Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lẫy lừng một thời trong lịch sử Việt Nam, là cuộc khởi nghĩa lớn đầu tiên của người Việt trong suốt thời gian dài bị đô hộ bởi các triều đại Trung Hoa, đây là cuộc khởi nghĩa vĩ đại cả về quy mô, giá trị, và cả về sự đặc biệt của nó. Cuộc khởi nghĩa đã đánh đuổi quân Hán ra khỏi bờ cõi đất Việt, không chỉ đất Việt trong vùng miền Bắc Việt Nam, mà còn bao gồm cả lãnh thổ Việt cũ đó là vùng Lĩnh Nam và cả vùng Hồ Nam. Người dân Việt tại các vùng đất Việt cũ đã thương mến và lập đền thờ Hai Bà Trưng cũng như các lĩnh tướng của hai bà, những ghi chép thơ văn, lịch sử cho chúng ta thấy điều đó. Tư liệu điền dã và ghi chép thực tế đã được một số người Việt như Trần Đại Sỹ, Phạm Hồng thực hiện, ở bài viết này, chúng tôi sẽ đi tìm các tư liệu trong chính sử, thơ văn, để chúng ta có thể có cơ sở chắc chắn về việc trong vùng đất Việt cũ cũng tồn tại các đền thờ Hai Bà Trưng.
Lang Linh - Các ghi chép về đền thờ hai bà Trưng trong vùng nam Đông Á |
1. Quảng Châu:
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trong phần kỷ Đông Hán, cũng đã ghi chép về đền thờ Hai Bà Trưng tại đất cũ thành Phiên Ngung, tức là Quảng Châu.
“Người địa phương thương mến Trưng Nữ Vương, làm đền thờ phụng (đền ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc, ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có).” [1]
Bên cạnh đó, bài thơ “Đề Khâm Châu Trưng nữ tướng miếu” được sáng tác vào thời Hậu Lê cũng xác nhận rằng tại vùng Quảng Châu có đền thờ của Hai Bà Trưng (Trung nữ tướng).
Đề Khâm Châu Trưng nữ tướng miếu
Sỉ học yêu kiều khí lộ bàng,
Huy qua ảnh dục vãn đồi dương.
Lợi tuỳ lưu thuỷ phù vân viễn,
Danh dữ nhàn hoa dã thảo hương.
Chiến thắng hà đa công thủ kế,
Đồ tồn nại phạp bảo nguy phương.
Kinh hành từ hạ trùng tăng cảm,
Quý ngã thân đồ cửu xích trường.
Dịch nghĩa
Riêng lấy làm thẹn gặp nữ tướng quân ở dọc đường
Đã từng múa gươm toan kéo ngược tà dương
Lợi đã theo nước chảy như mây nổi
Danh thơm sực nức như hoa cỏ ngoài đồng
Lúc chiến đấu chắc cũng đã dùng đủ mưu kế để thắng giặc
Nhưng vẫn không chống được mọi bước nguy nan
Nhân đi qua dưới miếu thờ lòng ngậm ngùi thương cảm
So việc nghĩ thẹn thân mình cao chín thước [2]
2. Hồ Nam:
Hồ Nam, vùng đất phía nam hồ Động Đình, chính là đất Tổ của người Việt, vào khoảng 400 năm TCN, vùng đất này đã bị nước Sở chiếm đóng. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cũng đã mở rộng vùng ảnh hưởng tới cả vùng đất này, gắn liền với những chiến công gắn liền với nữ tướng Phật Nguyệt, bà được phong làm Tổng Trấn Hồ Động Đình. Các tài liệu thơ văn cũng cho chúng ta thấy sự tồn tại của đền thờ Hai Bà Trưng trong vùng Hồ Nam, đây là các bài thơ được Nguyễn Thực (1554 – 1637) và Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) sáng tác khi đi sứ sang Trung Quốc.
Trong bài Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh, Nguyễn Thực đã cung cấp cho chúng ta thông tin rằng ở vùng Hồ Nam có đền thờ của Trưng tướng, có khả năng đây là miếu thờ bà Trưng Trắc.
Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh
Ngũ Lĩnh thiều nghiêu trấn Việt thuỳ,
Hứa đa cảnh trí chiếm thanh kỳ.
Uất thông đông hậu tùng thiên cán,
Nùng diễm xuân tiền mai nhất chi.
Đồng trụ Trưng Vương lưu cựu tích,
Thạch nhai Trương tướng nghiễm tùng tì (từ).
Phong cương tự cổ phân trung ngoại,
Kham tiễn thiên công xảo thiết thi.
Dịch nghĩa:
Núi Ngũ Lĩnh chất ngất trấn ở vùng biên cương đất Việt
Biết bao cảnh trí tươi tắn kỳ lạ
Sau mùa đông ngàn cây tùng xanh um
Trước mùa xuân một nhành mai diễm lệ
Cột đồng còn lưu dấu cũ Trưng Vương
Đường đá nghiêng bên ngôi đền Trưng tướng
Chốn biên cương từ xưa phân rõ trong, ngoài
Rất phục thợ trời sao khéo đặt bày. [3]
Ngô Thì Nhậm với bài Phân Mao Lĩnh cũng đã xác nhận về thông tin trong vùng Hồ Nam có đền thờ của Hai Bà Trưng.
Phân Mao Lĩnh
Nhất đới thanh sơn Sở Việt giao,
Hoàng Mao dịch lộ nhận Phân Mao.
Thiên thư bất tận Hành Sơn giới,
Địa khí hoàn phù Nhạn Trạch mao.
Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ,
Uý Đà quế đố lạc sơn sào.
Phong lai giải uấn tây nam lợi,
Vị hứa Hùng Bi vạn nhận cao.
Dịch nghĩa
Một dải núi xanh giao nhau với Sở, Việt,
Trên đường trạm Hoàng Mao nhận ra núi Phân Mao.
Ranh giới Hành Sơn, thiên thư không ghi hết,
Lông chim Nhạn Trạch, địa khí nổi vây.
Lưỡi gươm Trưng Trắc mở ra động phủ,
Mọt quế Uý Đà rơi vào hang núi sâu!
Gió tây nam thổi tan cơn oi bức,
Chưa hẳn núi Hùng Bi đã vạn nhận cao. [4]
3. Đền thờ Hai Bà Trưng và quy mô cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng:
Như vậy, thông qua các tài liệu lịch sử, thơ văn cổ, cơ sở là vững chắc để xác định rằng trong vùng nam Đông Á có tồn tại những đền thờ Hai Bà Trưng, kết hợp với các tư liệu điền dã của Trần Đại Sỹ và Phạm Hồng, thì trong vùng nam Đông Á, có nhiều đền thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của Hai Bà.
Đây cũng là một cơ sở quan trọng cho chúng ta thấy được quy mô của cuộc khởi nghĩa này, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng không chỉ giải phóng miền Bắc Việt Nam, mà từ trung tâm của đất Việt cũ là miền Bắc Việt Nam, cuộc khởi nghĩa đã lan rộng ra toàn các vùng Việt. Theo tài liệu lịch sử như Hậu Hán Thư ghi chép, thì cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chiếm được 65 thành, tổ chức hành chính thời Hán, thì trong huyện có thành, theo thống kê của sách Tiền Hán Thư, thì các quận có từng huyện như sau: Nam Hải (7 huyện), Uất Lâm (11 huyện), Thương Ngô (11 huyện), Giao Chỉ (12 huyện), Hợp Phố (5 huyện), Cửu Chân (2 huyện), Nhật Nam (5 huyện), tổng là 53 huyện, tức là có 53 thành, thêm hai quận là Đạm Nhĩ và Chu Nhai (nhà Hán cai trị được một thời gian thì bỏ), thì cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã giải phóng toàn bộ 9 quận của đất Việt nội thuộc nhà Hán thời kỳ đó và cả một phần vùng Hồ Nam, đất Việt cũ nội thuộc nhà Sở và Hán đã khoảng hơn 400 năm. [5]
4. Kết luận:
Thông qua các tư liệu lịch sử, thơ văn, thì cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã mở rộng địa bàn sang toàn bộ đất Việt cũ, chính là quốc gia Văn Lang của các vị vua Hùng, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, thì các cư dân tộc Việt đã xây dựng những đền thờ trong vùng nam Đông Á để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa, người Việt phía nam Đông Á hiện tại đa phần đã bị đồng hóa thành người Hán, tuy nhiên những đền thờ đó vẫn là những dấu tích lịch sử quan trọng để thấy được một phần giai đoạn lịch sử phủ đầy những lớp bụi của người Việt.
Tài liệu tham khảo:
[1] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ thuộc Đông Hán, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch. Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (1993).
[2] Viện nghiên cứu Hán Nôm, Các tác gia Hán Nôm Thăng Long – Hà Nội, NXB Khoa học xã hội, 2009.
https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Thi%C3%AAn-T%C3%BAng/%C4%90%E1%BB%81-Kh%C3%A2m-Ch%C3%A2u-Tr%C6%B0ng-n%E1%BB%AF-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-mi%E1%BA%BFu/poem-ageQUQdMvQDpsBzNmH_vlg
[3] Nguyễn Vinh Phúc, Miếu thờ Trưng Vương trên đất Hồ Nam.
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/1000_nam_thang_long/75768/mi7871%3Bu-th7901%3B-tr432%3Bng-v432%3B417%3Bng-tren-273%3B7845%3Bt-h7891%3B-nam
[4] Ngô Thì Nhậm toàn tập (tập III), NXB Khoa học xã hội, 2005
https://www.thivien.net/Ngô-Thì-Nhậm/Phân-Mao-lĩnh/poem-oTFNJk4y8VQQlYWKyn2aUQ
[5] Lê Trọng Khánh, Những tín hiệu thu nhận từ bản lược đồ địa danh – ngôn ngữ Việt cổ – bước đầu góp phần vào việc tiếp cận một số vấn đề lịch sử cổ đại
https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/71284/1/263%281992-4%29%285%29.pdf
Không có nhận xét nào