Bà Tám Niệm chết hai ngày rồi, nhà chưa lo được đủ bộ ván hòm. Thằng con Út ở nông trường về chiều hôm qua đã không biết làm gì để tiếp giúp mọi người, chỉ ngồi đầu giường mà khóc. Ðầu hôm, có người này người nọ, đi ra đi vô cũng đỡ trống lạnh. Khuya lại, âm u thấy mà ghê.
Nhà ngoài còn hai người, ông Xã Miễng và thằng Cu Ngọng ngồi đánh cờ tướng. Cái chái lợp bằng tàu dừa, không có vách vừng, gió thổi u u mà bốn năm đứa nhỏ nằm trên bàn ngủ ngon lành.
Trong này nhìn ra, thằng Út rùng mình.
Hồi chiều, anh Tư đạp xe từ trại cưa về cho hay ngày mai hy vọng có được thêm một vách và cái nắp hòm thành ra theo như lời ông Xã Miễng, anh em tụi nó rán để tới ngày mai.
Thiệt tình mà nói, thằng Út có muốn tiếp tay với mọi người cũng không biết phải tiếp cái gì. Nhang đèn khỏi phải đốt vì chỉ có hai cặp đèn cầy để dành cho lúc liệm, lúc nhập quan, lúc thành phục, rồi cáo thần, phát dẫn… Nhang thì còn một bó nhỏ xíu, dành cho bà con tới lễ phúng điếu, động quan, hạ huyệt…
Trời tối om, lại có gió lớn. Thằng Út tủi thân khóc tiếp tục. Tiếng khóc của nó lúc này chỉ còn nghe như tiếng hậm hực của một con chó lúc đánh hơi có người lạ. Thiệt ra nó khóc hết ra tiếng rồi. Chiều hôm qua, nó kể lể liền miệng tới nửa đêm, sáng ra thì khàn khàn cần cổ, người ta hỏi, nó gật đầu, nó lắc đầu.
Ông Xã Miễng không nghe tiếng nó khóc, nhưng nghe được tiếng nó hịt mũi, bèn gõ gõ mấy con cờ lên bàn, quay vô lớn tiếng:
“Cái thằng này! Út à, ra đây mà chơi, làm cái giống gì mà rúc rúc ở trong đó, rồi khóc thút thít hoài. Ra đây.”
Thằng Út bên trong chợt thôi hị mũi nhưng không thấy động tịch gì hết. Cu Ngọng phụ lời ông Xã Miễng:
“Ga ây quoánh cờ, Út ơi!”
Rồi nó nói nhỏ hơn, như nói với Xã Miễng:
“Ai cũng chết, chết hì hôi, buồn dàm gì cho mệt.”
“Ừ, buồn làm chó gì, chết thì thôi,” ông Xã Miễng tiếp lời nó. “Ðể tao vô lôi nó ra đây.”
Vừa nói, ông vừa ngay giò đẩy ghế về đàng sau, chống tay xuống bàn gượng đứng dậy. Mấy đứa nhỏ đang ngủ, nghe tiếng nói lớn lúc nãy, có đứa giật mình lăn trở. Một đứa ngóc đầu dậy hỏi lè nhè:
“Ba tui dìa chưa ông Xã?”
Thằng Cu Ngọng nói liền:
“Chưa âu! Ngủ i!”
Thằng nhỏ im lặng nằm trở lại. Trong kia, ông Xã Miễng một tay vịn cửa buồng, một tay bưng cây đèn dầu, khom người nhìn vô. Thằng Út nằm quay lưng ra, một chân nó duỗi thẳng, thọc dưới gầm giường. “Trời lạnh quá mà thằng này ở trần.”
Ông Xã Miễng lại lên giọng:
“Mầy không ra coi đánh cờ, ở đó mà nằm dật nằm dựa, muỗi nó cắn mày chết… Út!”
Ông nói xong thì bước luôn vô buồng. Thằng Út quay ra, nó nói ú ớ trong miệng không ra tiếng, rồi vịn thành giường ngồi dậy.
“Chà chà, bắt đầu có mùi rồi nghe. Ðiệu này thì ngày mai nhứt định là phải tính cho xong, không thể để cù cưa cù nhằng như vầy được, nghe Út.”
Thằng Út vẫn lầm lì. Nó lầm lì chống tay xuống đầu gối đứng dậy, lầm lì kéo góc cái mền cho thẳng mấy lằn nhăn trên thây ma má nó, rồi lầm lì đi ra cửa, bỏ mặc Xã Miễng một mình đứng đó.
Ngoài này, thằng Cu Ngọng cầm cái ca mủ vừa gõ nhịp xuống bàn tay vừa hát ư ử trong miệng.
Ði ngang cửa buồng, ngang thằng Út, nó đứng lại một chút, nói nhỏ:
“Cao i múc ngước, ngấu ngước chà.”
Thằng Út ngó sững Cu Ngọng một cái rồi quay đi. “Mầy đi múc nước thì tao đi lấy trà rồi ra chụm lửa…” Nó nghĩ, ”khóc hoài chỉ mệt thêm thôi.” Ông Xã Miễng bưng đèn trở ra, ngồi lại bàn cờ, hai tay chống cằm suy nghĩ nước đi. Ðược một chút, ông lại đứng dậy, lần về phía tấm đệm bên vách, trên đó đã để sẵn lổn ngổn các thứ đồ tẩm liệm. Cái “dải lụa” dùng để buộc tóc được thay thế bằng cái khăn rằn xé dọc làm đôi. Hai cái khăn vải trắng cũng lại là hai mảnh của cái bao bồng bột cắt đôi, một dùng để tắm, một dùng để lau mặt xác chết, rồi cái lược thưa, cái chậu nước, một cái gáo dừa múc nước, một cái nồi dùng nấu nước lá sả, một cái kéo cắt móng tay móng chân… Tất cả đã sẵn sàng, chờ xong bộ ván hòm thì liệm.
“Trong khoảng giờ Tỵ ngày mai mà không xong thì thiệt tình không biết tính làm sao.” Ông Xã Miễng chỉ lo một điều là nội trong hai ba tiếng đồng hồ buổi sáng “thằng Tư” không đem về kịp tấm vách với cái nắp hòm rồi công chuyện kéo dài ra, qua khỏi giờ Tỵ là khó lòng lắm. “Tẩm liệm, động quan này nọ thì cũng phải có giờ có giấc, chớ đâu phải muốn làm là làm.”
Ông ngồi chồm hổm nắn nót cây lược thưa, im lặng. Thằng Út lúc này đã châm ngọn lửa. Ánh sáng lung linh, chập chờn ngã qua ngã lại làm nó chợt thấy đêm nay gió nhiều quá, rồi nó cảm thấy lạnh. Nó ngồi bẹp xuống đất, đưa mũi quẹt vô đầu gối xong để yên cái đầu ở đó, nhìn vào ngọn lửa.
Ðêm khuya, ai cũng im lặng. Nó thấy buồn quá chừng. Má nó chết, làm như ai cũng biết trước cả tuần lễ, vậy mà anh Tư nó chạy đôn chạy đáo vẫn chưa lo đủ bộ ván hòm. Làm cho trại cưa nhà nước năm sáu năm nay, tới lúc bà già chết, không được một chút thông cảm. Cả ngày nay, ngồi khóc chớ nó chờ, chờ anh Tư về cho biết công chuyện chạy lo cho đủ bộ ván đi tới đâu. Rồi đêm nay nó chờ, chờ anh Tư đội sương đội gió chống bè lên tuốt trên ngọn, bẻ mấy lóng cây về để có mà cưa, “may ra mấy ổng cho mấy tấm giác da về đẽo gọt lại, xài được.”
Thằng Cu Ngọng bắc lên bếp cái ấm nước rồi ngồi xuống cạnh thằng Út, một tay choàng qua vai bạn, nói nhỏ:
“Mày hổng dạnh sao?”
“Ừ, lạnh!” Giọng thằng Út khàn khàn.
“Bận áo dô i.”
Thằng Út lắc đầu.
“Cao dấy áo cho mầy nghe!”
Thằng Út lắc đầu.
“Mà mầy dạnh hông?”
Thằng Út gật đầu. Cu Ngọng cụt hứng. Cái thứ “điếc hay ngóng, ngọng hay nói” mà gặp một thằng cỡ thằng Út này cũng đành chịu thua. Cu Ngọng nhìn nó một chút rồi đứng dậy, lầm bầm:
“Ngó buồn dắm, cội nghiệp!”
Cu Ngọng định rủ ông Xã Miễng trở lại bàn cờ thì anh Tư thằng Út về. Ngó bộ đồ là biết ướt mới vừa ráo. Không ai thắc mắc gì hết vì biết rằng anh lội nước từ đầu hôm tới giờ, bè cây về.
Ông Xã Miễng ngồi bật dậy ngay:
“Sao mầy Tư? Xong không?”
Anh Tư lần tay mở nút áo ngực, buông gọn:
“Chưa chắc!”
“Sao?”
Thằng Út, thằng Cu Ngọng cũng đã đứng cạnh ông Xã từ lúc nào. Cả hai đều há hốc miệng ngó châm bẩm vô mặt anh Tư.
Ông Xã hỏi nữa:
“Sao? Sao?”
Anh Tư chợt xẵng giọng:
“Hứ, mệt muốn chết mà còn bực mình. Chiếc xe đạp chó đẻ cứ tuột dây sên liền liền, tui giận tui hất ngoài đầu đường rồi.”
“Tao hỏi mầy mấy tấm ván thì làm sao?” Ông Xã gằn từng tiếng.
Anh Tư cởi hẳn áo ra, quăng lên bàn:
“Tùm lum chuyện, không chắc chắn được. Mấy lóng cây sao, thì mình ên tui bè không nổi, dài lắm. Còn cây dầu thì nhiều lóng tốt mắc kẹt hết, mấy lóng ngoài, bể, nứt thấy mà ghê, cũng phải bè về. Rồi phải thôi đâu, về tới trại, mới hay mấy cha nội tui, xả mấy lóng thị, đứt một hơi hai lưỡi cưa, còn có lưỡi cuối cùng, phải xả tiếp. Mẹ nó, phải đủ ván chở về tỉnh, hết lưỡi cưa cũng phải chờ đi tỉnh chở về, không biết tới chừng nào.”
Anh Tư nói xong thì uể oải ngồi xuống ghế, vò cả hai tay lên cái đầu sói gần hết tóc, hực hực cần cổ như cố nén xúc động. Hai thằng, thằng Út, thằng Cu Ngọng vẫn đứng im. Ông Xã Miễng chấp chấp miệng rồi cố nói gượng:
“Biết đâu được, biết đâu được mầy! Biết đâu phước đức ông bà mầy khiến tụi nó cưa tới sáng cũng không đứt lưỡi cưa rồi sáng tụi nó cưa lóng dầu là khỏe cho mình.”
Thấy anh Tư trầm ngâm, ông Xã ngồi xuống ghế bên cạnh, tiếp lời:
“Mà mày có chắc là thằng cha Bảy Mương gì đó, thằng cha thủ trưởng gì đó hứa là sáng sẽ cho cưa mấy lóng cây mầy bè về không?”
“Chả chỉ nói là làm xong ba lóng thị trên đường rầy, thì làm. Tui biết nếu không có gì trục trặc thì đêm nay xong tuốt.”
“Nếu không có cái gì trục trặc,” anh Tư nói mấy tiếng đó mà thót trong ruột. Ơn huệ, cảm tình của anh với thằng cha thủ trưởng trại cưa qua một lời hứa, lời hứa mà thiệt tình, bà già chết anh mới cắn răng tin tưởng.
Có một điều anh chưa nói ra, mà chắc có lẽ anh sẽ không bao giờ nói ra: Lâu nay, trong thâm tâm chính anh và các bạn làm công cho trại, ai cũng mong cho luôn luôn có một cái gì đó trục trặc, để được nghỉ làm. Bởi vì, làm cật lực cũng không đủ ăn, mà không làm không được. Nghỉ làm, có khi còn khá hơn, về nhà quơ quào cách khác, hợp lý, hợp pháp chớ đương không mà nghỉ ngang, ai dám. Thành ra, có nhu cầu của tỉnh đòi hỏi, toàn trại phải làm đêm thì chuyện máy kéo, máy cưa hư hoặc lưỡi cưa lần lượt đứt hết là chuyện thường.
Anh Tư rùng mình suy nghĩ ”Mình vô phước, bà già chết nhằm cái lúc này mà không dám hở môi. Có ai dám nói với ai về cái ý nghĩ nguy hiểm đó. Lâu nay, tình trạng trong trại thì ràng ràng như vậy mà thiệt tình, mỗi người đều làm theo ý nghĩ của mình, giữ cho khéo, cho kín.”
Anh lại vò mạnh cái đầu sói. Thằng Út ứa nước mắt, kéo ghế ngồi cạnh anh rồi lại hịt hịt. Ông Xã Miễng muốn đánh tan những phút buồn thảm đó, nói lớn:
“Ðược, chắc được mà, rán mà tin đi. Không lẽ mầy vô phước quá vậy sao!”
Anh Tư mím môi:
“Biết đâu được, chú!”
Anh quay nhìn về góc nhà, nơi để những đồ tẩm liệm, tặc lưỡi:
“Thiệt! Tốn biết bao nhiêu mới chia được một ít thủy ngân đổ miệng cho bà già, để tới bây giờ, hết hơi hết thuốc gì rồi… Chú coi đó, sả nó héo queo.”
Câu nói, nói đúng ngay mối lo của ông Xã Miễng. Ông vì cảm tình lối xóm, rồi vì cái lòng tin của anh Tư, muốn tận lực giúp đỡ cho đám tang bà Tám Niệm đàng hoàng tươm tất mà thiệt tình trong hoàn cảnh này, ông chịu thua.
“Mầy nhớ nghe Tư, ngày mai, phải xong trước Ngọ, đừng để trễ. Thiệt tao cũng rầu muốn chết.”
Rồi nhà lại rơi vào im lặng tịch mịch, tiếng côn trùng được lúc, xoáy tuốt vô óc con người ta.
Thằng Cu Ngọng châm xong bình trà rồi. Nó xách lại bàn, tay kia cầm theo cái ca mủ:
“Ngước chà, ngước chà ngóng nghe. Ai uống hì uống.”
Nó đặt bình trà lên bàn rồi lật vạt áo thọc vô ca, lòn mấy ngón tay, xoay qua xoay lại, đưa lên miệng thổi mấy cái. Ý chừng cho là sạch rồi, nó đặt xuống trước mặt anh Tư:
“Uống chà i chú Cư.”
Anh Tư liếc nhẹ về phía cái ca, rồi nói với ông Xã:
“Không chừng tui hạ cái lưỡng diện xuống, lấy mấy tấm ván đó làm cho đủ bộ áo quan luôn à chú.”
Ông Xã Miễng trợn mắt một lúc, chợt hớt hải:
“Ý, đâu được mầy! Chấp quan mà phải phá nhà, ai cho mầy làm chuyện đó. Mà mầy coi, bề cao cái lưỡng diện có là bao nhiêu, không lẽ mầy nối ván.”
“Phá nhà thì phá chứ chú. Mình cạy đi tấm lưỡng diện thì có chút đỉnh, ăn nhằm gì.”
“Mà tao nói có cụt.”
“Tui cắt mấy tấm kia hết, tui cắt ba tấm kia hết.”
Anh Tư cố nói. Thật ra, đầu óc anh ù lì, chai cứng hết rồi. Ông Xã Miễng lắc đầu chầm chậm:
“Không được, không được! Mầy biết đó, ông bà còn nói mà, giường bốn thước hai, quan tài bốn thước bảy. Ai đời mầy liệm bà già mầy nằm còng queo, mày làm ăn sao nông nổi được…”
Anh Tư nín khe.
Ông Xã cảm thấy như mình lầm lỗi, cũng nín khe. Một lúc ông nói nhỏ:
“Sáng, không lo nổi, mầy trở về liền. Tháo tấm lưỡng diện thì dễ ợt, còn cái chuyện phải nối ván là phải chịu vậy rồi. Chưa bao giờ trong đời tao nghe nói tới chuyện làm áo quan mà nối ván, cũng chưa nghe nói làm như vậy là không nên. Thì thôi, mình miễn cưỡng làm cho qua buổi đi. Ðể kéo dài hoài, mầy mang tội chớ không phải chơi đâu. Còn nếu muốn xứng xái mà cũng đủ lễ đủ nghĩa thì liệm bằng chiếu, chôn bằng chiếu.”
“Bằng chiếu?”
“Ừ, bằng chiếu chứ sao. Ở nhiều vùng, con người ta đói khổ quá, chết thì bó bằng chiếu. Chôn bằng chiếu thì có lễ của cách chôn chiếu, còn chôn hòm thì có lễ của cách chôn hòm, đủ lễ đủ nghĩa chớ chơi đâu. Mầy có biết cái bài thơ gì của ông Nguyễn Khuyến, như là trối lại cho con cháu đó, ‘Ðồ khâm liệm chớ hề xấu tốt, kín chân tay đầu gót thì thôi.’ Người ta một đời phú quí còn không câu nệ nữa, huống chi cái thứ mạt rệp như mình.”
Anh Tư thở dài từng chập, theo từng câu của ông Xã. “Thiệt cái thời buổi này, chết rồi cũng còn khổ!” Anh không cần biết cái ý kiến của ông Nguyễn Khuyến gì đó hay ho lắm không, chớ thiệt tình, bà già chết mà không lo được tới nơi tới chốn thì sống làm sao cho khá. Anh lúc lắc cái đầu:
“Thì cũng rán chờ tới mai. Mọi thứ tui nhờ chú giúp cho. Thiệt tui muốn chết đứng rồi.”
“Ðể đó tao. Mầy có lo cho lắm cũng không qua được thời thế đâu. Hồi trước nó khác, bây giờ nó khác.”
Rồi ông tự tay rót trà ra ca, lòng nhẹ nhõm. Anh Tư cũng đứng dậy, mặt bình thản. Anh đi về phía mấy đứa nhỏ, nhón gót coi kỹ từng đứa. Tụi nó chắc lạnh, đứa nào cũng co quắp lại, hai tay thọc vào đùi mặt mày xanh xao quá.
Thằng Út không biết đi đâu mất, có lẽ nó trở vô buồng không chừng. Anh Tư đưa tay sửa cái đầu thằng con lớn cho ngay rồi lững thững bước ra ngõ.
Anh không nói nhưng ông Xã biết, anh đi dắt chiếc xe đạp về. Thằng Cu Ngọng hình như cảm thấy lạc lõng, nó bô bô cái miệng:
“Cới phiên ông Xã i ó. Ông Xã! Cui em con quáo xuống bắt xe, bắt ngựa. Cới ông Xã.”
Ông Xã Miễng chậc lưỡi đứng dậy chầm chậm đi về phía bàn cờ, ông muốn đổ quạu với thằng Ngọng này quá. Nãy giờ lo chuyện này chuyện kia chứ thiệt tình trong bụng ông tính nát nước cũng không gỡ được cú bắt này, đành mất con ngựa lại còn thất thêm một nước. “Nãy giờ lu bu như vậy mà thằng Ngọng không quên, tổ cha nó.” Ông nói lấp lửng:
“Gần sáng rồi! Chắc tao đánh ít nước nữa với mầy cho vui, rồi xù, đi ngủ. Sáng còn nhiều chuyện phải làm nữa, mầy à.”
Ông Xã Miễng quay qua, rồi quay lại rồi với tay lấy cái ca, cái bình trà, rót nước. Ông ngồi thẳng lưng hít mạnh, mặt ngước cao, rõ ràng là muốn rặn ra một cái ngáp. Thằng Cu Ngọng lúc đó cúi đầu xuống bàn cờ, không thấy.
Không có nhận xét nào