết chủ trương là mọi luật hoặc quy định của quốc gia ven biển đều không được quyền vi phạm các quyền về hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế ».
Quy định mới của Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc - được ban hành cuối tuần trước - yêu cầu các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác, khi đi qua « vùng lãnh hải » Trung Quốc, phải khai báo tên, số hiệu, vị trí, cảng sắp ghé và giờ dự định đến nơi. Tên các vật liệu « nguy hiểm » và trọng tải của tàu cũng phải được báo cáo.
Quy định mới của Trung Quốc bị cho là trái ngược với nguyên tắc của luật biển quốc tế, theo đó tàu nước ngoài được phép « đi qua vô hại » trong vùng « lãnh hải » của quốc gia khác.
Quy định mới của Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc gây nhiều phản ứng tại Việt Nam. Hôm qua 01/09, trả lời về vấn đề này trong cuộc họp báo, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, khẳng định : « Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) … khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam đồng thời nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết bảo vệ « chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS ».
Trung Quốc ra luật khắt khe hơn đối với livestream
Các nhân vật sản xuất nội dung video của Trung Quốc sắp phải đối mặt với một loạt các hạn chế nội dung trong ngành phát trực tiếp đang bùng nổ, nếu Bộ Thương mại xuống tay.
Hôm nay kết thúc giai đoạn tư vấn kéo dài hai tuần về các tiêu chuẩn ngành mới. Chúng bao gồm các hướng dẫn gồm người phát video trực tiếp phải nói tiếng Quan Thoại (thay vì tiếng địa phương), ăn mặc sao cho không “vi phạm trật tự công cộng xã hội”, và không tiếp thị một số hàng hóa nhất định, chẳng hạn như nội dung khiêu dâm. Các quy định mới cũng quy định vlogger phải từ 16 tuổi trở lên.
Tương tự như các quy định gần đây về trò chơi điện tử, vốn hạn chế trẻ em chơi game một giờ mỗi ngày và chỉ vào cuối tuần hoặc ngày lễ, nguyên tắc phát trực tiếp có hai động lực. Chúng kết hợp hai thứ, một là nỗ lực điều chỉnh một mảng phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số, và hai là nỗ lực thực thi các tiêu chuẩn phù hợp với quan điểm đạo đức của Đảng Cộng sản — đặc biệt là đối với trẻ em.
Nhóm Bộ tứ Quad bắt đầu cuộc tập trận Malabar 2021.
Truyền thông Trung Quốc loan tin Trung Quốc tổ chức tập trận biển xa
Ngày 26/8/2021, Lực lượng hàng hải từ nhóm Bộ tứ gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã bắt đầu giai đoạn 1 của cuộc tập trận hàng hải Malabar 2021 tại Biển Philippines. MALABAR là cuộc tập trận hàng hải thường niên nhằm tăng cường đào tạo và sử dụng các chiến thuật chiến tranh tiên tiến giữa Hải quân Hoàng gia Australia (RAN), Hải quân Ấn Độ (IN), Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) và Hải quân Hoa Kỳ “nhằm thể hiện cam kết giữa các quốc gia cùng chí hướng để duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Cuộc tập trận năm nay do Hoa Kỳ đăng cai tổ chức và sẽ diễn ra trong 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 gồm các hoạt động hàng hải kết hợp, tác chiến chống ngầm, tác chiến trên không, bắn đạn thật, tiếp tế trên biển, cất hạ cánh máy bay quân sự trên các tàu chiến.
Phía Hoa Kỳ có sự tham gia của tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS Barry (DDG 52), lực lượng tác chiến đặc biệt của Hải quân, máy bay tuần tra và trinh sát hàng hải của Lực lượng Đặc nhiệm 72, tàu tiếp dầu USNS Rappahannock. Phía Ấn Độ có sự tham gia của khinh hạm tàng hình Shivalik (F 47) và tàu hộ tống tác chiến chống ngầm INS Kadmatt (P 29). Nhật Bản cử các tàu khu trục JS Kaga, JS Murasame và JS Shiranui. Khinh hạm HMAS Warramonga là đại diện của Australia. Ngoài ra, cuộc tập trận còn có sự tham gia của các máy bay tuần tra và trinh sát hàng hải như P-8 của Ấn Độ, P-1 của Nhật Bản và P-8A của Hoa Kỳ.
Trung Quốc nghi ngờ về mục đích của cuộc tập trận Malabar vì họ cho rằng cuộc tập trận thường niên này là một nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo truyền thông Trung Quốc, cũng trong ngày 26/8, Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận biển xa để đáp trả cuộc tập trận của nhóm Bộ tứ. Ngày 24/8, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã phát hiện một nhóm 4 tàu chiến bao gồm tàu khu trục Type 055 Nam Xương (Nanchang), tàu khu trục Type 052D Quý Dương (Guiyang), tàu tiếp liệu Type 903A với số hiệu 903 và một tàu giám sát với số hiệu thân tàu là 799 đi qua eo biển Soya từ Biển Nhật Bản và sau đó đi về phía đông dường như để tham gia tập trận. Một đội tàu khác gồm khu trục Type 052D Tri Bác (Zibo), tàu khu trục Type 052C Trịnh Châu (Zhengzhou) và tàu khu trục Type 054A Ích Dương (Yiyang) cũng được phát hiện đi qua eo biển Miyako về phía nam vào Thái Bình Dương.
Theo Hoàn cầu Thời báo, ngoài các cuộc tập trận biển xa, Trung Quốc đã tổ chức ít nhất 120 cuộc tập trận ở Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Biển Đông trong ba tháng qua. Trong đó, tại khu vực Bột Hải và Hoàng Hải, quân đội Trung Quốc đã tổ chức ít nhất 48 cuộc tập trận kể từ cuối tháng 5, 39 cuộc tập trận được tổ chức gần eo biển Đài Loan, 26 cuộc tập trận tại khu vực Biển Đông và 7 cuộc ở Biển Hoa Đông.
Ảnh vệ tinh: Trung Quốc đã hoàn toàn biến bãi đá ngầm Subi thuộc Trường Sa thành một căn cứ quân sự
Vào ngày 1/9, nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh “ISI” PO, đã công bố hình ảnh về các hoạt động quân sự gần bãi đá ngầm Subi, cho thấy Trung Quốc đã biến hòn đảo nhân tạo thành một “căn cứ quân sự toàn diện”, theo trang Aboluowang.
Trung Quốc liên tục chiếm giữ các đảo ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố phản đối lập trường lãnh thổ của ĐCSTQ ở Biển Đông, cũng như quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông. Hải quân và Không quân Hoa Kỳ thường thách thức Trung Quốc thông qua hành động “Tự do Hàng hải” khi đi qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát và vùng “Lãnh hải” 12 hải lý xung quanh. Nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh “ISI” PO hôm 1/9 đã công bố hình ảnh hoạt động quân sự gần bãi đá ngầm Subi, cho thấy Trung Quốc đã “hoàn toàn biến đảo nhân tạo này thành căn cứ quân sự”.
Ở phía trên bên trái của hình ảnh vệ tinh là bãi đá ngầm Subi. Phần dài nhất có đường băng sân bay. Ở cuối đường băng, máy bay gây nhiễu điện tử Y-9G của Không quân Trung Quốc đã sẵn sàng cất cánh; ở bên phải là KQ-200, máy bay tuần tra chống tàu ngầm, trực thăng Z-8, và tàu khu trục tên lửa dẫn đường 052 Thanh Đảo Hào (mang mã số 113). Dựa trên cơ cấu này, có thể suy đoán rằng là các cuộc diễn tập chống tàu ngầm có thể đang được tiến hành.
Bãi đá ngầm Subi nằm ở phía tây nam của cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một hòn đảo nhân tạo được khai hoang từ một đảo san hô tự nhiên. Có một phi đạo dài 3.000 mét trên bãi đá ngầm, hiện chỉ có quân đội Trung Quốc đóng quân và không có thường dân. Rạn san hô Subi nằm ở điểm mấu chốt giữa Việt Nam và đảo Barra của Philippines, đi về phía nam qua eo biển Malacca vào Ấn Độ Dương, hoặc về phía tây qua eo biển Mindoro ra Thái Bình Dương.
Indonesia và Thái Lan nới lỏng các biện pháp chống COVID-19
Trong khi Indonesia và Thái Lan bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống COVID-19 sau khi số ca mắc giảm, các chuyên gia y tế cho biết các ca nhiễm mới có thể tăng trở lại vì tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp.
Sau khi khống chế COVID-19 tốt hơn nhiều nơi trên thế giới vào năm ngoái, Đông Nam Á đã trở thành điểm nóng toàn cầu trong những tháng gần đây với sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm mạnh hơn.
Mặc dù số ca vẫn đang tăng nhanh ở hầu hết khu vực, Indonesia và Thái Lan, những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất, đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế đối với việc ăn uống tại các nhà hàng và trung tâm mua sắm để giảm bớt thiệt hại kinh tế từ việc đóng cửa nền kinh tế.
Indonesia thông báo 10.534 trường hợp mắc mới vào thứ Ba 31/8, ít hơn năm lần so với mức đỉnh vào giữa tháng 7, trong khi Thái Lan báo cáo 14.802 trường hợp mới vào thứ Tư 1/9, giảm 37% so với mức đỉnh vào giữa tháng 8.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc nới lỏng các hạn chế có thể dẫn tới các nguy cơ vì tỷ lệ tiêm chủng còn thấp và tình trạng thiếu xét nghiệm, trong khi tỷ lệ xét nghiệm dương tính thường vẫn ở mức trên 5% theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Hai nước đều có tỷ lệ tiêm chủng mũi một vào khoảng 30%. Về tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, Indonesia là 17% và Thái Lan là 11%. Thủ đô của hai nước này là Jakarta và Bangkok có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn nhiều.
Afghanistan: Taliban chuẩn bị công bố thành phần chính phủ
Hai tuần sau khi chiếm được thủ đô Kabul, trên nguyên tắc ngày 02/09/2021, Taliban công bố thành phần chính phủ, trong bối cảnh Afghanistan chờ đợi nhận được viện trợ quốc tế sau 20 năm chiến tranh. Các tổ chức phi chính phủ liên tục báo động trước nguy cơ một cuộc « khủng hoảng nhân đạo ».
Theo hãng tin Anh Reuters, một đại diện Taliban thông báo trên các mạng xã hội một buổi lễ sẽ diễn ra tại dinh tổng thống ở Kabul. Đài truyền hình tư nhân Tolo của Afghanistan cũng thông báo là thành phần chính phủ « sắp » được công bố. Thủ lĩnh tối cao Taliban, giáo sĩ Haibathullah Akhundzada, được cho là sẽ nắm giữ chức vụ cao nhất trong guồng máy quyền lực ở Afghanistan. Nhân vật này sẽ là người có tiếng nói sau cùng và chủ trì Hội đồng các thống đốc. Một chủ tịch sẽ được chỉ định để điều hành hội đồng.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, tính chính đáng của chính quyền mới tại Afghanistan mới là điều quan trọng hơn cả trong mắt các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế. Điều này càng quan trọng hơn nữa vào lúc mà kinh tế Afghanistan đang bị kiệt quệ sau nhiều năm chiến tranh. Afghanistan còn đang bị hạn hán, hàng ngàn gia đình phải di dời chỗ ở.
Ngân Hàng Trung Ương Afghanistan hiện đang nắm giữ khoảng 10 tỷ đô la tài sản, nhưng chủ yếu là ở nước ngoài. Chính quyền sắp tới ở Kabul rất cần khoản tiền nói trên để điều hành đất nước, nhưng theo Reuters, Taliban sẽ « khó đụng được số tiền đó », do nhiều quốc gia đã ban hành lệnh phong tỏa tài chính.
Trong khi chờ đợi, đời sống của người dân Afghanistan càng lúc càng khó khăn. GDP giảm gần 10 % trong năm nay, và sẽ còn tiếp tục giảm thêm 5 % vào năm tới, theo dự báo của cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Fitch.
Tại Washington, hôm 01/09/2021, một số lãnh đạo cao cấp nhất trong bộ Quốc phòng Mỹ cam kết « rút kinh nghiệm » từ bài học Afghanistan. Lần đầu tiên lên tiếng từ khi kết thúc chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan, bộ trưởng Lloyd Austin, từng điều hành các chiến dịch quân sự tại quốc gia Nam Á này, nhìn nhận « không một chiến dịch nào hoàn hảo » và những nỗ lực của Hoa Kỳ giờ đây « tập trung vào nhóm IS-Khorasan, tìm hiểu về mạng lưới này và một khi Hoa Kỳ đã quyết định, họ sẽ phải trả giá cho những gì đã làm ». Lãnh đạo Lầu Năm Góc muốn nói đến vụ tấn công đẫm máu gần phi trường Kabul hôm 26/08/2021 làm hơn trăm người chết, trong đó có 13 quân nhân Hoa Kỳ.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nhìn nhận những diễn biến gần đây đã làm dấy lên « tâm trạng đau thương và phẫn nộ » trong hàng ngũ quân đội và phía Hoa Kỳ « học được nhiều điều từ kinh nghiệm Afghanistan» , và « sẽ rút tỉa nhiều bài học cả về mặt chiến thuật lẫn chiến lược ».
Các chiến binh Taliban ở thành phố Kandahar, nơi khai sinh lực lượng này, đã đem các thiết bị quân sự thu được của chính phủ ra diễu binh, ngay khi Mỹ vừa hoàn tất rút khỏi Afghanistan. Tổng thống Joe Biden khẳng định cuộc sơ tán hỗn loạn khỏi sân bay Kabul là một “thành công phi thường.” Trước đó, đà tiến công của Taliban đã làm choáng váng các cường quốc phương Tây. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, tình báo nói Kabul sẽ không rơi vào tay Taliban trong năm nay.
ASEAN kêu gọi Trung Quốc đầu tư thêm cho dự án Vành Đai - Con Đường
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 01/09/2021, bộ trưởng Thương Mại 10 nước Đông Nam Á kêu gọi Bắc Kinh hỗ trợ ASEAN khắc phục hậu quả kinh tế do Covid-19 gây nên, đầu tư nhiều hơn vào khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ Sáng Kiến Vành Đai - Con Đường (BRI).
Trang mạng Nhật Bản Asia Nikkei trích lời thứ trưởng Ngoại Thương Thái Lan, Sanserrn Samalap cho rằng vẫn « còn nhiều lĩnh vực » Bắc Kinh và Bangkok có thể đẩy mạnh hợp tác và đầu tư. Trung Quốc đã đầu từ gần 6 tỷ đô la cho dự án xây dựng hệ thống đường xe lửa cao tốc giữa hai quốc gia.
Giai đoạn 1 đã được khởi động hồi tháng 10/2020 và công trình sẽ hoàn tất vào năm 2026. Một khi đi vào hoạt động, hệ thống đường xe lửa dài gần 900 cây số này sẽ tạo đà cho trao đổi mậu dịch trong khu vực liên quan đến từ Thái Lan, Lào và Cam Bốt với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Thứ trưởng Thương Mại Indonesia Jerry Sambuaga nhấn mạnh đến những « cơ hội mậu dịch » từ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới do Bắc Kinh khởi xướng từ 2013. Đại diện của Singapore, Tan See Lang, giải thích với phía Trung Quốc trong cuộc họp trực tuyến hôm qua là, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, Sáng Kiến Vành Đai - Con Đường « đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố hợp tác khu vực và đa chiều ».
Báo cáo mới nhất của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) hạ dự phóng tăng trưởng trong khu vực xuống còn 7,2 % trong năm nay và tình hình có thể còn xấu đi hơn nữa vào lúc Covid-19 đang hoành hành tại hầu hết các quốc gia Đông Nam Á từ trước mùa hè 2021.
Asia Nikkei không nói đến phản ứng của Trung Quốc trước những lời kêu gọi này. Hai quan chức Trung Quốc tham dự cuộc họp trực tuyến hôm 01/09/2021 gồm bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào (Wang Wentao) và phó chủ tịch Hội Đồng Hiệp Thương Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc, Cao Vân Tường (Gao Yunlong).
Không có nhận xét nào