Afghanistan: Taliban chiếm được thủ phủ 5 tỉnh trong vài ngày
Sinh hoạt trên một con đường ở thủ phủ Zaranj, tỉnh Nimruz ngày 07/08/2021, phía tây nam Afghanistan, sau khi quân Taliban đánh chiếm được nơi này. - AFP
Chiến sự tại Afghanistan đã bước sang giai đoạn mới, lực lượng Taliban đã giành quyền kiểm soát thủ phủ của sáu tỉnh chỉ trong vài ngày. Vào hôm nay, 09/08/2021, đến lượt thành phố Aibak, thủ phủ tỉnh Samagan, miền bắc nước này rơi vào tay phiến quân. Đây là tỉnh lỵ thứ sáu bị Taliban kiểm soát, trên tổng số 34.
Riêng hôm qua, Taliban trong một ngày đã chiếm được ba thủ phủ là Kunduz, Sar-e-pul và Taloqan. Phiến quân đang tiến với tốc độ cực nhanh, trong bối cảnh các lực lượng nước ngoài rời khỏi đất nước này vào cuối tháng.
Từ Kabul, thông tín viên RFI Sonia Ghezali cho biết thêm chi tiết:
"Tại Taloqan, lực lượng an ninh Afghanistan với sự hỗ trợ của dân quân tự vệ đã kháng cự được trong vài tuần, nhưng vô ích. Thành phố ở phía đông bắc đất nước đã thất thủ vào ngày hôm qua.
Những cư dân còn ở lại đó đã nói đến các cuộc không kích nhằm đánh bật Taliban, họ mô tả những chiếc B52 trên bầu trời, những chiếc oanh tạc cơ khổng lồ của Hoa Kỳ. Đây là biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ, nhưng đã không làm thay đổi được tình hình trên chiến trường.
Hàng ngàn gia đình đã không ngại hiểm nguy đến tính mạng để chạy trốn khỏi vùng chiến sự, trong lúc còn rất nhiều người bị kẹt lại. Qua điện thoại, một cư dân sống tại Kunduz cho biết: “Tôi rất muốn đi nhưng đã quá muộn, lực lượng Taliban đã dựng chốt cản khắp nơi”. Phụ nữ này thừa nhận rằng người dân tại chỗ cũng lo sợ trước nguy cơ bị thiệt mạng vì những vụ không kích vốn đã khiến nhiều thường dân bị chết oan.
Một số đoạn video cho thấy các cảnh tượng kinh khủng đã được lan truyền trên mạng xã hội từ vài ngày nay. Người ta thấy xác trẻ em trên đường phố với khuôn mặt không thể nhận ra vì thương tích, hoặc cảnh các em bị thất thần, không biết chạy đi đâu.
Tại khu vực miền nam Afghanistan, chiến sự rất dữ dội ở Kandahar và Lashkar Gah, thủ phủ của hai tỉnh mà mọi người đều dự đoán là sắp thất thủ.
Taliban đang tiến công với tốc độ chóng mặt, và với một sự dễ dàng đáng kinh ngạc."
Các nhà khoa học đang theo dõi những biến thể khác ngoài Delta
Sự lây lan không ngừng của virus corona đã khiến cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tạo ra một hệ thống các tên gọi dành cho những biến thể của nó theo bảng chữ cái Hy Lạp. Một số chủng trong đó đã phát triển khả năng lây nhiễm cho con người hoặc lẩn tránh sự bảo vệ của vắc-xin. Trước mối lo ngại số biến thể vượt quá 24 chữ cái Hy Lạp, WHO đang tính đến việc đặt tên chúng theo các chòm sao như Orion, Leo, Gemini, Aries. biến thể
(Ảnh minh họa: Par Lightspring/Shutterstock)
Các nhà khoa học vẫn tập trung vào Delta – biến thể thống trị đang phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới, đồng thời theo dõi xem liệu những chủng khác có thể thay thế vị trí của Delta một ngày nào đó hay không.
Delta
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vẫn là chủng đáng lo ngại nhất. Nó cho thấy khả năng lây nhiễm cao hơn so với các chủng virus trước đó ở cả những người đã được tiêm chủng.
WHO phân loại Delta là một biến thể đáng lo ngại, có nghĩa là chủng này đã được chứng minh làm tăng khả năng lây lan, gây ra bệnh nặng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của vắc-xin cũng như các phương pháp điều trị.
Theo Shane Crotty, nhà virus học tại Viện nghiên cứu Miễn dịch La Jolla ở San Diego, “siêu năng lực” của Delta chính là khả năng truyền bệnh. Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra vào hôm 29/7 vừa qua, trong đó nói rằng những người bị nhiễm Delta dù đã tiêm chủng có cùng tải lượng với những người chưa tiêm vắc-xin, và nhóm đối tượng đã tiêm chủng vẫn có thể lây truyền loại biến thể này.
Trong khi chủng virus ban đầu mất đến 7 ngày để gây ra các triệu chứng, Delta có thể gây ra các triệu chứng nhanh hơn từ 2 đến 3 ngày, khiến hệ thống miễn dịch có ít thời gian hơn để phản ứng và tăng cường khả năng phòng thủ. Delta dường như cũng đang đột biến nhanh hơn, với việc xuất hiện các báo cáo về một biến thể tên là “Delta Plus” – dòng phụ của Delta chứa thêm một đột biến đã được chứng minh là có khả năng lẩn tránh sự bảo vệ của hệ miễn dịch.
Ấn Độ đã liệt kê Delta Plus là một biến thể đáng lo ngại vào tháng 6, nhưng cả CDC Mỹ cũng như WHO đều chưa làm điều này. Theo Outbreak.info, một cơ sở dữ liệu mã nguồn mở COVID-19, Delta Plus đã được phát hiện ở ít nhất 32 quốc gia. Các chuyên gia cho biết vẫn chưa rõ liệu chủng này có nguy hiểm hơn Delta không.
B.1.621 – Biến thể cần được theo dõi
Biến thể B.1.621, lần đầu tiên xuất hiện ở Colombia vào tháng 1 và gây ra một đợt bùng phát lớn.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu đã liệt kê chủng này là một biến thể cần quan tâm, trong khi Cơ quan Y tế Công cộng Anh mô tả B.1.621 là một biến thể cần được theo dõi. B.1.621 chứa một số đột biến chính, bao gồm E484K, N501Y và D614G, có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm sự bảo vệ của hệ miễn dịch. Cho đến nay, Anh đã ghi nhận 37 trường hợp nhiễm B.1.621, trong khi một số bệnh nhân ở Florida (Mỹ) cũng xác nhận nhiễm chủng này.
Còn nhiều biến thể nữa sắp xuất hiện?
Tiến sĩ Gregory Ba Lan, nhà khoa học về vắc-xin tại Bệnh viện Mayo, cho biết vấn đề mấu chốt là vắc-xin hiện tại có khả năng ngăn chặn được những ca bệnh nặng nhưng không ngăn được sự lây nhiễm. Đó là bởi vì virus vẫn có khả năng nhân lên trong mũi, ngay cả ở những người đã tiêm chủng, vậy nên những đối tượng này sau đó vẫn có thể truyền bệnh thông qua các giọt bắn nhỏ trong không khí.
Theo ông, để đánh bại virus corona, nhiều khả năng sẽ cần một thế hệ vắc-xin mới ngăn chặn sự lây truyền. Nhà khoa học người Ba Lan và các chuyên gia khác nhận định rằng, trước khi điều này xảy ra, thế giới sẽ vẫn dễ bị nhiễm bệnh trước sự gia tăng của các biến thể mới.
Miến Điện : Loạn lạc sinh thêm dịch bệnh
Tại Miến Điện, The Economist thấy rằng « Quân đội đang làm cho đại dịch càng tồi tệ hơn », tỉ lệ tử vong vì Covid thuộc loại cao nhất thế giới.
Hầu như tất cả các nước Đông Nam Á đều đang phải đối phó với đợt dịch nặng nề, nhưng Miến Điện tặng cho con virus xuất phát từ Vũ Hán những điều kiện tốt nhất. Sau vụ đảo chính hồi tháng Hai, việc xét nghiệm, truy vết và điều trị Covid bị ngưng lại. Hàng ngàn nhân viên y tế đình công, tham gia xuống đường. Khi một bang nằm sát biên giới Ấn Độ báo cáo về dịch vào tháng Sáu, tập đoàn quân sự quá bận rộn với việc đàn áp biểu tình nên hầu như không hành động.
Khoảng 230.000 người đã chạy trốn từ tháng Hai đến tháng Sáu, nâng tổng số người di tản lên 680.000. Những trại tị nạn không có mấy phương tiện còn những người chạy vào rừng lại càng thiếu thốn. Hơn nữa, Miến Điện chỉ có 0,7 bác sĩ trên 1.000 dân, viên chức phụ trách chương trình tiêm chủng quốc gia đã bị bắt giữ.
Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhân viên y tế rút vào hoạt động bí mật, nhưng đã có ba bác sĩ bị người của chế độ đóng vai bệnh nhân để gài bẫy bắt. Thuốc men và dụng cụ y khoa trở nên hiếm hoi, oxy lại càng khan hiếm. Mỗi ngày có khoảng 360 người chết tại Miến Điện vì Covid, nhưng con số này có lẽ còn xa so với sự thật. Tập đoàn quân sự đang xây dựng 10 lò thiêu tại Rangoon, có khả năng thiêu trên 3.000 xác một ngày.
Những giấc mơ của các phù thủy khí hậu
Tuần này có thêm L’Express nghỉ hè, chỉ còn hai tuần báo Pháp ra mắt bạn đọc. Hồ sơ của Le Point dành cho « Bí mật của các chế độ quân chủ », L’Obs bàn về « Làm nguội lại hành tinh », còn tuần báo Anh The Economist dành trang bìa cho « Trí thông minh mã nguồn mở ».
L’Obs cho biết trước hiện tượng Trái Đất nóng lên, các nhà nghiên cứu cầu viện đến « kỹ thuật địa lý » (tạm dịch géo-ingénierie). Một giấc mơ « đội đá vá trời », được các nhà tỉ phú ở Silicon Valley ủng hộ, nhưng gây nhiều tranh cãi.
Tuần báo kê ra 13 dự án đầy tham vọng, và ít nhiều mang tính khoa học viễn tưởng. Đó là chận bớt các tia nắng mặt trời, làm mỏng đi những đám mây ở độ cao, tăng suất phản xạ (albédo) của Trái Đất, đẩy nhanh sự hình thành các đám mây, thẩm thấu bớt khí carbonic nhờ năng lượng sinh học, thiết lập những bộ lọc carbonic, kích thích cơ chế bơm sinh học của các đại dương, làm mưa nhân tạo, đẩy nhanh tốc độ tan rã của các tảng đá, trồng cây và nuôi tảo, « giam » carbone trong đất nông nghiệp, biến đổi gien di truyền để các bé sơ sinh nhỏ hơn, thay đổi quỹ đạo Trái Đất để tránh xa Mặt Trời hơn.
Các hoàng gia châu Âu tìm cách trường tồn trong thế kỷ 21
Ở châu Âu, các vương triều làm cách nào để có thể trường tồn ? Hồ sơ 16 trang của Le Point lần lượt lược qua hoàng gia các nước Tây Ban Nha, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Monaco, Thụy Điển, Na Uy… Tuần báo cũng đưa người đọc đến Atlantic College, nơi đào tạo các quân vương tương lai cho toàn thế giới.
Nếu đại công tước Henri của Luxembourg dù tài chính thiếu minh bạch nhưng vẫn được 80% người dân hài lòng trong vai trò nguyên thủ, thì quốc vương Willem Alexander của Hà Lan không có may mắn này. Ngay khi cả nước đang phong tỏa vì đại dịch, một tấm ảnh vua và hoàng hậu Maxima trong một nhà hàng bên bờ biển Hy Lạp, không mang khẩu trang khiến người dân giận dữ. Nhà vua vội vã bỏ ngang kỳ nghỉ, đi thăm các viện dưỡng lão, còn công chúa kế vị Catharina-Amalia từ chối món tiền trợ cấp (1,6 triệu euro/năm) để tỏ tình tương trợ với các thanh niên cùng lứa tuổi đang gặp khó khăn vì Covid.
Ở Bỉ, quốc vương Philippe đối mặt với xu hướng muốn xóa bỏ chế độ quân chủ. Còn tại Tây Ban Nha, nhiều người tin rằng vương triều sắp đến hồi kết thúc, đó là do quốc vương Juan Carlos. Từ 1975 đến đầu 2010, nhà vua vẫn được dân chúng yêu quý vì đã giúp tái lập dân chủ qua việc thỏa thuận ngầm với tất cả các đảng kể cả cộng sản, tạo điều kiện cho Tây Ban Nha gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên chuyến đi săn bắn ở Bostwana bằng công quỹ ngay trong khủng hoảng kinh tế, thủ lợi mấy chục triệu euro hoa hồng trong hợp đồng thương mại với Ả Rập Xê Út… đã gây sốc. Hiện nay cựu vương phải lưu vong tại Abou Dhabi vì bị truy tố ở Tây Ban Nha.
Riêng tại Anh, nữ hoàng Elizabeth II biết cách đóng vai biểu tượng cho sự ổn định của ngai vàng. Nhiều hoàng gia châu Âu cố gắng ra khỏi tháp ngà, mở tài khoản Facebook, Twitter. Một số tham gia các dự án xã hội, môi trường như thái tử Charles nước Anh, ông hoàng Albert ở Monaco ; đặc biệt quốc vương Thụy Điển, hoàng hậu Na Uy có cuộc sống bình dị. Các hoàng gia đều muốn bảo vệ những người kế vị, và sự tình cờ đã khiến vài năm nữa các nữ hoàng sẽ nối ngôi phụ vương : Victoria ở Thụy Điển, Leonor ở Tây Ban Nha, Élisabeth ở Bỉ và Catharina-Amalia ở Hà Lan. Các nữ vương tương lai đều biết những gì đang chờ đợi mình : chứng minh lý do hiện hữu của một vương triều trong thế kỷ 21
Đối trọng với Bắc Kinh, Ấn Độ xây căn cứ bí mật
Ấn Độ rót tiền xây cơ sở hạ tầng trên đảo Bắc Agalega của Mauritius, nhưng đây nhiều khả năng là căn cứ quân sự đối trọng Trung Quốc, trang Aljazeera cho hay.
Ấn Độ năm 2015 ký thỏa thuận đầu tư cơ sở hạ tầng đảo Bắc Agalega thuộc đảo quốc Mauritius ở nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, những thông tin được thu thập gần đây cho thấy Ấn Độ nhiều khả năng đang xây một căn cứ hải quân trên hòn đảo xa xôi này.
Công nhân Ấn Độ đang xây dựng hai đê chắn sóng lớn và một đường băng dài hơn 3 km trên đảo. Đường băng cũ trên đảo Bắc Agalega chỉ dài khoảng 800 m, phù hợp cho một số máy bay cỡ nhỏ của cảnh sát biển hoạt động.
Mauritius và Ấn Độ đều phủ nhận đồn đoán rằng cơ sở hạ tầng đang được xây dựng trên đảo phục vụ mục đích quân sự. Ấn Độ mô tả đường băng ở Bắc Agalega sẽ phục vụ chính sách An ninh và Phát triển Toàn khu vực (SAGAR), tăng cường hợp tác hàng hải giữa các nước, trong khi Mauritius khẳng định cảnh sát biển sẽ sử dụng cơ sở này.
Hồi tháng 5, Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth còn khẳng định đảo quốc này và Ấn Độ “không có thỏa thuận xây dựng căn cứ quân sự” nào ở Bắc Agalega.
Tuy nhiên, giới chuyên gia trên tờ Al Jazeera bày tỏ hoài nghi về các tuyên bố này, bởi khoản đầu tư 250 triệu USD mà Ấn Độ rót vào hòn đảo để xây sân bay, bến cảng và trạm thông tin liên lạc khó chỉ dừng ở việc hỗ trợ hoạt động của lực lượng cảnh sát biển.
Abhishek Mishra, chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (ORF) tại New Delhi, đánh giá cơ sở hạ tầng mới được xây dựng trên hòn đảo sẽ thực hiện vai trò thu thập thông tin tình báo. Một căn cứ tại đảo Bắc Agalega sẽ giúp Ấn Độ duy trì hiện diện hải quân và không quân cũng như gia tăng giám sát khu vực tây nam Ấn Độ Dương cùng eo biển Mozambique.
Samuel Bashfield, nhà nghiên cứu an ninh tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định hòn đảo là vị trí xây dựng căn cứ quân sự hoàn hảo. “Ấn Độ cần cơ sở ở phía tây nam Ấn Độ Dương để khai triển máy bay hỗ trợ tàu thuyền. Đây cũng là khu vực có thể được Ấn Độ sử dụng làm bàn đạp cho một số hoạt động quân sự”.
Đảo Bắc Agalega mang ý nghĩa chiến lược ở tây nam Ấn Độ Dương, khu vực đang được xem là “điểm mù” đối với hải quân Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự hướng ra vùng biển này tại Djibouti vào năm 2017. Với căn cứ trên quần đảo Mauritius, Ấn Độ có thể mở rộng khả năng giám sát tình hình trên biển.
Ngoài các công trình như đê biển và đường băng cỡ lớn, một số hạ tầng có tiềm năng được sử dụng cho mục đích quân sự cũng đã được xây dựng trên đảo. Các nguồn tin riêng của Mishra tiết lộ đường băng ở Bắc Agalega sẽ được sử dụng cho máy bay tuần thám biển P-8I. Dòng máy bay do Mỹ sản xuất này có khả năng tham gia tác chiến chống ngầm, chống hạm và các hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) trên biển.
Chuyên gia Mishra nhận định Ấn Độ muốn che giấu mục đích thật sự của các căn cứ này nhằm tiếp tục hoạt động phản đối quân sự hóa khu vực.
Còn theo nhà nghiên cứu Bashfield, mục tiêu chính của Ấn Độ khi đầu tư xây dựng căn cứ tại đảo Bắc Agalega là nhằm đối trọng với các hoạt động của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, vùng biển đang trở thành tâm điểm mới trong cuộc canh tranh giữa hai cường quốc. Trung Quốc đã tăng cường sức ảnh hưởng lẫn hiện diện quân sự thông qua căn cứ ở Djibouti và quyền sử dụng một số cảng nước sâu tại khu vực.
Cạnh tranh ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương đang ngày càng quyết liệt, khi Trung Quốc thúc đẩy quyền lực thông qua mạng lưới căn cứ quân sự, cảng biển nằm trên “Chuỗi Ngọc trai” ở các nước láng giềng bao quanh Ấn Độ, buộc New Delhi phải tăng cường năng lực giám sát biển.
Chuyên gia Mishra nhận định: “Mục tiêu trong thỏa thuận xây dựng đảo Bắc Agalega giữa Ấn Độ và Mauritius là biến hòn đảo thành nút thắt quan trọng trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ trên toàn khu vực. Hòn đảo sẽ là bàn đạp hữu ích cho hoạt động thu thập tình báo thông tin và trinh sát điện tử”.
Tầm quan trọng chiến lược của khu vực tây nam Ấn Độ Dương ngày càng tăng trong thời gian qua. Ngày càng nhiều tuyến vận tải biển đi qua eo biển Mozambique và vòng qua phía nam châu Phi, trong đó có cả những tuyến vận chuyển nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc. Việc New Delhi tăng cường giám sát mọi hoạt động tại vùng biển có thể gửi thêm thông điệp răn đe đến những động thái quân sự hoặc gia tăng ảnh hưởng từ phía Bắc Kinh.
Hải quân Hoa Kỳ có một động thái rất hiếm hoi, răn đe mạnh Trung Quốc
Kênh Forbes báo cáo rằng 3 tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất của hải quân Mỹ đã cùng được triển khai tới Thái Bình Dương trong tháng bảy. Đây là một động thái hiếm có và mang nhiều ý nghĩa răn đe đối với Trung Quốc.
Forbes cho hay, tất cả tàu tấn công hạt nhân dòng Seawolf đang được triển khai ở Thái Bình Dương. Sự gia tăng Seawolf có ý nghĩa nghiêm trọng đối với chiến lược hải quân của Mỹ khi Trung Quốc cũng đang phát triển nhanh hạm đội của mình.
Forbes viết rằng: “Một chiếc Seawolf ở sân sau của bạn là một tin xấu cho kế hoạch chiến tranh. Ba chiếc là quá khó để có thể chống lại”.
USS Seawolf , USS Connecticut và USS Jimmy Carter đều xuất phát từ Bremerton, Washington. Đây là những loại tàu lớn nhất, nhanh nhất và được trang bị mạnh nhất trong số khoảng 50 tàu ngầm tấn công của hạm đội Hoa Kỳ.
Theo The National Interest, Hải quân Mỹ không muốn đề cập về các tàu ngầm của mình. Trong số khoảng 70 tàu ngầm của Mỹ, Seawolf cùng các tàu Connecticut và Jimmy Carter là một trong những tàu chiến bí ẩn nhất của Hải quân nước này.
Khi tìm kiếm trên Google về các tàu ngầm lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những thông tin về chúng. Tuy nhiên, với các tàu lớp Seawolf, lượng thông tin thu thập được khi tìm kiếm là vô cùng ít ỏi.
Theo The National Interest, mỗi tàu Seawolf có giá trị lên đến gần 3 tỉ USD, trong đó hàng trăm triệu USD là dành cho các thiết bị “độc nhất vô nhị”. Hoạt động của tàu Seawolf là vô cùng bí mật, đến mức vợ của một thủy thủ trên tàu mô tả hành tung của chúng là “không thể đoán trước”. Nhiệm vụ thông thường của các tàu ngầm chủ yếu là thu thập thông tin tình báo, phóng tên lửa tấn công khủng bố,… song với Seawolf, không ai biết nhiệm vụ của chúng là gì.
Mỗi chiếc Seawolf với 50 ngư lôi và tên lửa có đủ hỏa lực để đánh chìm một đoàn tàu vận tải hoặc nhóm tàu sân bay của đối phương. Tàu Jimmy Carter bí mật cũng tự hào có phần mở rộng thân tàu dài 100 feet cho phép nó có khả năng gián điệp và hoạt động đặc biệt.
Vào tháng 8 năm nay, một trong số chúng đã xuất hiện tại cảng Hải quân Yokosuka ở Nhật Bản, điều này cho thấy tàu ngầm hạt nhân dòng Seawolf đã tiến vào Biển Đông và Tây Thái Bình Dương để thực hiện nhiệm vụ.
Thông thường, các tàu trong một dòng cụ thể sẽ thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Vì tất cả đều phụ thuộc vào cùng một cơ sở hạ tầng hậu cần và đào tạo, nên việc chia một dòng nhất định thành ba phần là bền vững nhất. Một phần ba đi tuần tra. Một phần ba ở lại đào tạo. Một phần ba được bảo trì. Mô hình đó giải thích tại sao Hải quân Hoa Kỳ sở hữu khoảng 300 tàu tiền tuyến nhưng chỉ triển khai một trăm chiếc cùng một lúc.
Nhưng lý tưởng nhất là các chỉ huy hạm đội có thể tăng cường cả một dòng tàu trong thời kỳ khủng hoảng chứ không chỉ 1/3. Để có cơ hội đánh bại hàng trăm tàu chiến của Trung Quốc, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chắc chắn sẽ phải gửi nhiều tàu hơn số thông thường của mình.
Việc triển khai rất khó, vì nó đòi hỏi sự đồng bộ của nhiều nguồn lực. Vì vậy, đó là một thành công và sự thị uy lớn khi một hạm đội chứng minh rằng họ có thể làm được và Hoa Kỳ đã đang chứng minh điều đó. Và sức đe dọa sẽ còn lớn hơn nữa khi các tàu được triển khai là một trong những tàu mạnh nhất trong bất kỳ lực lượng hải quân nào trên thế giới hiện nay.
Biến thể Lambda đã xuất hiện tại Mỹ nguy hiểm hơn Delta?
Cách phòng ngừa tốt nhất khỏi những biến thể COVID-19 là đi chích ngừa. Minh họa. Credit: PNAS.org.
Trong khi biến thể Delta vẫn đang lây lan trên toàn quốc, lại có thêm một biến thể khác cũng nguy hiểm không kém có khả năng kháng vaccine COVID-19 đã xuất hiện ở nhiều tiểu bang.
Theo The Hill, biến thể Lambda (còn được gọi là C.37,) lần đầu tiên được phát hiện ở Peru vào Tháng Mười Một, 2020. Lambda đang có nguy cơ trở thành biến thể chủ đạo ở Nam Mỹ, khiến số ca nhiễm tăng cao ở Argentina, Colombia, Ecuador, Chile, Uruguay và Paraguay. Dữ liệu giải trình tự bộ gen khác chỉ ra rằng Lambda đang lan truyền với tốc độ phi mã ở nhiều nơi trên khắp thế giới.
Dựa trên những số liệu này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định Lambda là một biến thể cần được quan tâm. COVID-19 đang bùng phát ở nhiều nơi, nhất là ở các tiểu bang Texas, South Carolina, Georgia và Maryland.
Theo sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID, biến thể Lambda đã lan rộng đến 41 quốc gia trên thế giới.
“Hiện nay toán quốc có hơn 1,300 ca nhiễm Lambda và biến thể Lambda đã được xác nhận ở 44 tiểu bang,” một phát ngôn viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nói với Newsweek. Một khi WHO phân loại Lambda là biến thể đáng quan tâm, nghĩa là họ nghi ngờ nó có khả năng lây nhiễm cao hơn so với biến thể ban đầu hoặc có khả năng kháng vaccine cao hơn.
Biến thể Lambda có khả năng lây truyền như thế nào và liệu nó có gây ra mối đe dọa ngấm ngầm như biến thể Delta hay không? Rachel Graham, phó giáo sư khoa dịch tễ học tại Đại học North Carolina, cho biết: “Từ những gì chúng ta thấy ở Nam Mỹ, không loại trừ nó có vẻ dễ lây lan hơn những virus ban đầu.”
Mặc dù chưa trở thành biến thể chủ đạo ở Mỹ, nhưng Lambda vẫn là chủng virus nổi trội tương tự Delta trước đây. “Nếu biến thể này có thể phá vỡ khả năng miễn dịch ở những bệnh nhân từng nhiễm bệnh trước đó theo cách tương tự Delta, chúng ta có thể chứng kiến một đơt bùng phát dịch bệnh khác trong thời gian sáu tháng mà số ca nhiễm chủ yếu là Lambda hoặc liên quan đến lambda”, Graham nói.
Dữ liệu sơ bộ được công bố vào Tháng Bảy cho thấy biến thể Lambda có thể kháng lại vaccine COVID-19. Cho đến khi có thêm nghiên cứu về Lambda, vẫn còn phải xem liệu chủng này có thực sự gây ra sự khác biệt trong bất kỳ phản ứng nào của bệnh nhân với vaccine hay không.
Theo các nhà khoa học, cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh, nhiễm Lambda, hoặc bất cứ một biến thể nào khác của COVID-19, là chích vaccine ngừa bệnh cũng như thực hiện các biện pháp an toàn để ngăn cản sự lây lan.
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào