Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 02 tháng 8 năm 2021

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Thái Lan: Người dân biểu tình yêu cầu Thủ tướng từ chức khi số ca nhiễm Covid tăng cao

    Ngày 1/8, những người biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan đã đổ ra đường trên ô tô và xe máy, yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức liên quan đến cách xử lý Covid-19. Hiện Thái Lan đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất từ trước đến nay.

    Theo Bangkok Post, tại Bangkok, các tài xế ô tô hú còi còn những người lái xe máy thì giơ cao kiểu chào 3 ngón tay, một biểu tượng chống đối được lấy cảm hứng từ phim "The Hunger Games", trên hành trình dài 20 km trải dài từ Tượng đài Dân chủ (Democracy Monument) ở trung tâm Thủ đô Bangkok, kéo dài đến Sân bay Quốc tế Don Muang.

    "Chúng tôi giờ đây không thể kiếm sống gì được, tất cả thành viên gia đình tôi đều đã bị ảnh hưởng," một người biểu tình 47 tuổi cho biết, anh chỉ cho biết tên mình là "Chai" vì sợ bị chính phủ đàn áp, theo Reuters.

    "Chính phủ không cung cấp vaccine đúng thời gian và nhiều người trong chúng tôi chưa được tiêm vaccine," anh cho biết thêm. "Nếu chúng tôi không lên tiếng, thì đơn giản là chính phủ sẽ bỏ mặc chúng tôi."

    Cũng có những cuộc biểu tình tương tự diễn ra ở các tỉnh khác.

    Theo Cục Tin tức Quốc gia Thái Lan (National News Bureau of Thailand), Thái Lan đang có mục tiêu tiêm chủng 50 triệu dân, trước thời điểm cuối năm nay.

    Nhưng cho đến nay chỉ có 5,8% dân số trong tổng số 66 triệu dân được tiêm đủ 2 liều vaccine, và khoảng 21% đã nhận được ít nhất 1 liều đầu tiên.

    Trong 24 giờ qua, tính đến sáng nay 2/8, Thái Lan đã ghi nhận thêm 17.970 ca nhiễm mới và 178 ca tử vong.

    Thái Lan đã thông báo siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, có hiệu lực từ ngày 3/8 tới. Theo đó các tỉnh thành sẽ được phân chia theo các vùng dựa theo mức độ nghiêm trọng.

    Ở những vùng nguy cơ cao nhất, màu đỏ đen, bao gồm Bangkok, thì phương tiện giao thông công cộng đến các tỉnh khác sẽ bị cấm. Ngoài ra việc tụ tập nơi công cộng gồm hơn 5 người cũng bị cấm.

    Các biện pháp này sẽ được xem xét sau 14 ngày, tức là vào ngày 18/8, nếu tình hình không được cải thiện, sẽ được áp dụng tới ngày 31/8.

    Pfizer và Moderna tăng giá : Nhà nước yếu thế trước các hãng dược

    Financial Times ngày 01/08/2021 cho biết giá bán một liều các loại vac-xin Pfizer và Moderna được giao cho Liên Hiệp Châu Âu sẽ lần lượt tăng 26% và 13%. Theo nhận định nhà kinh tế học về sức khỏe cộng đồng Nathalie Coutinet, sự việc cho thấy thế mạnh độc quyền của các hãng dược lớn trên thế giới đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà nước.

    Cụ thể, giá bán một liều Pfizer tăng từ 15,5 lên thành 19,5 euro và của Moderna là từ 19 lên thành 21,5 euro, theo như tiết lộ của tờ Financial Times. Trên đài phát thanh RFI, ông Clément Beaune khẳng định điều này chẳng có gì là gây sốc cả và đã được ghi rõ trong hợp đồng.

    Thế nhưng, trong một báo cáo công bố ngày 29/07/2021, tổ chức phi chính phủ Oxfam phối hợp với liên minh People’s Vaccine Alliance, lên án các hãng dược lớn lợi dụng tình hình dịch bệnh và thế độc quyền nâng khống mức giá bán quá mức. Theo tính toán của những tổ chức này, thì dường như các hãng Pfizer và Moderna « thu lợi thêm hơn 41 tỷ đô la, cao hơn mức giá thành sản xuất ước tính cho các loại vac-xin ngừa Covid-19 ».

    Làm sao giải thích cho việc tăng giá bán các liều vac-xin vào giữa lúc các nước đang phải vật vã đối phó với dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát mạnh vì biến thể Delta ? Truyền thông Pháp đưa ra một số lý giải như sau :

    Thứ nhất, trên thế giới hiện chỉ có hai loại vac-xin ARN thông tin là Moderna và Pfizer được cho là có hiệu quả hơn so với các loại vac-xin đối thủ cạnh tranh khác. Đây cũng là hai loại vac-xin được sử dụng rộng rãi nhất tại Pháp và nhiều nước giầu có khác tại châu Âu.

    Thứ hai, nhu cầu về hai loại vac-xin này có thể sẽ còn tăng lên do các biện pháp tiêm chủng bắt buộc và tình hình bùng phát biến thể Delta, buộc Pháp và nhiều nước Liên Âu phải tính đến việc phải tiêm thêm một liều thứ ba.

    Cuối cùng là lợi thế cạnh tranh. Pfizer và Moderna tận dụng được tình trạng nhiều nước châu Âu lần lượt từ bỏ vac-xin AstraZeneca và Johnson&Johnson, được cho là kém hiệu quả hơn và có những tác dụng phụ gây lo ngại.

    Trước nguy cơ cầu vượt cung này, giá cả thuốc men và vac-xin phòng trị bệnh một lần nữa lại do các hãng dược quyết định. Nhà kinh tế học về sức khỏe cộng đồng, bà Nathalie Coutinet, trả lời phỏng vấn đài RFI ngày 29/07/2021, chỉ trích những hãng dược này một lần nữa áp đặt thế độc quyền đối với người bệnh.

    Theo nhà nghiên cứu này, « chỉ khi nào thế giới có được một loại vac-xin để thay thế, đáng tin cậy, như sắp tới đây có thể có Sanofi, thì mới có hy vọng làm hạ giá thành hay chí ít kềm hãm bớt mức tăng giá bán ». Vẫn theo kinh tế gia này, sự việc cho thấy rõ « các chính phủ đã mất quyền kiểm soát đối với các hãng dược ».

    Giờ đây, đang ngay giữa mùa dịch, các cuộc đàm phán không mấy gì dễ dãi. Bà Nathalie Coutinet nhắc lại rằng trong hoàn cảnh này, Liên Hiệp Châu Âu chỉ có hai giải pháp : Hoặc nhóm họp lại mua với số lượng lớn để dễ bề thương lượng giá cả như những gì đã được thực hiện trong đợt đầu chiến dịch tiêm chủng.

    Hoặc dỡ bỏ quyền sở hữu bằng sáng chế - như vậy các nước có thể tự sản xuất, gia tăng sản lượng và có thể sẽ làm hạ giá thành. Thế nhưng, đây lại là một vấn đề nhậy cảm khó thực hiện và khó đạt được một đồng thuận. Bởi một lẽ rất đơn giản, nước nào cũng phải bảo vệ ngành dược của mình, mỗi nước có một hãng dược riêng : Pháp có Sanofi, Mỹ có Pfizer…

    Bản thân những hãng dược này cũng tiến hành các cuộc vận động hành lang bên cạnh các chính phủ, Liên Hiệp Châu Âu nhằm bảo vệ thế độc quyền bằng sáng chế. Tại Mỹ, « bất kể ông Biden có nói gì, còn có một ý muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cho dù có nhiều loại vac-xin phát triển được là nhờ vào nguồn ngân quỹ của nhà nước », theo như lưu ý của nữ kinh tế gia.

    Tóm lại, sinh mạng của bệnh nhân một lần nữa nằm trong tay các hãng dược lớn !

    ASEAN họp bàn bổ nhiệm đặc sứ đến Miến Điện

    Sáu tháng sau khi quân đội Miến Điện đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi và đẩy đất nước vào khủng hoảng, trong khuôn khổ Hội Nghị Ngoại Trưởng khối Đông Nam Á ASEAN trực tuyến, lãnh đạo ngoại giao của 10 thành viên hôm nay 02/08/2021 đã thảo luận về tình hình Miến Điện, đặc biệt về việc bổ nhiệm một đặc sứ đến quốc gia này nhằm chấm dứt bạo lực và thúc đẩy đối thoại giữa tập đoàn quân sự cầm quyền và phe đối lập.

    Trang Nikkei Asia cho biết cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN kéo dài khoảng 5 tiếng thay vì 2 tiếng như dự kiến ban đầu.

    Theo ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi, cuộc thảo luận diễn ra "rất cởi mở" nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy có tiến triển rõ ràng trong việc tìm được một giải pháp cho vấn đề Miến Điện. Indonesia kêu gọi Miến Điện và ASEAN tiến tới chấp thuận một đặc sứ của khối tại Miến Điện.

    Các nhà ngoại giao cho Reuters biết có nhiều khả năng thứ trưởng Ngoại Giao Brunei Erywan Yusof, sẽ được bổ nhiệm vào vị trí này.

    Phiên họp của ASEAN diễn ra sau khi quân đội Miến Điện hôm qua tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời và tướng Min Aung Hlaing tự xưng là thủ tướng.

    Từ Bangkok, thông tín viên khu vực Carole Isoux cho biết thêm chi tiết :

    « Mười nước ASEAN trong ngày hôm nay phải khẳng định danh tính của vị đặc sứ này. Hai ứng viên được nhiều sự ủng hộ là Erywan Yusof, thứ trưởng Ngoại Giao Brunei, người được cộng đồng quốc tế ủng hộ và Virasakdi Futrakul của Thái Lan, người được các tướng lĩnh Miến Điện ưa thích hơn.

    Đó là bởi vì có hai cách tiếp cận trái ngược nhau trong nội bộ ASEAN. Một bên là những người ủng hộ cuộc đối đầu thẳng thừng với các tướng lĩnh Miến Điện và tổ chức các cuộc họp với phe đối lập chính trị Miến Điện. Đó là trường hợp của các nước Indonesia, Singapore hay Malaysia. Chính thủ tướng Malaysia Muhidyin Yasin đã có những lời lẽ rất cứng rắn với tập đoàn quân sự Miến Điện. Còn bên kia là những người ủng hộ cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn. Đó là trường hợp của các nước láng giềng ngay sát Miến Điện, trước tiên là Thái Lan, sau đó là Cam Bốt và Việt Nam.

    Thái Lan là một trường hợp đặc biệt do các tướng lĩnh lên nắm quyền qua một cuộc đảo chính hồi năm 2014, nhưng sau đó được hợp pháp hóa qua các lá phiếu bầu cử nhờ có các cuộc cải cách. Do vậy, Thái Lan có thể đại diện cho một mô hình khả thi cho các tướng lĩnh Miến Điện. ASEAN vẫn gắn với nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, nhất là vì những lý do lịch sử gắn với quá khứ thuộc địa của khu vực. Vì thế, tiến trình ngoại giao sẽ lâu và thận trọng ».

    Tập trận chung : Mỹ và Hàn Quốc do dự

    Hàn Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa quyết định cuộc tập trận mùa hè thường niên diễn ra khi nào và như thế nào. Nhưng chính quyền Seoul cam kết sẽ có một cách tiếp cận « khôn khéo » và « uyển chuyển » về những bài tập chung.

    Bộ Quốc Phòng và Bộ Thống Nhất Hàn Quốc hôm nay, 02/08/2021, đã có những tuyên bố như trên, một ngày sau khi Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lên tiếng cảnh cáo rằng các cuộc tập trận phối hợp Mỹ - Hàn rất có thể sẽ làm phá hỏng các nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ Liên Triều.

    Vẫn theo Kim Yo Jong, quan hệ Bắc – Nam Triều Tiên hiện nay đang trong một « thời điểm mang tính quyết định » sau khi các đường liên lạc xuyên biên giới bị cắt đứt từ lâu đã được nối lại hồi tuần trước.

    Theo khẳng định của Boo Seung Chan, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng trong cuộc họp báo thường nhật, « Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang tiến hành nhiều cuộc tham vấn chặt chẽ do còn phải xem xét nhiều tình huống có liên quan » như dịch bệnh, thế trận phòng thủ phối hợp, chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến trong thời chiến và các nỗ lực phi hạt nhân hóa.

    Về phần mình, phát ngôn viên bộ Thống Nhất , bà Lee Jong Joo, nhấn mạnh « luôn có cách làm việc khôn khéo và linh hoạt trên cơ sở lập trường là sẽ không để các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn được sử dụng như là một cái cớ làm trầm trọng thêm những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. »

    Hãng tin Yonhap nhắc lại, Bắc Triều Tiên thường xuyên tố cáo các cuộc tập trận chung mùa hè thường niên Mỹ - Hàn như là một đợt thao diễn xâm chiếm, trong khi Mỹ và các đồng minh luôn khẳng định những cuộc tập trận này đơn giản chỉ mang tính chất phòng thủ.

    Đông Nam Á chìm trong khủng hoảng covid-19

    Hôm nay các quan chức cấp cao của ASEAN sẽ gặp để thảo luận về các vấn đề cấp bách trong khu vực. Các bộ trưởng ngoại giao dự kiến ​​s chn ra mt đặc phái viên cho vn đề Myanmar, và người này có nhim v xúc tiến mt gii pháp ngoi giao để gii quyết cuc khng hong hin ti.

    Tuy vậy mối quan tâm lớn nhất của họ là đại dịch. Tỷ lệ tiêm chủng thấp trong khi các biến thể mới tràn khắp khu vực khiến hầu hết các nước chìm trong làn sóng covid-19. Trong tháng này Indonesia đã vượt Ấn Độ để trở thành điểm nóng mới của châu Á. Oxy ngày càng cạn kiệt và các bệnh viện bị quá tải, khiến cho một số hệ thống y tế gần như sụp đổ. Tỷ lệ tử vong cũng tăng vọt: Indonesia, Malaysia và Myanmar nằm trong số 20 quốc gia có số người chết trên một triệu dân nhiều nhất trong tuần qua. Riêng Myanmar đang hy vọng có thể tham gia vào quỹ covid-19 của ASEAN. Nước này chỉ mới có 3% dân số được tiêm chủng.

    Mỹ cấm đầu tư vào một số doanh nghiệp Trung Quốc

    Kể từ hôm nay các nhà đầu tư Mỹ sẽ bị cấm đổ tiền vào một số công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội. Sáng kiến ​​này được khai sinh dưới thi chính quyn Donald Trump. Và Tng thng Joe Biden quyết định giữ nguyên, khiến nhiều nhà quản lý tài sản Mỹ phải dọn sạch danh mục chứng khoán Trung Quốc của họ. Danh sách này bao gồm một số nhà thầu quân sự hàng đầu, chẳng hạn như tập đoàn hàng không vũ trụ Avic và hãng sản xuất vũ khí North Industries Group. Ngoài ra các công ty dân sự hơn như hai hãng viễn thông China Mobile và China Unicom cũng bị cấm.

    Lệnh cấm này có thể gây ra hậu quả khó lường. Các nhà phân tích tại hãng môi giới Trung Quốc Huaxi Securities nói việc Mỹ tìm cách “ngăn Trung Quốc tiến bộ công nghệ” đã thực sự giúp nhiều nhà thầu quân sự nhỏ tăng trưởng. Nếu ông Biden thực sự muốn chính sách của mình hiệu quả, ông cần phải tìm các biện pháp phù hợp hơn.

    Du khách chính thức được tới Anh không phải cách ly

    Kể từ hôm nay Anh cho phép du khách đã tiêm chủng đầy đủ từ EU và Mỹ nhập cảnh không cần cách ly. Một số người Anh có thể sẽ không chào đón các du khách này ngay giữa đại dịch. Nhưng khởi động lại du lịch hàng không sẽ giúp phục hồi nền kinh tế. Và nghiên cứu cho thấy có thể làm điều đó một cách an toàn. Một nghiên cứu của công ty y tế Mỹ Mayo Clinic cho thấy khả năng một hành khách mắc covid-19 được lên máy bay từ Anh sang Mỹ là một trên 10.000, còn khả năng xảy ra lây nghiễm trên máy bay sau khi đã có xét nghiệm, đeo khẩu trang và các biện pháp bảo vệ khác chỉ là một trên một triệu.

    Mỹ đang đứng trước áp lực làm điều tương tự. Các chính phủ đang kêu gọi mở cửa. Tuy nhiên giờ đây một khi bạn đã đóng gói hành lý, đeo khẩu trang và làm thủ tục đăng ký, bạn có thể thấy quãng đường dài đến phòng họp ở New York không còn thú vị như trước đại dịch.

    Tòa Israel ra phán quyết tranh chấp đất đai giữa người Israel và người Palestine

    Hôm nay Tòa án Tối cao Israel sẽ quyết định xem có thể trục xuất người Palestine khỏi nhà của họ ở Sheikh Jarrah, một khu phố ở phía đông Jerusalem, hay không. Các gia đình này đã sống ở đây suốt bảy thập niên qua. Và tâm lý hoang mang xoay quanh phán quyết của tòa chính là một yếu tố dẫn đến bạo lực giữa người Israel và người Palestine hồi tháng 5.

    Điểm mấu chốt của vụ việc là quyền sở hữu đất. Các nhóm người định cư Israel đã mua quyền sở hữu đất từ các gia đình Do Thái sống ở đây từ trước khi Israel độc lập năm 1948. Theo luật Israel, những người Do Thái có thể chứng minh quyền sở hữu trước 1948 được quyền đòi lại tài sản, trong khi người Palestine không có quyền tương đương nào (bao gồm các cư dân của Sheikh Jarrah). Người Israel và người Palestine có thể tiếp tục căng thẳng. Nếu tòa ủng hộ những người định cư Do Thái, chính phủ xem ra sẽ trì hoãn việc trục xuất người Palestine ra khỏi khu vực này nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang.

    Các chủ nhân sẽ được quyền từ chối những khách hàng không chích ngừa tại Úc

    Vào hôm thứ Sáu tuần rồi, Thủ tướng Scott Morrison trình bày dự thảo về lộ trình hồi phục hậu Covid trong đó đòi hỏi tất cả các tiểu bang phải đạt mục tiêu chích ngừa 70% trong giai đoạn 1.

    Giai đoạn hai của lộ trình được biết với tên “Phase B” cho phép những người đã chích ngừa được hưởng quyền tự do nhiều hơn những người chưa chích.

    Vào hôm Chủ Nhật Phó Thủ tướng Barnaby Joyce cảnh báo rằng một số chủ nhân các thương vụ muốn được quyền từ chối những khách hàng chưa chích ngừa.

    “Nếu bạn muốn vào cửa tiệm cắt tóc hay trung tâm giữ trẻ của tôi, thì tôi được quyền hỏi bạn có chủng ngừa chưa?

    “Nếu bạn trả lời ‘chưa’ thì tôi được quyền từ chối,” ông Joyce nói.

    Thủ tướng Morrison ủng hội ý kiến đó và cho đó là một “đòi hỏi công bằng”. Ông cho biết vấn đề đó sẽ được bản thảo trong nội các quốc gia.

    Ông nói rằng hiện tại luật pháp không cho phép các chủ nhân được quyền phân biệt giữa người chích và chưa chích và các chủ nhân không được đơn phương áp dụng luật đó cho biết khi luật cải cách được chính phủ thông qua.

    Tuy nhiên ông Morrison cho biết luật cải cách đó không thuộc về liên bang mà thuộc về tiểu bang. Nhưng cá nhân ông ủng hộ luật cải cách đó và sẽ cố gắng thuyết phục chính phủ cấp tiểu bang thông qua.

    Việt Nam dừng phun khử khuẩn sau khi đã chi nhiều tiền cho việc này

    Bộ Y tế Việt Nam hôm 2/8 khuyến cáo các tỉnh không phun khử khuẩn ngoài trời và không phun vào người, theo trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam.

    Trang Thông tin Chính phủ nói Bộ Y tế gửi văn bản đề nghị các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương “Không thực hiện việc phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để diệt virus SARS-CoV-2 tại khu vực ngoài trời”.

    Việt Nam lâu nay vẫn sử dụng tên chính thức SARS-CoV-2 để nói về virus corona chủng mới gây ra đại dịch COVID-19.

    Một điều nữa Bộ Y tế nhấn mạnh với chính quyền các tỉnh, thành là “Không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun hóa chất trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn phun hóa chất”.

    Công văn của bộ cũng lưu ý rằng việc phun khử khuẩn “chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng”.

    Nêu lý do cho khuyến cáo mới này, Bộ Y tế dẫn lại nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho rằng việc phun hóa chất diệt khuẩn ở ngoài trời thực ra “kém hiệu quả” vì những nơi như đường phố, vỉa hè “không phải là nơi chứa virus SARS-CoV-2”.

    WHO và CDC cũng cho rằng việc phun chất diệt khuẩn ngoài trời “có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh khu vực phun”, vẫn theo trích dẫn của Bộ Y tế Việt Nam.

    “Việc sử dụng số lượng lớn hóa chất diệt khuẩn để phun diệt khuẩn ngoài trời còn có thể gây hại đến môi trường và làm lãng phí nguồn hóa chất dự trữ cho công tác phòng, chống dịch”, bộ nói trong công văn gửi các địa phương.

    Như VOA đã đưa tin, từ khi dịch COVID-19 lây lan ở Việt Nam hồi đầu năm 2020 đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện phun khử khuẩn trên quy mô lớn. Gần đây nhất, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số nơi khác tiến hành việc này.

    Báo chí trong nước cho biết trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, ngân sách nhà nước chi 21.500 tỷ đồng chi cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, nhưng không nêu rõ số tiền cho việc phun khử khuẩn chiếm bao nhiêu.

    Theo quan sát của VOA, từ năm ngoái và đặc biệt là trong vài tuần gần đây, nhiều chuyên gia môi trường hoặc những người có chuyên môn về y tế, trong đó có kỹ sư Đào Nhật Đình, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng ở trong nước, hay bác sĩ Phạm Nguyên Quý ở Nhật, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ ở Mỹ, đều đã lên tiếng cảnh báo rằng việc phun khử khuẩn như vậy là lãng phí, vô ích.

    Trên trang Thông tin Chính phủ, trong số 19.000 phản ứng về việc Bộ Y tế đề nghị các địa phương không phu khử khuẩn ngoài trời, có hơn 2.300 biểu tượng mặt cười “Haha”.

    Trên mạng xã hội nói chung, nhiều người đề nghị cần phải xác định ai phải chịu trách nhiệm về việc lãng phí số tiền có thể lên đến hàng tỷ đồng cho việc phun khử khuẩn tràn lan bị xem là “tào lao”, “ngu xuẩn” và “độc hại” cho hàng triệu người dân đã diễn ra trong hơn 1 năm qua.

    Thượng nghị sĩ Mỹ tiết lộ dự luật hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đôla

    Reuters

    Hôm 1/8, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ vừa giới thiệu một kế hoạch sâu rộng lưỡng đảng trị giá 1 nghìn tỷ đôla để đầu tư vào đường xá, cầu, cảng, internet tốc độ cao và các cơ sở hạ tầng khác, với một số dự đoán rằng hạ viện có thể thông qua đạo luật về công trình công cộng lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua trong tuần này, theo Reuters.

    Gói cơ sở hạ tầng khổng lồ, một mục tiêu đã bị Quốc hội bỏ qua trong nhiều năm, là ưu tiên lập pháp hàng đầu của Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, người tuyên bố hôm 1/8 rằng đó là khoản đầu tư lớn nhất trong một thế kỷ.

    Các thượng nghị sĩ cho biết dự luật dài 2.702 trang trong đó cho phép cấp ngân sách 550 tỷ đôla trong 5 năm cho các hạng mục như đường bộ, đường sắt, trạm sạc xe điện và thay thế đường ống dẫn nước bằng chì ngoài con số 450 tỷ đôla trong ngân quỹ đã được phê duyệt trước đó.

    Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, một thành viên Đảng Dân chủ đại diện bang New York, phát biểu về luật này sau khi được một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng công bố: “Tôi tin rằng chúng tôi có thể nhanh chóng xử lý các sửa đổi liên quan và thông qua dự luật này trong vài ngày”.

    “Đây là một dự luật thực sự quan trọng vì nó giúp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng lớn, cũ kỹ và lạc hậu của chúng ta. Điều đó tốt cho tất cả mọi người”, Thượng nghị sĩ Rob Portman, nhà đàm phán chính của Đảng Cộng hòa cho biết.

    Tuy nhiên, một số thành viên Đảng Cộng hòa chỉ trích dự luật là quá tốn kém.

    “Tôi thực sự lo ngại về dự luật này”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Lee nói trong một bài phát biểu tại Thượng viện. “Tất cả đều không ổn với cách chúng ta tiêu tiền.”

    Hiện vẫn chưa rõ liệu các thượng nghị sĩ bên ngoài nhóm lưỡng đảng đàm phán dự luật này có đưa ra những sửa đổi nào làm đảo lộn liên minh vốn đã mỏng manh này hay không.

    Không có nhận xét nào