Hình 1: Tỉ lệ tử vong (%) tính theo số ca tử vong chia cho số ca dương tính (biểu đồ trên) và số ca nhiễm (diểu đồ dưới) cho một số tỉnh thành có tỉ lệ tử vong khá cao. Số liệu tính đến ngày 1/9/2021.
Tỉ lệ tử vong liên quan đến covid ở Bình Dương hiện nay là 0.75% (858 / 114788), thấp hơn HCM 4.0% (8869 / 221268) [1]. Câu hỏi là tại sao có sự khác biệt lớn như thế? Tôi xin giải thích bằng khái niệm dịch tễ học có tên là ‘lead-time bias’ dưới đây.
Tỉ lệ tử vong liên quan đến covid ở Việt Nam hiện nay là 2.5%, thuộc hàng cao nhứt nhì trong vùng. Tuy nhiên, nếu phân tích chi tiết, tỉ lệ này khá khác biệt giữa các tỉnh thành (xem Hình 1). TPHCM có tỉ lệ cao nhứt (4%), cao hơn so với Bình Dương (0.75%), Đồng Tháp (2.04%) và Tiền Giang (2.43%). Cần Thơ tuy có số ca nhiễm thấp, nhưng tỉ lệ tử vong khá cao (1.52%).
Tại sao có sự khác biệt về tỉ lệ tử vong giữa các tỉnh thành?
Case fatality rate
Cách tính tỉ lệ tử vong hợp lí nhứt là lấy số ca tử vong chia cho số ca bị nhiễm nCov. Thuật ngữ dịch tễ học gọi chỉ số này là CFR (case fatality rate). Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta không biết trong cộng đồng có bao nhiêu người thật sự bị nhiễm.
Chúng ta chỉ biết (a) số ca dương tính, hoặc/và (b) số ca nhiễm được phát hiện qua tầm soát. Số ca dương tính tuỳ thuộc vào số người được làm xét nghiệm, hiểu theo nghĩa xét nghiệm nhiều thì số ca dương tính cũng tăng theo.
Số ca được phát hiện qua tầm soát thường chỉ phản ảnh một phần của con số nhiễm thật. Trong thực tế cứ mỗi ca chúng ta phát hiện được thì có 6-7 ca chưa phát hiện trong cộng đồng.
Điều này có nghĩa là nếu chúng ta lấy số ca tử vong chia cho số ca nhiễm (hay dương tính) phát hiện được thì lúc nào cũng cao hơn tỉ lệ thật. Cao hơn chừng 6-7 lần.
Lead-time bias
Tôi chưa biết dịch thuật ngữ này sang tiếng Việt là gì, nhưng tạm hiểu là ‘Thời gian vượt‘. Có thể thời gian này là thời gian từ lúc bị nhiễm đến lúc biến cố xảy ra. “Biến cố” có thể là chết (dấu hiệu “x”) hay sống. Thời gian này làm cho việc tính toán tỉ lệ tử vong đơn giản như mô tả trên là không đúng.
Hình 2: Minh hoạ cho khái niệm ‘leadtime bias’ để giải thích tỉ lệ tử vong tuỳ thuộc vào thời gian. Tại thời điểm 1 tháng, có 10 người, và trong số này có 1 người chết trước đó. Như vậy, tỉ lệ tử vong là 1/10. Tại thời điểm 6 tháng, có thêm 2 người bị nhiễm nhưng cả hai đều bình phục (màu tím). Tính tích luỹ, có 12 người, và trong số này có 5 ca tử vong. Do đó, tỉ lệ tử vong ở tháng thứ 6 là 5/12. Sự khác nhau giữa 2 tỉ lệ là do ‘lead time bias’.
Để minh hoạ cho vấn đề, tôi vẽ một giản đồ dưới đây, thể hiện diễn biến nhiễm của 12 người. Người có dấu “x” có nghĩa là chết. Giả dụ rằng chúng ta tính toán tỉ lệ tử vong ở 2 thời điểm: lúc 1 tháng và lúc 6 tháng.
Tại thời điểm 1 tháng, chúng ta quan sát 10 người, và trong số này có 1 người chết trước đó. Như vậy, tỉ lệ tử vong là 1/10.
Tại thời điểm 6 tháng, chúng ta có thêm 2 người bị nhiễm nhưng cả hai đều bình phục (màu tím). Tính tích luỹ đến tháng thứ 6, chúng ta có 12 người, và trong số này có 5 ca tử vong. Do đó, tỉ lệ tử vong ở tháng thứ 6 là 5/12.
Minh hoạ đơn giản trên cho thấy ‘thời gian vượt’ rất quan trọng trong việc so sánh tỉ lệ tử vong. Ở TPHCM, đợt dịch mới này xảy ra từ tháng 5 (tạm xem như thế), nên thời gian vượt đến nay là chừng 4 tháng. Còn Bình Dương thì dịch mới bắt đầu chưa đầy 1 tháng (?), do đó chưa đủ thời gian vượt để quan sát đầy đủ biến cố. Đó chính là lí do tại sao hiện nay, tỉ lệ tử vong ở Bình Dương thấp hơn HCM.
Nhưng chúng ta có thể đoán rằng trong 1-2 tháng tới, tỉ lệ tử vong ở Bình Dương có thể tăng lên (với điều kiện số ca tử vong được thu thập đầy đủ và đánh giá khách quan đúng như cách đánh giá ở HCM).
https://nguyenvantuan.info/
Không có nhận xét nào