Gần như hiện nay rất khó cho các tổ chức phản biện độc lập khi đưa ra đánh giá về tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng tại TP.HCM.
Giới y khoa tư nhân đang có 2 thắc mắc cho yêu cầu cần đánh giá thực trạng dịch của thành phố này một cách khoa học, khách quan, qua đó để có quyết sách cho đúng.
Thứ nhất, phải chăng là dịch đã dịu đi và mỗi ngày vẫn đang tốt hơn nhờ vào việc liên tục gia hạn giãn cách xã hội, và tiêm ngừa vắc xin?
Thứ hai, phải chăng dịch ngày càng nặng hơn, vì giờ đây lực lượng vũ trang đã phải vào cuộc, và người đứng đầu chính quyền đã phải ‘rời ghế’?.
Hai tình huống khác nhau sẽ có quyết sách khác nhau.
Còn nhớ, đầu tháng 7-2021, báo chí đưa tin nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Fulbright và Tech4Covid của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM dự báo đến đầu tháng 8-2021, dịch Covid-19 ở TP.HCM chỉ còn rải rác vài ca/ ngày và sẽ kết thúc vào cuối tháng này nếu thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ban hành.
Tuy nhiên đối chiếu với những gì đang diễn ra đã cho thấy cả hai nhóm trên đã dự báo trật lất. Thế nhưng, ngay cả chuyện ‘trật lất’ này, cũng có nguyên do của nó.
Một, dữ liệu thô nạp vào để phân tích có thể không có khách quan để đánh giá chính xác, vì số liệu tuỳ thuộc từng giai đoạn chống dịch, xét nghiệm hay không, báo cáo hay không. Số liệu để so sánh đối chiếu từng giai đoạn có thể không phản ánh đúng thực tế tình hình lúc đó. Và nơi chịu trách nhiệm cung cấp là Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Rất có thể họ bị áp lực của yêu cầu ‘định hướng’ nào đó để phục vụ mục đích chính trị.
Hai, không hẳn khuyến nghị nào mà nhóm nghiên cứu đề xuất cũng được lắng nghe trên cơ sở của chống dịch dựa trên khoa học.
Đơn cử, tài liệu liên quan của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Fulbright, cho biết giải pháp “cách ly xã hội theo đợt”, có thể giúp ngăn ngừa tình trạng kiệt quệ về kinh tế và hành vi bởi các biện pháp cách ly xã hội nếu kéo dài sẽ quá sức chịu đựng của nền kinh tế và xã hội.
Nhóm này cho rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể chịu đựng tình trạng ngừng trệ hiện tại khoảng 3 tháng, tối đa là 6 tháng. Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế – xã hội.
Nhóm cũng đề xuất áp dụng biện pháp xét nghiệm mẫu ngẫu nhiên để xác định xác suất của một người nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng, nhưng chưa được ghi nhận. Lý do của đề xuất này là nếu xác suất là đáng kể thì có nghĩa rằng chiến lược hiện nay của Việt Nam chưa thực sự phù hợp.
Nếu ngược lại, xác suất này không cao thì có thể tự tin với chiến lược hiện tại, đồng thời có thể nối lại các hoạt động kinh tế và giáo dục một cách bình thường mà vẫn giữ an toàn.
Tuy nhiên với những gì đã diễn ra cho thấy dường như các quyết định không dựa trên khoa học, mà là cảm tính cho các mặt trận chống dịch và kinh tế của Bộ Chính trị.
Ba, một tài liệu thống kê về tỷ suất chết thô chung của TP.HCM là 4,7‰ năm 2019, trong đó, theo nguyên nhân chết thì chết do bệnh tật chiếm 95%. Giả định các con số này vẫn giữ nguyên năm 2021, thì với dân số khoảng 9,42 triệu người, số chết do bệnh tật dự tính là 42.060 người, hay 115 người chết vì bệnh trung bình mỗi ngày.
Từ thực trạng đó, rõ ràng những người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư, tai biến… đối diện với rủi ro không được chăm sóc y tế. Hơn nữa, những người bị bệnh đột ngột và khẩn cấp như đau ruột thừa, tai nạn, chấn thương… có thể chuyển nặng nếu không được chăm sóc y tế khẩn cấp trong bối cảnh nguồn nhân lực y tế đã phải dàn trãi ở các bệnh viện dã chiến.
Như vậy, hiện tại có 3 tiêu chí cần đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM: Lượng ca nhiễm mới – Lượng bệnh nhân phải nhập viện, kiểm soát F0 tại nhà – Tử vong.
Với chiến lược vắc xin của thành phố – bao gồm luôn cả Vero Cell/ Sinopharm của Trung Quốc, thì nếu căn cứ vào bản số liệu công khai, có quận đạt trên 100%, nhưng có quận mới 30 – 40%. Đây là bất cập trong điều hành, trong phân bổ năng lực tiêm ngừa, thiếu sự điều động nơi mạnh về giúp nơi yếu. Phân bố vắc xin giữa các quận huyện một cách bất hợp lý.
Nếu như con số thống kê công bố là đúng, khi đã phủ toàn thành trên 70%, thì nên mở dần mọi thứ. Không thể đóng mãi được. Vì cuộc sống người dân, sản xuất kinh tế xã hội của thành phố. Với lượng ca ước tính đã nhiễm, với số liệu dân đã tiêm vắc xin, liệu dịch có thể tăng được không?
Đơn cử, đầu tuần trước, chính quyền thành phố mở lại một loạt các dịch vụ chế biến lương thực, sản xuất… và tình hình dịch vẫn kiểm soát được kia mà. Dĩ nhiên ở đây, xin nhắc lại, nếu các số liệu là minh bạch, không định hướng và không nhằm đến để ‘triệt’ phe nhóm nào đó chốn hậu trường.
https://vietnamthoibao.org/vntb-du-bao-sai-vi-so-lieu-covid-phai-chiu-dinh-huong/
Không có nhận xét nào