Header Ads

  • Breaking News

    Phil Caputo - Sài Gòn Nóng 105 Độ Và Nhiệt Độ Còn Tăng Nữa

    Là lính Thủy Quân Lục Chiến ở Việt Nam (1965-1966), là ký giả trong số những người cuối cùng di tản khỏi Việt Nam bằng trực thăng (1975) và là phóng viên đi theo người Afghanistan để tường thuật cuộc xâm lăng của Xô Viết ở Afghanistan (1980), tôi có thể có thẩm quyền để nói rằng tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói của Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken rằng: “Đây không phải là Sài Gòn”.


    So với những gì đang xảy ra ở Kabul thì nhìn lại cuộc ra đi hỗn loạn của Mỹ khỏi Sài Gòn có vẻ trật tự như đám khán giả ra khỏi rạp hát opêra.

    Nhưng chúng ta không thể không thấy sự tương đồng. Tin tức và hình ảnh từ Kabul – tiếng thình thịch của trực thăng, tiếng gầm rú của máy bay vận tải đáp xuống và cất cánh, cùng với cảnh thường dân kéo ồ tới máy bay, liều mạng leo lên – gợi lại trong trí tôi về ngày 29 tháng 4 năm 1975, khi kẹt trong một thành phố bị bao vây, anh bạn đồng nghiệp Ron Yates tóm tắt một cách độc đáo cảm tưởng của người Mỹ về đế chế lúc tàn cuộc.

    Lúc đó là phóng viên vùng Viễn Đông của tờ Chicago Tribune, Yates nói: “Biết tôi nghĩ gì không? Cách anh chơi bóng bầu dục ở hai phút cuối của trận đấu và tỉ số là 56-0, và anh bên phía 0.”

    Yates và tôi đang túm tụm với khoảng hai chục người ngoại quốc khác, phần lớn là phóng viên chiến trường, trên hành lang dưới đất của khách sạn Continental Palace ở Sài Gòn khi quân Bắc Việt lăn bánh xuống phía nam. Toà nhà rung chuyển lắc lư khi quân Bắc Việt pháo kích Sài Gòn.

    Lúc đó là 10 giờ rưỡi sáng, đạn pháo dội xuống đã sáu giờ đồng hồ. Xe tăng địch quân đã xuyên thủng hàng phòng vệ bên ngoài của thành phố. Hôm qua chúng tôi đã được hướng dẫn và chỉ định vào các nhóm di tản, mỗi nhóm được phát một máy liên lạc làn sóng ngắn để chờ nghe mật hiệu.

    Mật hiệu chúng tôi chờ nghe là: “Sài Gòn nóng 105 độ và nhiệt độ còn tăng nữa,” sau đó là vài đoạn trong bài “White Christmas” của Bing Crosby.


    Chúng tôi không nghe thấy gì, máy liên lạc của anh trưởng nhóm chỉ phát ra tiếng lào xào không rõ, và chúng tôi tự hỏi: “Phải chăng nó vẫn còn ngân nga, phải chăng bộ máy Ảo tưởng Hoa Kỳ Vĩ đại trong mười năm đẫm máu đã tiên đoán ánh sáng cuối đường hầm vẫn còn phát ra ảo tưởng và lời dối trá mượt mà?” Câu chuyện thần tiên gần đây nhất là Nam Việt Nam có thể tự đứng vững, có thể đẩy lùi cuộc tấn công của Bắc Việt, tuy rằng các chứng cớ ngược lại là điều không thể chối cãi.

    Ảo tưởng tập thể đó có thể quen thuộc với các cựu chiến binh trong cuộc xung đột ở Afghanistan.

    Huyền thoại về cây me chiếm vị trí trung tâm trong câu chuyện thần tiên ấy. Cây me mọc trong khuôn viên toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Khoảng một tháng cuối, nhân viên toà đại sứ đã khẩn khoản yêu cầu Đại sứ Graham Martin đốn cây me để trực thăng có thể đáp xuống an toàn mà di tản các viên chức Mỹ và người Việt làm việc cho họ. Graham từ chối – ông nói đốn cây me sẽ làm đồng minh của chúng ta hiểu lầm. Chỉ mới 24 giờ trước, ngay cả khi đang chỉ định các nhóm di tản, ông đã đánh điện báo tin mừng cho Washington: Tình hình rất khả quan, hủy bỏ mọi kế hoạch di tản, Sài Gòn sẽ không mất. Sau đó, một nhóm viên chức trẻ ở toà đại sứ phớt lờ Graham và gửi sự thật cho Washington. Mười lăm phút sau, Nhà Trắng gửi điện trả lời – di tản tiếp tục.

    Dù tụ tập trong khách sạn rất gần với toà đại sứ, tất cả chúng tôi đều tự hỏi: “Thật vậy sao? Cây me vẫn còn à?”

    Rồi anh trưởng nhóm của chúng tôi reo lên: “Trực thăng đang tới!” và bảo mọi người im lặng. Anh vặn lớn tối đa âm thanh của máy liên lạc, và chúng tôi nghe:

    “Diamond Control, đây là Whiskey Six. Sài Gòn nóng 105 độ và nhiệt độ còn tăng nữa. Hết.”

    Anh trưởng nhóm nhảy cẫng lên, hét: “Đúng rồi! Một trăm phần trăm di tản! Mình cuốn xéo khỏi chỗ này!”

    Ai đó nói: “Ê, họ còn phải chơi bản ‘White Christmas’ nữa. Họ chưa chơi ‘White Christmas’ mà”

    Anh trưởng nhóm rú lên: “Tổ cha Bing Crosby! Bye-bye rồi tụi bay!”

    Chạy khỏi Sài Gòn

    Nhóm chúng tôi được xe buýt đưa tới khu quân sự của phi trường Tân Sơn Nhứt ở Sài Gòn. Xe buýt chạy ngang toà đại sứ Mỹ, toà pháo đài khổng lồ được bức tường cao 4 mét bên trên căng dây kẽm gai. Quang cảnh ở đó giống cuộc náo loạn trong trận đá bóng: hàng ngàn người Việt giẫm lên nhau, cố chen qua cánh cổng sắt hoặc leo qua tường. Trên đầu tường, thủy quân lục chiến Mỹ dùng báng súng nện vào bàn tay và đầu – hình ảnh khắc sâu vào tâm trí tôi, vừa cay đắng vừa buồn – thủy quân lục chiến Mỹ đánh những người mà mười năm trước họ được đưa tới để cứu.

    Khi chúng tôi lái tới phi trường, ngang qua những người lính VNCH ủ rũ và hoảng sợ, tôi cũng cảm thấy xấu hổ cho chính mình và cho đất nước tôi. Tôi cảm thấy như kẻ đào ngũ.

    Giữa tiếng pháo 130 ly vang dội trên đường bay, chúng tôi được lùa vào khu Tùy viên Quân sự. Ở đó có vẻ trật tự đã được ổn định, sau mấy giờ rối loạn vừa qua. Hàng trăm người Việt, phần lớn là sĩ quan và gia đình, chen chúc với chúng tôi. Thủy quân lục chiến và nhân viên toà đại sứ chia chúng tôi thành các nhóm trực thăng, phát thẻ lên máy bay, chỉ chúng tôi chỗ tập họp. Chúng tôi tiến ra cửa. Một anh lính mở tung cửa và ra lệnh: “Chạy!” Tôi phóng tới chiếc Chinook đang đậu trong bãi đáp vốn là một sân quần vợt. Người Việt chạy theo tôi, mặc dù một số ì ạch vì mang theo va ly đầy vàng.

    Thế là rất đông đàn ông, đàn bà, trẻ con chồng chất lên chiếc Chinook, giống như toa xe điện ngầm ở New York trong giờ cao điểm. Tôi tự hỏi liệu nó cất cánh nổi không. Nó bốc lên, liệng trên Sài Gòn và ruộng lúa và làng mạc, rồi băng ra biển. Tôi xem giờ: 4 giờ 17 chiều. Bên dưới tôi chỉ thấy Biển Đông và tàu bè, các chiến hạm của Hạm đội 7, tàu dân sự bị trưng dụng cho mục đích quân sự. Tất cả đều đông chật người tị nạn.

    Chiếc Chinook xuống bãi đáp của một chiếc tàu vận tải. Cánh cửa mở ra, Yates và tôi leo ra sau một phụ nữ nghiêng người vì sức nặng của vàng lén mang theo trong hành lý đào thoát của bà. Một thủy thủ vỗ lưng tôi và nói: “Chào bạn đến chiếc USS Denver, mừng anh bạn về đến nhà.”

    Và đó là sự việc xảy ra vào ngày trọn vẹn cuối cùng của lần thất trận đầu tiên của Hoa Kỳ.

    Ảo tưởng từ Vùng châu thổ tới Rặng Hindu Kush

    Những ngày cuối cùng của lần thất trận thứ hai của Hoa Kỳ tệ hại hơn ra sao?

    Ôi dào, tôi thừa nhận đó là cảm tưởng của mình, khi xem và đọc tin, là tệ hơn. Sài Gòn năm 1975, trong 19 tiếng, máy bay Mỹ chở hơn 7.000 người Việt, Mỹ và quốc tịch khác tới nơi an toàn. Sau đó hàng ngàn người nữa được cứu ngoài biển. Vào lúc tôi viết bài này, hai ngày sau khi Taliban chiếm Kabul và toàn quốc, người Afghanistan được bay đến nơi an toàn chỉ đến con số trăm. Nhưng điểm khác biệt chính là cuộc di tản khỏi Sài Gòn, tuy sắp xếp vội vàng, ít ra nó có tổ chức và có kế hoạch. Cuộc di tản khỏi Kabul dường như không có chút kế hoạch nào, nếu có thì việc thực hiện cực kỳ kém.

    Một điểm tương đồng nổi bật của hai cuộc chiến so với các cuộc chiến khác: bộ máy Ảo tưởng Hoa Kỳ Vĩ đại vận hành một cách hiệu quả ở Rặng Hindu Kush cũng như ở Châu thổ sông Cửu Long, đưa ra những dự đoán thắng lợi lạc quan trái ngược với sự thật đen tối trên mặt đất. Không ai ở Washington nghĩ rằng trong vài tuần 75.000 phiến quân không cần nổ súng nhiều sẽ đánh bại 300.000 quân Afghanistan được pháo binh và hoả lực yểm trợ mạnh mẽ. Quân Bắc Việt phải chiến đấu mới vào được Sài Gòn, Taliban chỉ cần thả bộ vào Kabul.


    Ba chính quyền liên tiếp của Mỹ đã phạm sai lầm vì có một số nhận thức sai. Hoa Kỳ cho rằng Afghanistan là một quốc gia có tính dân tộc chặt chẽ – thực ra nó là một liên minh lỏng lẻo gồm các vùng sắc tộc (Pashtuns, Uzbeks, Tajiks, Hazaras) do các lãnh chúa điều hành và không trung thành với chính quyền trung ương. Và Hoa Kỳ cho rằng chính quyền Afghanistan tuy tham nhũng và gian lận tràn lan, rốt cuộc sẽ xây dựng được một nền dân chủ hiệu quả, hay ít ra là tương tự như vậy.

    Đối với phần lớn người Mỹ, Afghanistan là một nơi bí ẩn, hoàn toàn xa lạ, không hiểu được và không thể hiểu. Việt Nam cũng đã như vậy. Khi tôi là trung đội trưởng bộ binh ở đó, chúng tôi thường gọi Hoa Kỳ là “Trái đất,” như thể chúng tôi đang chiến đấu trên một hành tinh xa lạ. Về một mặt nào đó, đúng như vậy. Khi trả lời phỏng vấn với Wall Street Journal vài ngày trước, Chuck Hagel, bộ trưởng quốc phòng thời tổng thống Barack Obama và là cựu chiến binh có huy chương ở Việt Nam, nói rằng sự hiểu biết không ăn khớp giữa người Mỹ và Afghanistan là sự lặp lại của cùng một hiện tượng đã làm hại nỗ lực ở Việt Nam.

    Hagel nói: “Đây là bài học chúng ta học được ở Việt Nam, và chúng ta phải học ở Afghanistan, và cả ở Iraq nữa. Chúng ta rơi vào tình trạng này, chúng ta không bao giờ biết chắc tại sao chúng ta lại ở đó. Chúng ta không bao giờ chịu học phong tục tập quán và con người ở đất nước ấy.”

    Bài học đó lẽ ra chúng ta có thể học từ người Nga ở Afghanistan, nơi tôi đã trải qua khoảng sáu tuần vào năm 1980 với toán quân Afghan Mujahedeen chống lại Nga khi tôi làm cho tờ Esquire. Tôi tin chắc rằng nhiều người trong số các chiến binh dữ tợn ấy là cha ông của Taliban ngày nay. Một số trẻ hơn có thể bây giờ trong giới chỉ huy cao cấp của Taliban.

    Hiển nhiên ngay từ đầu các chiến binh Mujahedeen đã quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm, bất kể kéo dài bao lâu, bất kể hoả lực của họ thua kém ra sao. Một lần, nhiếp ảnh gia người Anh của tôi là Steve Bent và tôi nấp trong hang với một nhóm phiến quân trong khi hai chiếc máy bay vũ trang MI-24 của Nga lượn thấp và chậm trên dòng sông phía trước chúng tôi. Ở miệng hang, một phiến quân giơ súng trường nhắm hai chiếc trực thăng trang bị súng liên thanh, hoả tiễn, bom và thiết bị điện tử. Tôi cầu cho anh ta đừng bắn để tất cả cơn thịnh nộ kỹ thuật đó khỏi trút xuống đầu chúng tôi. Khi trực thăng bay đi, tôi xin được xem khẩu súng trường của anh ta. Chữ V.R. – Victoria Regina – đóng trên ổ đạn của khẩu súng và năm sản xuất là 1878. Đó là khẩu Martini-Henry bắt phát một, vũ khí tiêu chuẩn của bộ binh Anh-Ấn thời Rudyard Kipling.


    Người Nga đánh giá thấp lòng kiên cường và gan dạ của đối thủ. Người Afghanistan từ thuở nhỏ đã học cách vượt qua khó khăn. Khoảng một tuần sau vụ xảy ra trong hang, Bent và tôi đi cùng một biệt đội 30 phiến quân hộ tống dân tị nạn tới nơi an toàn trong nước Pakistan kế cận, một tuần hành quân nữa. Trong chuyến đi, tôi thương hại cậu bé 10 tuổi có bàn chân lấm đầy thương tích. Chúng tôi phải băng qua chiếc cầu gỗ bắc ngang dòng nước chảy xiết trên núi. Thằng bé chắc chắn không thể giữ thăng bằng trên khúc gỗ duy nhất, tôi vác nó qua. Khi tôi đặt nó xuống bên kia cầu, cha nó giật nó khỏi tay tôi, tát nó, rồi đấm vào ngực tôi. Dĩ nhiên phản ứng của ông ta làm tôi sửng sốt. Viên chỉ huy toán quân giải thích rằng thằng bé phải học cách tự sinh tồn. Vì lòng tốt của tôi, nó sẽ trông chờ người lạ đến giúp khi nó gặp khó khăn.

    Người ngoài khó có thể hiểu các mối liên minh uyển chuyển và luôn biến đổi rất đặc biệt trong các cuộc chiến tranh ở Afghanistan, một bài học chúng tôi đã học vài ngày sau đó, khi dân tị nạn dắt díu nhau thành một xâu dài tựa như con rết khổng lồ rồi bị bọn cướp chặn giữ lại. Chúng tôi thấy chỉ có ba đứa, do một tên dữ dằn râu rậm cầm súng máy của Nga chỉ huy. Chúng đòi tiền mãi lộ để qua khu vực của chúng. Mặc dù toán Mujahedeen của “chúng tôi” đông hơn gấp mười lần, họ ngoan ngoãn phục tùng, vì đồng đảng của bọn cướp đang nấp trong các ngọn đồi xung quanh. Bọn cướp thu tiền và nữ trang của dân tị nạn. Viên chỉ huy của chúng tôi đưa Bent và tôi tới một bờ đê khuất mắt. Ông cho chúng tôi biết bọn cướp thuộc một phe du kích đối nghịch và nếu thấy hai người ngoại quốc, chúng sẽ bắt cóc chúng tôi để đòi tiền chuộc. Tôi phản đối trật lất, “Nhưng các anh được coi là cùng phe mà.”

    Một đêm, Bent và tôi đến một dòng sông rộng chảy xiết, sông Konhara, vào lúc nửa đêm. Vài trăm dân tị nạn phải qua phà để được hướng dẫn vào Pakistan trước khi rạng sáng, lúc đó máy bay Nga sẽ tuần tra. Phà là những chiếc bè nổi trên ruột bánh xe và bộ da dê bơm phồng có người chèo chống. Chất đầy người và đồ đạc, những chiếc bè ọp ẹp này nghiêng ngả xuôi dòng, những người chèo lái chật vật xoay xở băng ngang dòng nước tới bờ bên kia. Thường dân bên này giơ tay lên trời và đồng thanh la hét: “Allahu akhbar! Allah vĩ đại!” Một ông vung chiếc đèn dầu báo hiệu cho chiếc bè kế tiếp tiến ra. Nó ra. Sự việc kéo dài giờ này qua giờ khác cho đến bình minh, đám đông đợi qua sông đồng thanh: “Allahu akhbar!” mỗi lần một chiếc bè đến bờ an toàn. Đức tin kiên cường của những người này đáng khâm phục, lời cầu nguyện của họ át tiếng gầm của dòng sông không kém phần vĩ đại. Tôi tin rằng người Nga có thể làm bất cứ điều gì với người Afghanistan, ngoại trừ đánh bại họ.

    Mười hai năm sau khi Liên Xô rút lui, và hai chục năm sau nữa, Hoa Kỳ cũng cố gắng và lại thất bại, lại góp máu và tiền của, những điều Nga hoàng, đế quốc Anh và ngay cả Alexander Đại đế đã học một cách đắt giá về “nghĩa địa của các đế quốc.” Tôi nhớ lại hồi tôi là anh thiếu úy ở Việt Nam, lắng nghe một người bạn ngâm bài thơ của Rudyard Kipling mà anh thích. Khổ thơ cuối cùng có thể áp dụng cho Afghanistan cũng như cho Việt Nam:

    Và cuối cuộc chiến là tấm bia mộ trắng với tên của người quá cố,
    Và lời văn bia u buồn, ‘Một kẻ dại khờ định hối thúc Phương Đông đang nằm đây’

    https://www.tvvn.org/

    Không có nhận xét nào