Chúng ta sẽ làm gì?
Hai cha con ăn cơm trên đường về quê ngày 1/8/2021. Ảnh: Thanh Quân/ Báo Thanh Niên.
Người vô hình không chỉ tồn tại trong các phim truyện viễn tưởng.
Nếu sống ở các thành phố lớn như Sài Gòn hay Hà Nội, chắc chắn bạn phải thường xuyên bắt gặp hình ảnh những người ăn xin ngoài đường. Những đứa trẻ giơ chiếc nón rộng hơn đầu của chúng hướng về phía dòng người xa lạ. Những bà mẹ một tay ẵm đứa bé mới sinh, tay còn lại chìa ra chờ đợi bất kỳ sự ban phát nào. Hay những người già yếu đi lại khó khăn, những người khuyết tật không thể di chuyển, họ chỉ có thể ngồi một chỗ ở góc ngã tư, nhìn dòng xe qua lại với ánh mắt vô hồn tuyệt vọng.
Nếu sống ở các thành phố lớn, ít nhiều chắc bạn đã “luyện” được khả năng nhìn mà không thấy những con người đó. Họ quá nhiều, còn bạn thì không thể giúp được hết. Để bảo vệ lương tri dễ vỡ của mình, chúng ta biến họ thành những người vô hình.
Những người cùng khổ đó, tuy vậy, chỉ là phần rất nhỏ của tảng băng chìm. Trong xã hội hiện đại, có cả một thế giới vô hình nơi những người nghèo tồn tại mà chính quyền và phần còn lại đều không nhìn thấy họ.
Tôi biết đến khái niệm những người nghèo vô hình này, thật ngạc nhiên, không phải từ sách vở của Việt Nam, mà là từ một quyển sách của một tác giả Mỹ nói về người nghèo tại Mỹ.
***
“The Other America” (Một nước Mỹ khác) của Michael Harrington được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1962, cách đây gần 60 năm. [1]
Vào thời điểm đó, gần hai thập niên sau Thế chiến II, nước Mỹ đang ở trên đỉnh của thế giới: mạnh nhất về mặt quân sự, giàu nhất về kinh tế, và là nơi tập hợp những tri thức tinh hoa bậc nhất của nhân loại.
Vậy nhưng, như tác giả chỉ ra, cứ bốn người Mỹ thì có một người thuộc về một thế giới khác, một thế giới ngầm (underworld) của những người thuộc tầng lớp ngầm (underclass), sống nghèo sống mòn ngay trong lòng của những phồn vinh hoa lệ.
Đây tất nhiên không phải là phát hiện riêng của Harrington. Các báo cáo của chính phủ đều có số liệu về thực trạng giàu nghèo của người dân. Nhưng như ông nhiều lần nhấn mạnh trong sách, các con số thống kê không giúp người ta hiểu được bức tranh trần trụi và tàn nhẫn của hiện thực.
Theo ước tính của Harrington, khi ấy nước Mỹ có hơn 40.000.000 người sống dưới mức nghèo khổ. Dù gây sốc cho nhiều người Mỹ, nó vẫn chỉ là các con số vô hồn. Mỗi một người nghèo là một bi kịch riêng. Hàng triệu bi kịch đó tồn tại trong một thế giới riêng, tách biệt và vô hình với phần còn lại của xã hội.
Dùng từ của tác giả, chúng ta đều đọc được các thống kê về người nghèo, nhưng ít ai có trải nghiệm trực tiếp với họ.
Tầng lớp trung lưu, vốn chiếm phần lớn, đi làm mỗi ngày trên những tuyến đường cố định, sinh hoạt cùng nhau trong những khu vực biệt lập, và thường không có thời gian lưu tâm đến những gì xảy ra bên ngoài thế giới bận rộn của mình.
Sự phát triển của kinh tế, trái với niềm tin của nhiều người, không nhấc bổng mọi người cùng tiến lên. Đó là vì không phải ai cũng ngồi chung trên một con thuyền. Có những người sinh ra không đúng lúc không đúng chỗ, hoặc lọt tỏm ở một lỗ thủng nào đó trên thuyền, hoặc thậm chí không có chỗ trên đó ngay từ ban đầu.
Các dự án nhà chọc trời mọc lên khiến người ta có ảo giác về một sự thay da đổi thịt, đặc biệt nếu nó xuất hiện ở nơi trước kia là khu ổ chuột của những người nghèo. Rốt cuộc thì những người khốn khổ kia giờ đây cũng đã thay cơ đổi vận. Thực tế hoàn toàn ngược lại.
Trong rất nhiều trường hợp, các dự án xây dựng cải tạo đô thị hoành tráng đem lại lợi ích kếch xù cho những người có tiền có quyền, trong khi cải thiện rất ít đời sống của những người nghèo khổ. Nó khiến người nghèo chỉ càng thêm vô hình trong mắt phần còn lại.
Trang phục cũng là yếu tố góp phần vào công cuộc tàng hình hóa cái nghèo. Sản xuất phát triển khiến cho giá cả của quần áo ngày càng rẻ. Nhờ vậy, ai cũng có thể ăn mặc đàng hoàng, dù họ nghèo rớt mồng tơi. Như Harrington viết, “ngay cả người có thu nhập bèo bọt nhất cũng có thể trông giàu có”.
***
Có thể bạn sẽ phản đối việc gọi những người còn có ăn có mặc là nghèo.
Đây là điểm chính yếu khác mà Michael Harrington nêu ra trong sách: cái nghèo trong xã hội hiện đại không thể chỉ được định nghĩa bằng các con số.
Không phải dưới một mức thu nhập cố định nào đó thì mới được tính là nghèo. Trong xã hội, những ai phải sống ở dưới mức tử tế (levels beneath those necessary for human decency) đều là nghèo.
Những người nghèo ở Mỹ không thê thảm như những người nghèo ở châu Phi hay châu Á, nhưng so với mặt bằng chung của xã hội, họ đang phải sống dưới mức tử tế.
Họ có thể có chỗ ở, nhưng phải chạy lo tiền thuê nhà hàng tháng. Họ có thể có việc làm, nhưng phải chạy ăn từng bữa. Họ có thể có sức khỏe, nhưng chỉ cần một cơn bệnh là đủ khiến cuộc sống chao đảo.
Cái nghèo của những người này không hiển hiện rõ ràng như những người ăn xin ngoài đường mà chúng ta (không) nhìn thấy, nhưng nó là một vòng lặp không kém phần ác ôn.
Harrington mô tả một vòng lặp khốn nạn (vicious cycle):
“Người nghèo dễ bị bệnh hơn bất kỳ ai trong xã hội. Đó là vì họ sống trong các khu ổ chuột, nêm chật kín người trong các điều kiện thiếu vệ sinh; họ không có bữa ăn đầy đủ, không được chăm sóc y tế đàng hoàng. Khi bị bệnh, họ bệnh lâu hơn bất kỳ nhóm người nào khác trong xã hội. Vì thường mắc bệnh và bệnh lâu hơn người khác, họ mất thu nhập và việc làm, khó có thể duy trì công việc ổn định. Và vì không có thu nhập ổn định, họ không có tiền để tìm chỗ ở tốt, ăn những bữa đủ chất, hay tìm bác sĩ chữa bệnh. Trong cái vòng lặp này, bất kỳ chuyện gì phát sinh, đặc biệt là những cơn bạo bệnh, đều sẽ khiến họ rớt xuống sâu hơn, và bắt đầu một vòng lặp luẩn quẩn khác, càng lúc càng chúi xuống đáy.”
Hệ quả của việc bị nhốt trong cái vòng lặp này không chỉ là những thiệt hại về thể chất hay vật chất. Điều tồi tệ nhất, theo Harington, là nó tạo ra sự tuyệt vọng. Trong cái vòng luẩn quẩn đó, người nghèo không thấy được lối thoát nào dẫn đến một tương lai khác. Mà một người không còn hy vọng sẽ còn lại gì?
Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy những mô tả về người nghèo tại Mỹ, vào tận 60 năm trước, lại quen thuộc với xã hội Việt Nam thời điểm hiện tại tới vậy.
Đó là vì người nghèo ở đâu thì cũng giống nhau.
Họ giống không phải ở những so sánh tuyệt đối. Như trên đã nói, người nghèo ở nước giàu dĩ nhiên vẫn còn may hơn người nghèo ở vùng trũng của thế giới.
Họ giống nhau ở khuôn thức (pattern): đều phải sống trong những vòng lặp luẩn quẩn không lối ra, đều trở nên vô hình trong mắt phần còn lại của xã hội, và đều tuyệt vọng.
***
Tôi không giới thiệu quyển sách này với chủ ý mời gọi bạn quan tâm tới số phận của người nghèo tại Mỹ.
Người nghèo tại Mỹ dù gì cũng có nhiều cơ hội hơn hẳn trong việc đảm bảo cuộc sống, tìm kiếm cơ hội vươn lên và đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Người nghèo ở Việt Nam không được may mắn như vậy, và đó không chỉ là những người nghèo khổ bám lấy lề đường.
Hơn một năm trước, trước khi bị chính quyền bắt giữ, nhà báo Đoan Trang đã thực hiện một phóng sự về những người cùng khổ như vậy tại Sài Gòn. [2]
Tiếp xúc với họ, cô viết, “dường như có cả một tầng lớp đông đảo đang sống cùng chúng ta trong xã hội, nhưng hoàn toàn nằm ngoài thế giới của chúng ta”.
Giống như Harrington, Đoan Trang cũng nói về những con người vô hình trong xã hội.
Nhưng đó mới chỉ là những người vô hình dễ nhận ra, và thời điểm một năm trước, dịch bệnh chỉ mới phát tán.
Trong cơn “ngạo nghễ chiến thắng” đó, nếu có ai bảo rằng hàng triệu người lao động tự do, các công nhân ở khu công nghiệp, những người nhập cư tại các thành phố lớn, đều là những người nghèo vô hình, hẳn là chẳng mấy người tin.
Nhưng giờ đây, chỉ cần vài tháng sau chính sách phong tỏa cực đoan của thành phố, không ai còn có thể nói rằng không nhìn thấy họ.
Hàng triệu người tháo chạy ra khỏi Sài Gòn để trở về quê khi không thể trả tiền ở trọ, không còn đủ tiền ăn, không còn tiền mua gạo hay sữa cho con. Họ chấp nhận nguy hiểm chết người trên các hành trình hàng ngàn cây số trên những chiếc xe máy, ngủ bờ ngủ bụi trên các cây cầu và nằm lăn lóc bên những con đường quốc lộ.
Chỉ đến khi đó, họ mới không còn vô hình.
Người ta không còn có thể nhìn vào hình ảnh hai cha con ngồi ngoài đường cạnh chiếc xe máy giữa cái nắng trưa cùng ăn hộp cơm và bảo họ vô hình.
Ảnh: Thanh Niên, VnExpress. Thiết kế: Luật Khoa.
Khi họ không còn vô hình, câu hỏi tiếp theo là chúng ta sẽ làm gì?
Michael Harrington viết quyển sách với hy vọng đánh thức lương tri của người Mỹ, kêu gọi tất cả cùng vào cuộc để giải quyết vấn đề nhức nhối này.
Mọi giải pháp đều không thể chỉ dừng lại ở việc giải quyết từng vấn đề lẻ tẻ của người nghèo. Nó phải là một chuỗi chiến lược toàn diện, cùng lúc nhắm đến những thứ căn cơ nhất: đáp ứng nhu cầu ăn uống, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và tạo cơ hội học hành.
Điều quan trọng nhất theo ông là nó phải đánh tan được sự bi quan của người nghèo, cho họ thấy là mình không vô hình, rằng họ có thể có một tương lai khác.
Ở Việt Nam, trước khi nghĩ tới chuyện giúp người nghèo khỏi bi quan, có lẽ trước hết chúng ta cần đập bỏ những luận điệu lạc quan tếu, đặc biệt là từ phía chính quyền.
Trước sự thống khổ của hàng triệu con người, nếu vẫn còn những tuyên bố ngạo nghễ như “nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay” thì quả thật người dân phải nghi ngờ tư duy, đạo đức, thậm chí là nhân tính của những người nắm quyền. [3]
Những người nghèo khổ, bất kể có ai chịu nhìn thấy họ hay không, đều tồn tại ngay bên cạnh chúng ta. Họ ở trong cùng một chiều không gian, sống trong cùng một thế giới, và chia sẻ cùng một số phận với chúng ta.
Xin được mượn ý những câu thơ của W. H. Auden, [4]
Nghèo đói không cho ai lựa chọn
Cho dù là dân thường hay quan chức
Chúng ta hoặc yêu thương nhau, hoặc cùng chết.
https://www.luatkhoa.org/2021/08/khi-nhung-nguoi-ngheo-khong-co
Không có nhận xét nào