Đối tượng mà tàu Hải Dương Địa Chất 10 nhắm đến nhiều khả năng là hoạt động khoan của Indonesia ở lô Tuna.
1.9: Hải Dương Địa Chất 10, quy định mới của Trung Quốc
I. Biển Đông, chuyển động quân sự
1. Tàu Hải Dương Địa Chất 10
Tuy chọn địa điểm xuất phát trong Lô 136/03 ở vùng biển phía nam Bãi Tư Chính của Việt Nam, nhưng trong hai ngày 31.8 và 1.9, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) của Trung Quốc đã di chuyển sang vùng biển và thềm lục địa của Indonesia.
Trong ngày 31.8, tàu này đã đến gần giàn khoan Clyde Boudreaux mà Indonesia thuê để khoan ở lô Tuna ở khoảng cách dưới 10 hải lý.
Sau đó, chiếc tàu tiếp tục di chuyển theo phương ngang, nhiều lần đi vào lô Tuna của Indonesia. Tốc độ của tàu duy trì từ 9 đến 10 hải lý.
Đặc biệt, khi ngược lại gần đến vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, chiếc tàu đã rẽ hướng. Di chuyển của tàu này cho thấy nó dường như nhắm mục tiêu là vùng biển Indonesia trong lúc này và chưa có ý định xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Đối tượng mà nó nhắm đến nhiều khả năng là hoạt động khoan của Indonesia ở lô Tuna. Thời gian qua, Trung Quốc vẫn duy trì ít nhất 1 tàu hải cảnh tại khu vực này.
Trong khi đó, tàu Hướng Dương Hồng 10 (Xian Yang Hong 10) đã quay trở ra quần đảo Trường Sa sau một thời gian hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
Ở phía đông của Biển Đông, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã rời vùng đặc quyền kinh tế Philippinies, tăng tốc trở về phía bắc. Tuy nhiên, một tàu khác là tàu Hải Dương Địa Chất 12 đã xuất hiện trong khu vực này.
2. Trung Quốc tập trận ở Biển Hoa Đông
Ngày 3.8, Cục Hải sự tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc thông báo nước này sẽ tiến hành tập trận tại một khu vực rộng lớn ở Biển Hoa Đông từ ngày 2 đến 7.9.
Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc căng thẳng ở khu vực này dâng cao liên quan đến quần đảo Senkaku. Cụ thể, ngày 30.8, 4 tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào khu vực lãnh hải Senkaku và truy đuổi một tàu cá Nhật Bản.
Nó diễn ra trong lúc nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tiến vào Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản tập trận cùng các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc.
3. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson
Tàu sân bay USS Carl Vinson đã rời quân cảng Yokosuka ở Nhật Bản vào ngày 31.8 sau khi chuyến ghé cảng ngắn để tiếp tế ngày 28.8.
Trong khi đó, hai tàu khu trục thuộc nhóm tác chiến của tàu sân bay này là USS O'Kane (DDG 77) và USS Michael Murphy (DDG-112) đã vào Biển Đông trướ đó.
Tại khu vực này còn có tàu tác chiến cận bờ USS Tulsa và trong khi tàu khu trục USS Kidd và tàu tuần duyên Munro cũng vào Biển Đông sau khi băng qua eo biển Đài Loan ngày 27.8.
Trong ngày 31.8, tàu tuần duyên Munro đã tiến hành diễn tập cùng tuần duyên Philippine ở vịnh Subic.
Một thông kê của trang USNI News cho thấy hiện có đến 6 nhóm tàu của các nước đổ xuất hiện ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong lúc này.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ.
Nhóm đổ bộ tấn công USS America của Mỹ.
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth do Anh dẫn đầu (với sự đóng góp của Mỹ và Hà Lan.
Nhóm tàu thuộc sứ mệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương 2021 của Úc.
Nhóm tàu thuộc sứ mệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương 2021 của Nhật Bản.
Nhóm tàu của Ấn Độ.
Ngoài ra, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan cũng nhiều khả năng sẽ quay trở lại khu vực sau khi kết thúc sứ mệnh yểm trợ rút quân khỏi Afghanistan.
4. Diễn biến khác
Hãng vệ tinh ImageSat vừa mới công bố một số hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao về triển khai của Trung Quốc ở Đá Xu Bi.
Bức ảnh không nêu rõ ngày cho thấy hoạt động bay của máy bay tuần tra KQ-200, máy bay trinh sát điện tử Y-9G, máy bay trực thăng Z-8. Tàu khu trục Type 052 Thanh Đảo (113) cũng xuất hiện ở Xu Bi.
Ngày 26.8, Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời thầu 19 lô dầu khí, trong đó có một số lô ở Biển Đông. Tuy nhiên, các lô này không nằm trong các khu vực mà Trung Quốc đòi tranh chấp với Việt Nam.
Cụ thể, 2 lô nằm ở Bộ Hải, 12 lô ở khu vực bồn trũng cửa sông Châu Giang, 3 lô ở bồn trũng Quỳnh Đông Nam và 2 lô ở bồn trũng Oanh Ca Hải ở vịnh Bắc Bộ.
Khu vực vịnh Bắc Bộ đã được phân định trong khi các lô ở bồn trũng Quỳnh Đông Nam ở ngoài cửa vịnh chưa được phân định nhưng nằm bên kia đường trung tuyến giả định.
II. Quy định hàng hải mới của Trung Quốc
Ngày 27.8, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1.9 yêu cầu tàu nước ngoài đi vào khu vực “lãnh hải” phải báo cáo cho cơ quan quản lý Trung Quốc.
Các tàu thuộc diện phải báo cáo bao gồm tàu ngầm/tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị cho là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc.
Như nhiều quy định khác mà Trung Quốc thông bố áp dụng ở Biển Đông, quy định lần này lại có nhiều sự mơ hồ để tùy nghi diễn giải theo hướng có lợi và một lần nữa làm nổi bật những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những sự mơ hồ của quy định mới:
Đối tượng: Lâu nay Trung Quốc vẫn có quy định buộc tàu quân sự nước ngoài báo cáo trước mỗi khi băng qua lãnh hải của họ. Điều này bị xem là đi ngược lại với quyền qua lại vô hại quy định trong Công ước quốc tế về luật Biển và vẫn thường xuyên bị Hải quân Mỹ thách thức như một phần các chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOP).
Nay quy định mới đã mở rộng yêu cầu báo cáo với các loại tàu kể trên, nhưng “Các tàu bị xem là mối đe dọa với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc” là một sự để ngỏ có thể cho phép Trung Quốc tùy nghi diễn giải để áp dụng với bất kỳ tàu nào nếu muốn.
Phạm vi áp dụng: Trung Quốc thông báo áp dụng quy định trong “lãnh hải”. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là những khu vực nào Trung Quốc coi là lãnh hải.
Trung Quốc lâu nay vẫn đề cập đến khu vực “Đường lưỡi bò” một cách mơ hồ như là “vùng biển thuộc quyền tài phán”, “vùng biển kế cận” hay “vùng biển liên quan”. Tuy nhiên, với những tuyên bố ngang ngược và bất nhất của Trung Quốc từ trước đến nay người ta không biết đến khi nào họ sẽ tuyên bố Biển Đông là “lãnh hải” hoặc thậm chí “nội thủy”.
Ngay cả “lãnh hải” theo đúng nghĩa thì Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề nổi cộm:
Đường cơ sở thẳng dọc bờ biển đại lục không theo quy định.
Đường cơ sở thẳng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa. (Chưa nói đến chuyện Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).
Tại khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc mạo nhận lãnh hải tại các thực thể chiếm đóng phi pháp. Không chỉ vô hiệu vì chiếm đóng phi pháp, một số còn là thực thể không đủ điều kiện có lãnh hải theo quy định.
Không chỉ thế, vẫn có nguy cơ Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng ở Trường Sa một lúc nào đó trong tương lai. Động thái phi pháp tiềm tàng này cộng với quy định mới này sẽ là sự cản trở nghiêm trọng quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Ngoài ra là các khu vực Trung Quốc có tranh chấp chẳng hạn như quần đảo Senkaku hoặc khu vực eo biển Đài Loan.
Tác động:
Phản ứng tốt nhất, như nhiều chuyên gia chỉ ra, là phớt lờ các quy định của Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với hải quân các nước như Mỹ, một số hãng tàu biển hoặc các nước không liên quan có thể sẽ có chọn lựa an toàn là báo cáo cho Trung Quốc.
Điều đó có thể bị Trung Quốc lợi dụng để củng cố các yêu sách chủ quyền phi pháp của họ. Nó tương tự những gì Trung Quốc tính toán khi thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông trước đây.
Mặt khác, Trung Quốc cũng có thể sẽ viện cớ thực thi quy định mới này để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai lực lượng trên các vùng biển yêu sách, đẩy mạnh quá trình khống chế Biển Đông.
Không có nhận xét nào