Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 23 tháng 8 năm 2021

    Thăm Singapore, phó TT Mỹ tái khẳng định cam kết duy trì Biển Đông "rộng mở"

    Mở đầu chuyến công du Đông Nam Á tại Singapore, hôm nay, 23/08/2021, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã hội đàm với thủ tướng Lý Hiển Long và tổng thống Halimah Yacob. Nhân dịp này, bà Harris tái khẳng định cam kết của Washington nỗ lực làm việc với các đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

    Theo hãng tin Anh Reuters, nữ phó tổng thống Mỹ tuyên bố: “Hôm nay, chúng tôi có mặt tại Singapore để nhấn mạnh và tái khẳng định mối quan hệ lâu dài của chúng tôi với đất nước này và với khu vực này, đồng thời củng cố tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

    Phó tổng thống Harris cho biết trong các buổi họp với các lãnh đạo Singapore, bà đã khẳng định trở lại “cam kết của Hoa Kỳ trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác xung quanh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương để nâng cao trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và quyền tự do hàng hải, kể cả ở Biển Đông”.

    Theo Reuters, Biển Đông đã trở thành một trong những điểm nóng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, với việc Washington bác bỏ những "yêu sách chủ quyền phi pháp" của Bắc Kinh ở vùng biển này. Một trong những nhiệm vụ của bà Harris nhân chuyến công du Đông Nam Á lần này là thuyết phục các nhà lãnh đạo ở Singapore và Việt Nam về tính vững bền của cam kết của Washington đối với vùng Đông Nam Á, không giống như trường hợp Afghanistan.

    Trước các cam kết của Mỹ, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng nhận thức về quyết tâm và cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực sẽ được xác định bằng “những gì mà Hoa Kỳ sẽ làm trong tương lai, cách Mỹ xác định lại chỗ đứng của mình trong khu vực, cách Mỹ thu hút bạn bè, đối tác và đồng minh của mình”.

    Dù không phải là đồng minh có hiệp ước quân sự với Hoa Kỳ như Hàn Quốc và Philippines, Singapore là một trong những đối tác an ninh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này cũng tìm cách cân bằng các mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc bằng cách không đứng hẳn về phía nào.

    Là quốc gia có hải cảng lớn nhất vùng Đông Nam Á, Singapore luôn ủng hộ quyền tự do hàng hải trong khu vực, nơi mà Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán - một mối quan tâm mà các quan chức Mỹ muốn giải quyết thông qua chuyến thăm của bà Harris tới Singapore và Việt Nam.

    Hồ sơ an ninh rất được chú ý nhân chuyến thăm Singapore của nữ phó tổng thống Mỹ. Theo một tài liệu vừa được Nhà Trắng chia sẻ, hôm nay hai bên đã đạt được một số thỏa thuận an ninh nhằm tái khẳng định sự hiện diện của Mỹ trong khu vực thông qua “việc triển khai luân phiên các máy bay trinh sát P-8 và tàu cận chiến duyên hải của Mỹ tới Singapore”. Hoa Kỳ và Singapore cũng nhất trí mở rộng hợp tác an ninh mạng trong các lĩnh vực tài chính, quân sự và tăng cường trao đổi thông tin về các mối đe dọa mạng. Trong chương trình, bà Harris cũng sẽ thăm Căn Cứ Hải Quân Changi của Singapore và tham quan chiến hạm USS Tulsa trú đóng tại đấy.

    Việt Nam: Sài Gòn bắt đầu 2 tuần siết chặt "giãn cách xã hội"


    Tại Việt Nam, sau nhiều đợt thực hiện chính sách "giãn cách xã hội" theo các cấp độ khác nhau, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan mạnh, bắt đầu từ hôm nay 23/08/2021 đến hết ngày 06/09, thành phố Hồ Chí Minh siết chặt thêm các biện pháp, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, theo phương châm « ai ở đâu ở đó », thực chất có thể gọi là « phong tỏa ».

    Điểm chủ yếu của đợt áp dụng các biện pháp giãn cách mới là tăng cường kiểm tra chặt chẽ lý do người dân ra đường, ngoài một số nhóm ngành nghề được phép. Chính quyền đã tăng cường lực lượng công an và huy động quân đội làm nhiệm vụ kiểm soát, hỗ trợ chống dịch trong đợt cao điểm này. Những người vi phạm sẽ bị phạt tiền nặng, thậm chí bị khởi tố hình sự nếu cố tình chống đối.

    RFI đã liên lạc với ông Trung Dũng, huyện Củ Chi, thuộc một nhóm làm thiện nguyện cung cấp thực phẩm cho người khó khăn. Ông cho biết không khí ngày đầu của đợt siết chặt phong tỏa tại Sài Gòn :

    « …. ngày đầu tiên tạm gọi là Thiết quân luật… ở ngoài đường là rất vắng. Chỉ có một vài người có trách nhiệm được phép ra ngoài…. Các chốt vẫn duy trì, công an và dân vệ, như cũ. Chỉ có những chốt lớn là có bộ đội, bồng súng hoặc không, đang đứng để canh chốt… Theo thông báo của nhà chức trách, sẽ có bộ đội cộng với những người có thẩm quyền lo thực phẩm cho tất cả mọi người ''không để ai đói cả''... Chính quyền nếu họ có tâm và họ thương dân, thì họ nên phải có một chính sách "đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà", hỏi người ta để cứu trợ, thì mới không có người đói. Còn nếu không thì khó lắm ! ».

    Israel: Vaccine COVID-19 mũi thứ ba giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm


    Liều vaccine COVID-19 thứ ba của công ty Pfizer cải thiện đáng kể khả năng ngừa lây nhiễm và ngăn bệnh tiến triển nặng ở những người từ 60 tuổi trở lên ở Israel so với những người chỉ được tiêm hai mũi, kết quả được Bộ Y tế Israel công bố hôm 22/8, theo Reuters.

    Dữ liệu này được trình bày tại cuộc họp của một hội đồng chuyên gia tiêm ngừa của Bộ hôm 19/8 và được tải lên trang web của Bộ vào 22/8, mặc dù chi tiết đầy đủ của nghiên cứu này chưa được công bố.

    Phân tích số liệu thống kê này từ Viện Gertner của Israel và Viện KI, các quan chức Bộ cho biết ở những người từ 60 tuổi trở lên, khả năng bảo vệ lây nhiễm sau 10 ngày tiêm mũi thứ ba cao gấp bốn lần so với hai liều đầu.

    Một liều tiêm thứ ba dành cho những người trên 60 tuổi cho thấy khả năng bảo vệ gấp 5 đến 6 lần sau 10 ngày liên quan đến các ca bệnh nghiêm trọng và nhập viện.

    Trong những tuần gần đây, Bộ Y tế cho biết khả năng miễn dịch đã giảm dần theo thời gian đối với người cao niên và người trẻ tuổi.

    Israel bắt đầu áp dụng phương pháp tiêm mũi thứ ba cho những người trên 60 tuổi vào ngày 30/7. Hôm 19/8, họ bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho người ở lứa 40 và bao gồm phụ nữ mang thai, giáo viên và nhân viên chăm sóc y tế dưới độ tuổi đó. Liều thứ ba chỉ được tiêm cho những người đã tiêm mũi thứ hai cách đây ít nhất 5 tháng.

    Hoa Kỳ cũng công bố kế hoạch cung cấp các mũi tiêm tăng cường cho tất cả người Mỹ, cho rằng các dữ liệu cho thấy khả năng bảo vệ đang giảm dần. Canada, Pháp và Đức cũng công bố các chiến dịch tiêm mũi tăng cường.

    Nổ súng tại sân bay Kabul, lính gác Afghanistan thiệt mạng


    Quân đội Đức cho biết một cuộc đọ súng đã nổ ra tại sân bay Kabul hôm 23/8 giữa lính canh Afghanistan và các tay súng không xác định, khiến một lính gác thiệt mạng, theo Reuters.

    Hàng nghìn người Afghanistan và người nước ngoài tập trung ở sân bay trong nhiều ngày qua, hy vọng có thể bắt được chuyến bay sau khi các chiến binh Taliban chiếm được Kabul vào ngày 15/8.

    Tính đến nay có 20 người thiệt mạng trong cuộc hỗn loạn tại sân bay, hầu hết trong các vụ xả súng và giẫm đạp, khi các lực lượng Hoa Kỳ và quốc tế cố gắng sơ tán công dân và những người Afghanistan dễ bị tổn thương.

    Đài CNN cho biết cuộc đụng độ hôm 23/8 bắt đầu khi một tay súng bắn tỉa bên ngoài sân bay bắn vào các lính gác Afghanistan, những người hầu hết là cựu quân nhân chính phủ giúp đỡ lực lượng Hoa Kỳ, gần cổng phía bắc của sân bay.

    Quân đội Đức cho biết các lực lượng Mỹ và Đức đã tham gia vào cuộc đụng độ này. Ba lính canh Afghanistan đang được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở sân bay, quân đội Đức cho biết.

    Hai quan chức NATO tại sân bay cho biết tình hình đã được kiểm soát sau vụ nổ súng.


    Taliban triển khai binh lính bên ngoài sân bay, nơi họ đã cố gắng giúp thực thi trật tự.

    Hôm 22/8, các chiến binh Taliban đã đánh trả đám đông tại sân bay, một ngày sau khi bảy người Afghanistan bị giết chết thương tâm trước cổng khi thời hạn rút quân nước ngoài sắp đến.

    Một quan chức lãnh đạo Taliban cho biết, các lực lượng nước ngoài ở Afghanistan chưa tìm cách gia hạn thời hạn rời đi vào ngày 31/8 và nói thêm rằng thời hạn này sẽ không được gia hạn, sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết quân đội Mỹ có thể ở lại lâu hơn để giám sát một cuộc di tản “khó khăn và đau đớn”.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ hối thúc Tổng thống Biden trong tuần này gia hạn thời hạn sơ tán khỏi Afghanistan, một quan chức quốc phòng Anh cho biết.

    Hôm 22/8, Hoa Kỳ tìm kiếm sự giúp đỡ của sáu hãng hàng không thương mại để vận chuyển người dân sau khi họ sơ tán khỏi Afghanistan.

    Taliban được cho là đã nhận trách nhiệm kiểm soát đám đông bên ngoài sân bay Kabul ở Afghanistan.


    Nhân chứng cho biết họ đã bắn chỉ thiên và buộc đám đông phải xếp hàng trật tự. Khung cảnh bên ngoài sân bay – nơi đang được quân đội Mỹ, Anh và NATO quản lý – rơi vào hỗn loạn trong nhiều ngày qua khi hàng nghìn người tuyệt vọng tìm chuyến bay di tản. Bộ Quốc phòng Anh ước tính có bảy thường dân Afghanistan đã thiệt mạng hôm thứ Bảy, còn từ Chủ nhật tuần trước là ít nhất 20 người. Một số nước đang nỗ lực sơ tán công dân của họ và người Afghanistan có thị thực.

    G7 sắp họp bàn chiến lược đối phó Taliban

    Sau khi thu phục Afghanistan, Taliban phải cai trị. Trong đó một mặt trận quan trọng là quan hệ quốc tế. Mặc dù không nước nào sẵn sàng chấp nhận nhóm chiến binh này với vòng tay rộng mở, nhưng cách họ sỉ nhục Mỹ đã làm hài lòng một số bên, bao gồm Iran, Pakistan và Nga. Trung Quốc cũng cho thấy sẵn sàng công nhận Taliban, dĩ nhiên đổi lấy điều kiện, chẳng hạn như hứa không chứa chấp người lưu vong từ Tân Cương, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi.

    Tuần này các nhà lãnh đạo G7 sẽ gặp nhau để thảo luận về “chiến lược và cách tiếp cận chung” đối với nhà cầm quyền mới của Afghanistan. Không nhiều người tin Taliban sẽ thực sự ôn hòa hơn lần cầm quyền trước như nhóm này tuyên bố. G7 cũng phải trấn an các đồng minh lo lắng cho an ninh quốc gia của chính họ. Nhất là Ấn Độ và Đài Loan, vì họ muốn được Mỹ đảm bảo để chống Pakistan và Trung Quốc.

    Các công ty công nghệ Trung Quốc nhắm tới Đông Nam Á


    Đây là giai đoạn khó khăn của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Trong bối cảnh Đảng Cộng sản tiếp tục thắt chặt quy định quản lý, còn các chính phủ phương Tây liên tục gây trở ngại, các công ty này đang đi tìm môi trường thân thiện hơn. Họ đang nhắm tới Đông Nam Á.

    Đông dân và có nhiều nền kinh tế số hóa nhanh, khu vực này trở nên hấp dẫn nhờ không có liên minh địa chính trị dứt khoát. Alibaba, Bytedance và Tencent đã có những bước tiến nhỏ vào thị trường địa phương. Trong đó điện toán đám mây đặc biệt béo bở – mảng này đang phát triển nhanh chóng và các công ty Trung Quốc đang chiếm được thị phần từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Mỹ như Amazon Web Services. Không như người Mỹ, các công ty Trung Quốc sẵn sàng lưu trữ dữ liệu công dân nước sở tại trong lãnh thổ theo yêu cầu từ chính phủ. Đồng thời họ cũng cũng đánh giá các công ty Trung Quốc cao hơn Mỹ ở điểm không công khai thông tin về yêu cầu lấy dữ liệu từ các chính phủ và cơ quan hành pháp.

    IMF phân bổ một lượng lớn quyền rút vốn đặc biệt

    Hôm nay IMF bắt đầu phân phối 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR), đợt phân bổ lớn nhất từ ​​trước đến nay. Quỹ hy vọng số tiền này sẽ giúp củng cố vị thế tài chính của các nước trong bối cảnh covid-19 liên tục tấn công các nền kinh tế. SDR hoạt động như một loại hạn mức tín dụng khẩn cấp với giá rẻ. Các nước nhận số dư từ IMF; quỹ này tính lãi 0,05% trên số dư.

    IMF hy vọng việc phân bổ sẽ giúp các nước nghèo đối phó tình trạng đồng tiền yếu và giúp thanh toán hàng nhập khẩu. Song trên thực tế viện trợ này chẳng bao nhiêu. SDR được phân bổ theo tỷ lệ đóng góp cho IMF, khiến nó hầu như chỉ chuyển đến các nước giàu. Những nước thu nhập thấp chỉ được nhận khoảng 3% tổng số. Một số nước đang cực kỳ khó khăn – chẳng hạn như Myanmar và Afghanistan – đều không được nhận xu nào. Trong khi một số nước vẫn được nhận dù bị phản đối, chẳng hạn như Belarus.

    Phó thống đốc New York lên kế nhiệm


    “Tôi tin những người phụ nữ dũng cảm đó”, phó thống đốc New York Kathy Hochul đăng tweet vào ngày 3 tháng 8, đề cập đến những người cáo buộc cựu thống đốc Andrew Cuomo quấy rối tình dục. Bà Hochul dường như muốn tạo khoảng cách với sếp của mình trước khi lên kế nhiệm ông vào ngày mai. Bà sẽ là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Ông Cuomo, người liên tiếp phủ nhận các cáo buộc, đã tuyên bố từ chức hai tuần trước.

    Không nhiều người biết đến bà Hochul ngoài miền tây New York, nơi bà lớn lên. Là một đảng viên Dân chủ ôn hòa, bà từng phục vụ trong chính quyền địa phương trước khi thắng ghế Hạ viện của một khu vực có truyền thống Cộng hòa. Ngay từ trước khi nhậm chức, bà đã bắt tay vào công việc và đã gặp Bill de Blasio, thị trưởng thành phố New York, người nổi tiếng có xung đột với Cuomo. Peter King, một cựu hạ nghị sĩ Cộng hòa, nói với New York Times rằng bà “bình thường.” Có lẽ “bình thường” sẽ tốt hơn vào lúc này.

    Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói nước Mỹ đã ‘bước xuống khỏi vũ đài’, đề xuất cách lấy lại uy tín với đồng minh


    Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng chỉ trong vài tháng dưới thời chính quyền mới, “sự lãnh đạo của Mỹ đã bước ra khỏi vũ đài”, đồng thời đề xuất một số cách Mỹ có thể lấy lại uy tín giữa các đồng minh.

    Pompeo nói với người dẫn chương trình Sunday Morning Futures Maria Bartiromo rằng chính quyền ông Biden dường như đã trở lại thời Obama, khiến các đối thủ của Mỹ như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đứng nhìn “Mỹ phá hủy liên minh của mình”.

    Ông Pompeo nói: “Có vẻ như chúng ta đang trở lại thời Barack Obama, nước Mỹ xin lỗi, nước Mỹ yếu đuối và các đối thủ của chúng ta không sợ chúng ta, còn bạn bè của chúng ta không tin tưởng chúng ta”.

    Hôm thứ Sáu, ông Biden đã gây chú ý khi tuyên bố trong một bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc rằng ông thấy “không nghi ngờ gì về sự tín nhiệm của chúng ta từ các đồng minh của chúng ta trên toàn thế giới” đối với việc xử lý vấn đề ở Trung Đông, mặc dù các nhà lập pháp Anh đã công khai lên án cách xử lý của ông Biden.

    Ông Pompeo gợi ý rằng Mỹ có thể chứng tỏ sức mạnh của mình trên phạm vi toàn cầu bằng thoát khỏi cuộc đàm phán với Iran tại Viên, cung cấp trên những thỏa thuận quốc phòng với các quốc gia như Đài Loan, và hợp tác chặt chẽ với Ukraine để ngăn chặn Putin lấy thêm lãnh thổ như Nga đã làm dưới thời Obama.

    Ông Pompeo cũng đề xuất cách chính quyền Hoa Kỳ đối phó với những kẻ khủng bố đang nắm quyền lực ở quốc gia Trung Đông, rằng hãy nói nước Mỹ không cầu xin, không trả tiền, và nếu người Mỹ bị tổn hại trong quá trình di chuyển tới sân bay, “chúng ta hãy tới và nghiền nát chúng, bắt chúng phải trả giá”, ông Pompeo nói.


    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào