Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Hà Nội hôm 25/8/2021
AFP
Chuyến công du Singapore và Việt Nam của Phó Tổng thống Kamala Harris kết thúc trong bối cảnh Hoa Kỳ đang cố gắng triệt thoái khỏi Afghanistan đúng thời hạn.
Phó Tổng thống Mỹ đến Việt Nam tiếp sau chuyến thăm tháng trước của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng về chính sách đối ngoại của hành pháp Biden tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từng được Tổng thống Joe Biden công bố qua báo cáo sơ lược Hướng Dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Phòng Tạm Thời hồi tháng 3/2021.
Trước đó, Nhà Trắng cho biết mục tiêu chuyến đi của bà Harris nhằm “tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế với hai đối tác quan trọng của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Trong chuyến đi này, Phó Tổng thống sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo của cả hai chính phủ Singapore và Việt Nam về các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm an ninh khu vực, ứng phó toàn cầu với đại dịch, biến đổi khí hậu và các nỗ lực khác nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Câu hỏi hiện tại, được giới quan sát đặt ra là vì sao Hà Nội cũng như Washington không nhân dịp bà Harris đến Việt Nam để nâng mối quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược.
Ngay từ ngày 12/8, tức là trước chuyến công du Đông Nam Á của nữ PTT. Mỹ, nhà phân tích thời sự Derek Grossman đã cho RFA biết:
“Không thể đảm bảo Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam cuối tháng này. Thế nhưng có thể đặt câu hỏi là nếu có một vị khách cấp cao như vậy từ Chính phủ Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam thì chắc hẳn phải có thành quả cụ thể được đưa ra trong chuyến công du đó”.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra, một chuyên gia về Đông Nam Á và Việt Nam, trước chuyến thăm cũng cho rằng việc nâng cấp quan hệ sẽ không xảy ra.
Một số lý do được Giáo sư Thayer đưa ra, bao gồm những điều ông từng nhận định, rằng sự nhìn nhận về giá trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn khoảng cách quá xa; Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu chuẩn bị một sự nâng cấp quan hệ. Điển hình, ông phân tích tiếp, một số phát biểu từ phát ngôn nhân Việt Nam cho thấy hai bên chưa hẳn đồng quan điểm về mọi mặt:
“Nói thẳng ra là Việt Nam và Mỹ có thể ‘đồng sàng’ về mặt an ninh nhưng ‘dị mộng’ vì có những giấc mơ khác nhau.Tại thời điểm này Việt Nam không muốn gây hấn với Trung Quốc. Hơn 21 tháng qua đã không có sự cố hàng hải nào đáng kể giữa Trung Quốc và Việt Nam. Vì vậy, nhìn từ quan điểm của Việt Nam thì tình hình như hiện nay với Trung Quốc không thể tốt hơn nữa và họ không muốn phá hỏng bầu khí hiện tại”.
Vào ngày 20/8, trang mạng The Diplomat đăng bài của hai đồng tác giả Hồng Kông Nguyễn và Phạm Mười Nguyễn, nói rằng quan hệ Mỹ Việt thừa ở mức đối tác toàn diện nhưng thiếu ở mức đối tác chiến lược.
Đến ngày 24/8, ngày bà Kamala Harris tới Hà Nội như dự tính, mạng VietnamNet đăng bài có tựa ‘Quan hệ Việt Mỹ mang cả tính toàn diện và chiến lược’. Báo dẫn nguyên văn lời cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ , ông Phạm Quang Vinh, rằng “Nếu nhìn vào mọi khía cạnh song phương, rồi quan hệ ở tầm khu vực và toàn cầu, có thể thấy mọi vấn đề đã trải dài ở cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng...thì câu trả lời là quan hệ Việt - Mỹ đã ở tầm chiến lược và nói rộng ra, mối quan hệ này mang cả tính toàn diện và tính chiến lược”
Giới blogger và các nhà quan sát sau đó cho rằng việc nâng cấp quan hệ toàn diện lên nấc đối tác chiến lược không xảy ra trong thời gian bà Harris có mặt tại Việt Nam.
Đối với nhà phân tích, Giáo sư Derek Grossman, giả sử có sự nâng cấp quan hệ đi nữa thì trên thực tế không có thay đổi gì lắm bởi quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước vốn đã tăng mạnh trong những năm gần đây.
Nhà nghiên cứu Biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt, cho biết Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tức là mức đô cao nhất, với Trung Quốc năm 2009, Nga năm 2012 và Ấn Độ năm 2016:
“Ngoài ra Việt Nam còn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 9 quốc gia khác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Đức, Italy, Singapore, Thái Lan, Indonesia”
“Quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia đó, chẳng hạn với Tây Ban Nha là đối tác chiến lược trong khi Mỹ vẫn là đối tác toàn diện từ 2013, thì khác một trời một vực.”
Cần so sánh như thế, Thạc sĩ Hoàng Việt dẫn giải tiếp, để thấy dù Mỹ và Việt Nam chưa tiến đến quan hệ đối tác chiến lược nhưng cũng không thể nói mối quan hệ đó thiếu tính chiến lược:
“Kể cả cựu Thứ trưởng Phạm Quang Vinh hay rất nhiều bạn ở Việt Nam hầu hết đều nhận định mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ bây giờ đã vượt quá tầm đối tác toàn diện, thậm chí còn hơn nữa từ chính trị, ngoại giao cho tới đầu tư rồi tới an ninh quốc phòng”
“Thế nhưng có lẽ vì nhiều vấn đề tế nhị cho nên Việt Nam vẫn còn ngại ngần và chưa sẵn sàng. Có thể ngầm hiểu Trung Quốc là yếu tố cản trở việc nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược của Việt Nam với Hoa Kỳ”.
Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với những 17 nước, nên là nếu thêm Mỹ vào thì Trung Quốc không có lý do gì để phàn nàn cả, là ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Thị Bích thuộc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc tế CSIS ở Washington DC:
“Trong 17 nước đó có nhiều nước đã là đồng minh với Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Thế thì tôi nghĩ Việt Nam nên nâng cấp mối quan hệ đối tác toàn diện đối với Mỹ hiện tại lên mức chiến lược. Tức là thông qua những, thông cáo chung hoặc những văn bản công khai, thì hai bên sẽ có khung làm việc vững chắc hơn, rõ ràng hơn để có thể hợp tác với nhau tốt hơn”
“Không chỉ cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh mà thậm chí Đại sứ Hà Kim Ngọc cũng đã vài lần nhắc tới trong các sự kiện khác nhau. Tức là nếu như hai Đại sứ nói rằng mối quan hệ Việt Mỹ trong bản chất đã là chiến lược rồi, chỉ có tên gọi hiện tại chưa là chiến lược mà chỉ toàn diện thôi, thế thì tôi đặt câu hỏi rằng bản chất đã là chiến lược mà tại sao hai bên không chính thức hóa mối quan hệ đó lên tầm chiến lược đi?”
Quan hệ giữa Việt Nam và Australia, nhà nghiên cứu của CSIS lập luận tiếp, đã được nâng từ mức toàn diện lên mức chiến lược:
“Mà theo quan điểm của Việt Nam thì đối tác toàn diện là mức thấp hơn so với đối tác chiến lược, vậy nếu như Việt Nam và Mỹ không chính thức nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược thì sự nâng cấp của Việt Nam với những đối tác khác có ý nghĩa gì hay không?”.
Một cái nhìn khác mà nhà nghiên cứu Trần Thị Bích muốn chia sẻ với những người quan tâm:
“Về hình thức ngoại giao, việc công bố nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược, chẳng hạn như Việt Nam tiếp một đối tác là Tổng thống thì việc công bố sẽ là quyết định của hai Tổng thống. Thế thì mặc dù rất nhiều người hy vọng trong chuyến thăm này bà Phó Tổng thống có thể nâng cấp quan hệ của họ lên đối tác chiến lược, nhưng mà như vậy không được bình thường cho lắm, thủ tục ngoại giao không được hợp lý cho lắm”
“Chúng ta có thể kỳ vọng bà Harris đến thăm lần này thì hai bên rất thành công trong hợp tác song phương, và sau đó khi Tổng thống Biden và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có cơ hội gặp nhau trực tiếp thì hy vọng Mỹ và Việt Nam sẽ chính thức công bố quan hệ của họ lên mức đối tác chiến lược”.
Sau cùng, trả lời RFA qua điện thư ngay sau khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ rời Việt Nam, chuyên gia Biển Đông và Việt Nam của Học viện Quốc phòng Australia, Giáo sư Carl Thayer viết:
“Tôi nhớ và từng lưu ý quí vị từ trước là cả hai cựu Đại sứ Mỹ đến Việt Nam cũng như vị nguyên đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong các sự kiện khác nhau, đều phát biểu gần giống nhau rằng đối tác toàn diện Mỹ Việt không khác mấy với danh xưng đối tác chiến lược trên thực tế”
“Nói đến toàn diện là nói đến hợp tác trong nhiều lãnh vực, bao gồm 9 điểm trong thỏa thuận đối tác toàn diện Việt Nam –Hoa Kỳ năm 2013”
“Còn chiến lược có ý nghĩa khác đối với quan chức Mỹ cũng như quan chức Việt Nam. Với Washington thì chiến lược liên quan chủ yếu đến phòng thủ, an ninh hay định hướng quân sự. Đây là kế hoạch đường dài mà giới chức Việt Nam tham khảo và cân nhắc mọi yếu tố nhằm đạt tới mục tiêu kinh tế xã hội và lợi ích quốc gia”.
Mặt khác, Giao sư Thayer nhấn mạnh, quan hệ đối tác chiến lược mà Việt Nam nhắm tới hàm chứa một cơ chế chung trong điều hành cùng là sự đánh giá mối quan hệ song phương mà thường là ở cấp độ ngoại trưởng. Tất cả đòi hỏi bản Kế Hoạch Hành Động về lâu về dài, thông thường là ba năm.
Nói cách khác, mục tiêu và cột mốc đã có nhưng hai phía vẫn trong tiến trình rà soát và đánh giá hàng năm. Đó là thủ tục rắc rối mà có vẻ như tới giờ cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam chưa đạt đồng thuận ở một số điểm, Giáo sư Thayer kết luận.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-us-vn-relation-so-close-to-strategic-partnership-by-far-08272021075218.html
Không có nhận xét nào