Võ Thái Hà tổng hợp
Afghanistan: Taliban chiếm phủ tổng thống, tuyên bố chiến tranh kết thúc
Quân Taliban tại phủ tổng thống Afghanistan, Kabul, ngày 15/08/2021. AP - Zabi Karimi
Lực lượng Taliban hôm qua, 15/08/2021, chính thức tuyên bố cuộc chiến Afghanistan đã kết thúc, sau khi chiến binh của họ tràn ngập thủ đô Kabul, tiến vào dinh tổng thống một cách dễ dàng. Trước làn sóng Taliban, quân đội hầu như không kháng cự.
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, các chiến binh Taliban được trang bị các loại vũ khí hạng nặng đã tỏa ra khắp thủ đô Kabul, chiếm đóng tất cả các vị trí mà lực lượng an ninh của chính quyền Kabul bỏ trống.
Một nhóm đã tiến vào dinh tổng thống cũng đã bị bỏ trống. Trước đó, tổng thống Afghanistan đã bỏ chạy khỏi Afghanistan, và sau đó đã giải thích trên Facebook là ông ra đi để tránh cho đất nước "khỏi rơi vào tình trạng đổ máu".
Theo hãng Reuters, sau khi giành quyền kiểm soát cơ sở biểu tượng của quyền lực tại Afghanistan, Taliban tuyên bố là cuộc chiến đã chấm dứt. Phát biểu với đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera, Mohammad Naeem, phát ngôn viên của văn phòng chính trị Taliban, đã cho rằng “các chiến binh Hồi Giáo đang chứng kiến thành quả của những nỗ lực và sự hy sinh trong suốt 20 năm qua”.
Phát biểu với AP, ông Suhail Shaheen, phát ngôn viên đồng thời là nhà đàm phán của lực lượng Taliban, tiết lộ là trong thời gian tới đây, họ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán nhằm mục đích thành lập một “chính phủ Hồi Giáo cởi mở và hòa nhập”.
Về phần mình, ông Mohammad Naeem cho biết là thể chế của chính phủ mới ở Afghanistan sẽ sớm được làm rõ, nhưng trấn an rằng Taliban không muốn sống cô lập và kêu gọi xây dựng các mối quan hệ quốc tế trong hòa bình.
Lời tuyên bố trấn an được đưa ra trong bối cảnh hàng ngàn người dân đổ về sân bay quốc tế ở Kabul với hy vọng tìm được chỗ trên các máy bay được Mỹ và phương Tây huy động để di tản kiều dân của họ. Hình ảnh và video chia sẻ trên mạng cho thấy đường phố Kabul chật cứng các loại xe của những người đang tìm cách đến phi trường.
Sân bay Kabul lâm vào cảnh hỗn loạn
AFP nói tới « một làn sóng người » đổ đến sân bay Kabul, nay được coi là « ngả đường duy nhất » để rời khỏi Aghanistan, chạy trốn chế độ Taliban. Nhiều video được đăng trên các mạng xã hội cho thấy sân bay Kabul « hoàn toàn hỗn loạn », hàng ngàn người tụ tập chờ đợi ngay trên đường băng, nhiều người, nhất là thanh niên, đu bám vào lan can các lối đi, cầu thang để tìm đường trèo lên máy bay. Tình trạng chen lấn xô đẩy tại sân bay hỗn loạn đến mức quân đội Mỹ, hiện đang duy trì an ninh ở sân bay Kabul, hôm nay 16/08 đã phải nổ súng chỉ thiên cảnh cáo.
Mọi chuyến bay thương mại khởi hành từ hoặc đến thủ đô Aghanistan đều bị hủy, để lực lượng an ninh Mỹ tiến hành công cuộc di tản hàng chục ngàn người Mỹ và các thường dân Afghanistan đã hợp tác với Washington.
Từ New York, phóng viên Radio France Loig Loury cho đài RFI biết thêm chi tiết :
« Theo Lầu Năm Góc, có khoảng 30.000 người cần được di tản gồm các nhà ngoại giao, những người Mỹ hoặc thường dân Aghanistan. Đây là một nhiệm vụ vô cùng lớn đang chờ Mỹ. Lực lượng của Mỹ nay đang dồn đóng ở sân bay Kabul, nằm ở ngoại ô của thành phố bị Taliban kiểm soát từ hôm qua.
Để hỗ trợ các chiến dịch di tản, tổng thống Mỹ đã cho phép điều thêm 1.000 binh lính đến sân bay Kabul. Như vậy là trong vòng 48 giờ tới, sẽ có 6.000 quân nhân Mỹ được triển khai đến sân bay Kabul. Nhiệm vụ của họ, theo bộ Ngoại Giao Mỹ, là tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ hàng ngàn chuyến di tản trong những ngày tới và làm nhiệm vụ kiểm soát các chuyến bay trong bối cảnh hỗn loạn.
Washington khẳng định toàn thể nhân viên ngoại giao của Mỹ đã đến được sân bay Kabul và hàng loạt biện pháp đã được thực hiện để bảo đảm an ninh cho sân bay. Thế nhưng, vẫn còn đó cảm giác về một sự thất bại vô vùng lớn và điều sỉ nhục cho người Mỹ khi bị đẩy ra ngoài vài lúc chỉ cách thời hạn ấn định rút quân khoảng 2 tuần.
Báo New York Times tóm tắt : « Sau 20 năm chiến tranh, mọi chuyện kết thúc cũng không khác gì khi bắt đầu : vẫn là lực lượng Taliban nắm quyền ».
Afghanistan: Phương Tây khẩn cấp sơ tán kiều dân, kêu gọi Taliban không ngăn cản
Chiến thắng thần tốc của lực lượng Taliban tại Afghanistan, nhanh chóng chiếm được Kabul vào hôm qua, 15/08/2021, đã buộc nhiều nước phương Tây, trong đó có Pháp, khẩn cấp di tản các nhân viên ngoại giao và công dân của họ. Trong một tuyên bố chung, hơn 60 nước đã kêu gọi Taliban để yên cho thường dân Afghanistan nào muốn rời khỏi đất nước.
Về trường hợp nước Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã cho tổ chức một cuộc họp Hội Đồng Quốc Phòng về vấn đề Afghanistan ngay vào hôm nay, và sẽ phát biểu với toàn dân vào tối nay.
Trong bối cảnh đó, quân đội đã khởi động Chiến Dịch Apagan, nhằm sơ tán những người Pháp cuối cùng khỏi Kabul. Pháp là một trong những nước hiếm hoi mà cách đây vài tuần đã yêu cầu người Pháp rời khỏi Afghanistan, nhưng vẫn còn một số ít còn ở lại.
Chiến dịch Apagan, do Không Quân thực hiện, nhắm vào số người này, sử dụng hai máy bay vận tải quân sự. Chiếc đầu tiên, một chiếc C-130, cất cánh từ căn cứ Evreux vào khuya hôm qua, và chiếc thứ hai, một chiếc A400M, chở theo bốn mươi binh sĩ đã khởi hành vào sáng nay từ Orleans.
Pháp đã thiết lập tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất một hệ thống phụ trách các chuyến bay nối liền với thủ đô Afghanistan.
Pháp và Mỹ không phải là những nước duy nhất cho sơ tán công dân. Canada, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan cũng có những kế hoạch tương tự.
Hơn 60 quốc gia kêu gọi không ngăn cản
Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng hiện nay, hơn 60 quốc gia vào hôm qua đã ra một tuyên bố chung, cho rằng người Afghanistan và công dân các nước khác, nếu muốn rời khỏi Afghanistan, thì cần phải được quyền ra đi. Tuyên bố nhấn mạnh rằng các sân bay và các cửa khẩu biên giới của Afghanistan phải được mở.
Trong tuyên bố được bộ Ngoại Giao Mỹ loan báo, Hoa Kỳ và các quốc gia trong đó có Úc, Pháp, Canada, Đức, Anh và Nhật Bản cũng cho rằng “những người nắm vị trí quyền lực và thẩm quyền trên khắp Afghanistan phải chịu trách nhiệm đối với việc bảo vệ tính mạng, tài sản và mạng sống con người đồng thời ngay lập tức khôi phục an ninh, trật tự”.
Vào lúc nhiều đại sứ quán phương Tây rút khỏi Afghanistan, Nga và Trung Quốc vẫn ở lại Kabul. Trong một tuyên bố, Nga cho rằng “không có gì phải sợ chế độ Taliban”.
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết là đại sứ quán Nga và Trung Quốc không có ý định rời Afghanistan, và hai nước có kế hoạch giữ nguyên nhân viên đại sứ quán của họ. Riêng Bắc Kinh thì đã kêu gọi Taliban bảo đảm sự an toàn của công dân Trung Quốc tại Afghanistan.
Hội Đồng Bảo An họp hôm nay
Về phía các định chế quốc tế, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm qua đã kêu gọi Taliban và tất cả các bên khác tại Afghanistan là nên “kềm chế tối đa” trong hành động của mình. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc biệt quan tâm đến tương lai của phụ nữ tại Afghanistan, “những người mà các quyền giành được một cách gian nan phải được bảo vệ".
Thông cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết thêm là Hội Đồng Bảo An sẽ họp ngày vào hôm nay để thảo luận về tình hình ở Afghanistan.
Về phần mình, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO vào hôm qua cũng cho rằng việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Afghanistan là "cấp bách hơn bao giờ hết".
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin từ chức giữa lúc khủng hoảng chính trị leo thang
Reuters
Hôm 16/8, ông Muhyiddin Yassin đã từ chức thủ tướng Malaysia sau nhiều tháng bất ổn chính trị lên đến đỉnh điểm khiến ông mất sự ủng hộ đa số, theo Reuters.
Việc từ chức của ông Muhyiddin kết thúc 17 tháng cầm quyền đầy biến động, thời gian cầm quyền ngắn nhất của một nhà lãnh đạo Malaysia.
Quốc vương Malaysia Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Muhyiddin và nội các của ông, hoàng gia cho biết hôm 16/8.
Quốc vương Abdullah cũng bổ nhiệm ông Muhyiddin làm thủ tướng lâm thời cho đến khi người kế vị được bầu, cung điện quốc gia cho biết trong một tuyên bố.
Vua Abdullah bác bỏ việc tổ chức các cuộc bầu cử vì đại dịch Covid-19, nói rằng ông sẽ sử dụng quyền lực hiến pháp của mình để bổ nhiệm một thủ tướng mà ông tin rằng có khả năng chỉ huy đa số.
Ông Muhyiddin cho biết ông từ chức cùng với nội các của mình sau khi mất sự ủng hộ của đa số trong quốc hội. Ông nói thêm rằng với tư cách là thủ tướng lâm thời, ông sẽ không có nội các, nhưng sẽ thực hiện các chức năng hành pháp và cố vấn cho nhà vua cho đến khi một thủ tướng mới được bổ nhiệm.
“Tôi hy vọng một chính phủ mới có thể được thành lập ngay lập tức để việc điều hành đất nước này không bị gián đoạn”, ông nói trong một bài phát biểu trên truyền hình.
“Hai tháng tiếp theo là rất quan trọng, vì chúng tôi dự kiến sẽ đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vào tháng 10”, ông Muhyiddin cho biết thêm.
Tai họa chồng tai họa ở Haiti
Hôm nay lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục lụt soát đống đổ nát sau trận động đất 7,2 độ richter ở Haiti vào hôm thứ 7. Hy vọng còn người sống sót là rất nhỏ. Số người chết có thể sẽ tăng hơn so với con số 724 hiện tại.
Chính phủ Haiti đang chật vật giải quyết hậu quả, không chỉ vì họ là quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu. Nước này đã chìm trong bất ổn chính trị kể từ khi tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát hôm 7 tháng 7. Các băng đảng, vốn kiểm soát một số khu vực quan trọng cũng như các con đường đến thủ đô Port-au-Prince, sẽ gây khó cho việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bao gồm nơi trú ẩn, thực phẩm và nước uống đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chưa hết, Haiti chuẩn bị đón một cơn bão nhiệt đới vào hôm nay hoặc ngày mai. Trận động đất năm 2010 từng khiến 200.000 người thiệt mạng. Năm nay cũng vậy, Haiti thiếu nguồn lực nên sẽ phải dựa vào viện trợ quốc tế.
Con đường phục hồi kinh tế khó khăn của Nhật Bản
Chiến dịch tiêm vắc-xin của Nhật Bản đang chậm trễ hơn các nước giàu khác. Chỉ 41% dân số nước này đã tiêm phòng đầy đủ, thấp nhất trong các nước G7. Cũng không quá ngạc nhiên khi nền kinh tế Nhật cũng đang trì trệ.
Các nhà kinh tế dự đoán khi số liệu GDP Nhật Bản trong quý hai được công bố hôm nay, chúng sẽ chỉ ở trên mức 0%. Thật ra đây là bước cải thiện, từ mức giảm hàng năm 3,9% của quý trước. Nhưng nó chẳng là gì khi so với các nước tiêm vắc-xin nhanh chóng, chẳng hạn như Mỹ.
Triển vọng quý 3 cũng không sáng sủa hơn. Thế vận hội Tokyo không giúp thúc đẩy tiêu dùng, vì người hâm mộ không được dự khán. Nhưng các chuyên gia y tế công tin là việc tổ chức sự kiện đã đi ngược lời kêu gọi người dân ở nhà của chính phủ. Không như nền kinh tế, số ca nhiễm đang tăng nhanh chóng, với con số hàng ngày của tuần trước lên mức cao kỷ lục.
Miền tây nước Mỹ khô hạn
Nước của Hồ Mead, hồ chứa lớn nhất nước Mỹ, đang ở mức thấp nhất kể từ khi được lấp đầy lần đầu vào những năm 1930. Con hồ này nằm giữa sông Colorado ở biên giới Nevada và Arizona, và việc nó nhỏ lại là bằng chứng rõ ràng nhất của hiện tượng siêu hạn hán kéo dài 22 năm qua bao trùm lên khu vực. Một mùa đông dịu hơn – hậu quả của nóng lên toàn cầu – đã thu hẹp lớp băng tuyết vốn cấp nước cho Colorado, dòng sông cung cấp nước và thủy điện cho 40 triệu người ở tây nam nước Mỹ.
Hôm nay, Cục Khai hoang, một cơ quan liên bang, sẽ tuyên bố tình trạng thiếu nước lần đầu tiên ở dòng sông này. Một hệ thống luật và giải quyết tranh chấp chắp vá khiến nguồn nước của nông dân Arizona bị cắt giảm. Song điều đáng lo ngại hơn là điều gì sẽ xảy ra nếu mực nước sông tiếp tục xuống thấp. Các nhà khoa học đang hối thúc giới chức miền tây thừa nhận “Hạn hán Thiên niên kỷ” là dấu hiệu của tương lai khô hạn hơn.
Động đất ở Haiti: bệnh viện quá tải, 1.297 người chết
Reuters
Các bệnh viện của Haiti hôm 15/8 đầy ắp với hàng nghìn người bị thương sau trận động đất kinh hoàng một ngày trước đó khiến ít nhất 1.297 người thiệt mạng, theo Reuters.
Trận động đất mạnh 7,2 độ richter hôm 14/8 đã phá hủy hàng nghìn nhà cửa.
Khu vực tây nam Haiti phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề nhất, đặc biệt là ở khu vực trong và xung quanh thị trấn Les Cayes.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự của Haiti cho biết số người bị thiệt hại do thảm họa này đã tăng lên 1.297 người và các bệnh viện vẫn đang phải vật lộn để đối phó với khoảng 5.700 người bị thương.
Tại thành phố Jeremie phía tây bắc của Haiti, một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác, các bác sĩ phải điều trị cho các bệnh nhân bị thương trên cáng bệnh viện bên dưới tán cây và trên chiếc nệm bên đường vì các trung tâm y tế đã kín chỗ.
Các bệnh viện đã được mở rộng sức chứa để cứu chữa cho khoảng 5.700 người bị thương.
Các quốc gia lân cận, bao gồm Mexico và Cộng hòa Dominica, đang gấp rút gửi viện trợ.
Bà Samantha Power, giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho biết Hoa Kỳ đã điều động các nguồn cung cấp thiết yếu và triển khai một đội tìm kiếm và cứu hộ đô thị gồm 65 người với các thiết bị chuyên dụng tới Haiti.
Cuối tuần qua, hàng nghìn người dân Haiti phải ngủ ngoài trời, bất chấp nguy cơ mưa lớn đang rình rập, giữa lúc các quan chức địa phương cảnh báo về sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm qua nguồn nước.
Không có nhận xét nào