TT Biden nói cuộc sơ tán ở Afghanistan vẫn theo đúng tiến độ
Các nước phương Tây hôm 25/8 gấp rút hoàn thành việc sơ tán hàng nghìn người khỏi Afghanistan trong khi thời hạn rút quân nước ngoài ngày 31 tháng 8 đến gần hơn, giữa lúc không có dấu hiệu cho thấy các nhà cầm quyền mới của Taliban có thể cho phép gia hạn thời gian.
Trong một trong những đợt không vận lớn nhất từ trước đến nay, Hoa Kỳ và các đồng minh đã sơ tán hơn 70.000 người, bao gồm cả công dân Mỹ, nhân viên NATO và người Afghanistan có thể gặp nguy hiểm, kể từ ngày 14 tháng 8, một ngày trước khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul, nhằm chấm dứt 20 năm hiện diện quân sự ở nước ngoài.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan đang đối mặt với nguy cơ ngày càng gia tăng và các cơ quan cứu trợ đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo sắp xảy ra đối với những người dân bị bỏ lại phía sau.
Ông Biden cho biết các binh sĩ đang theo đúng tiến độ để đáp ứng thời hạn theo một thỏa thuận được ký kết với nhóm Hồi giáo hồi năm ngoái nhằm chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ.
"Chúng ta có thể hoàn thành sớm chừng nào, hay chừng đó", ông Biden nói hôm 24/8. "Mỗi ngày hoạt động mang lại thêm rủi ro cho quân đội của chúng ta”.
Hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ xảy ra các vụ đánh bom tự sát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại sân bay.
Hàng chục nghìn người Afghanistan lo sợ cuộc đàn áp đã đổ về sân bay Kabul kể từ khi Taliban tiếp quản, và những người may mắn có được chỗ ngồi trên các chuyến bay.
Báo cáo cho Biden về nguồn gốc Covid-19 chưa kết luận dứt khoát
Theo báo chí Mỹ ra tối qua, 24/08/2021, báo cáo về nguyên nhân đại dịch Covid-19, mà tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu cơ quan tình báo cung cấp trong vòng 90 ngày, chưa thể giúp kết luận dứt khoát về vấn đề nhạy cảm gây căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Hồi tháng 05/2021, tổng thống Biden đã yêu cầu ngành tình báo Mỹ « gia tăng nỗ lực » để xác định nguồn gốc đại dịch là do virus truyền qua loài vật, hay do rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Hôm qua 24/08, ông Biden đã nhận được bản báo cáo tối mật này, nhưng theo Washington Post, báo cáo này vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. Wall Street Journal cho biết một phần là do Trung Quốc không cung cấp đủ thông tin.
Theo tiết lộ của hai quan chức với Washington Post, trong những ngày tới cơ quan tình báo Mỹ sẽ cố gắng công bố một phần của bản báo cáo. Reuters dẫn các nguồn tin nắm rõ hồ sơ nói rằng khả năng virus lây qua thú hoang ít có cơ sở.
Giả thiết virus corona thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán ở Trung Quốc trong những tháng gần đây đã được nêu bật, cộng đồng khoa học quốc tế liên tục kêu gọi điều tra kỹ càng hơn. Nhưng Bắc Kinh cực lực phản đối, tố cáo Washington lan truyền « thuyết âm mưu », và luôn ngăn chận mọi ý định của nước ngoài muốn tìm kiếm các thông tin cần thiết tại chỗ.
Một viên chức Mỹ nêu ra một số khả năng khác, kể cả việc đòi hỏi Trung Quốc phải cung cấp thêm dữ liệu, dù có thể làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. Thomas Wright - thành viên Brookings Institution và đồng tác giả một cuốn sách về đại dịch cùng với Colin Kahl, thứ trưởng Quốc Phòng của Biden - cho rằng khó thể điều tra thực sự, nếu một trong các đối tác chính không chịu hợp tác.
Đại dịch Covid-19 đã làm ít nhất 4.439.888 người chết trên thế giới kể từ ca lây nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán cuối tháng 12/2019, theo tổng kết của AFP từ các thống kê chính thức. Còn theo tính toán của Reuters, cho đến nay, đã có tổng cộng 4,6 triệu người chết vì Covid-19.
Hoa Kỳ và đồng minh tập trận, tăng cường hiện diện ở Biển Đông
Hoa Kỳ gần đây đã và đang tiến hành một loạt các cuộc tập trận lớn trên biển, trong đó có hoạt động cùng đồng minh tại Biển Đông.
Cuộc tập trận có quy mô toàn cầu, Large Scale Exercise 2021, kéo dài 12 ngày, từ 3-15/8, do Hải quân Hoa Kỳ thực hiện, được xem là cuộc tập trận lớn nhất kể từ 1981.
Cuộc tập trận thứ hai, Large Scale Global Exercise 21, do Hạm đội Indo-Pacific của Hoa Kỳ cùng các đồng minh Nhật Bản, Úc và Anh Quốc tiến hành trên Biển Đông, từ ngày 2-27/8.
Theo kế hoạch, các quốc gia thuộc "Bộ Tứ" là Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc sẽ có cuộc tập trận Malabar từ ngày 26-29/8 ở ngoài khơi đảo Guam. Mục đích của cuộc tập trận Malabar là đảm bảo "một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", chống lại hành vi bành trướng của Trung Quốc.
Một số quốc gia châu Âu khác, đồng minh của Hoa Kỳ, cũng đã có hành động ở vùng Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng toàn cầu.
Anh Quốc đã cho đội tác chiến tàu sân bay do Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth chỉ huy tiến vào Biển Đông hồi cuối tháng Bảy.
Đức hồi đầu tháng Tám, lần đầu tiên từ gần 20 năm qua đã gửi tàu chiến tới Biển Đông. Chiến hạm Bayern với hơn 200 quân nhân, khởi hành từ Biển Bắc, sẽ có hành trình kéo dài 6 tháng, cập cảng nhiều nơi, trong đó có Việt Nam.
Sự tăng cường hiện diện của Hoa Kỳ và đồng minh tại Biển Đông là nhằm đối phó với sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc, quốc gia vốn ngày càng quyết liệt trong việc xác quyết chủ quyền của mình tại vùng biển nhiều tranh chấp.
Sự kiện Mỹ rút quân vội vã khỏi Afghanistan, chính quyền Kabul nhanh chóng sụp đổ còn phe Taliban dễ dàng tiến chiếm nước này khiến người ta đặt câu hỏi về mức khả tín trong những cam kết của Hoa Kỳ với châu Á.
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Kamala Harris trong chuyến công du Đông Nam Á, tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ "sát cánh cùng các đồng minh của chúng tôi nhằm đương đầu với các đe dọa".
Là một trong những quốc gia tuyên bố chủ quyền tại vùng biển có tranh chấp, nhưng "Việt Nam không thể cạnh tranh được với Trung Quốc trên Biển Đông", một chuyên gia an ninh từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói với BBC News Tiếng Việt.
Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những hành động khẳng định chủ quyền trên Biển Đông như sử dụng tàu đánh cá, hay tàu hải cảnh trong khu vực tranh chấp, cho nên Việt Nam "cần phải phối hợp với các đối tác trong khu vực và Hoa Kỳ để đương đầu với Trung Quốc", ông Mark F. Cancian, Cố vấn Cấp cao từ CSIS nói.
Chân dung Ahmad Masoud, thủ lĩnh chống Taliban của Afghanistan
Ahmad Masoud đã dành nhiều năm tích trữ vũ khí vì ông biết ngày này có thể đến. Masoud dẫn đầu một nhóm phiến quân có vũ trang từ Panjshir, một tỉnh miền núi nhỏ bé, hiện là phần duy nhất của Afghanistan không nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Nhưng các chiến binh thánh chiến đang trên đường tới. Ông nói, nếu họ đến mà không có vũ khí, họ có thể tham gia đàm phán hòa bình. Nhưng nếu họ đến mang theo súng, họ sẽ gặp sự kháng cự. Các báo cáo về giao tranh trong những ngày gần đây cho thấy sự lựa chọn đã được thực hiện.
Masoud có nét giống cha mình, Ahmad Shah Masoud, người được tôn kính ở Afghanistan như một anh hùng cách mạng. Anh cả Masoud là một chỉ huy lực lượng mujahideen người Tajikistan, người đã chiến đấu chống Liên Xô trong những năm 1980 và chống Taliban trong những năm 1990. Năm 2001, ông cảnh báo thế giới rằng Osama bin Laden có thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ khủng bố. Sau đó, hai ngày trước vụ tấn công 11/9, ông bị al-Qaeda ném bom, sau đó không lâu thì chết vì vết thương. Con trai của ông sinh năm 1989 ở Afghanistan và được giáo dục ở Iran và Anh, tiếp thu một số tư tưởng phương Tây về tự do cá nhân. Tầm nhìn của Masoud đối với Afghanistan là một quốc gia phi tập trung với quyền tự trị khu vực dành cho các nhóm dân tộc và một “chính phủ bao trùm”.
Việc Taliban chiếm được Kabul sớm hơn dự kiến đã khiến lực lượng của Masoud ở Panjshir bị căng ra. Chỉ cách Kabul 70 km về phía bắc, người ta chỉ có thể tiến vào thung lũng hình bầu dục dài của Panjshir thông qua một hẻm núi dốc. Các thị trấn của nó đang tràn ngập những người tị nạn và những binh lính muốn đáp lại lời kêu gọi vũ trang của Masoud. Khu vực này cũng là nơi ẩn náu của phần còn lại của chính phủ Afghanistan. Khi Tổng thống Ashraf Ghani chạy trốn khỏi Afghanistan, phó tổng thống người Panjshir của ông, Amrullah Saleh, đã về quê và tự xưng là tổng thống tạm quyền.
Seleh và Masoud cùng nhau kiểm soát Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan. Panjshir đang bị bao vây. Taliban được trang bị đầy đủ vũ khí, trong khi Masoud thừa nhận rằng kho vũ khí của chính mình sẽ không tồn tại được lâu. Ông khó có thể nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ Mỹ và các đồng minh trong khi Taliban đang hợp tác với họ để cho phép di tản khỏi Kabul. Một trong những tia hy vọng cuối cùng ở Afghanistan có thể sớm biến mất.
Taliban nói người Afghanistan không nên đến sân bay Kabul để được sơ tán bởi các nước phương Tây vì ở đó đang rất hỗn loạn. Phát ngôn viên của nhóm cũng yêu cầu Mỹ không khuyến khích người dân rời đất nước, vì Afghanistan cần “tài năng của họ”. Trong khi đó, xuất hiện thông tin cho thấy giám đốc CIA William Burns đã gặp Abdul Ghani Baradar, thủ lĩnh trên thực tế của Taliban, hôm thứ Hai ở Kabul. Đây là cuộc gặp ngoại giao cấp cao nhất giữa Mỹ và Taliban kể từ khi nhóm này chiếm được thủ đô hồi đầu tháng, có lẽ để thảo luận xem quân đội Mỹ có thể ở lại Afghanistan sau ngày 31/8 hay không. Tổng thống Joe Biden đang chịu áp lực rất lớn, yêu cầu ông kéo dài thời hạn sơ tán.
Số phận bế tắc của người Rohingya
Để tránh bị đàn áp ở Myanmar hay sống chui lủi trong các trại tị nạn Bangladesh, ngày càng nhiều người Hồi giáo Rohingya đang tìm cách chạy trốn bằng đường biển. Nhưng một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy làm vậy còn nguy hiểm hơn cho họ. Số người thiệt mạng từ các chuyến đi biển này (xuất phát từ cả hai nước) đã tăng lên gấp 8 lần trong năm 2020 so với 2019, một phần vì đại dịch khiến họ không có lựa chọn đi lại khác. Tình hình này khiến số người tị nạn trên biển của thế giới lên cao nhất kể từ “khủng hoảng thuyền nhân” 2015.
Đã 4 năm trôi qua kể từ khi quân đội Myanmar trục xuất hàng trăm nghìn người Rohingya trong một cuộc diệt chủng. Gần 1 triệu người Rohingya sống trong 34 khu định cư tị nạn ngay bên kia biên giới Bangladesh, với tình hình xấu đi rõ rệt kể từ khi chính phủ Bangladesh và các chính phủ khu vực áp đặt hạn chế chống covid-19. Đại dịch khiến số nhân viên cứu trợ trong các trại giảm 80%, dẫn đến nạn đói nghèo trong khi các băng đảng tội phạm liên tục gieo bạo lực, khiến nhiều người Rohingya chỉ còn cách lênh đênh trên Vịnh Bengal.
Thất nghiệp giảm ở EU, nhưng chưa đủ
Hoạt động kinh doanh và việc làm đang hồi phục mạnh mẽ ở khu vực đồng euro. Dữ liệu khảo sát của hãng nghiên cứu IHS Markit cho thấy tăng trưởng việc làm lên mức cao nhất 21 năm qua vào tháng 7 và tháng 8. Các nhà hoạch định chính sách sẽ coi đây là bằng chứng ủng hộ cho chính sách trong đại dịch của họ. Cho đến nay họ đã tăng cường và mở rộng khả năng tiếp cận các chương trình duy trì việc làm hào phóng hiện có.
Những chương trình này giúp giảm thiểu thất nghiệp trong khủng hoảng. Nhưng tỉ lệ tham gia lao động vẫn giảm và so với trước đại dịch vẫn ít hơn 3,3 triệu việc làm. Ngân hàng Trung ương Châu Âu gần đây đã nhấn mạnh điều này khi giải thích quyết định tiếp tục mua tài sản của họ.
Các biện pháp đặc biệt đang ngày càng ít hào phóng hơn và hầu như bị cắt giảm. Làm vậy sẽ giảm bớt áp lực lên tài chính công. Nhưng nếu nhu cầu lao động không đủ mạnh thì có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp dài hạn, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Sẽ có nhiều tiếng nói yêu cầu tiếp tục hào phóng.
Miền nam Madagascar hạn hán trầm trọng
Phần lớn miền nam Madagascar đang khô cạn. Hồi tuần trước Liên Hợp Quốc đã kêu gọi 155 triệu đô la để cứu những sinh mạng đang bị hạn hán đe dọa. Một số khu vực thậm chí chẳng có giọt mưa nào trong bốn năm qua, trong khi chứng suy dinh dưỡng có chiều hướng gia tăng. Những gia đình túng quẫn, đói khổ đang phải bán con gái chưa đủ tuổi thành niên để mua thức ăn.
Trong bối cảnh sắp đến COP26, hội nghị về biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc tổ chức, một số quan chức của tổ chức này nói hạn hán khiến người dân Madagascar trở thành nạn nhân của lượng khí thải carbon cao do các nước công nghiệp phát triển thải ra. Nói như vậy cũng đúng. Nhưng vùng này đã bị chính phủ phớt lờ suốt nhiều thập niên qua, dù liên tục bị hạn hán. Họ không có đường nhựa và cũng không có nước sạch. Việc này khiến những cánh đồng màu mỡ dần kém đi vì bão cát. Những người này cần được cứu. Nhưng nếu không có phát triển kinh tế dài hạn họ sẽ còn tiếp tục khốn khổ.
Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ không công nhận ‘vắc-xin Trung Quốc’
Reuters đưa tin, Đại học Johns Hopkins của Mỹ gần đây đã thông báo rằng chỉ các sinh viên đã tiêm chủng vắc-xin COVID-19 được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt mới được trở lại trường học.
Sinh viên đã tiêm các loại vắc-xin khác phải được tiêm chủng lại các loại đã được phê duyệt để trở lại trường học. Người ta ước tính rằng nhiều trường đại học Mỹ sẽ tuân theo các chính sách liên quan, và tất cả các loại vắc-xin được phát triển ở Trung Quốc đều chưa được phê duyệt.
Học kỳ mùa thu ở các trường đại học Mỹ sắp bắt đầu. Đại học Johns Hopkins vào ngày 19/8, bất ngờ thông báo rằng trường chỉ công nhận vắc-xin Pfizer, Johnson & Johnson và Modena. Cả ba đã nhận được sự chấp thuận của FDA với lý do một số khía cạnh của vắc-xin này có thể đáp ứng với các biến thể của vi-rút Delta tốt hơn hơn các loại vắc-xin khác. Theo quy định, những học sinh đã được tiêm các loại vắc-xin khác cần tiêm lại vắc-xin đã được nhà trường phê duyệt trước ngày 8/10 và tải lên các giấy chứng nhận có liên quan.
Điều này có nghĩa là những học sinh đã tiêm các loại vắc-xin khác như Sinopharm và Sinovac phải được tiêm lại bằng loại vắc-xin đã được nhà trường chấp thuận.
Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ không yêu cầu sinh viên đại học phải tiêm phòng, hơn 240 trường đại học Hoa Kỳ đã tự nguyện thực hiện việc tiêm chủng bắt buộc khi nhập học vào học kỳ mùa thu. Dẫn đầu của Đại học Johns Hopkins trong lĩnh vực y tế công cộng, người ta ước tính rằng sẽ có nhiều trường đại học Mỹ tuân theo các chính sách của nhà trường hơn.
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào