Có một điều mà những người từng sống ở Côn đảo vào nửa sau thập niên 1960, nửa đầu thập niên 1970 biết rõ, đó là Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu rất mê câu cá. Hai nơi ông thường đi câu là Vũng Tàu và Côn Đảo. Vũng Tàu gần hơn, song Côn đảo lại gần như hoàn toàn an ninh nên ông thường ra Côn Đảo nhiều hơn.
Lê Nguyễn – Những chuyện chỉ có ở Côn Đảo kỳ 1 |
Một ngày cuối tháng 12.1970, khi tôi đặt bước chân đầu tiên lên phi trường Cỏ Ống thì nơi đây nhốn nháo lạ thường. Người đầu tiên mà tôi gặp là Thiếu tá Thức, trưởng ban 3 Đặc khu Côn Sơn. Hỏi ra mới biết lúc ấy Tổng thống Thiệu đang câu cá ở vũng biển gần phi trường. Ông Thức dẫn tôi đi tìm và trình diện Trung tá chúa đảo Nguyễn Văn Vệ. Ông Vệ đang bận tíu tít, chỉ kịp nhìn qua tôi một cái rồi lệnh Thiếu tá Thức tìm cho tôi một chiếc xe để về thị xã. Đó là một chiếc Dodge 4 của đại đội địa phương quân (ĐPQ) trú đóng cạnh phi trường, giữa đường phải xé màn mưa mà lao vun vút.
Chuyện ông Thiệu câu cá nhiều người kể lại, rời rạc, song đối chiếu và tập hợp lại cũng thành một câu chuyện có đầu có đuôi. Đại khái thường là mỗi tuần ông ra Côn Đảo một lần, tuần nào mê quá thì ra đến 2 lần. Tất nhiên, mỗi lần ông ra, chúa đảo và nhiều ban bệ ở Đặc khu phải ra tận sân bay đón và chờ được sai phái. Mỗi lần đi câu, đoàn của ông Thiệu đi trên ba chiếc máy bay nhỏ, một chiếc ông và vài người thân tín đi, một chiếc dành cho nhóm “nồi niêu xoong chảo” gồm sĩ quan ở văn phòng, võ phòng, sở nội dịch Phủ Tổng thống, nhiều người mang cấp bậc trung tá, đại tá, đi để “ăn theo’ nhiều hơn là làm nhiệm vụ; chiếc máy bay thứ ba chở toàn người nhái. Ở đầu phi trường, ông Thiệu có một ngôi nhà mát rất đẹp, làm toàn bằng cây gỗ lấy từ rừng, nhìn ra vũng biển nhỏ do hai rặng núi khép lại hai bên, chỉ chừa một khoảng trống thông với biển khơi. Ngồi trong ngôi Nhà mát đó mà ngắm nhìn phong cảnh trước mặt, thật không có gì thi vị cho bằng. Trước 1975, có báo kể rằng mỗi khi đi câu được cá to và ngon, ông Thiệu thường gửi biếu một nhà tài phiệt rất thân với ông là Lý Long Thân.
Khi ông Thiệu đi câu, thuyền của người nhái luôn theo sát tàu của ông, trên đó có sự phục vụ của ít nhất một giám thị cải huấn (lo mồi câu và các thứ linh tinh). Nghe kể rằng mỗi khi câu được cá to hay nhiều cá, ông Thiệu vui lắm, đám “nồi niêu xoong chảo” cũng vui theo. Hôm nào mà cá ít ăn câu, mặt ông dàu dàu, một vài ông trung tá, đại tá đi theo cứ nhè ông chúa đảo mà ghè, chất vấn sao để cho quân nhân, công chức đánh bắt gần khu vực ông Thiệu câu nhiều quá khiến cá sợ mà không dám tụ vào.
Cũng vì vậy mà Côn đảo vốn là vùng biển cấm ngư dân ở đất liền ra đánh bắt cá, lại có thêm khu vực cấm thuyền đánh cá của quân nhân, công chức léo hánh đến gần. Chuyện này thường được đàm tiếu trong những cuộc trà dư tửu hậu. Có người nói vui với nhau là nên thiết lập một đội “đặc nhiệm” chuyên lùa cá các nơi vào một chỗ cho tổng thống dễ câu!
CHUYỆN ĐÁNH BẮT CÁ CỦA QUÂN NHÂN, CÔNG CHỨC CÔN ĐẢO
Về mặt quản lý, vào thời kỳ đó, Đặc khu Côn Sơn thuộc Tiểu khu Gia định, việc bảo vệ an ninh trên đảo được giao cho các đại đội địa phương quân (ĐPQ) Gia Định luân phiên nhau ra đó. Thời gian ở Côn đảo được xem là thời kỳ “dưỡng quân” của những đơn vị này, sau một thời gian lăn lóc trên các chiến trường ở Gia Định. Giới quân nhân, đặc biệt là các đại đội trưởng, trung đội trưởng, thường sắm thuyền đánh cá để mưu sinh, cá câu được thường là cá thu, được bán trên những ngôi chợ tự phát, giúp cư dân có thêm chất tươi cao cấp trong bữa ăn.
Ở Côn Đảo có ba loại cá giống nhau về mặt hình thể, chỉ khác về kích thước. Loài cá nhỏ nhất trong 3 loại này là cá cơm, lớn hơn là loài cá nục và to nhất là cá thu. Người ta dùng cá nục làm mồi câu cá thu, còn để câu cá nục, họ gắn vào lưỡi câu những sợi chỉ màu sắc óng ánh như vảy loài cá cơm, thả xuống biển những sợi dây mắc vài chục lưỡi câu như thế, gặp đàn cá nục đi qua, thấy màu chỉ kim tuyến, chúng tưởng là cá cơm, đớp mạnh, mắc vào lưỡi câu, kéo lên mỗi lần vài chục con.
Người có tài sát cá nổi tiếng thời đó là ông Nguyễn Minh Châu, từng là một tiểu đoàn trưởng MTGP về hồi chánh, được cử vào chức vụ Trưởng ban Cải huấn TTCH. Ông Châu được cấp một căn nhà ven biển, cạnh Ty Bưu điện, nhà có nhiều hồ nuôi đồi mồi, còn giăng lưới cá thì chẳng ai sánh được với ông. Hàng đêm, nhiều quân nhân, công chức giăng lưới dưới biển, nhưng đến sáng thường là phần lớn cá nằm gọn trong lưới của ông Châu, có những con cá nặng vài mươi đến hàng trăm kg. Không rõ do bất đồng nào giữa ông chúa đảo Cao Minh Tiếp và ông Châu mà giữa chừng, khoảng cuối năm 1971, ông Châu bị đổi về đất liền. Tôi vẫn suy nghĩ hoài đến trường hợp của ông, bởi vì với tình trạng “hồi chánh” của ông, chỗ ở an toàn nhất vẫn là Côn Đảo; ở đất liền, có thể nhiều mối đe dọa sẽ đến với ông.
Trong số những quân nhân mê câu cá, có đại úy H. đại đội trưởng một đại đội ĐPQ. Đêm nọ, khi ông H. đang ở giữa biển, sóng to gió lớn nổi lên, thuyền ông xoay tròn giữa cơn cuồng phong dữ dội, không còn biết đâu là bờ nữa. May sao, giữa lúc ông phó thác mạng sống cho sự may rủi thì sóng gió lặng dần. Buổi sáng, thuyền đại úy H. cập bờ, ông tưởng như vừa trải qua một cơn ác mộng. Ngay sau đó, ông kêu người bán ngay chiếc thuyền câu và thề không bao giờ đi biển nữa.
VIỆC “ ĐOÁI CÔNG CHUỘC TỘI” CỦA NGƯ DÂN PHƯỚC TỈNH
Như trên đã kể, trong suốt thời VNCH, vùng biển quanh Côn đảo là vùng cấm đánh bắt cá, vì một lẽ dễ hiểu là nếu ngư dân từ đât liền ra đến vùng này, họ có thể tiếp tay cho các vụ vượt ngục của tù. Sự cấm đoán trên là một điều hợp lý, phù hợp với điều kiện bảo vệ an ninh cho một trại giam rộng lớn trên đảo.
Ngư dân làng Phước TỈnh ở Bà Rịa-Vũng Tàu cứ khuấy động một vùng đánh bắt gần bờ, năng suất giảm dần, vì các đàn cá chạy đi “tị nạn” trong vùng biển cấm, an toàn hơn rất nhiều. Điều này khiến cho nhiều người nảy ra ý định xâm nhập vào vùng cấm để đánh bắt được nhiều tôm cá. Họ biết điều gì có thể xảy ra nếu họ bị bắt giữ, nhưng họ sẵn sàng tuân theo qui luật “được ăn cả ngã về không”.
Mỗi lần các đoàn tàu đánh bắt của ngư dân Phước TỈnh xâm nhập vùng cấm, bị lực lượng tuần tra bắt giữ và dẫn giải về neo đậu ở đảo, chính quyền Côn Sơn sẽ báo cáo sự việc này cho Bộ Nội vụ để xin ý kiến giải quyết. Thời gian cứu xét và quyết định của Bộ thường cũng phải từ nửa tháng trở lên, nên đây là cơ hội cho các ngư dân phạm luật đoái công chuộc tội để được hưởng những biện pháp rộng lượng nhất. Họ dùng tàu thuyền và ngư lưới cụ hiện đại đi đánh bắt cá to để cung cấp cho TTCH làm thức ăn tươi cho tù.
Một buổi chiều nọ, chỉ mới mấy ngày sau khi đặt chân lên đảo, tôi tha thẩn cùng Thiếu tá Thức (đã kể ở trên) ra bãi biển, khu vực từ cầu tảu trước dinh chúa đảo đến Sở Lưới. Tới nơi, tôi nhìn thấy một khung cảnh tấp nập bày ra trước mắt. Các thuyền đánh bắt của ngư dân Phước TỈnh vừa cập đảo, chở theo những con rùa biển, cá mập, cá đuối, cá cày nặng từ vài mươi ký đến một, hai trăm ký. Lạ thay, những con cá mập to lớn nằm úp bụng trên bãi biển đều có những cái lưng bị tổn thương, máu chảy đỏ khắp mình.
Bằng cái ngu ngơ của một chàng trai thành thị lần đầu ra tới biển, tôi hỏi lớn Thiếu tá Thức về những con cá mập “bị thương” ở lưng. Ông Thức vội bấm chặt tay tôi, suỵt một tiếng rõ dài, rồi đưa mắt nhìn về phía ông chúa đảo Nguyễn Văn Vệ đang ngồi cách chỗ chúng tôi hơn 10 mét. Tôi chưa hiểu chuyện gì, nhưng nhìn thấy ánh mắt trầm trọng của ông Thức, vội im. Mãi về sau, khi đã khôn ra đôi chút, tôi mới hiểu rằng chỗ của những vết cắt đỏ màu máu trên lưng các chú cá mập là những chiếc vi cá nổi tiếng trong làng ẩm thực, và tất nhiên là tù không thể ăn những thứ cao cấp như vậy, chúng phải thuộc về những thành phần xã hội khác hơn.
Qua những sự kiện như vậy cũng là dịp để chúng ta biết được rằng, ở Côn Đảo, thỉnh thoảng người tù cũng được có những bữa ăn bằng cá tươi, từ những cuộc đánh bắt của Sở Lưới thuộc TTCH hay những dịp đoái công chuộc tội của ngư dân Phước TỈnh. Quân nhân, công chức trên đảo không tơ hào gì những chú cá mập, cá đuối đó đâu, vì họ đã có đủ cá cơm, cá nục, cá thu để ăn rồi.
NHỮNG ĐÊM HOA ĐĂNG TRÊN BIÊN
Sự kiện đặc biệt này hình như chỉ Côn đảo mới có, và ai từng ở lâu nơi này cũng đều nhớ rõ. Đó là bãi biển Côn Đảo bằng phẳng một cách kỳ lạ, buổi chiều nước triều rút xuống dần, đến đêm chỉ còn trơ bãi cát, và cư dân trên đảo có thể dễ dàng đi từ bờ ra xa hàng cây số! Trên khoảng hàng cây số bãi cạn ấy có những chỗ trũng, nước còn đọng lại, trong đó kẹt lại nhiều sinh vật, nhiều nhất là loài mực.
Đêm đêm, cư dân trên đảo đi bắt những loài cá, mực kẹt lại trong những hố nước như thế. Họ thắp đèn hay đuốc, từ bờ nhìn ra, khung cảnh thật náo nhiệt, ánh sáng lập lòe như một đêm hoa đăng. Ba anh tù công nhân tư gia của tôi cũng là những thành viên của các đêm hoa đăng đó. Đêm nào họ cũng mang về nhiều cá và mực, có đêm quá 12 giờ khuya, họ dựng đầu chúng tôi dậy, bắc nước lên luộc những con mực không thể nào tươi hơn và cũng không thể nào ngọt hơn được nữa. Đó là kỷ niệm khó quên giữa tôi và những người tù thân ái đó.
Nhắc tới những đêm hoa đăng này, tôi vẫn còn nghe đồng vọng tiếng la thất thanh của anh Th., Quản đốc nhà máy điện Côn Sơn năm đó. Đêm nọ, anh Th. mê săn cá ở một vị trí giữa biển tương đối cao hơn cả, trong khi nước chung quanh dâng lên dần mà anh không để ý. Đến khi anh nhìn thấy bốn bề nước đã lên cao và mình đang lọt thỏm giữa bốn bề là nước, anh la cầu cứu bằng tiếng la của người nhìn thấy cái chết đang đến dần với mình. Cả một vùng rộng lớn trong thị trấn Côn Đảo lúc đó đều giật mình khi nghe tiếng la của anh Th.. Cuối cùng thì có người kịp chèo thuyền ra rước anh vào, nhưng sự kinh hoàng chắc sẽ còn đeo đẳng anh một thời gian dài nữa.
https://www.facebook.com/
Không có nhận xét nào