Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 04 tháng 8 năm 2021

    Ngoại trưởng Mỹ khởi động đối thoại chiến lược với Indonesia

    Ngoại trưởng Tony Blinken hôm thứ Ba cho biết ông sẽ khởi động một “cuộc đối thoại chiến lược” giữa Hoa Kỳ và Indonesia tại các cuộc hội đàm ở Washington với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi, trang US News cho hay.

    Ông Blinken nói với các phóng viên trong khi gặp bà Marsudi tại Bộ Ngoại giao rằng cuộc đối thoại đã được hai nước thống nhất cách đây vài năm nhưng thực tế hiện đang được bắt đầu tại cuộc gặp của họ ở Washington.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: “Indonesia là một đối tác dân chủ mạnh mẽ của Hoa Kỳ; chúng tôi đang làm việc cùng nhau trên nhiều khía cạnh khác”.

    Bà Marsudi cho biết mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ với Indonesia, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) “sẽ là một khía cạnh quan trọng giúp Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện ở khu vực”.

    Ngoại trưởng Indonesia nói thêm rằng Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng của ASEAN trong kế hoạch về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

    Ông Blinken cho biết Washington mong đợi Indonesia làm chủ tịch G20 vào năm tới và thảo luận về thương mại và đầu tư song phương cũng như các vấn đề và thách thức khu vực mà hai nước đang hợp tác chặt chẽ.

    Cuộc họp của ông Blinken với bà Marsudi diễn ra trước khi ông tham gia vào một cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp ASEAN. Đây là một phần trong nỗ lực Hoa Kỳ nhằm tăng cường hợp tác với Đông Nam Á, đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc.

    ASEAN bổ nhiệm nhà ngoại giao Brunei làm đặc phái viên về Myanmar


    Các bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao thứ Hai của Brunei, Erywan Yusof, làm đặc phái viên về Myanmar, khối này cho biết hôm 4/8.

    Ông Erywan được giao nhiệm vụ chấm dứt bạo lực ở Myanmar, mở ra đối thoại giữa nhà cầm quyền quân sự và các đối thủ của họ ở quốc gia đang bị khủng hoảng tàn phá, Reuters dẫn một thông cáo được công bố sau các cuộc họp hôm 2/8 và 4/8 của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cho biết.

    Nhà ngoại giao này cũng sẽ giám sát một gói viện trợ nhân đạo, mặc dù thông tin chi tiết về khoản hỗ trợ không được công bố. Thay vào đó, thông cáo kêu gọi Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo bắt đầu làm việc về “hướng dẫn chính sách”.

    Quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ dân cử cách đây 6 tháng, khiến cho quốc gia này rơi vào tình trạng hỗn loạn khi lực lượng an ninh đàn áp các cuộc biểu tình và nền kinh tế của Myanmar suy sụp. Cuộc khủng hoảng nhân đạo càng trở nên tồi tệ hơn trong tháng qua khi số người nhiễm COVID-19 gia tăng, hệ thống y tế bị quá tải.

    Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã thúc giục ASEAN, với 10 thành viên trong đó có Myanmar, thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục sự ổn định ở Myanmar.

    Việc bổ nhiệm một phái viên là trọng tâm của những nỗ lực đó nhưng đã bị trì hoãn trong nhiều tháng do sự chia rẽ sâu sắc trong khối các quốc gia Đông Nam Á.

    Trong cuộc họp có phần chia rẽ hôm 2/8, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã đặt câu hỏi về tình trạng của chế độ quân sự trong ASEAN khi nước này phản đối đề cử ông Erywan, Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết.

    Sau các cuộc đàm phán sâu hơn và cuộc họp đột xuất hôm 4/8, vị trí đặc phái viên đã được xác nhận.

    Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết trong một tuyên bố riêng rằng đặc phái viên sẽ sớm bắt đầu làm việc và có “quyền tiếp cận đầy đủ với tất cả các bên” tại Myanmar. Nhiều nhân vật đối lập Myanmar, bao gồm cả nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi, hiện đang bị giam giữ tại gia hoặc trong tù.

    Đại diện của chế độ quân sự tại cuộc họp cũng phản đối yêu cầu từ các thành viên ASEAN cho phép các nhân viên nhân đạo được tự do cung cấp viện trợ đến những khu vực mà họ cho là cần thiết nhất, Reuters dẫn hai nguồn tin am tường về các cuộc đàm phán cho biết.

    Những người chỉ trích đã cáo buộc ASEAN trao quyền hợp pháp cho chính quyền Myanmar bằng cách chấp nhận đại diện của họ tại các cuộc họp khối.

    Nhưng tuyên bố của Indonesia nhấn mạnh những thay đổi tinh tế về từ ngữ trong thông cáo chung để nó “không thể được coi là sự thừa nhận chính quyền quân sự”.

    Chính phủ quân sự Myanmar không đưa ra bình luận với Reuters.

    Hôm 1/8, người đứng đầu quân đội Myanmar, Min Aung Hlaing, thông báo ông đã được bổ nhiệm làm thủ tướng và lặp lại cam kết tổ chức bầu cử vào năm 2023.

    Mỹ khẳng định cam kết về một tiểu vùng Mekong an ninh, rộng mở


    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 2/8 tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với một tiểu vùng sông Mekong vững mạnh, an ninh, liên kết, rộng mở, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực đối với sự thịnh vượng và đoàn kết của ASEAN.

    Tại cuộc họp cấp bộ trưởng Đối tác Mekong-Mỹ lần thứ hai do ông đồng chủ toạ, Ngoại trưởng Blinken tiết lộ 4 dự án chủ đạo của Đối tác, nhắc tới 4,5 triệu liều vaccine cùng hơn 80 triệu đô la viện trợ COVID-19 của Mỹ và mô tả cách thức chính phủ Mỹ cung cấp hỗ trợ trị giá 4,3 tỉ đô la cho tiểu vùng Mekong kể từ năm 2009.

    Thông cáo từ văn phòng người phát ngôn Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay dịp này, 6 nước trong Đối tác đã thảo luận về các tiến bộ trong việc cải thiện đáp ứng COVID-19 và an ninh y tế, chuyển giao phát triển hạ tầng cơ sở bền vững qua Đối tác Năng lượng Mekong-Nhật-Mỹ và xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế kỹ thuật số vùng Mekong.

    Các vấn đề khác cũng được mang ra bàn thảo bao gồm phát huy quyền lực kinh tế của phụ nữ, bảo vệ môi trường cũng như quản lý bền vững nguồn nước và những tài nguyên thiên nhiên khác, chống các mối đe dọa anh ninh phi truyền thống bao gồm buôn người, buôn lậu động vật hoang dã, gỗ, ma túy và vũ khí.

    Vẫn theo nguồn tin này, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng việc giao tiếp của Mỹ với xã hội dân sự trong tiểu vùng là thiết yếu để đạt các mục tiêu của Đối tác.

    Ngoại trưởng Blinken cũng thúc đẩy các nước có hành động ngay lập tức để buộc chính quyền quân sự Myanmar phải có trách nhiệm với 5 điểm đồng thuận của ASEAN. Ông kêu gọi hành động chung để gây áp lực buộc nhà cầm quyền quân sự Myanmar chấm dứt bạo lực, phóng thích những người bị bắt giữ vô lý, và khôi phục con đường dân chủ của Myanmar.

    Đối tác Mekong-Mỹ bao gồm 14 cơ quan và Bộ của chính phủ Mỹ với hơn 50 chương trình nhằm củng cố hợp tác để giải quyết những lợi ích cùng chia sẻ và những thách thức chung.

    Từ năm tài khoá 2009 đến 2021, chính phủ Mỹ đã cấp hơn 4,3 tỉ đô la viện trợ song phương và viện trợ khu vực cho 5 nước đối tác Mekong trong các lĩnh vực y tế, tăng trưởng kinh tế, an ninh-hoà bình, nhân quyền và quản trị, giáo dục và dịch vụ xã hội cũng như viện trợ nhân đạo.

    Nhà đầu tư quan ngại cho tương lai của Tencent

    Các nhà chức trách Trung Quốc đã xóa sổ ngành công nghiệp dạy kèm trực tuyến của nước này vào tuần trước, khiến một số công ty niêm yết hoàn toàn mất hết giá trị. Liệu tuần này có đến lượt ngành công nghiệp game?

    Có các dấu hiệu để tin như vậy. Hôm qua Tencent, một trong những công ty truyền thông xã hội và trò chơi lớn nhất thế giới, cho biết họ sẽ đặt ra các hạn chế thời gian chơi game cho trẻ em. Động thái này rõ ràng nhằm phản ứng lại cuộc tấn công từ truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi game là “thuốc phiện tinh thần” (bài này sau đó đã bị xóa).

    Vẫn chưa rõ nó có phát triển thành một cuộc đàn áp rộng lớn hay không. Song vấn đề này không mới. Đảng Cộng sản khá lo ngại về chứng nghiện chơi game, trong khi bất kỳ lo ngại nào của đảng cũng có thể trở thành những cuộc tấn công quy định dồn dập và quét sạch ngay lập tức hàng trăm tỷ đô la khỏi thị trường chứng khoán. Hôm qua cổ phiếu của Tencent giảm 6,1%. Kể từ tháng 2 công ty này cũng đã mất gần 400 tỷ USD giá trị thị trường.

    Một năm trôi qua sau vụ nổ cảng Beirut


    Vụ nổ năm ngoái làm người ta liên tưởng đến ngày tận thế. Song tình hình sau đó của Lebanon còn tồi tệ hơn. Một năm đã trôi qua kể từ khi một kho chứa amoni nitrat ở cảng Beirut phát nổ, giết chết hơn 200 người và khiến thủ đô của Lebanon tan hoang. Đến nay vẫn không có ai lên tiếng nhận trách nhiệm. Giới lập pháp đang bao che cho các quan chức. Và dù đã từ chức một tuần sau vụ nổ, thủ tướng vẫn còn tại nhiệm với danh nghĩa lâm thời.

    Trong khi các chính trị gia cãi vã, Lebanon lún sâu vào khủng hoảng kinh tế. Đồng tiền của nước này đã mất 90% giá trị kể từ năm 2019. Lạm phát so với cùng kỳ năm trước trong tháng 6 là 101%. Cả nhà thuốc và trạm xăng đều bị thiếu hàng. Trong khi nhà nước chỉ cấp điện một vài giờ trong ngày. Các cường quốc nước ngoài không sẵn lòng giúp đỡ nếu không có cải cách nghiêm túc, điều mà các chính trị gia tham nhũng của Lebanon khó có thể thực hiện. Tương lai của người dân Lebanon sẽ còn mờ mịt hơn.

    Công bố báo cáo vụ Thống đốc Andrew Cuomo bị tố quấy rối tình dục


    Tổng chưởng lý New York, Letitia James, giáng một đòn chính trị chí mạng vào thống đốc bang Andrew Cuomo. Cuộc điều tra từ văn phòng của bà cho thấy ông đã quấy rối tình dục 11 phụ nữ, theo đó chứng thực cho các cáo buộc tồn tại nhiều tháng qua. Bản báo cáo này kể lại những hành vi sờ soạng và bình luận dâm ô của thống đốc. Trong số những người tố cáo có một phụ tá trẻ hơn ông gần 40 tuổi và một quân nhân được chính ông lựa chọn vào đội an ninh cá nhân. Bản báo cáo cũng mô tả cách mà văn hóa sợ hãi và đe dọa trong văn phòng của ông Cuomo kích hoạt hành vi sai trái. Cuối cùng, báo cáo cho thấy sau khi một nhân viên cũ công khai cáo buộc, phe của ông đã tiết lộ thông tin nhân sự riêng tư của cô này nhằm làm mất uy tín của cô.

    Thống đốc phủ nhận các cáo buộc, khẳng định ông không bao giờ chạm vào ai một cách không phù hợp. Có thể ông sẽ tiếp tục ngồi lì không từ chức. Câu hỏi hiện tại là liệu cơ quan lập pháp bang có luận tội – và có thể cách chức – ông khỏi chức vụ hay không. Chủ tịch nghị viện bang đã nói bản báo cáo cho thấy ông “không phù hợp với chức vụ.”

    Kinh tế Brazil tăng trưởng trong khi lạm phát lên cao


    Hôm nay ngân hàng trung ương Brazil sẽ cân nhắc thay đổi mức lãi suất chính, hiện ở mức 4,25%. Mọi dự đoán cho thấy mức tăng một điểm phần trăm, tăng lớn nhất trong 18 năm qua. Mục tiêu là nhằm kiềm chế lạm phát đã vượt 8% trong 12 tháng qua. Kể từ đầu đại dịch, đồng real Brazil đã giảm hơn 20% so với đồng USD, trong khi tỷ lệ thất nghiệp luôn trên 14% kể từ cuối năm 2020. Ngoài ra hạn hán cũng khiến giá năng lượng tăng hơn 10% ở một số thành phố, khiến cho tương lai nước này có vẻ đáng lo ngại.

    Các cải cách kinh tế thiết yếu, chẳng hạn như cải tổ hệ thống thuế, đang bị đình trệ tại Quốc hội. Dù vậy chỉ số thị trường chứng khoán chính Ibovespa vẫn đạt kỷ lục trong tháng 6 khi có tin GDP của Brazil tăng 1,2% trong quý đầu năm nhờ nhu cầu đối với hàng hóa cơ bản tăng. Các dự báo GDP năm nay đã liên tục tăng trong 15 tuần qua — với mức hiện tại là 5,3%, trước sự vui mừng của thị trường.

    Lịch trình cung cấp và tiêm chủng vắc-xin COVID-19 tại Hàn Quốc



    Người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc được tiêm vắc-xin COVID-19 tương tự người Hàn

    Trong bối cảnh liên tiếp ghi nhận ca nhiễm COVID-19 là người lao động nhập cư, Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết người nước ngoài cũng được tiêm phòng vắc-xin COVID-19 tương tự người dân Hàn Quốc.

    Với người nước ngoài tham gia bảo hiểm y tế, quy trình tiêm chủng tương tự với công dân Hàn Quốc, có thể đặt ngày giờ tiêm và địa điểm tiêm thông qua cổng đặt lịch tiêm chủng (https://ncvr.kdca.go.kr/).

    Đặc biệt, những người cư trú bất hợp pháp cũng có thể tiêm vắc-xin COVID-19, chỉ cần mang theo hộ chiếu tới trung tâm y tế, lấy mã số quản lý tạm thời là có thể tiêm. Cơ quan phòng dịch khẳng định đối tượng này sẽ không bị gặp bất lợi nào, như bị tra cứu về tình trạng cư trú bất hợp pháp, hay bị thông báo về cơ sở làm việc.

    Trước đó, tại nhiều cơ sở kinh doanh tuyển dụng lao động người nước ngoài như ở thành phố Ansan, Siheung (tỉnh Gyeonggi), thành phố Gangneung (tỉnh Gangwon), thành phố Mokpo (tỉnh Nam Jeolla), liên tục ghi nhận ca nhiễm COVID-19 là người lao động nhập cư.

    Washington tái khẳng định lập trường sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng vô điều kiện

    Trong buổi hợp báo ngày 3/8 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tái khẳng định đề nghị của Washington về việc đối thoại với Bắc Triều Tiên vô điều kiện, bất cứ lúc nào, bất kỳ hình thức nào vẫn còn hiệu lực.

    Người phát ngôn Price tiết lộ đã tiếp xúc với miền Bắc, song chưa có thông tin gì mới về phản ứng của Bình Nhưỡng. Ông Price một lần nữa nhấn mạnh lập trường ủng hộ đối thoại liên Triều và hoan nghênh hai miền Nam-Bắc khôi phục đường dây liên lạc chung.

    Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ được phân tích là nhằm lặp lại lập trường nguyên tắc của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc tìm kiếm cách tiếp cận ngoại giao một cách “thực tiễn” đối với Bắc Triều Tiên; đồng thời nhấn mạnh rằng quả bóng giờ đây đang trên sân của miền Bắc.

    Trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi tháng 6, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Sung Kim cho biết sẵn sàng gặp gỡ đại diện miền Bắc vô điều kiện, mọi lúc, mọi nơi; hối thúc Bình Nhưỡng có phản ứng tích cực. Trong khi đó, miền Bắc đang gây sức ép buộc Hàn Quốc thay đổi kế hoạch tập trận chung liên quân Hàn-Mỹ trong tháng 8 trong bối cảnh hai miền Nam-Bắc khôi phục lại đường dây liên lạc liên Triều, đẩy cao kỳ vọng về việc nối lại quan hệ song phương cũng như đối thoại Mỹ-Triều.

    Các nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi Maroc không dẫn độ người Duy Ngô Nhĩ sang Trung Quốc

    Các nhà hoạt động nhân quyền Maroc hôm thứ Ba kêu gọi nước này không dẫn độ một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ có tên Yidrissi Aishan sang Trung Quốc, do lo ngại anh có thể bị giam giữ hoặc tra tấn tùy tiện, trang US News cho hay.

    Yidrissi Aishan đã bị giam giữ tại một nhà tù gần Casablanca sau khi bị bắt theo thông báo của Interpol do Trung Quốc đệ trình. Các luật sư của anh cho biết chính quyền Trung Quốc cáo buộc anh tội khủng bố và anh phải đối mặt với một phiên điều trần dẫn độ ở Maroc.

    Khadija Riadi thuộc Hiệp hội Nhân quyền Maroc nói rằng: “Chúng tôi kêu gọi Maroc duy trì các công ước quốc tế về chống tra tấn mà họ đã chấp thuận và không dẫn độ công dân Duy Ngô Nhĩ sang Trung Quốc, nơi anh ấy có nguy cơ bị tra tấn và giam giữ tùy tiện”.

    Tổ chức Ân xá quốc tế tuần trước cho biết, Aishan, 34 tuổi, sống cùng vợ và ba con ở Thổ Nhĩ Kỳ. Anh được cư trú vì lý do nhân đạo.

    Một nhóm nhân quyền cho biết, anh làm việc cho một tờ báo tiếng Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ, tố cáo tội ác của Bắc Kinh với thiểu số Hồi giáo ở Trung Quốc.

    Luật sư người Maroc của Aishan, Miloud Kandil, cho biết các cáo buộc của Trung Quốc thiếu bằng chứng, trong khi cơ quan tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã ba lần tha bổng cho anh và bác bỏ việc dẫn độ.

    Ông Kandil nói: “Mọi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đều bị coi là những kẻ khủng bố tiềm tàng trong mắt chính quyền Trung Quốc. Do đó, việc dẫn độ anh ấy là vi phạm luật pháp quốc gia và quốc tế”.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào