Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 11 tháng 9 năm 2021

    Kết quả ba cuộc nghiên cứu của Mỹ cho thấy vaccine cho chúng ta sự bảo vệ mạnh mẽ tránh nhập viện và tử vong vì COVID, đối với cả biến thể Delta lây nhiễm mạnh hơn, nhưng sự bảo vệ của vaccine dường như mai một nơi người cao niên, nhất là những người trên 75 tuổi.

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 11 tháng 9 năm 2021

    Dữ liệu nhập viện tại 9 tiểu bang của Mỹ trong thời gian biến thể Delta đang chiếm ngự cũng cho thấy vaccine Moderna hữu hiệu hơn trong việc ngăn ngừa nhập viện ở mọi lứa tuổi so với vaccine của Pfizer và Johnson & Johnson.

    Trong cuộc nghiên cứu trên 32.000 ca được đưa vào các trung tâm chăm sóc khẩn cấp, phòng cấp cứu và bệnh viện, vaccine của Moderna 95% hiệu nghiệm trong việc ngăn ngừa nhập viện so với 80% của vaccine Pfizer và 60% của vaccine J&J.

    Nhìn chung, kết quả công bố ngày 10/9 trên báo cáo hàng tuần về dịch bệnh và tử vong của Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho thấy các loại vaccine sử dụng tại Mỹ gồm Moderna, Pfizer, và J&J tiếp tục mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ trước COVID.

    Một trong số các cuộc nghiên cứu này bao gồm hơn 600.000 ca nhiễm COVID, nhập viện và tử vong tại 13 tiểu bang và thành phố lớn từ tháng Tư tới giữa tháng Bảy.

    Kết quả cho thấy trong hai tháng qua, tức giai đoạn bị ảnh hưởng vì biến thể Delta, những người chưa tiêm chủng có khả năng nhiễm bệnh cao gấp 4 lần rưỡi, khả năng bị nhập viện cao gấp 10 lần, và khả năng bị tử vong vì COVID cao gấp 11 lần so với những ai đã tiêm chủng đầy đủ.

    Dù sự bảo vệ của vaccine ngừa nhập viện và tử vong vẫn còn cao trước biến thể Delta, cuộc nghiên cứu cũng xác nhận tình trạng số ca nhiễm COVID nhẹ nơi những người đã tiêm chủng đầy đủ đang tăng, cho thấy khả năng sụt giảm tính miễn dịch tạo ra từ vaccine.

    Một trong ba cuộc nghiên cứu vừa kể cho thấy nhìn chung tính hữu hiệu của vaccine vẫn duy trì cao ở mức 86% chống nhập viện và 82% chống bị nặng đến mức phải vào phòng cấp cứu hay trung tâm chăm sóc khẩn cấp. Tuy nhiên, tính hiệu nghiệm của vaccine chống lại nhập viện nơi những người trên 75 tuổi thấp đi đáng kể, ở mức 76%.

    Đan Mạch dỡ bỏ tất cả các hạn chế vì COVID-19 và kỷ niệm ‘một kỷ nguyên hoàn toàn mới’


    Sau gần 550 ngày, Đan Mạch đã dỡ bỏ các hạn chế cuối cùng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, tuyên bố rằng virus Corona không còn là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội”. Đan Mạch dường như là thành viên Liên minh châu Âu đầu tiên đưa ra tuyên bố như vậy, có khả năng cung cấp một cái nhìn về tương lai phục hồi của khối, theo tờ Washington Post.

    Các nhà lãnh đạo của nước này đã chỉ ra rằng tỷ lệ tiêm chủng cao – thuộc hàng tốt nhất trên thế giới, với gần 75% cư dân được tiêm chủng đầy đủ – như một bằng chứng cho thấy bước đi này là hợp lý, mặc dù họ không tuyên bố đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Đan Mạch cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ ca dương tính mới được báo cáo thấp nhất ở châu Âu.

    Quan chức y tế hàng đầu của Đan Mạch đã kỷ niệm việc trở lại bình thường hôm thứ Sáu là sự khởi đầu của “một kỷ nguyên hoàn toàn mới”.

    Trong khi các hạn chế đối với việc đi lại đến Đan Mạch sẽ vẫn được áp dụng, chính phủ đã dần nới lỏng các quy tắc nội bộ trong nhiều tuần. Tháng trước, các nhà chức trách đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc còn lại cho mọi nơi, trừ sân bay. Người dân sẽ không cần sử dụng hộ chiếu vắc-xin kỹ thuật số của đất nước để vào các quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ đêm hoặc sân vận động thể thao.

    Các quan chức y tế cũng nhấn mạnh rằng các hạn chế có thể quay trở lại nếu các ca bệnh và số ca nhập viện một lần nữa tăng lên mức nguy hiểm.

    Bỏ qua ‘khả năng miễn dịch tự nhiên’, TNS Mỹ nói lệnh tiêm vắc-xin bắt buộc là ‘phản khoa học’


    Hôm thứ Năm (ngày 9/9), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ban hành “lệnh tiêm vắc-xin bắt buộc”, Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa Rand Paul đã đáp trả rằng đây là một quyết định mà trong đó “khoa học bị coi thường” và “nên bị người Mỹ phản đối”.

    Trong những tháng gần đây, ông Paul đã nhấn mạnh rằng kế hoạch tiêm chủng bừa bãi này là phản khoa học vì nó không tính đến khả năng miễn dịch tự nhiên, là một hình thức bảo vệ tốt hơn so với vắc-xin thử nghiệm và không nên được chính phủ đứng ra ban hành thành chính sách.

    Ông Paul đã nói vào tháng Năm rằng: “Trước khi họ nói rằng một số lượng lớn người nhiễm bệnh phải nhập viện, ốm nặng hoặc tử vong, tôi đã đưa ra quyết định cá nhân là không tiêm chủng vì tôi đã bị nhiễm căn bệnh này và do đó có khả năng miễn dịch tự nhiên”.

    Trong một tuyên bố khác, ông Paul nói: “Trong trường hợp không có bằng chứng khoa học, việc yêu cầu một người đã phục hồi sau khi mắc, một người có miễn dịch tự nhiên cũng phải tiêm chủng, đây đúng thật là một sự ngông cuồng. Nếu bạn không thể chứng minh rằng mọi người có khả năng miễn dịch tự nhiên cũng làm lây lan vi-rút, thì bạn nên giữ im lặng”.

    Aaron Kheriaty, giáo sư tâm thần học tại Đại học California, Irvine, đã đệ đơn kiện hội đồng quản trị và hiệu trưởng của trường về việc tiêm chủng bắt buộc cho giảng viên và nhân viên, bao gồm cả những người đã có được khả năng miễn dịch tự nhiên.

    Ông cũng từng là giám đốc chương trình đạo đức y tế của trường đại học, một thành viên của văn phòng của chủ tịch Nhóm Công tác Đạo đức Sinh học về Chăm sóc Quan trọng của Đại học California, ông nói: “Tôi cảm thấy rằng tôi đã bị đối xử bất bình đẳng”.

    “Nếu khả năng miễn dịch của tôi tốt như được tiêm vắc-xin, hoặc thậm chí có thể tốt hơn, thì không có cơ sở hợp lý nào để phân biệt đối xử với hình thức miễn dịch mà tôi đã có được (thông qua nhiễm trùng)”. Ông Kyriati nói thêm, “Với tư cách là một nhà đạo đức y tế, nếu tôi không đứng lên đại diện cho những tiếng nói (đối lập) này, thì những người này sẽ bị áp đảo bởi những chính sách đó”.

    Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, so với vắc-xin được sản xuất trong phòng thí nghiệm, những người đã khỏi bệnh có khả năng miễn dịch tốt hơn và lâu dài hơn. Một nghiên cứu của Tây Ban Nha thậm chí còn phát hiện ra rằng 7 tháng sau khi nhân viên y tế lây nhiễm, lượng kháng thể trong cơ thể họ vẫn không thay đổi và không giảm, trong khi những người được tiêm vắc-xin tiếp tục giảm lượng kháng thể.

    Ngay từ tháng 5, Giáo sư Marty Makary của Trường Y Johns Hopkins đã chỉ ra rằng hơn một nửa số người Mỹ đã phát triển khả năng miễn dịch tự nhiên đối với vi rút Corona mới, nhưng lại bị điều trị y tế bỏ qua. Đây là “một trong những thất bại lớn nhất của ban lãnh đạo y tế hiện nay của chúng ta”, giáo sư Marty cho biết.

    Nhật Bản tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trong 28 năm để ‘kiềm chế’ ĐCS Trung Quốc


    Hôm 9/9, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận có quy mô lớn nhất trong vòng 28 năm qua. Từ ngày 15/9 đến cuối tháng 11, nước này sẽ huy động khoảng 100.000 binh sĩ cho các cuộc tập trận thực địa. Truyền thông Nhật Bản chỉ ra rằng, động thái này nhằm tăng cường khả năng phòng vệ để đối phó với các hoạt động hàng hải ngày càng thường xuyên và hung hãn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

    Kênh truyền thông Nhật Bản 373news.com đưa tin rằng, hôm 9/9, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận trên quy mô lớn với sự tham gia của tất cả quân đội trên khắp đất nước từ ngày 15/9. Cuộc tập trận quân sự quy mô toàn quốc trước đó của Nhật Bản diễn ra vào năm 1993, đến nay đã được 28 năm.

    Theo 373news.com, mục đích của sự kiện này nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trước các hoạt động hàng hải ngày càng thường xuyên và hung hãn của ĐCSTQ.

    Văn phòng Nhân viên Mặt đất (GSO) cho biết, cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn này sẽ đầu tư khoảng 20.000 phương tiện mặt đất, khoảng 120 chiếc máy bay. Cuộc tập trận sẽ nhấn mạnh vào giai đoạn chuẩn bị chiến đấu và các hoạt động như vận chuyển lương thực, vận chuyển nhân sự và trang thiết bị, triệu tập binh sĩ tự vệ dự bị, xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc khi xuất quân, v.v. Ngoài việc sử dụng các phương tiện giao thông như thuyền, xe tải và đường sắt, Lực lượng Phòng vệ Trên biển, Trên không, cũng như các tàu chiến của Lục quân và Hải quân Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản cũng sẽ cung cấp hỗ trợ vận chuyển.

    Hãng Thông tấn Trung ương CNA đưa tin rằng, cuối tháng 9, khoảng 3.100 người, 800 phương tiện thuộc Lữ đoàn 14 của tỉnh Kagawa, dự kiến ​​sẽ tiến vào các nơi như thao trường Kirishima, thao trường Fukuyama, căn cứ quân sự Yonaguni và căn cứ quân sự Ebino, v.v. ở miền nam Nhật Bản.

    Lữ đoàn 14 cũng sẽ triển khai đào tạo cơ động đường bộ và đường biển tại Kyushu và Hokkaido với Sư đoàn Tohoku.

    Bài báo cho biết những người tham gia sẽ tiến hành xét nghiệm PCR và thực hiện các biện pháp khác để ngăn chặn lây nhiễm COVID-19.

    Tờ Liberty Times đưa tin, nhà bình luận thời sự kiêm nhà báo quân sự Nhật Bản, ông Masato Ushio cho rằng, mùa thu là thời điểm thích hợp để tổ chức các cuộc tập trận quân sự, lực lượng phòng vệ mặt đất đã tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn sau khoảng 30 năm, điều này chắc chắn là do Nhật Bản đã nhận thức được xu hướng của ĐCSTQ.

    Ông Masato Ushio nói rằng, trong khi Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang tổ chức các cuộc tập trận chung với Mỹ, Hải quân Anh và các nước khác, quân đội ĐCSTQ cũng liên tục có những động thái mới. Đây không phải là ngẫu nhiên.

    Trước khi tuyên bố về cuộc tập trận, các quan chức chính phủ Nhật Bản, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo, đã đưa ra tuyên bố cảnh báo ĐCSTQ rằng, Nhật Bản sẽ không đứng ngoài cuộc nếu Đài Loan ‘gặp chuyện’.

    Việt Nam - Trung Quốc cam kết tránh gia tăng bất đồng về Biển Đông


    Hãng tin Reuters, hôm nay 11/09/2021, dẫn thông cáo bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho hay, trong cuộc gặp với các quan chức Việt Nam, ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Bắc Kinh và Hà Nội cam kết tránh có những hành động đơn phương liên quan đến vấn đề Biển Đông làm gia tăng bất đồng và căng thẳng.

    Hôm 10/09/2021, phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, ông Vương Nghị đã khẳng định hai nước cam kết giữ gìn hòa bình và ổn định đã có như hiện nay trên Biển Đông, đồng thời luôn chống lại hành động can thiệp của các thế lực bên ngoài.

    Bắc Kinh vẫn luôn khẳng định có chủ quyền lịch sử trên phần lớn vùng Biển Đông, trong khi các nước láng giềng cũng như Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đều cho rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mà Trung Quốc là một bên tham gia.

    Tháng trước, liên tục tiếp các lãnh đạo Ngoại giao, Quốc Phòng và phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có các chuyến công du Việt Nam và một số nước trong vùng. Tất cả đều tuyên bố phản bác các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như lên án những hành động chèn ép lấn lướt của Bắc Kinh đối với các láng giềng Châu Á.

    Tại Hà Nội, ngày hôm qua, Ủy viên Quốc vụ, bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc và phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt –Trung, một sự kiện thường niên, nhằm « thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển …», theo truyền thông Việt Nam.

    Cùng ngày, Việt Nam thông báo, được Trung Quốc tặng thêm 3 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19. Tổng cộng Bắc Kinh đã viện trợ cho các nước Đông Nam Á 5,7 triệu liều vac-xin do Trung Quốc sản xuất.

    Sau Việt Nam, ông Vương Nghị lần lượt tới các nước Cam Bốt, Singapore và Hàn Quốc.

    Trung Quốc sẽ viện trợ thêm 3 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam

    Ngày 10/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.

    Tại phiên họp, hai bên nhất trí thời gian tới sẽ thúc đẩy tổ chức các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao; triển khai hiệu quả hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

    Tại cuộc hợp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị công bố Trung Quốc sẽ viện trợ thêm 3 triệu liều vắc xin cho Việt Nam trong năm nay, nâng tổng số vắc xin Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam lên 5,7 triệu liều.

    Nga viện trợ thuốc trị COVID-19 cho quân đội Việt Nam

    Voatiengviet – Công ty dược phẩm Polystan của Nga, có trụ sở tại St.Petersburg, cho biết sẵn sàng tài trợ cho Việt Nam một lô thuốc Cytoflavin, hiện đang được sử dụng như một thành phần trong các thuốc chống COVID-19, UrduPoint News dẫn thông báo từ Ủy ban Đối ngoại St. Petersburg cho biết hôm 9/9.

    Khoản viện trợ nhân đạo sẽ được chuyển cho Bộ Quốc phòng Việt Nam để điều trị cho khoảng 1.000 quân nhân và người dân Việt Nam.

    Khoản viện trợ của Công ty Polystan tiếp theo sau cam kết của Nga hồi đầu tháng này về việc hỗ trợ một số lượng vắc-xin Sputnik V và cung cấp cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine trong năm 2021.

    Hoa Kỳ: Các doanh nghiệp từ chối tiêm vaccine đối mặt với án phạt 13.600 đô-la Mỹ


    Những doanh nghiệp Hoa Kỳ không tuân theo quy định nghiêm ngặt về vắc-xin COVID-19 mới của chính quyền tổng thống Biden có thể bị phạt với số tiền lớn lên tới 13.600 đô la cho mỗi vi phạm, tờ New York Post cho hay.

    Tổng thống Biden hôm thứ 10/09 đã công bố một yêu cầu mới của Bộ Lao động, yêu cầu các doanh nghiệp có hơn 100 nhân viên phải tiêm phòng hoặc xét nghiệm hàng tuần cho tất cả nhân viên của họ.

    Điều phối viên COVID-19 của Tòa Bạch Ốc Jeff Zient cho biết trong một cuộc họp báo hôm 10/09:“Và nếu một đơn vị từ chối tuân theo tiêu chuẩn, các khoản tiền phạt do [Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp] có thể khá đáng kể”.

    Ông nói: “Các hành động thực thi bao gồm tiền phạt lên đến 13.600 đô-la Mỹ cho mỗi vi phạm”.

    Các công nhân và nhà thầu liên bang sẽ không có sự lựa chọn thử nghiệm.

    Hiện tại, tiêm chủng đầy đủ vẫn có nghĩa là hai liều tiêm Pfizer hoặc Moderna, hoặc một mũi vắc-xin Johnson & Johnson.

    Chính phủ liên bang cũng có kế hoạch chi 2 tỷ đô-la Mỹ cho 280 triệu xét nghiệm nhanh COVID để mở rộng thử nghiệm thuận tiện trên toàn quốc – mà không cần dùng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR).

    Florida khôi phục lệnh cấm nhà trường bắt buộc đeo khẩu trang học đường

    Một tòa án phúc thẩm của Florida đã phán quyết vào ngày 10/9 ủng hộ Thống đốc Florida Ron DeSantis, ban hành việc khôi phục lệnh cấm của ông về việc các trường công lập của tiểu bang bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà trường, trang News Max cho hay.

    Các công chức tại trường học và ngành y tế đã phản đối quyết định này và đã có nhiều cuộc tranh cãi nổ ra với thống đốc và các quan chức chính quyền về các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

    Thống đốc DeSantis vào tháng Bảy đã ban hành một lệnh hành pháp cấm các việc bắt buộc đeo khẩu trang trong học đường. Ông DeSantis cho biết chính cha mẹ nên quyết định xem con cái của họ có đeo khẩu trang hay không.

    Miami-Dade nằm trong số hơn mười trường học áp đặt các yêu cầu về việc đeo khẩu trang bắt buộc bất chấp lệnh của thống đốc.

    Tuần này, Bộ Giáo dục tiểu bang đã khấu trừ tài trợ từ hai trong số các trường học đó. Vào ngày 27/8, Thẩm phán vòng 2 của Florida, ông John Cooper, đã ra phán quyết rằng tiểu bang không có thẩm quyền cấm việc bắt buộc đeo khẩu trang.

    Phán quyết hôm 10/9 là của Tòa phúc thẩm quận thứ nhất.

    Ông Charles Gallagher, luật sư chính của một nhóm phụ huynh kiện chính quyền bang, viết trên Twitter: “Chúng tôi rất thất vọng trước phán quyết của tòa phúc thẩm số 1 về việc khôi phục lệnh cấm này và sẽ tìm cách thông qua quyền tài phán của Tòa án Tối cao Florida, liên quan đến các vấn đề trên toàn tiểu bang. Với việc chặn yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc, học sinh, phụ huynh và giáo viên sẽ gặp nhiều rủi ro”.

    Không có nhận xét nào