Võ Thái Hà tổng hợp
Tổng thống Mỹ tố cáo Trung Quốc che giấu nguồn gốc Covid-19
Báo cáo của Mỹ vẫn chưa thể dứt khoát về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Ảnh từ khu vực các phòng thí nghiệm Vũ Hán. Héctor Retamal AFP/Archivos
Tổng thống Mỹ hôm 27/08/2021 tố cáo Trung Quốc « che giấu các thông tin quan trọng sống còn về nguồn gốc đại dịch » Covid-19, ngăn cản các nhà điều tra và các cơ quan của thế giới tiếp cận với những thông tin nói trên. Lời chỉ trích được đưa ra sau khi ông Biden nhận được báo cáo về nguồn gốc siêu vi gây đại dịch. Bắc Kinh chỉ trích điều tra của tình báo Hoa Kỳ về nguồn gốc SARS-CoV-2 "không đáng tin cậy".
Liên quan đến cuộc điều tra của tình báo Mỹ, mặc dù bản tóm tắt báo cáo được công bố hôm qua không đưa ra được câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc đại dịch Covid-19, nhưng tình báo Mỹ khẳng định virus SARS-CoV-2 không được phát triển thành vũ khí sinh học.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm chi tiết :
« Cho dù không có câu trả lời cho mọi câu hỏi, thế nhưng bản báo cáo này cho phép loại trừ một số giả thuyết. Theo tình báo Mỹ virus corona không phải là kết quả của việc làm biến đổi gien và cũng không được tạo ra để làm vũ khí sinh học.
Để đưa ra các kết luận, những chuyên gia tình báo chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này đã tìm hiểu hàng trăm dữ liệu trong suốt 3 tháng. Nhưng họ đã không thể đưa ra các câu trả lời về nguồn gốc của dịch bệnh này : virus bị lọt ra ngoài từ phòng thí nghiệm hay qua sự tiếp xúc tự nhiên giữa một người và một con vật bị bệnh. Theo tài liệu nói trên, cả hai giả thuyết này ều có thể xảy ra. Văn bản cũng nhấn mạnh ít có khả năng là chính phủ Trung Quốc đã nắm được thông tin về loại virus này trước khi đại dịch bắt đầu xảy ra.
Cuộc điều tra được thực hiện theo yêu cầu của tống thổng Joe Biden. Nguyên thủ Mỹ đã ra thông cáo sau khi báo cáo được công bố. Ông Biden tố cáo Trung Quốc thiếu minh bạch và che giấu thông tin. Lãnh đạo Nhà Trắng kêu gọi Bắc Kinh cho phép các chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc tiến hành điều tra tại chỗ. Tổng thống Biden khẳng định : « Kể cả khi cuộc điều tra đã chấm dứt, chúng tôi vẫn sẽ không ngừng tìm kiếm sự thật về đại dịch này ».
Bắc Kinh : Báo cáo của tình báo Mỹ là « mưu mô chính trị »
Ngay sau khi bản tóm tắt kết quả điều tra của các cơ quan tình báo Mỹ được công bố, đại sứ quán Trung Quốc Mỹ đã gọi đó là một « âm mưu chính trị » của Washington. AFP cho biết, trong một thông cáo, đại sứ quán Trung Quốc cho rằng báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ dựa trên giả định là Trung Quốc « có tội » và điều này chỉ là nhằm « biến Trung Quốc trở thành một vật tế thần ».
Các cố vấn cảnh báo Tổng thống Biden về nguy hiểm trước mắt tại Afghanistan
Reuters
Các cố vấn ngày 27/8 cảnh báo với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng vài ngày tới công tác di tản từ Afghanistan sẽ là giai đoạn nguy hiểm nhất từ trước tới nay, Tòa Bạch Ốc cho biết, sau vụ tấn công tại Kabul làm nhiều người chết trong số đó có 13 binh sĩ Mỹ.
Những cảnh báo này được đưa ra tại cuộc họp giữa ông Biden với ban phụ trách an ninh quốc gia, các giới chức quân đội và ngoại giao sau cuộc tấn công vào phi trường tại thủ đô Afghanistan.
Các cố vấn nói với Tổng thống Biden chắc chắn sẽ có cuộc tấn công khác tại Kabul, dù là họ đang chuẩn bị kế hoạch tấn công các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo, phe gây ra cuộc tấn công hôm 26/8 tại phi trường Kabul.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho hay các chỉ huy báo với Tổng thống rằng họ đã có những nguồn lực cần thiết.
“Một vài ngày tới của nhiệm vụ này sẽ là giai đoạn nguy hiểm nhất cho tới nay,” bà Psaki nói.
Các lực lượng Mỹ trên bộ tại Afghanistan đang được báo động về những cuộc tấn công thêm nữa vào lúc những nỗ lực di tản được tiến hành trước hạn chót rút quân ngày 31/8.
Mỹ không kích ISIS ở Afghanistan sau vụ đánh bom ở phi trường Kabul
Hôm thứ Sáu 27/8, một ngày sau khi xảy ra vụ đánh bom tại sân bay Kabul khiến 12 binh sĩ Mỹ và nhiều dân thường Afghanistan thiệt mạng, quân đội Mỹ đã tấn công bằng máy bay drone vào vào các căn cứ của tố chức ISIS.
Ngay sau khi vụ tấn công ở Kabul xảy ra, Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ truy lùng những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công, đồng thời cho biết ông đã ra lệnh cho Ngũ Giác Đài lên kế hoạch tấn công những kẻ gây ra vụ đánh bom.
Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho biết cuộc tấn công của Hoa Kỳ diễn ra ở tỉnh Nangarhar, phía đông Kabul và giáp biên giới với Pakistan.
“Các dấu hiệu ban đầu cho thấy chúng tôi đã tiêu diệt mục tiêu. Không có thương vong dân sự”, một tuyên bố của quân đội Mỹ cho biết.
Theo AP, hai thành viên của ISIS đã bị thiệt mạng.
Tổ chức ISIS-K nhận trách nhiệm thực hiện cuộc tấn công hôm thứ Năm tại sân bay ở Kabul.
Dựa trên đánh giá sơ bộ, các quan chức Mỹ cho rằng chiếc áo vest tự sát được sử dụng trong vụ tấn công khiến ít nhất 169 người Afghanistan thiệt mạng ngoài 13 người Mỹ, mang theo khoảng 10 ký chất nổ.
Cuộc tấn công hôm thứ Năm đánh dấu thương vong quân sự đầu tiên của Mỹ ở Afghanistan kể từ tháng 2 năm 2020, đây là ngày đẫm máu nhất đối với lực lượng của họ ở Afghanistan kể từ năm 2011.
Tòa Bạch Ốc cho biết có dấu hiệu cho thấy IS đang có kế hoạch tấn công một lần nữa.
Cuối ngày thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một lần nữa kêu gọi người Mỹ tránh xa các cổng sân bay, bao gồm cả “cổng Bộ Nội vụ mới” trước nguy cơ tấn công khủng bố.
Tòa Bạch Ốc cho biết tính đến sáng thứ Sáu, khoảng 12,500 người đã được vận chuyển bằng máy bay từ Kabul trong 24 giờ qua. Trong 12 giờ sau đó, 4,500 người khác đã được di tản và Bộ Ngoại giao đang làm việc với khoảng 500 người nữa. Chính quyền Hoa Kỳ cho biết họ sẽ hoàn thành cuộc không vận bất chấp các mối đe dọa khủng bố.
Tòa Bạch Ốc cho biết vài ngày tối sẽ là giai đoạn nguy hiểm nhất đối với cuộc di tản của quân đội Hoa Kỳ và Ngũ Giác Đài cho biết đã di tản được khoảng 111,000 khỏi Afghanistan trong 2 tuần qua.
Một chỉ huy cao cấp của Taliban cho biết họ đã bắt giữ vài thành viên của ISIS-K liên quan đến cuộc đánh bom ở Kabul và đang thẩm vấn họ.
Người Việt phản ứng với tuyên bố của Tòa đại sứ quán
Người Việt phản ứng với tuyên bố của Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. (ảnh: Facebook).
Rất nhiều người Việt đã vào trang facebook của Đại sứ quán Trung Quốc để phản ứng trước tuyên bố dài của Bắc Kinh hôm 26 tháng 8, trong đó có đoạn nói rằng “các nước trong khu vực sẽ không chạy theo gậy chỉ huy của Mỹ, càng sẽ không bị lôi vào thế trận chống lại Trung Quốc của Mỹ” sau khi Phó tổng thống Kamala Harris vừa rời Hà Nội.
Tính đến sáng nay 28/8, đã có 2.900 bình luận và 621 lượt chia sẻ, đa số chỉ trích Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Biển Đông của Việt Nam, chuyên đi bắt nạt các nước khác.
Tài khoản Ben Ngo để lại lời nhắn: “Trung Quốc là một nước lớn, vậy thì hãy hành xử đàng hoàng, văn minh đúng vị thế của nước lớn, có như thế thì mới thuyết phục được các nước nhỏ theo và hợp tác. Còn nếu hành xử theo kiểu lưu manh, cậy mạnh bắt nạt các nước nhỏ thì đương nhiên họ cũng sẽ không chịu khuất phục mà phải liên minh, liên kết nhau để chống lại sự bắt nạt này thôi!”.
Tài khoản Dung Ton bình luận: “Bạn hãy nói cho tôi biết, nước nào thịnh vượng được nhờ Trung Quốc ? Bắc Triều Tiên phải không? Căm Pu Chia phải không?.
Trong khi Phan Quang Hoi nêu quan điểm: “Người dân Việt Nam luôn chào đón các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ một cách chân tình, trọng thị và quí mến, nhưng các nhà lãnh đạo Trung quốc qua thì không 1 người dân Việt Nam tiếp đón, nhiêu đó cũng đủ hiểu”.
Bình luận về động thái mới nhất của Trung Quốc, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp cao khách mời của Viện ISEAS của Singapore nói với Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng:
“Họ muốn cạnh tranh với Mỹ. Họ coi rằng nước Mỹ đang đi xuống và họ đang đi lên, và rồi nước Mỹ sẽ từ bỏ tất cả vai trò quốc tế của mình, vai trò gìn giữ hoà bình và vai trò dẫn dắt một trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc luật. Họ muốn đưa ra một trật tự mới, một trật tự mà không ai có thể chấp nhận được. Đó là một thứ trật tự dựa trên nền tảng toàn trị, phản dân chủ, chống lại những giá trị cơ bản về nhân quyền, các nguyên tắc về thị trường tự do… căn bản nhất là chống lại pháp quyền quốc tế”.
TS. Mạc Văn Trang, một nhà quan sát thời sự tại Việt Nam, nói với VOA ông không lạ gì về cách cư xử “lố bịch” và “thô bạo” của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Ông nói: “Người ta đang chuẩn bị đón khách, tới giờ người ta đón khách rồi, tự nhiên anh lù lù anh đến nhà người ta, cậy thần cậy thế rồi bảo tặng cái này cái kia vẻ như hăm doạ thì người dân người ta rất khó chịu. Nó bất lịch sự, thô bạo, quái đản về ngoại giao cũng như là trong cách ứng xử bình thường trong đời”.
Hơn 216 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, số ca nguy kịch ở Nhật Bản vượt 2,000
Tính đến sáng nay, thế giới đã ghi nhận hơn 216 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 4.9 triệu trường hợp tử vong.
Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh với hơn 39,34 triệu ca nhiễm, trong đó 651.956 ca tử vong. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết số ca phải nhập viện vì COVID-19 ở nước này trong ngày 26/8 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 ca, mức cao nhất trong 8 tháng qua, trong bối cảnh biến thể siêu lây nhiễm Delta lan nhanh.
Đứng thứ hai là Ấn Độ với hơn 32,6 triệu ca bệnh, trong đó có 436.889 ca tử vong, sau khi có thêm 44.658 ca mắc mới và 496 ca tử vong. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, số ca mắc mới ở quốc gia châu Á này cao hơn 40.000 trường hợp.
Châu Á vẫn là khu vực có số ca bệnh cao nhất. Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 247 ca mắc mới, trong đó 144 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 103 ca cộng đồng. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 14.351 ca mắc, trong đó có 12 người tử vong.
Tại nước láng giềng Campuchia, Bộ Y tế thông báo có thêm 17 người tử vong và 411 ca mắc mới, bao gồm 85 ca nhập cảnh và 326 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 91.369 ca mắc, trong đó 87.299 người đã khỏi bệnh và 1.858 người tử vong.
Bộ Y tế Philippines cũng thông báo thêm 17.447 ca nhiễm mới, mức ghi nhận trong ngày cao thứ hai tại nước này kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.916.461 ca. Trong khi đó, danh sách bệnh nhân tử vong do COVID-19 cũng có thêm 113 người, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch này tại Philippines lên con số 32.841 trường hợp.
Tại Indonesia, số ca mắc tại nước này đã vượt mốc 4 triệu ca sau khi ghi nhận thêm 12.618 ca mắc mới. Tổng số ca bệnh tại nước này đến nay là 4.056.354 ca. Indonesia cũng ghi nhận thêm 599 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 130.781 người.
Ngày 27/8, Bộ Y tế Malaysia thông báo 22.070 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 1.662.913 ca. Quốc gia Đông Nam Á này còn ghi nhận thêm 339 ca tử vong, đưa số bệnh nhân không qua khỏi lên mức 15.550 ca. Hiện những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 và những người chưa hoàn thành tiêm chủng được khuyến cáo nên đeo 2 khẩu trang và tấm chắn giọt bắn tại những nơi công cộng. Ngoài ra, những người hay phải tiếp xúc với nhiều người như nhân viên thu ngân tại siêu thị, nhân viên y tế, ngân hàng… cũng nên sử dụng biện pháp này để bảo vệ chính mình.
Hàn Quốc hiện đang phải vật lộn với số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng cao ở những người lao động nhập cư. Theo các cơ quan y tế Hàn Quốc, trong tuần trước, nước này ghi nhận 1.665 trường hợp lao động nước ngoài mắc bệnh, tăng 20,7% so với tuần trước đó. Nhóm lao động này chiếm 13,6% tổng số ca mắc mới hồi tuần trước, tăng 2,5% so với tỷ lệ 11,1% ghi nhận trong tuần trước đó và cao hơn nhiều so với tỷ lệ người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc, hiện là 3,8%. Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết sẽ dỡ bỏ quy định hạn chế nhập cảnh đối với hành khách đến từ các nước Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Schengen, từ ngày 1/9 tới.
Chiều 27/8, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố đã tiêm hơn 2 tỷ liều vaccine. Như vậy, Trung Quốc chỉ mất 10 tuần để nâng từ 1 tỷ liều lên 2 tỷ liều. 890 triệu người/1 tỷ 400 triệu dân đã tiêm đủ 2 mũi, đạt 52% dân số, mục tiêu cuối 2021 tiêm đạt hơn 80% dân số. Hai loại vaccine được tiêm nhiều nhất là Sinopharm và Sinovac trong số 9 loại vaccine nội địa.
Hiện nay Trung Quốc đang đẩy mạnh tiêm cho người lớn tuổi và trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi. Theo đề xuất của các hãng vaccine, Trung Quốc nên tiêm thêm liều thứ ba cho người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém và các đối tượng nguy cơ cao như shipper, người phục vụ phương tiện công cộng, y bác sĩ…
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết số bệnh nhân nguy kịch ở nước này đã tăng cao kỷ lục ngày thứ 15 liên tiếp, vượt ngưỡng 2,000 người, cao hơn rất nhiều so với mức đỉnh của đợt bùng phát thứ tư là 1,413 ca. Trong 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, Osaka có số bệnh nhân nguy kịch cao nhất (510 người), tiếp theo là Tokyo (276 ca), Kanagawa (249 ca) và Saitama (161 ca).
Tại châu Âu, Chính phủ Slovakia quyết định áp đặt các biện hạn chế nghiêm ngặt hơn từ tuần tới đối với 14 trên tổng số 79 thành phố do các ca bệnh gia tăng trở lại. Slovakia đưa ra quyết định này sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất trong vòng 3 tháng, với 161 ca vào ngày 25/8. Số ca COVID-19 tại Slovakia đã tăng nhẹ trong vài tuần qua với tỷ lệ 2,7% các mẫu được phân tích có kết quả dương tính.
Bộ Y tế Đan Mạch thông báo nước này sẽ nới lỏng tất cả biện pháp phòng dịch vào ngày 10/9 tới với lý do dịch COVID-19 không còn là mối đe dọa của xã hội khi 70% dân số quốc gia Bắc Âu này đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Đan Mạch là một trong số quốc gia đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa một phần vào tháng 3/2020, sau đó nhiều lần nới lỏng rồi siết chặt các biện pháp này.
NHK: Tạp chất trong vắc-xin Moderna bị nghi là hạt kim loại li ti
Reuters
Đài truyền hình Nhật Bản NHK dẫn các nguồn tin tại bộ y tế nước này đưa tin rằng tạp chất bị phát hiện trong lô vắc-xin COVID-19 của hãng Moderna chuyển đến Nhật Bản có thể là một dạng hạt kim loại li ti.
Nhật Bản hôm thứ Năm 26/8 đình chỉ việc sử dụng 1,63 triệu liều đã được giao cho 863 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, hơn một tuần sau khi nhà phân phối trong nước là Takeda Pharmaceutical nhận được báo cáo về tạp chất trong một số lọ chứa.
NHK, trong một phóng sự được chiếu vào tối 26/8, dẫn các nguồn tin ở bộ y tế cho biết loại hạt này phản ứng với nam châm và do đó người ta ngờ rằng đó là kim loại. Moderna đã mô tả nó là "một dạng hạt" không gây ra vấn đề về an toàn hoặc hiệu quả.
Một quan chức bộ y tế Nhật nói rằng chưa xác định được thành phần của tạp chất.
Tin tức về tạp chất có thể làm thụt lùi nỗ lực tiêm chủng của Nhật Bản khi nước này phải vất vả thuyết phục nhiều người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - đi tiêm chủng.
Hôm 27/8, thêm 8 tỉnh nữa phải chuyển sang tình trạng khẩn cấp, đồng nghĩa là khoảng 80% dân số Nhật Bản đang chịu các quy định hạn chế vì virus corona. Chính phủ Nhật ghi nhận gần 25.000 ca nhiễm mới và số ca bị ốm nặng lên đến mức kỷ lục 2.000 người hôm 26/8.
Bộ y tế nói việc đình chỉ các lô vắc-xin của Moderna là một biện pháp đề phòng, nhưng việc này đã khiến một số công ty Nhật Bản hủy hoạt động tiêm chủng cho nhân viên, đồng thời dẫn đến việc cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu phải mở cuộc điều tra.
Công ty dược phẩm Tây Ban Nha Rovi, là hãng đóng lọ vắc-xin cho Moderna để phục vụ các thị trường bên ngoài Hoa Kỳ, cho biết vụ nhiễm tạp chất có thể là do vấn đề của dây chuyền sản xuất. Một phát ngôn viên nói rằng công ty không thể nói gì thêm trong khi họ đang điều tra.
Moderna đã giữ lại lô hàng có vấn đề và hai lô liền kề.
Một quan chức khác của bộ y tế Nhật cho biết sẽ mất "một thời gian" mới xác định được số lượng các liều vắc-xin nhiễm tạp chất đã được đem ra tiêm ở Nhật Bản.
Nghiên cứu từ Israel: Miễn dịch tự nhiên bảo vệ tốt hơn vắc-xin PfizerTheo một nghiên cứu từ Israel, những người đã khỏi COVID-19 trước đó, có khả năng bảo vệ tốt hơn chống lại biến thể Delta so với những người được chủng ngừa vắc xin Pfizer – BioNTech, theo trang Epoch Times.
Các nhà nghiên cứu từ Maccabi Healthcare (Máccabi heoke) và Đại học Tel Aviv cho biết: “Phân tích này đã chứng minh rằng miễn dịch tự nhiên mang lại sự bảo vệ lâu dài và mạnh mẽ hơn chống lại ca nhiễm bệnh, bệnh có triệu chứng và việc nhập viện do biến thể Delta”.
“Đây là nghiên cứu quan sát trong thế giới thực lớn nhất so sánh khả năng miễn dịch tự nhiên, đạt được thông qua nhiễm trùng SARS-CoV-2 trước đó so với miễn dịch do vắc-xin gây ra được cung cấp bởi vắc-xin BNT162b2 mRNA”.
Miễn dịch tự nhiên đề cập đến khả năng miễn dịch mà một người giữ lại sau khi khỏi COVID-19.
Bản báo cáo của nghiên cứu, vẫn chưa được đánh giá ngang hàng, đã được xuất bản trên medRxiv vào ngày 25/8.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Maccabi Healthcare Services, quỹ y tế lớn thứ hai của Israel, trong khoảng thời gian từ ngày 1/3/2020 đến ngày 14/8/2021. Họ tiến hành phân tích thống kê về những người đủ điều kiện cho ba nhóm nghiên cứu: những người đã tiêm hai liều vắc-xin Pfizer; những người chưa được chủng ngừa trước đó đã bị nhiễm COVID-19; và những người trước đây đã bị nhiễm bệnh và sau đó được tiêm một liều vắc-xin.
Các kết quả đã được quan sát trong khoảng thời gian từ ngày 1/6 đến ngày 14/8/2021, tương ứng với thời gian biến thể Delta dễ lây lan trở thành dòng vi-rút thống trị ở Israel.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin Pfizer có nguy cơ mắc biến thể Delta của COVID-19 cao hơn 13,06 lần và nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng cao hơn 27,02 lần so với những người đã khỏi bệnh sau lần nhiễm COVID-19 trước đó. Các số liệu được áp dụng khi so sánh các trường hợp tiêm chủng hoặc nhiễm trùng lần đầu tiên xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2021.
Các tác giả lưu ý rằng những người được tiêm chủng có nguy cơ nhập viện liên quan đến COVID-19 cao hơn so với những người đã bị nhiễm trước đó. Họ nói rằng từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng và nhập viện.
Các tác giả cũng thừa nhận một số hạn chế, bao gồm cả việc nghiên cứu chỉ quan sát khả năng bảo vệ của vắc-xin hoặc khả năng miễn dịch tự nhiên chống lại biến thể Delta. Hơn nữa, nghiên cứu chỉ quan sát khả năng bảo vệ của vắc-xin Pfizer và không xem xét các vắc-xin khác hoặc tác dụng của liều thứ ba, hoặc liều tăng cường của vắc-xin Pfizer.
Không có nhận xét nào