Header Ads

  • Breaking News

    Việc điều hành đập trong mùa mưa đánh vào sinh thái và cộng đồng Mekong

    Vào đầu tháng 7 năm 2021, các đập của Trung Hoa bắt đầu hạn chế dòng chảy của thượng lưu Mekong. Các nhà nghiên cứu và hoạt động nói chưa biết hậu quả ở hạ lưu và có lẽ nghiêm trọng.

    Khi Trung Hoa chào mừng kỷ niệm thứ 100th của Đảng Cộng sản vào ngày 1 tháng 7, đập Jinghong (Cảnh Hồng) trong tỉnh Yunnan (Vân Nam) bắt đầu hạn chế dòng chảy ở thượng lưu Mekong. Mực nước ở hạ lưu giảm xuống 50 cm chỉ trong 10 tiếng đồng hồ. Vào ngày 3 tháng 7, mực nước thấp lan đến Tam giác Vàng, biên giới giữa Myanmar, Lào và Thái Lan.

    Các đập thủy điện đáp ứng nhu cầu năng lượng cao trong ngày. Vào ban đêm, các turbines ngưng chạy và số nước xả giảm, gây ra đỉnh nước (hydropeaking) – sự lên xuống nhanh chóng của mực nước sông. Mặc dù dữ kiện xuyên biên giới về mực nước Mekong được chia sẻ nhiều hơn bao giờ, dữ kiện điều hành từ Trung Hoa vẫn là một nguồn bất thường.

    “Đỉnh nước làm cho nước dao động thường xuyên và nhanh chóng ở hạ lưu, [với] các ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên ở dưới nước hệ trọng đến các cộng đồng ở hạ lưu,” Gary Lee của International Rivers (Sông ngòi Quốc tế), một NGO, nói. “Với những thay đổi thình lình trong dòng chảy và mực nước, các cộng đồng [trên Mekong] đã thấy bờ sông và thuyền bè bị cuốn trôi, và thủy sản giảm [cũng như] các tài nguyên ở dưới nước khác tàn phá cuộc sống của người dân.”

    Ở thượng lưu của Thái Lan, Trung Hoa đã xây 11 đập trên thượng lưu Mekong, được biết như chuỗi đập Lancang, và có thêm 11 đập trong các gia đoạn khác nhau từ quy hoạch đến hoàn tất trên hạ lưu Mekong, hầu hết với phần đầu tư của Trung Hoa trong việc phát triển hay xây cất. Đập Luang Prabang ở Lào là đập mới nhất đã bắt đầu xây cất sơ khởi.

    Mặc dù mưa lớn trong suốt tháng 6, mực nước đã giảm 2 m trong tuần lễ đầu tháng 7. Trong tháng 8, Trung Hoa và Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) mâu thuẫn với nhau về nguyên nhân khiến mực nước dao động trong mùa mưa. Đối với các cộng đồng sống ven sông ở hạ lưu, ảnh hưởng của việc giới hạn dòng chảy của các đập trên thượng lưu Mekong đã rõ ràng.

    Cái giá chưa biết của đỉnh nước đối với Mekong

    “Chúng ta có thể thấy những ảnh hưởng rõ ràng [của đỉnh nước] đối với đời sống hoang dã trong các rừng ngập nước ở hạ lưu sông Ing, một phụ lưu của Mekong trong tỉnh Chiang Rai [ở phía bắc Thái Lan],” Teerapong Pomun, giám đốc của Viện Cộng đồng Mekong và Hiệp hội sông Siam, nói. Ponum nói có 26 rừng ngập nước dọc theo hạ lưu sông Ing. “Sự thay đổi mực nước trong Mekong ảnh hưởng hệ sinh thái của rừng… Có nhiều loại đời sống hoang dã trong rừng, bao gồm các loại quan trọng như rái cá Eurasian, rái cá có lông, và rắn hổ mang chúa.”

    Đất ngập nước Boon Rueang ở bắc Thái Lan, hoàn toàn dựa vào nhịp lũ của Mekong, rất qua trọng đối với các nhà bảo tồn. Những hành động gần đây để biến vùng lân cận thành Đặc khu Kinh tế đã bị công chúng phản đối vì có quá ít nghiên cứu cho hệ sinh thái.

    “Chúng tôi tin rằng đây là nơi cư trú quan trọng thứ hai của rái cá Eurasian ở Thái Lan. Chúng tôi đã tìm thấy ít nhất 6 biến thể DNA của rái cá Eurasian trong hạ lưu sông Ing, chỉ kéo dài có 133 km,” Teerapong Ponum nói. “Sự thay đổi rừng ngập nước và số cá do nước Mekong ảnh hưởng đến rái cá và đời sống hoang dã khác trong rừng, kể cả các loài chim di trú.”


    Rái cá có lông là thú thổ sinh ở nam và Đông Nam Á, với một số ở Iraq. Nó là loại rái cá lớn nhất ở Á Châu, và được xếp vào loại dễ tổn thương bởi Liên hiệp Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. [Ảnh: Alamy]

    MRC có ý định cộng tác với Trung Hoa để nghiên cứu các ảnh hưởng rộng lớn hơn của đập thủy điện. Nhưng một nghiên cứu hỗn hợp trước đây trong năm 2018, Gary Lee nói, đã “không chú ý nhiều đến ảnh hưởng đối với người dân dựa vào sông.”

    Mặc dù hứa hẹn các tiêu chuẩn mùa mưa, khi vòi nước được đóng lại ở Jinghing trong tỉnh Yunnan trong tháng 7, sông Ruak, phụ lưu của Mekong cho thấy các cồn cát giữa Thái Lan và Myanmar. Ở thượng lưu, đỉnh nước cũng ảnh hưởng các phụ lưu Mekong nhưng ít được biết đến như trên dòng chánh, với các hệ sinh thái dựa vào lũ lụt và hạn hán thông thường của Mekong.

    Nhịp lũ

    Tin tức từ Theo dõi Đập Mekong (Mekong Dam Monitor (MDM)), một diễn đàn trên mạng dùng ảnh vệ tinh để theo dõi mực nước trong hồ chứa, ước tính rằng có khoảng 60 đỉnh nước xảy ra từ ngày 5 đến 7 tháng 1, và cho biết ảnh hưởng tổng quát của việc giữ và xả nước làm cho các vấn đề theo mùa thêm tồi tệ. Vì việc hạn chế ở thượng lưu và mưa ít, huyện Chiang Saen ở Thái Lan mất 35% lưu lượng tự nhiên vào giữa tháng 8, theo Mô hình Dòng chảy Tự nhiên của Eyes on Earth.

    Hàng triệu người trong hạ lưu vực Mekong từ Myanmar dựa vào số cá đánh được từ Mekong, cung cấp nền thủy sản nội địa lớn nhất thế giới và xác định chu kỳ tự nhiên của mùa mưa và mùa khô. Các nghiên cứu gần đây nói rằng đỉnh nước trên Mekong có thể thay đổi lớn lao chiều sâu, hình dạng của lòng lạch, nhiệt độ và vận tốc dòng chảy.

    Ngoài chất dinh dưỡng và phù sa bị các đập thủy điện lớn giữ lại, ấu trùng và cá con cũng gặp rủi ro vì nước đứng và chấn động bởi sức mạnh của dòng chảy nhân tạo. Các loại chim làm tổ trên bờ sông Mekong, một số sắp tuyệt chủng, đang lâm nguy vì tổ của chúng bị ngập vì lũ lụt trái mùa.

    “Các đập [đang] đóng và mở sông bằng cái ngắt điện và một số nút vặn,” Alan Basist, chủ tịch của Eyes on Earth, nói, lưu ý rằng những thay đổi tự nhiên trong sông hiếm khi xảy ra ở mức độ do đỉnh nước gây ra. “Sự toàn vẹn, ổn định, sinh thái và kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể từ sự dao động không tự nhiên của dòng chảy, nhưng dường như những lo ngại nầy không được chú ý trong việc điều hành đập.”

    Lên và xuống

    Các mực nước thấp trong mùa mưa trong Mekong ngày 2 tháng 7 được báo cáo lần đầu tiên bởi MDM, một nỗ lực hợp tác giữa Trung tâm Stimson và Eyes on Earth. Dữ kiện thu thập bởi MDM sử dụng các vệ tinh xuyên mây và dữ kiện thủy học để tiên đoán và ghi nhận mực nước Mekong.

    “Trong các điều kiện bình thường, mực nước ở Jinghong trong mùa mưa giảm dần từ tháng 1 đến tháng 5, nhưng dữ kiện cho thấy cái gì đó hoàn toàn khác,” Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, nói. Ông lưu ý rằng bằng cách dùng dữ kiện từ trạm Yunjinghong của Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) và MDM, sông dâng lên khoảng 3 m từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 5, do việc xả nước phối hợp phần lớn từ các đập thượng lưu ở Huangdeng (Hoàng Đăng), Xiaowan Tiểu Loan) và Nuozhadu (Nọa Trát Độ).

    Nhóm cũng báo động các cộng đồng ở hạ lưu. “Khi nhóm MDM quan sát một sự thay đổi mực nước 50 cm vì việc điều hành đập trong thời gian 24 tiếng đồng hồ hay ngắn hơn, một báo động được loan báo cho các cộng đồng dễ tổn thương, các giới chức của chánh phủ, các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông qua diễn đàn MDM, truyền thông xã hội và email,” Eyler nói. Từ khi MDM được phát động vào tháng 12 năm 2020, có 16 báo động đã được loan báo.”

    Các báo động cho các cộng đồng ở Thái Lan một thời gian khoảng 48 tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho sự thay đổi mực nước. Hy vọng họ có đủ thời giờ, Eyler nói, để dời thuyền bè, gia súc và phương tiện canh tác có thể bị cuốn trôi vì nước dâng thình lình. Ông lưu ý rằng cổng dữ kiện gần đây của LMC từ Trung Hoa và MDM sẽ cho phép theo dõi tần suất và phạm vi của các đỉnh nước, và liên kết chúng với mất mát thủy sản và nhân mạng.

    Trạm theo dõi ở Chiang Saen ở Tam giác Vàng là trạm theo dõi đầu tiên ở ngoài Trung Hoa ghi nhận đỉnh nước từ chuỗi đập Lancang, nhưng ảnh hưởng rộng lớn hơn đối với bờ sông được cảm nhận xa về phía hạ lưu, được the dõi ở trạm Chiang Khan ở Thái Lan và Vientiane và Nong Khai ở Lào. Đỉnh nước trên Mekong cũng có thể có ảnh hưởng cộng dồn xa đến Việt Nam, khi việc thiếu hụt phù sa trong sông – do đập giữ lại – cùng với việc khai thác cát làm cho bờ sông sụp đổ.

    Dữ kiện về mực nước Mekong mới và nhanh hơn

    Hạn hán nặng nề trong năm 2019 là động lực cho việc chia sẻ dữ kiện xuyên biên giới trên Mekong, và việc hợp tác gần đây đã cung cấp dữ kiện tức thời mới mà mọi người có thể xem. Tuy nhiên, mặc dù mực nước của MDM, LMC và MRC phần lớn phù hợp với nhau, việc thiếu dữ kiện điều hành đã cản trở các nỗ lực giảm nhẹ ảnh hưởng của đỉnh nước.

    MRC không có quyền cho phép hay cấm xây đập trên dòng chánh. Điều nầy đặt nghi vấn về hiệu năng của nó. Dù vậy, MRC tiếp tục yêu cầu dữ kiện điều hành từ Trung Hoa, gần nhất vào cuối tháng 6 năm 2021, để minh bạch hơn. Những người khác đã cỗ xúy cho một đường lối dựa vào hành động.

    “Chánh phủ Thái cùng với các quốc gia thành viên khác của MRC nên cỗ xúy cho việc thay đổi cách điều hành chuỗi đập Lancang để làm giảm ảnh hưởng đối với sông và cộng đồng,” Gary Lee nói. “Việc điều hành đập nên đặt ưu tiên vào các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho cuộc sống của các cộng đồng ở hạ lưu thay vì vào việc sản xuất điện và thủy vận thương mại.”

    Cũng có thể có những khía cạnh tích cực của đỉnh nước đối với Mekong, vì nó có thể làm giảm vấn đề bùng nổ rong rêu. Nhưng không may, nếu Trung Hoa không muốn chia sẻ dữ kiện điều hành thì việc nầy, hay bất cứ ảnh hưởng tích cực nào khác, không thể được đánh giá.

    “Chánh phủ Trung Hoa và các nhà đầu tư không bao giờ lắng nghe hay lo lắng về người dân ở hạ lưu, Teerapong Ponum nói.

    “Chúng tôi không có các cơ chế tốt để can thiệp.”

    https://mekong-cuulong

    Không có nhận xét nào