Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 28 tháng 9 năm 2021

    Học viện Y khoa Quốc gia Venezuela hôm thứ Hai (ngày 27/9) bày tỏ lo ngại về việc sử dụng vắc-xin Covid-19 Abdala của Cuba do thiếu nghiên cứu khoa học về tính an toàn và hiệu quả của loại vắc-xin này, hãng tin Reuters cho hay.

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 28 tháng 9 năm 2021

    Học viện này “bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng một sản phẩm không có thông tin khoa học ‘về tính an toàn và hiệu quả’… đang được tiêm cho người dân Venezuela”.

    Học viện Y khoa Quốc gia Venezuela cho biết trong bản tường trình rằng: “Các đặc tính của vắc-xin Sputnik V đã được công bố trên các tạp chí khoa học và chất lượng của nó đã được kiểm chứng trong các thử nghiệm lâm sàng độc lập … (và) vắc-xin Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, trong khi đó vắc-xin Abdala chưa được WHO hoặc bất kỳ cơ quan quản lý quốc tế nào chấp thuận”.

    Venezuela đã nhận được 30.000 liều vắc-xin Abdala đầu tiên vào tháng 6 như một phần của thử nghiệm lâm sàng và Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel hôm Chủ nhật cho biết một lô khác đã được gửi đi nhưng không xác nhận có bao nhiêu liều vắc xin.

    Theo giới chức Cuba, các nhà khoa học nước này đã phát triển ba loại vắc-xin Covid-19 nội địa, tất cả đều đang chờ được công nhận chính thức sau khi WHO đánh giá.


    Triều Tiên họp quốc hội

    Hội đồng Nhân dân Tối cao, cơ quan lập pháp của Triều Tiên, sẽ có lần hiếm hoi họp vào thứ Ba này. Nằm trong chương trình nghị sự là các điều chỉnh đối với kế hoạch kinh tế quốc gia và các chính sách phát triển vùng. Trước đó lãnh đạo tối cao Kim Jong Un đã thừa nhận đại dịch covid-19 gây ra khó khăn nghiêm trọng.

    Các đại biểu cũng sẽ thông qua luật giáo dục nhằm thắt chặt kiểm soát giới trẻ. Gần đây ông Kim đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát hành vi của giới trẻ Triều Tiên, với những cảnh báo nghiêm khắc về khuynh hướng phi xã hội chủ nghĩa trong kiểu tóc và quần áo, cũng như những tiếng lóng mượn từ Hàn Quốc. Những ảnh hưởng như vậy không thể dễ dàng xóa bỏ. Song ông Kim kiên quyết rằng thanh niên không nên làm vậy ở nơi công cộng (vì có thể ảnh hưởng xấu cho bạn bè).

    Anh thiếu xăng dầu

    Nước Anh vừa trải qua một cuối tuần đầy nắng, nhưng nhiều người Anh lại không có thời gian để thưởng thức nó. Cụ thể các tài xế đã phải xếp hàng dài hàng giờ để bơm xăng. Vào cuối ngày Chủ nhật hãng dầu khí BP cho biết 30% trong số 1.200 trạm xăng của họ đã hết nguồn hàng.

    Bộ trưởng giao thông Grant Shapps tuyên bố đây là một cuộc khủng hoảng “giả”. Ông nói một mẩu tin rò rỉ về các vấn đề giao hàng đã gây hoảng loạn. Tuy vậy các hãng vận tải lại đổ lỗi cho Brexit vì làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu tài xế xe tải có đào tạo, vốn đã giảm gần một phần tư trong 12 tháng qua. Hiện chính phủ có kế hoạch cấp 5.000 thị thực ngắn hạn cho lái xe nước ngoài và cử quân đội túc trực để giúp giao hàng. Ông Shapps khuyên người Anh nên suy nghĩ “hợp lý”. Song chỉ nói thôi là chưa đủ.

    Chính phủ Mỹ lại đứng trước nguy cơ đóng cửa

    Trong tuần này Quốc hội Mỹ sẽ xem xét các dự luật rất quan trọng đối với chính quyền Biden, với tương lai của chính phủ liên bang và, có lẽ, với cả sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Vào thứ Năm, Hạ viện sẽ bỏ phiếu về gói cơ sở hạ tầng quan trọng của Joe Biden. Nhưng trước đó, một biện pháp đã được phe Dân chủ ở Hạ viện thông qua – nhằm nâng trần nợ của Mỹ để chi cho chính phủ đến đầu tháng 12 – lại sắp thất bại tại Thượng viện.

    Đảng Cộng hòa nói họ sẵn sàng đồng ý tài trợ tạm thời để ngăn đóng cửa chính phủ vào thứ Năm. Nhưng đổi lại họ muốn đảng Dân chủ loại bỏ tăng trần nợ khỏi dự luật và thêm nó vào chương trình chi tiêu trong nước của họ bằng hòa giải ngân sách, một biện pháp cho phép thông qua luật với đa số đơn giản và do đó không cần phiếu bầu của đảng Cộng hòa. Nhưng sẽ mất một vài tuần để làm vậy, do đó có thể khiến Mỹ không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính, như lời Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo.

    Xu hướng đối nghịch trong phân cực chính trị ở Mỹ

    Hãy hỏi các nhà bình luận xu hướng lớn nhất trong chính trị Mỹ là gì, và nhiều người sẽ nói ngay đó chính là vấn đề phân cực ngày càng tăng trong cử tri. Nhưng một số bài báo được trình bày trong tuần này tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khoa học Chính trị Hoa Kỳ cho biết nói vậy quá đơn giản hóa vấn đề. Nhìn từ một số khía cạnh, phân cực đúng là đã tồi tệ hơn, nhưng từ góc nhìn khác thì không.

    Phân cực xã hội, đặc trưng bởi liên kết chặt chẽ giữa bản sắc của một cá nhân và đảng chính trị họ ủng hộ, đều đặn tăng trong ba thập niên qua. Điều này góp phần gây chia rẽ giữa các cử tri Dân chủ và Cộng hòa. Nhưng người Mỹ lại không hề chia rẽ hơn về quan điểm chính sách. Cách biệt trong quan điểm về phá thai hay chi tiêu chính phủ không hề tăng lên nhiều so với những năm 1980. Song dù không khác nhiều như trước đây, người Mỹ lại ngày càng không ưa nhau. Thực trạng đó phản ánh ảnh hưởng của chính trị bản sắc, truyền thông xã hội và tin tức truyền hình đảng phái.

    Tòa Bạch Ốc nói chính sách với Trung Quốc không thay đổi sau vụ thả Mạnh Vãn Châu


    Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai (ngày 27/9) nói rằng thỏa thuận trả tự do cho Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu vào tuần trước là vấn đề về pháp lý và Hoa Kỳ vẫn không giảm bớt sự lo ngại về hành vi của Trung Quốc.

    Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với các phóng viên rằng: “Hoàn toàn không có tác động. Không ai nên coi điều này như một tác động đến chính sách trọng yếu của chúng tôi”.

    Thỏa thuận đạt được một ngày sau khi ông Tập và ông Biden có cuộc điện đàm đầu tiên trong nhiều tháng vào ngày 9/9.

    Tòa Bạch Ốc cho biết trong cuộc điện đàm, ông Tập đã đưa ra trường hợp của bà Mạnh, trong khi ông Biden nhắc tới hai công dân Canada – doanh nhân Michael Spavor và cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig. Hai người này đã bị giam giữ ở Trung Quốc hơn 1.000 ngày.

    Vài giờ sau khi bà Mạnh Vãn Châu được trả tự do, Trung Quốc liền thả hai công dân Canada. Tuy nhiên, bà Psaki nói với các phóng viên rằng “đây là một quyết định pháp lý do Bộ Tư pháp đưa ra” để đạt được thỏa thuận cho phép Giám đốc Tài chính Huawei được về nước.

    Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt tại sân bay ở thành phố Vancouver, Canada, theo yêu cầu dẫn độ từ Mỹ vào tháng 12/2018. Bà bị cáo buộc lừa dối ngân hàng HSBC và gian lận chuyển tiền, cố gắng che giấu hành vi vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ thông qua công ty Hong Kong Skycom, được cho là chi nhánh của Huawei.

    Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc nói rằng: “Chính sách của chúng tôi đối với Trung Quốc không thay đổi. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Đó là một mối quan hệ cạnh tranh và chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh tế không công bằng, các hành động cưỡng chế trên toàn thế giới và các hành vi vi phạm nhân quyền. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó với sự hợp tác của các đồng minh trên toàn thế giới”.

    Ít nhất 115 người Canada vẫn còn đang bị giam giữ ở Trung Quốc


    Sau khi Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu thoát dẫn độ sang Mỹ lên đường trở về Trung Quốc, cùng lúc Bắc Kinh cũng thả hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor. Theo Đài Á Châu Tự Do, ít nhất 115 người Canada vẫn đang bị giam giữ tại các nhà tù Trung Quốc, trong đó có một số trường hợp liên quan đến yếu tố chính trị. Các chuyên gia Canada đã kêu gọi Ottawa tiếp tục giúp những người này giành được tự do.

    Luật sư người Canada Lại Kiến Bình (Lai Jianping) cho rằng mỗi trường hợp khác nhau, nhưng có thể chia thành ba loại: Thứ nhất là các trường hợp thuần túy chính trị, chẳng hạn như hai người Canada vừa được trả tự do và Kevin Garratt, người bị bắt năm 2014, rõ ràng là ngoại giao con tin; thứ hai là vụ án hình sự thuần túy không có yếu tố chính trị; thứ ba là vụ án hình sự thông thường có yếu tố chính trị chi phối.

    Đối với chính phủ Canada, hai trường hợp sau cần được quan tâm đặc biệt, vì trường hợp của Mạnh Vãn Châu và hai người Canada có thể chứng minh rằng, bất chấp chính sách ngoại giao con tin của Trung Quốc, với nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, tình hình có thể đảo ngược. “Canada và cộng đồng quốc tế có đủ khả năng để gây áp lực lên chính phủ Trung Quốc. Nếu đó là một vụ án chính trị thuần túy, Bắc Kinh phải trả tự do cho người dân; nếu đó là một vụ án hình sự thông thường bị chi phối bởi các yếu tố chính trị, Bắc Kinh nên tuân theo tiêu chuẩn chung, và nếu đó là một tội nhẹ, họ nên bị kết án nhẹ.

    Lấy một vụ án hình sự đơn giản, nam nghệ sĩ người Canada Ngô Diệc Phàm đã bị cảnh sát Trung Quốc tạm giữ hình sự vào tháng trước vì bê bối tình dục. Toàn bộ vụ việc vẫn đang được điều tra, nhưng các quan chức Canada chưa bao giờ công khai bày tỏ quan ngại về vấn đề này. 

    Vụ án buôn ma túy của Robert Schellenberg, người Canada được cho là có liên quan đến vụ án Mạnh Vãn Châu vì ông này bị kết án 15 năm tù ở phiên sơ thẩm, nhưng sau vụ bà Mạnh, vụ án đã bị tuyên án tử hình ở phiên sơ thẩm thứ hai. Ottawa đã nhiều lần lên tiếng phản đối án tử hình đối với Trung Quốc trong trường hợp này.

    Đáng chú ý là trường hợp của Huseyin Celil, một tín đồ Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, năm 2006, ông này sang Uzbekistan thăm gia đình vợ, bị cảnh sát địa phương bắt theo yêu cầu của Trung Quốc và sau đó ông bị đưa về Trung Quốc. Ông Celil bị buộc tội khủng bố vào năm 2007 và bị kết án tù chung thân. Trung Quốc từ chối công nhận quốc tịch Canada của người đàn ông này nên không cho phép nhân viên đại sứ quán Canada đến thăm.

    Hoàng Ninh Vũ, người triệu tập Hiệp hội Thúc đẩy Tự do, Dân chủ và Nhân quyền Trung Quốc ở Vancouver, kêu gọi xã hội Canada chú ý đến Vương Bính Chương, người đã bị giam giữ ở Trung Quốc 19 năm. Năm 1983, ông thành lập nền dân chủ đầu tiên ở nước ngoài. Tổ chức phong trào “Liên minh đoàn kết dân chủ Trung Quốc”. Năm 2002, ông bị bắt cóc từ Việt Nam sang Trung Quốc và bị kết án tù chung thân với tội danh hoạt động gián điệp và khủng bố. Cha mẹ, vợ con, anh chị em của ông Vương đều sống ở Canada.

    Ông Hoàng cho biết: “Bác sĩ Vương Bính Chương là người đầu tiên trên thế giới ủng hộ dân chủ và là người đầu tiên có bằng bác sĩ y khoa ở Bắc Mỹ. Tôi đã tham gia vào phong trào ủng hộ dân chủ Canada hơn mười năm. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Canada thực hiện các nỗ lực ngoại giao để can thiệp về vụ bác sĩ Vương vào nhiều dịp khác nhau hàng năm, nhưng không có phản ứng nào”.

    Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa và khẳng định quyền thử nghiệm vũ khí


    Quân đội Hàn Quốc cho biết là hôm nay, 28/09/2021, Bắc Triều Tiên dường như đã bắn một tên lửa tầm ngắn trên vùng biển. Chưa tới một tiếng sau đó, đại diện của Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc khẳng định « quyền chính đáng » của Bắc Triều Tiên thử nghiệm các vũ khí.

    Theo Bộ Tổng Tham Mưu của quân đội Hàn Quốc, tên lửa này đã được bắn từ tỉnh Jagang đến vùng biển phía đông của Bắc Triều Tiên. Một phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, xin được miễn nêu tên, khẳng định với hãng tin AFP đây có thể là một tên lửa đạn đạo.

    Đây là vụ bắn tên lửa thứ ba của Bình Nhưỡng chỉ trong tháng này. Vụ thứ nhất là bắn thử một tên lửa hành trình tầm xa, vụ thứ hai là bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

    Ngay sau vụ bắn thử hôm nay, Hội đồng An ninh Quốc gia của Hàn Quốc đã họp khẩn và ra một thông cáo lấy làm tiếc là vụ bắn thử này diễn ra « vào lúc ổn định chính trị trên bán đảo Triều Tiên đang ở vào giai đoạn cực kỳ nguy hiểm ». Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã thông cáo lên án vụ bắn thử tên lửa mới của Bắc Triều Tiên.

    Từ Seoul, thông tín viên RFI Nicolas Rocca tường trình :

    « Chỉ một tiếng đồng hồ sau khi phóng một tên lửa mà theo chính quyền Nhật dường như là tên lửa đạn đạo, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc đã phát biểu tại Đại Hội Đồng. Ông Kim Song nhấn mạnh quyền « chính đáng » của Bắc Triều Tiên tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách thử nghiệm các vũ khí. Nhưng ông cũng yêu cầu Hoa Kỳ ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và rút các tên lửa của họ ra khỏi miền nam bán đảo Triều Tiên.

    Về phần mình, Washington đã lên án vụ bắn thử tên lửa Bắc Triều Tiên, cho rằng hành động này là một mối đe dọa đối với các nước trong khu vực cũng như đối với cộng đồng quốc tế.

    Thời điểm của vụ thử nghiệm mới này khiến người ta không khỏi thắc mắc. Mới hôm Chủ nhật, em gái của lãnh đạo Kim Jong Un đã nêu lên khả năng hai miền tuyên bố chấm dứt chiến tranh và hai lãnh đạo sẽ gặp lại nhau. Tuy nhiên, bà Kim Yo Jong cũng yêu cầu Seoul có sự « tôn trọng lẫn nhau » và chấm dứt chính sách « thù địch » đối với Bình Nhưỡng.

    Chiến lược có vẻ mâu thuẫn ở bề ngoài này có thể được xem là một cách để gia tăng áp lực lên tổng thống Hàn Quốc vào lúc ông chỉ còn tại chức trong vài tháng nữa. Sau các cuộc họp thượng đỉnh liên tục vào đầu nhiệm kỳ của ông, tổng thống Moon Jae In đang cố khởi động lại đối thoại đã bị gián đoạn từ năm 2019. »

    Pháp muốn làm trung gian giữa liên minh AUKUS và Trung Quốc


    Rốt cuộc hôm 27/09/2021 Pháp đã lên tiếng tại Liên Hiệp Quốc, trong ngày cuối của tuần lễ khai mạc cuộc họp thường niên Đại hội đồng, nơi các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ tại New York. Khác với thông lệ, không phải tổng thống Pháp mà là ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian phát biểu qua video, vì ông đã trở về Paris từ hai ngày trước.

    Trong diễn văn này ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh đến nhiệm vụ căn bản của Liên Hiệp Quốc là duy trì hòa bình thế giới, đồng thời kêu gọi 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An họp thượng đỉnh để thúc đẩy các đối thoại về kiểm soát vũ khí, đặc biệt tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

    Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten gởi về bài tường trình :

    « Jean-Yves Le Drian đã quay lại với những nguyên tắc căn bản tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Nhiệm vụ của tổ chức này là duy trì hòa bình và an ninh thế giới, và ngoại trưởng Pháp hàm ý một sự đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể gây nguy hiểm cho thế cân bằng này. Ông kêu gọi mở cuộc họp giữa năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An trong đó có Pháp, và đề nghị một giải pháp thứ ba thay cho chiến lược của Mỹ hay của Trung Quốc.

    Ngoại trưởng Le Drian tuyên bố : « Pháp mong muốn tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh năm thành viên thường trực để vạch ra một chương trình hành động chung, nhằm giúp Hội Đồng Bảo An có khả năng hoạt động trong suốt nhiệm kỳ, và tiến hành đối thoại về các chủ đề chính như kiểm soát vũ khí và an ninh tập thể. Đó là lý do khiến chúng tôi hành động và tiếp tục hành động vì hòa bình và ổn định tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, với các đối tác thiện chí trong khu vực này và những nước khác, châu Âu đứng bên cạnh chúng tôi ».

    Về phần mình, Liên Âu từng cho biết cũng đã hoạch định chiến lược cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng không được chú ý do chiến lược này được công bố đúng vào lúc ông Joe Biden đã loan báo về liên minh AUKUS, gây chấn động lớn. »

    Không có nhận xét nào