Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/9 cho biết, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm chính thức Việt Nam, Campuchia, Singapore và Hàn Quốc trong thời gian từ ngày 10-15/9. Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết, tại Hà Nội, ông Vương Nghị sẽ đồng chủ tọa cuộc họp lần thứ 13 “Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc” với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
Khước từ nâng cấp quan hệ với Mỹ, Việt Nam ngả về hướng nào? |
Về mục đích chuyến thăm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết: “bốn quốc gia mà ông Vương Nghị chuẩn bị đến thăm đều là những nước láng giềng gần gũi, đồng thời là đối tác quan trọng của Trung Quốc và đang cùng Trung Quốc ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cũng như phục hồi sau đại dịch.”
Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết, chương trình nghị sự trong các chuyến thăm sẽ chủ yếu tập trung vào phòng chống dịch bệnh và hợp tác phát triển, đi sâu vào việc thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
ASEAN trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung
Chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Washington đang lôi kéo các đối tác quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Học thuyết Đông Nam Á của chính quyền Tổng thống Joe Biden thừa nhận những điểm yếu của Mỹ trong quan hệ với một số nước Đông Nam Á, và với nhận thức rằng bất kỳ sáng kiến an ninh nào trong khu vực đều không thể do Mỹ gánh vác một mình. Do đó, cách tiếp cận phù hợp là hợp tác với ASEAN, để củng cố thêm cho sự cần thiết trong sự cạnh tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc bằng cả sức mạnh mềm và sự hiện diện quân sự.
Chính vì vậy, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tìm cách tái khẳng định sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương tại các điểm dừng chân ở Việt Nam và Singapore vào cuối tháng 8/2021. Với chuyến đi này, chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn thể hiện rằng việc rút khỏi Afghanistan sẽ cho phép Mỹ tập trung các nguồn lực từ “các cuộc chiến dai dẳng” sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trước đó, trong chuyến thăm ba nước ASEAN hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Austin nhấn mạnh rằng Mỹ không mong đợi các nước Đông Nam Á bắt buộc phải đưa ra lựa chọn giữa nước này và Trung Quốc. Thay vào đó, Washington dự định tìm kiếm các lĩnh vực cùng quan tâm trong các mối quan hệ song phương và đa phương, thay vì chỉ theo đuổi lợi ích của Mỹ.
ASEAN hoan nghênh sự tái can dự của Mỹ
Trước cuộc đối đầu Mỹ-Trung, lập trường mặc định của ASEAN là không chọn bên, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu của ASEAN, trong đó có sức ép bên ngoài. Tuy nhiên, nếu buộc phải chọn bên thì theo khảo sát của ISEAS, đại đa số những người được hỏi đều trả lời rằng họ chọn Mỹ thay vì Trung Quốc (61,5% chọn liên kết với Mỹ trong báo cáo khảo sát năm 2021, so với 53,6% trong cuộc khảo sát 2020). Sự thay đổi thái độ ở bốn nước ASEAN là đặc biệt đáng lưu ý. Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều ủng hộ liên kết với Trung Quốc trong cuộc khảo sát 2020, nhưng năm 2021 lại muốn liên kết với Mỹ hơn.
Các khảo sát của ISEAS cho thấy Trung Quốc được coi là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất (70-80% số người trả lời ở ASEAN). Ảnh hưởng kinh tế của Mỹ vẫn đứng sau Trung Quốc. Trung Quốc được coi là cường quốc chính trị và chiến lược có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á (mặc dù tỷ lệ nhất trí với quan điểm này đã giảm từ 52,2% năm 2020 xuống 49,1% năm 2021).
Chính quyền Biden rõ ràng đã tạo được thiện chí và kỳ vọng cao giữa các nước ASEAN. Trong bối cảnh Đông Nam Á ngày càng thiếu tin tưởng Trung Quốc – vì sự hiện diện kinh tế và chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của nước này, đặc biệt là ở Biển Đông, các nước ASEAN hăng hái chào đón một chính sách can dự mạnh hơn của Mỹ trong khu vực.
Các nước ASEAN muốn chứng kiến sự đầu tư nhiều hơn của Mỹ, coi đó như một nguồn tài trợ thay thế. Tuy nhiên, Mỹ phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn để cạnh tranh với Trung Quốc trong cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Ví dụ, theo Cục đầu tư Indonesia, năm 2019 Trung Quốc là nguồn FDI lớn thứ hai cho Indonesia với 4,74 tỷ USD, trong khi Mỹ đứng ở vị trí thứ 8 với 989,3 triệu USD.
Đa số các nước thành viên ASEAN sẽ hoan nghênh sự can dự lớn hơn của Mỹ, đặc biệt trong việc giúp khôi phục dân chủ ở Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự gần đây ở nước này và ngăn không để cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất này gây bất ổn hơn nữa cho khu vực. Tuy nhiên, do tính đa dạng của các nước thành viên ASEAN, sự tập trung của Biden vào việc khôi phục dân chủ có khả năng sẽ nhận được sự đón nhận lẫn lộn. Nhiều chính quyền ASEAN có khả năng e ngại rằng Chính quyền Biden cũng sẽ chỉ trích những thiếu sót về dân chủ và những lạm dụng nhân quyền ở Đông Nam Á nói chung, chứ không chỉ riêng ở Myanmar.
Việt Nam sẽ chọn ai?
Cả trong chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng và Phó Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, phía Mỹ đều đề cập việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên tầm Đối tác chiến lược, tuy nhiên Việt Nam đã khước từ.
Lãnh đạo Việt Nam luôn phát biểu “Việt Nam không chọn bên”. Một số chuyên gia Việt Nam giải thích là Việt Nam muốn cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng thực tế thì dường như không phải vậy. Sự cân bằng của Việt Nam mới chỉ thể hiện trên lời nói, còn thực tế thì Việt Nam dường như đang nghiêng về phía Trung Quốc.
Trung Quốc luôn đe doạ Việt Nam và các quốc gia khác ở Biển Đông. Riêng trong năm nay, Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh hồi tháng 1 và Luật an toàn giao thông hàng hải hồi tháng 4. Các Luật này đều vi phạm luật quốc tế và UNCLOS. Nhưng Trung Quốc đã là Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam từ năm 2009.
Trong khi đó, Mỹ là quốc gia rất tích cực lên tiếng về biển Đông. Sau khi Trung Quốc tuyên bố Luật an toàn giao thông hàng hải của họ chính thức có hiệu lực từ 1/9/2021, một tuần sau, ngày 8.9, Khu trục USS Benfold của Hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông, trực tiếp thách thức các đạo luật hàng hải vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Ngày 6/9/2021, Cựu Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Đình Bin có đưa lên Facebook cá nhân một bài viết của TS Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó Ban Tuyên giáo TW. Có lẽ bài viết này đã thể hiện rất rõ suy nghĩ của nhiều nhà ngoại giao cũng như người dân Việt Nam trong quan hệ Việt - Mỹ - Trung:
“Qua chuyến thăm của phó TT Mỹ vừa qua cho thấy mối quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Nhiều người VN tin tưởng và phấn khởi. Thấy có cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tăng cường quốc phòng an ninh. Phía Mỹ đã bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược. Điều đó tốt và có lợi cho VN.
Trung Quốc với VN đã đối tác chiến lược lâu rồi. Chúng tôi nghĩ, Hoa Kỳ thậm chí còn xứng đáng hơn Trung Quốc. Trung Quốc đang thực hiện quyết liệt việc cưỡng chiếm phần Biển Đông của VN, còn Mỹ thì ủng hộ và muốn giúp ta giữ Biển Đông. Trung Quốc muốn ta lệ thuộc (nô lệ), còn Mỹ thì muốn giúp ta tự do. Trung quốc muốn kìm hãm ta phát triển còn Mỹ thì muốn giúp VN phát triển. Trung Quốc đã đánh ta 20 cuộc chiến tranh, còn Mỹ thì một cuộc. Trung Quốc hết chiến tranh với ta mới đây, sau Mỹ 16 năm. Trung Quốc lòng dạ nham hiểm, còn Mỹ tôi thấy họ thật lòng hơn. Nếu không nâng quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược là không hợp lý và không công bằng. Cuộc gặp phó TT Mỹ vừa qua VN chưa thể hiện quan điểm là đồng ý hay không việc nâng lên đối tác chiến lược. Chưa biết lãnh đạo VN tính thế nào. Cứ chờ thử xem sao.
VN không liên minh với nước này để đi đánh nước khác là quan điểm đúng. Trong lịch sử dù VN nhỏ nhưng chưa bao giờ liên kết với ai để đánh Trung Quốc. Trong khi đó chính Trung Quốc đã nhiều lần liên minh, liên kết với nước khác để đánh VN. Hãy nói thẳng cho họ biết điều đó. VN cũng sẽ tiếp tục truyền thống thượng võ ấy. Nhưng mặt khác cũng cần nói thẳng rằng, khi đất nước lâm nguy vì bị xâm lược thì VN có thể sẽ liên kết , liên minh (khi thấy cần) với bạn bè quốc tế để bảo vệ Tổ Quốc…”
https://www.rfa.org/
Không có nhận xét nào