Hiện tại bình quân mỗi tháng cả nước có trên 10 ngàn doanh nghiệp… rút lui.
Giãn cách kéo dài tạo cú đổ domino dây chuyền?
Số liệu kinh tế – xã hội tháng 8 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước tháng Tám giảm 7,1% so với tháng Bảy, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20-8-2021 đăng ký cấp mới giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 8-2021, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 68 ngàn tỷ đồng và số lao động đăng ký 43,4 ngàn người, giảm 34,1% về số doanh nghiệp, giảm 44,6% về vốn đăng ký và giảm 39,1% về số lao động so với tháng 07/2021; giảm 57% về số doanh nghiệp, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước, và giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước.
Những gắng gượng cuối cùng chờ kết thúc giãn cách?
Trong tháng 8, cả nước có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 21,9% so với tháng trước, và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 6.441 doanh nghiệp, giảm 34,9% so với tháng trước và giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 3.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 2.511 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 812 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Cũng trong 8 tháng năm nay, có 85,5 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 43,2 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30,1 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 ngàn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tính đến ngày 20-8-2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.135 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 11,33 tỷ USD, giảm 36,8% về số dự án và tăng 16,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 639 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,98 tỷ USD, tăng 2,3%; có 2.720 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 2,81 tỷ USD, giảm 42,9%, trong đó, có 1.092 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,75 tỷ USD và 1.628 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,06 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2021, ước tính đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp Việt chuyển vốn ra nước ngoài?
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm 2021 có 40 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 150,1 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước; có 13 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 424,9 triệu USD, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 575 triệu USD, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xem ra một lần nữa, vấn đề quản trị quốc gia trong đại dịch cần được lưu tâm hàng đầu. Bởi, quản lý khủng hoảng là một phần quan trọng của quản trị quốc gia.
Xử lý khủng hoảng thế nào, thành công hay không, phản ánh chính xác trình độ quản lý quốc gia của một chính quyền; trong đó đặc biệt là nền tảng vững chắc về chính trị, kinh tế, xã hội và hệ thống vận hành hiệu quả của Việt Nam lâu nay có đúng như những gì mà người ta vẫn thấy tuyên truyền trên báo chí?
https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-doi-mat-voi-khung-hoang-von-dau-tu/
Không có nhận xét nào