Thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện bài than phiền ngôn ngữ VN xuống
cấp, yêu cầu phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Thật tình người viết
không biết nên hiểu “trong sáng” ở đây nghĩa thế nào. Là chính xác? Là đúng
đắn? Nhưng nếu có hỏi thế nào là chính xác, đúng đắn thì nhiều phần sẽ không có
câu trả lời thỏa đáng, vì chuẩn mực văn hóa của ngôn ngữ Việt chưa bao giờ đươc
xác định dứt khoát.
Ngôn ngữ nhiều khi rất hàm hồ, không chính xác, không chỉ đối với cái gì trừu
tượng mà ngay cả đối với cái gì cụ thể. Vd. Tự do, dân chủ là những khái niệm
được hiểu rất khác nhau, cho nên triệu triệu người đã bỏ mạng vì chúng. Vận
động tranh cử Tổng Thống Mỹ đang diễn ra cho thấy chủ nghĩa xã hội của B.
Sanders rất khác chủ nghĩa xã hội của CS. Một vật có mặt bằng vuông nhỏ và 4
chân, không cao lắm, chỉ khoảng 40 cm, có thể ngồi lên hoặc đặt để vật trên đó,
tự thân nó không có tên. Chỉ khi đem ra sử dụng mới gọi đúng được nó là ghế hay
bàn.
Lịch sử ngôn ngữ cho thấy nó biến chuyển không ngừng, tự phát và dần dà, ít nhận thấy, trừ những người quan tâm như văn nghệ sĩ, hoc giả, nhà chuyên môn… và thường là không phải giới trẻ. Giới trẻ tiếp nhận và sử dụng ngôn ngữ có cái nhìn đồng đại. Chỉ người lớn sau một thời gian dài quan sát mới có cái nhìn lịch đại nhận ra các thay đổi. Tuy nhiên thiết tưởng cũng nên tìm hiểu kỹ hơn để hiểu rõ ngôn ngữ hầu có thể tránh được những nhận xét phiến diện.
Đúng như B.L. Whorf nhận xét, cơ cấu ngôn ngữ của một dân tộc quy định cách dân tộc đó nhìn thực tại như thế nào. Nhưng khi thực tại này biến chuyển không ngừng thì ngôn ngữ phải thay đổi để thích nghi với thực tế. Loại thay đổi ngoại tại này nằm trong 3 nguyên nhân sau.
1- Thời đại mới có những kỹ thuật mới, tư tưởng mới, sinh hoạt mới…..đòi hỏi phải có từ ngữ mới thích hợp. Vd. Máy tính điện toán, nhu liệu, phần cứng, điện thư, iphone. Chuyên chính vô sản, kinh tế thị trường, giải cấu luận, toàn cầu hóa. Đồng tính, chuyển giới, sách nhiễu tình dục. Đặc biệt VN sau biến cố 1975 cả một mảng lớn ngôn ngữ khác lạ về chính trị, xã hội, văn hóa từ miền Bắc du nhập vào miền Nam khiến cho nhiều người trong Nam ngạc nhiên, cảm thấy lạc lõng, thậm chí cho là sai trái.
2- Tiếp xúc với ngôn ngữ khác cũng làm biến đổi ngôn ngữ bản địa, nhất là đối với ngôn ngữ láng giềng, hoặc ngôn ngữ phổ biến của một nước hùng mạnh trên thế giới. Điển hình là ngôn ngữ VN đã biến chuyển nhiều do ảnh hưởng lâu đời của Trung Quốc và gần đây của Hoa Kỳ.
3- Bản tính con người thích sáng tạo, đổi mới, không bằng lòng với ngôn ngữ đương đại, thỉnh thoảng lại đề ra những cải cách, tạo cách nói mới, từ mới.
Vd. Nguyễn Thiện Thuật đề nghị viết rõ tinh nghĩa khác nhau của chữ kinh dưới nhiều dạng kinhs sợ, kynhp đô, kynh Thánh, kinh nghiệm…
Nguyễn Hữu Ngư bảo nên bỏ Y thay bằng I, bỏ H trong GH, NGH…. và làm gương bằng cách lấy bút danh là Nguiễn Ngu Í, Ngê Bá Lí.
Dương Đức Nhự yểm trợ cải cách này và còn đề nghị du nhập F, J, W, Z vào Việt ngữ: vd. gồ gề, zễ zàng… và như vậy câu Kiều sẽ viết thành:
Trăm năm trong kõj người ta.
Cữ tài cữ mệnh qéw là gét nhaw.
Chưa kể có người thay vì viết cả chữ, thích viết tắt: k nhạc, c dịch, h hỏng, n em, m anh… Người viết cũng đã thử làm thơ lục bát theo cải cách này:
B L M, H U O
D M N F M R Q N
Gần đây nhất có Bùi Hiền, du nhập F, J, W, Z và cải cách sâu rộng triệt để các
phụ âm Việt (xin tham khảo nhiều tài liệu trên net) gây ra tranh cãi sôi nổi.
Theo đó câu Kiều sẽ viết thành:
Căm năm cow kõi wười ta
Cữ tài cữ mệnh xéo là gét nhau
Thực tế các cải cách này thường bị coi là vụng về, ảo tưởng, nguy hiểm, không những làm rối rắm ngôn ngữ mà còn phá hoại văn minh xã hội, di sản văn hóa dân tộc, không được đa số hưởng ứng lại còn bị chế diễu dè bỉu. Tuy nhiên tự bản thân ngôn ngữ luôn luôn trải qua những thay đổi nội tại vì bị xô đẩy lôi kéo bởi những động lực khác nhau, nhiều phần là vô thức.
Giống như bị chặn lối bởi hàng rào, tự nhiên là người ta sẽ tạo lối mòn để vượt qua, rồi lần hồi các người sau cứ theo đó mà đi, chẳng hề suy nghĩ, cuối cùng hình thành một đường mòn; cũng vậy, bất cứ ai cũng có thể đầu têu một chữ lạ, các người sau cứ thế bắt chước, riết rồi xuất hiện thành một chữ mới. Thay đổi thường nhỏ giọt, dần dà, im ắng, không gây xáo trộn thông tin, không dễ nhận diện thời gian đầu. Chỉ sau những cuộc Cách Mạng, những biến cố chính trị văn hóa lớn (như tại VN 1975) các thay đổi mới thấy đồng loạt, nổi cộm.
Có thể kể ra 3 động cơ làm thay đổi ngôn ngữ một cách vô thức:
Một là thói lười biếng, thích dễ dàng khiến tiết kiệm, giản lược lối nói. Vd.
–Rút gọn: Xin đểu ( cướp một cách đểu giả), Ngoáo ộp -> ngáo ộp -> áo ộp.
–Viết tắt: tngt (tai nạn giao thông).
–Bỏ động từ trong ngoặc: (gây) ấn tượng, (có) ý kiến.
–Chọn đọc n, t dễ dàng và trơn tru nhanh lẹ hơn l, tr trong 2 câu sau: cái nọ nó năn nong nóc trong cái nhà nò; con tâu tắng buộc cành te tụi, ăn no tòn như cái tống teo.
–Để cho tiện lợi, không cần phát âm phân biệt giữa l-n, ch-tr, d-gi. Viết người Hà Nội mà đọc thành người Hà Lội.
Các thói tật này có khuynh hướng làm xói mòn xuống cấp ngôn ngữ.
Hai là, đàng khác, muốn nhấn mạnh, thì lại thêm chữ mà có khi phản nghĩa hoặc dư thừa. Vd. Bất thình lình, đột nhiên chợt, không đời nào.
Ba là dùng tương đồng để gia tăng vốn từ vựng. Tuy nhiên coi chừng có những suy luận sai. Mặc dù hai từ đồng nghĩa, nhưng không phải là có thể thay chỗ cho nhau. Vd. thủ lợn – đầu heo, bể mánh – vỡ mộng, thiên hô bát sát – thiên la địa võng…. Có thể viết 1 trong 2 cách: tôi thường (thường) tới đó, tôi luôn (luôn) tới đó, nhưng chỉ được viết: tôi đã tới đó, không được suy luận tương tự nghĩ là có thể viết: tôi đã đã tới đó, giống như ngoại nhân khi học Việt ngữ đã vấp phải.
Ẩn dụ (metaphor) là biện pháp thường dùng để tạo nghĩa mới. Meta = ngang qua, phor = chuyển dịch, gốc Latin có nghĩa là chuyển qua một nghĩa mới. Ngôn ngữ thoạt tiên ít ỏi và cụ thể, nhờ ẩn dụ mà có thêm nhiều nghĩa mới về tinh thần, trừu tượng; và lâu ngày dùng quen, tất cả hợp thành ngôn ngữ rất tự nhiên không còn dấu vết của ẩn dụ. Vd. Câu sau rất nhiều ẩn dụ (động từ) mà nay nghe rất tự nhiên: Thiên hạ đói tin, truyền thông xào nấu tin chưa kiểm chúng rồi rò rỉ ra để họ ngấu nghiến tiêu thụ.
Ẩn dụ bồi đắp ngôn ngữ, bù trừ các xói mòn, nên ngôn ngữ mất cái này lại thêm cái kia, chuyển biến liên tục mà không xáo trộn.
Xem xét hoạt động của ngôn ngữ, có nhận xét chung là người này tiếp sau người kia, ai cũng than phiền ngôn ngữ nước mình xuống cấp. Vd. English, Samuel Johnson (1709 – 1784) trong lời giới thiệu quyển Dictionary of the English Language viết rằng “Ngôn ngữ, giống như chính quyền, có khuynh hướng thoái bộ”. Năm 1946 G. Orwell bảo phải thừa nhận là English đang xấu tệ. Nhưng trước đó, năm 1848 A. Schleicher đã nhận xét English xuống dốc nhanh quá so với England hùng mạnh về lịch sử và văn học; trong khi thật ra từ năm 1780 T. Sheridan cũng đã nghĩ English thời ông xấu đi, khác hẳn tình trạng toàn hảo của 70 năm trước. Ông không biết rằng J. Swift ngay từ năm 1712 đã phàn nàn English thật bất toàn.
Đức, Pháp cũng có những ca cẩm tương tự suốt chiều dài lịch sử ngôn ngữ nước họ. Viện Hàn Lâm Pháp xưa có thẩm quyền về chuẩn mực ngôn ngữ, thời gian về sau đã lơ là, truyền thông và giới trẻ được dịp tự do múa bút, khiến năm 2001 S. Koster phải kêu lên rằng đã làm xấu ngữ pháp được xây dựng lâu đời và ổn định từ thế kỷ XVIII. Nhưng năm1843 Viện sĩ V. Cousin đã than phiền ngôn ngữ xuống cấp từ Cách Mạng 1789; có nghĩa là thực tế không phải ổn định như S. Koster tưởng.
VN trong mấy chục năm qua lâu lâu cũng lại xuất hiện các ta thán xuống cấp của Việt ngữ, nhiều không thể nhớ hết tên các tác giả văn nghệ sĩ, học giả, nhà chuyên môn và dân thường… đã góp ý.
Các nhận xét trên cho thấy hình như là càng về sau ngôn ngữ càng xấu đi, khiến cho có người đã thử tìm hiểu tại sao.
Có lẽ ngày xưa, người ít, vật ít. Chính quyền có thì giờ chú tâm củng cố, cải thiện ngôn ngữ dân tộc. Người viết sách không nhiều và thường có học vấn đáng kể, cho nên nhìn chung ngôn ngữ tốt đẹp đều khắp. Sau này, xã hội phát triển chính quyền lơ là vì bận lo nhiều việc khác. Nhiều văn nhân, nhiều sách xuất hiện, lại được thả lỏng, tự động lược bỏ những gì phức tạp, chọn cái dễ dãi, loại hình ngôn ngữ chấp dính (hình vị rối rắm, ngữ pháp phức tạp, vd kiểu như Latin) bị đào thải dần, thay thế bằng từ vựng, ngữ pháp đơn giản hơn, diễn đạt không văn hoa cầu kỳ như trước kia.
Mặt khác, càng về sau số lượng càng nhiều (in ấn, internet, ebook…) thì khuyết điểm cũng phải nhiều nên dễ nhận biết hơn; nhất là tính dân chủ của xã hội hiện đại, ai cũng có thể viết văn làm thơ, phổ biến cùng khắp, mặc dù khả năng văn hóa chưa đạt. Lại nữa, tâm lý người lớn tuổi có khuynh hướng nhìn quá khứ đẹp hơn hiện tại, chú ý nhiều đến mặt tích cực hơn là tiêu cực; trong khi đối với hiện tại thì bất mãn, nhìn thấy nhiều khuyết điểm hơn là các ưu điểm.
Các dữ kiện trên cho thấy xuống cấp của ngôn ngữ là nét chung trong nhiều quốc gia do tính chất biến chuyển không ngừng của ngôn ngữ, chứ không phải chỉ riêng ở VN. Đặc biệt ở VN, do hoàn cảnh lịch sử, nhiều người có ác cảm với VC, nên có thành kiến, không giữ được công bằng trong nhận định. VC không phải là nguyên nhân duy nhất của ngôn ngữ xuống cấp, nhưng họ có làm cho nó xấu đi thêm. Một số cán bộ có trình độ chuyên môn cao nhưng từ nhỏ đã hấp thụ nền giáo dục vô sản nông cạn, hời hợt, vô thần, kém đạo đức, khả năng văn hóa thấp, học văn không đến nơi đến chốn (phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam) cho nên thỉnh thoảng vẫn phát ngôn bừa bãi, lệch chuẩn, làm gương xấu và phương hại đến ngôn ngữ. Về phần giới trẻ với giáo dục và vốn văn hóa hạn chế như thế bảo sao đa số không lệch chuẩn. Tất cả làm ngôn ngữ xuống cấp mau hơn.
VC có những nông cạn, thiếu sót, nhưng dần dần cũng đã cải tiến, bớt hoặc bỏ dùng các từ chung chung quá rộng nghĩa, vd. tốt, xử lý, hoàn chỉnh, chất đốt…. hoặc các từ gốc Hán để tỏ ra có học thức, vd. tranh thủ, khẩn trương, quá độ… hoặc các từ chỉ hữu dụng giai đoạn chiến tranh để dân chúng dễ hiểu, vd. máy bay lên thẳng, lính thủy đánh bộ, giặc lái, chiến sĩ gái…. Nhưng mặt khác VC lại sản sinh những “quái ngữ” mới khiến làm điên đầu. Vd. đối tượng, dư luận viên, tầu lạ, cực kỳ, thoáng, luồng, chùm… Gọi quái ngữ là vì nghĩa quá xa lạ hoặc quá “thoáng” dùng rất bừa bãi.
Từ ngữ vay mượn của nước khác có thể giữ nguyên hay thay đổi, cả 2 cách đều được chấp nhận. VN có nhiều chữ Hán thuộc loại này. Nếu miền Nam quen dùng phản ảnh, khoái trá, thấy VC dùng phản ánh, khoái chá chê là sai thì người viết không rõ căn cứ vào đâu, vì chữ VC dùng là Hán tự mượn giữ nguyên, còn miền Nam là mượn có thay đổi; cả 2 cách đều được chấp nhận. VC có sử dụng nhiều từ cụ thể với nghĩa rộng thì cũng là bình thường, nếu không muốn nói là mới lạ, chẳng nên võ đoán cho là sai, dở. Vd. mảng văn học, vốn từ vựng, quỹ thời gian, khâu lắp ráp, ùn tắc công việc, trải lòng…. Một số từ của VC cũng đã đi vào dòng chính và được sử dụng ở hải ngoại.
Một điểm cần ghi nhớ là ngôn ngữ không đồng nhất, mỗi giai cấp, nghề nghiệp, địa phương, thành phần già trẻ nam nữ có lối nói riêng. Khi nhận định không nên lẫn lộn các khu vực (register) ngôn ngữ này vì chuẩn mực khác nhau. Các khu vực thường bị than phiền làm hại đến sự trong sáng của ngôn ngữ là truyền thông (thích từ ngữ giật gân, hấp dẫn, vd. Tăng cán biểu tình); chính trị gia (ưa chữ đao to búa lớn, đôi khi ý nghĩa không rõ hoặc rỗng tuếch, vd. Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN); giới trẻ (thường cẩu thả, thích cái mới lạ, vd. Iu, bít rùi, wa, wen). Chưa kể cũng phải phân biệt ngôn ngữ văn hóa chú ý đến hay đẹp còn ngôn ngữ thường ngày nói đúng là bằng lòng rồi.
Không nên lấy cái giáo dục cũ của mình, với hấp thụ ngữ pháp cổ điển, để mà xét đoán ngôn ngữ hiện đại, nhất là bây giờ rất phức tạp nhờ giao lưu rộng rãi đã du nhập những thành ngữ, cấu trúc mới lạ, làm phong phú tiếng Việt. Nói vậy không có nghĩa là để mặc cho thiên hạ tự tung tự tác, viết sai chính tả, lủng củng câu văn, bất chấp ngữ pháp, dùng chữ bừa bãi, ngô nghê lai căng. Cho dù chưa có chuẩn mực ngôn ngữ, và ngôn ngữ chỉ là tùy tiện, võ đoán, nhưng người VN tử tế, có giáo dục đàng hoàng vẫn trực giác nhận chân được cái hay đẹp, trong sáng của ngôn ngữ để cố gắng bảo tồn, tôn trọng những nguyên tắc về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp cũng như đề cao tính dân tộc, không lai căng, tính lịch sự của lời ăn tiếng nói.
Miễn là đừng để cảm tính, thành kiến chi phối, cố gắng công bình khách quan nhận định, không đếm xỉa đến chế độ (vì chế độ không thể trường tồn) bất cứ người VN nào thấy ngôn ngữ của mình bị xói mòn, bị xuống cấp cũng phải có bổn phận lên tiếng bảo vệ, vì không thời đại nào bằng thời đại này, trước nguy cơ Hán hóa do VC gây ra, câu của Phạm Quỳnh “Tiếng ta còn, nước ta còn” thật như là một cảnh tỉnh đúng lúc; nhất là với trò xảo quyệt cải cách Việt ngữ gần đây, xét cho cùng chỉ là một âm mưu đốt sách trá hình không hơn không kém.
Ngẫm lại, từ trước đến nay các bài về sự trong sáng của tiếng Việt chỉ là những nhận xét vụn vặt ngoại vi bề mặt.
Thực chất là một khi cả một chế độ từ trên xuống dưới đều là điêu ngoa xảo trá, ăn gian nói dối một cách trơ trẽn, suốt 90 năm qua, như vd. sau (lời nói khác xa hẳn với thực tế): “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”. thì tiếng Việt biết bao giờ mới được chính xác và đúng đắn trở lại!
https://www.tvvn.org/trong-sang-cua-ngon-ngu-pham-duc-than/
Không có nhận xét nào