Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 21 tháng 8 năm 2021

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Covid-19: Nghiên cứu Pháp xác nhận hiệu quả đáng kể của vac-xin

     


    Ảnh minh họa : Vac-xin Pfizer/BioNTech ngừa bệnh Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Santiago, Chilê, ngày 12/07/2021. © AFP / JAVIER TORRES

    Việc chích ngừa Covid-19 cho phép giảm nguy cơ nhiễm bệnh dương tính xuống 8 lần và giảm nguy cơ bệnh nặng đến 11 lần. Đây là kết luận của một công trình nghiên cứu vừa được Cơ Quan Nghiên cứu, Khảo Sát, Đánh Giá và Thống Kê (DREES) của Pháp hoàn tất và được lãnh đạo cơ quan y tế Pháp công bố ngày 20/08/2021.

    Theo các số liệu thống kê khác nhau do DREES tổng hợp từ ngày 02-08/08, “số lượng xét nghiệm RT-PCR cho kết quả dương tính trên 100.000 người chưa được tiêm chủng lên tới gần 400 người, trong khi kết quả này chỉ được thấy ở hơn 50 người trên 100.000 người đã được tiêm chủng”, tức là ít hơn tám lần.

    Trong một bản thông cáo báo chí, cơ quan DREES còn nói rõ thêm : “Những người chưa tiêm chủng chiếm 76% trong số những người bị xét nghiệm dương tính so với tỷ lệ chỉ là 12% đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ”.

    Theo DREES, tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở những người chưa tiêm phòng cao gấp 2,5 lần so với những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ phát hiện người nhiễm virus cũng cao hơn so với những người chưa được tiêm chủng do việc áp dụng chứng nhận y tế.

    84% ca nguy kịch là những người không tiêm chủng

    Khác biệt giữa những người đã đã được tiêm chủng và không được tiêm chủng thậm chí còn rõ ràng hơn khi bệnh trở nên trầm trọng. Nghiên cứu vừa công bố ghi nhận là vào đầu tháng Tám, số lượng người dù đã tiêm chủng đầy đủ, nhưng vẫn phải vào các khoa chăm sóc bệnh tình nguy kịch, thấp hơn 11 lần so với những người không tiêm chủng.

    Một cách cụ thể, trong tuần lễ đầu của tháng Tám chẳng hạn, “những người không chích ngừa chiếm 84% trường hợp nhập khoa chăm sóc đặc biệt, và 76% các trường hợp nhập viện thông thường”.

    Đối với ông Salomon, “tiêm phòng giúp giảm đáng kể nguy cơ bị bệnh nguy kịch... Đây là một thông điệp rất quan trọng cho tất cả những người vẫn nghi ngờ tầm quan trọng của việc tiêm chủng… Các loại vac xin mà chúng ta có ở Pháp có hiệu quả bảo vệ thực sự”.

    AstraZeneca loan báo một liệu pháp phòng ngừa virus hiệu quả

    Cũng trong ngày 20/08, tập đoàn dược phẩm Anh-Thụy Điển AstraZeneca thông báo là họ đã thành công trong việc phát triển một phương pháp điều trị phòng ngừa “đầy hứa hẹn” chống lại Covid-19, căn bệnh do virus corona SARS-CoV-2 gây ra.

    Được gọi là AZD7442, phương pháp điều trị bằng kháng thể này đã cho thấy kết quả đáng khích lệ sau một thử nghiệm lâm sàng lớn được thực hiện ở Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, với sự tham gia của 5.197 người (trong đó 75% có bệnh nền, tức là có thêm nguy cơ phát triển một dạng nghiêm trọng của Covid-19).

    Theo AstraZeneca, loại thuốc tiêm (vào bắp thịt) này làm giảm 77% nguy cơ phát triển một dạng bệnh nặng ở những người không tiếp xúc với virus. Đối với tập đoàn dược phẩm này, vẫn “cần những cách tiếp cận khác cho những người không được vac-xin Covid-19 bảo vệ tốt”, nhưng “với những kết quả tuyệt vời này, AZD7442 có thể là một công cụ quan trọng trong kho vũ khí giúp mọi người chống dịch”.

    Châu Á tăng cường biện pháp, gia hạn phong tỏa vì biến thể Delta

    Reuters

    Các nước, từ Úc đến Việt Nam, ngày 20/8 loan báo các biện pháp quyết liệt hơn và gia hạn phong toả lâu hơn trong lúc vất vả chế ngự sự bùng phát của biến thể Delta.

    Hai triệu dân tại Sydney, thành phố lớn nhất của Úc, từ tuần sau bị lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng.

    Lệnh phong tỏa toàn thành phố, hiện trong tuần lễ thứ 8, cũng được nới rộng cho đến cuối tháng 9. Mọi người phải mang khẩu trang khi ra đường, trừ khi tập thể dục.

    Tiểu bang đông dân nhất nước Úc ngày 20/8 báo cáo thêm 644 ca nhiễm trong khi bang Victoria ở miền đông nam, nơi có thành phố Melbourne, ghi nhận 55 ca. Nhà cầm quyền tại đây cảnh báo nguy cơ dịch bệnh có thể vượt tầm kiểm soát.

    Tại nước láng giềng New Zealand, ổ dịch bùng phát trong tuần này lan rộng từ thành phố lớn nhất Auckland đến thủ đô Wellington, khiến Thủ tướng Jacinda Arden nới rộng phong tỏa trên toàn quốc cho đến này 24/8.

    Dù ngày 20/8 chỉ có 11 ca nhiễm, tương đối ít, nhưng những người chỉ trích bà Arden nghi rằng bà khó lập lại thành tích gần như chế ngự được COVID hồi năm ngoái vì tính lây nhiễm cao của biến thể Delta.

    Việt Nam áp đặt lệnh cấm gắt gao nhất từ trước tới nay, cấm cư dân thành phố Hồ Chí Minh ra khỏi nhà, bắt đầu từ thứ Hai.

    Như Úc và New Zealand, Việt Nam từng được ca ngợi thành công trong việc chế ngự virus, nhưng các biện pháp trước đây hiện không ăn thua.

    Việt Nam hiện báo cáo hơn 312.000 ca nhiễm và 7.150 người chết vì COVID, tăng từ con số dưới 3.000 ca nhiễm và 35 người chết hồi đầu tháng 5.

    Nhật có kế hoạch tăng gấp ba số lượng xét nghiệm COVID hàng ngày lên thành 320.000, cho thấy chiến lược phá vỡ các chuỗi lây nhiễm không còn thành công tại những thành phố lớn như thủ đô Tokyo.

    Động thái này diễn ra sau khi số ca nhiễm mới hàng ngày lần đầu tiên vượt quá 25.000 hôm 19/8.

    Hàn Quốc gia hạn lệnh giãn cách xã hội thêm hai tuần, bao gồm lệnh cấm tụ tập trên 2 người sau 6 giờ chiều.

    Thái Lan trước khi biến thể Delta hoành hành đã kiềm được số ca nhiễm, nhưng nay số người nhiễm đã vượt mốc một triệu, hôm 20/8.

    Hội Đồng Châu Âu Ủng Hộ Hiệp Ước Minh Bạch Thông Tin Đại Dịch Toàn Cầu

    Hôm thứ Ba (16/02/2021), Thủ Tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các cường quốc ký hiệp ước toàn cầu để đảm bảo tính minh bạch thông tin cho các đại dịch trong tương lai.

    Thủ Tướng Johnson cho biết: “Tôi nghĩ điều thế giới cần thấy là một thỏa thuận chung về cách chúng ta theo dõi dữ liệu liên quan đến các đại dịch lây truyền từ động vật. Chúng tôi muốn có một thỏa thuận chung về tính minh bạch”

    Ông Johnson hy vọng các cường quốc thế giới sẽ tham gia ký một hiệp ước toàn cầu về đại dịch, trong đó tất cả phải cam kết chia sẻ toàn bộ dữ liệu mình có để có thể tìm hiểu tận gốc những điều đã xảy ra và ngăn đại dịch bùng phát một lần nữa.

    Charles Michel, chủ tịch Hội Dồng Châu Âu cũng đã đăng lên Twitter thể hiện sự hoan nghênh với sáng kiến của Thủ tướng Anh: “Hãy cùng nhau thực hiện một hiệp ước chống đại dịch nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng đương đầu, vượt qua và phục hồi của toàn cầu trước đại dịch”.

    Ông Johnson cũng muốn dẫn đầu các nỗ lực về cách tiếp cận toàn cầu trước đại dịch, bao gồm cả xây dựng hệ thống cảnh báo sớm. Tuy nhiên, một tuyên bố trước đó của các lãnh đạo G7 không đề cập cụ thể về bất kỳ hiệp ước nào nhằm đảo bảo tính minh bạch về đại dịch.

    Tuyên bố của thủ tướng Anh được đưa ra trong bối cảnh London và Washington đang bày tỏ quan ngại về quyền tiếp cận thông tin của phái đoàn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách điều tra Covid-19 tại Trung Quốc.

    Nhóm chuyên gia quốc tế thuộc WHO đã kết thúc cuộc điều tra tại thành phố Vũ Hán, nơi Covid-19 khởi phát, với đánh giá rằng không đủ bằng chứng để kết luận Covid-19 đã lan truyền tại Vũ Hán trước tháng 12/2019, thời điểm những ca nhiễm đầu tiên được chính quyền công bố.

    Tuy nhiên, một chuyên gia trong nhóm cho biết đã phát hiện 13 biến thể tồn tại ở Vũ Hán từ tháng 12/2019. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy quy mô đợt bùng phát dịch lần đầu tiên ở Trung Quốc có thể lớn hơn so với báo cáo.

    WHO sốc trước kết luận của nhóm điều tra COVID ở Vũ Hán: “Tất cả chúng tôi đã té khỏi ghế”

    Lưu Bình

    Một cuốn sách mới được xuất bản tại Mỹ gần đây đã tiết lộ về những khó khăn của ông Tedros cũng như phơi bày mối quan hệ thực chất giữa WHO và giới chức Trung Quốc.

    Liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc virus, sự hợp tác giữa WHO và Trung Quốc đã gây ra nhiều tranh luận. Trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, người ta thậm chí còn gọi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus là “Thư ký Tedros”.

    Bức ảnh bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tư thế chạy nước kiệu của ông dường như đã ghi lại một cách sống động hình ảnh WHO chào đón quyền lực của Bắc Kinh – theo đài VOA (Mỹ).

    Tuy nhiên, cuốn sách có tựa đề “Dư chấn: Chính trị đại dịch và sự kết thúc của trật tự quốc tế cũ” mới được xuất bản tại Mỹ gần đây đã tiết lộ về những khó khăn của ông Tedros cũng như hé lộ mối quan hệ thực chất giữa WHO và giới chức Trung Quốc.

    Cuốn sách này đồng thời cũng cung cấp những thông tin nội bộ về lý do tại sao các chuyên gia của WHO đã nhiều lần tán thành những tuyên bố của ông Tập Cận Bình về vấn đề rò rỉ virus tại phòng thí nghiệm.

    Tác giả của cuốn sách này là học giả Thomas Wright từ Viện Brookings, một tổ chức tư vấn của Mỹ, và ông Colin Kahl,  Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

    Dư chấn: Chính trị đại dịch và sự kết thúc của trật tự quốc tế cũ – Cuốn sách tiết lộ nội tình đằng sau mối quan hệ của WHO với Trung Quốc và nguyên nhân đưa ra những kết luận của tổ chức này về quá trình điều tra nguồn gốc đại dịch toàn cầu (Ảnh: Nguồn Internet)

    Nội tình bên trong kết luận của WHO

    Tờ Washington Post hôm 19/8, đã đăng tải một số tình tiết chính trong cuốn sách này.

    Chuyên gia của WHO Ben Embarek – người đứng đầu nhóm điều tra đến Trung Quốc hồi đầu năm nay – nói rằng khi nhóm điều tra của WHO đến Trung Quốc để tiến hành cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc virus Covid-19, họ đã đàm phán với các quan chức Trung Quốc về địa điểm tiến hành cuộc điều tra.

    Theo ông Embarek, về cơ bản các quan chức Trung Quốc hoàn toàn không muốn đề cập đến vấn đề rò rỉ phòng thí nghiệm, họ đã đề nghị với nhóm chuyên gia rằng, nếu đội ngũ WHO nhất định phải đến Vũ Hán để điều tra, thì có một điều kiện tiên quyết là WHO sẽ không được yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc tiếp theo.

    WHO đã chấp nhận các điều kiện do Trung Quốc đưa ra, điều này mở đường cho sự tán thành sau này của Bắc Kinh.

    Hồi tháng 2 năm nay, một nhà khoa học của WHO tham gia cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus Vũ Hán đã tuyên bố, việc virus khởi nguồn từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm là điều “cực kỳ khó xảy ra” và không cần phải điều tra thêm. Điều này đã được nhấn mạnh một lần nữa trong báo cáo điều tra liên danh Trung Quốc-WHO được công bố vào tháng 3.

    Theo nội dung cuốn sách của Kahl và Wright, các nhân viên cấp cao của WHO tại Geneva đã bị sốc khi nghe tuyên bố này. Một trong số họ nói với tác giả của cuốn sách, “Tất cả chúng tôi đều té khỏi ghế”.

    Ban lãnh đạo WHO tại Geneva đã bị sốc trước kết luận việc rò rỉ virus Covid-19 từ phòng thí nghiệm là điều “cực kỳ khó xảy ra”, họ không tin rằng các nhà khoa học này sẽ loại trừ khả năng virus rò rỉ phòng thí nghiệm sau khi đã tiếp xúc với những thông tin và dữ liệu ở Vũ Hán.

    Tổng Giám đốc WHO Tedros khi đó đã bày tỏ quan điểm này với nhóm điều tra, nhưng nhóm điều tra khá “thận trọng” mô tả lại những áp lực mà các quan chức Trung Quốc đã gây ra cho họ cùng quá trình thỏa hiệp giữa hai bên.

    Nhóm chuyên gia của WHO tham gia cuộc điều tra ở Vũ Hán dường như đã không chịu nổi và buộc phải chịu khuất phục trước những áp lực của Bắc Kinh, đồng thời loại bỏ tính cần thiết của việc phải tiến hành điều tra thêm. Nhưng lúc này, ông Tedros đã không thể nhẫn nại hơn và buộc phải phản kích.

    Tổng Giám đốc WHO công khai tuyên bố, phạm vi của cuộc điều tra này “không đủ rộng” cũng như thiếu những “chia sẻ dữ liệu kịp thời và toàn diện.” Ông Tedros đồng thời cũng nói với đặc phái viên Trung Quốc tại Geneva “ngay cả khi Trung Quốc không thích”, ông cũng phải đưa ra những tuyên bố trung thực về bản báo cáo này.

    Tuần trước, WHO đã đưa ra một tuyên bố bác bỏ những cáo buộc chỉ trích “cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc đã bị chính trị hóa” hoặc “WHO bị khuất phục trước những áp lực chính trị.”

    Kể từ đó, mối quan hệ giữa WHO và Trung Quốc đã xấu đi trông thấy. Các quan chức Trung Quốc hồi tháng 7 đã chỉ trích WHO vì đã chính trị hóa vấn đề truy xuất nguồn gốc virus, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẽ không chấp nhận việc WHO tiến hành giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc, và cáo buộc Washington đã gây áp lực lên các nhà khoa học của WHO.

    L.B.

    Nguồn:  soha.vn

    https://vietluan.com.au/53219/who-soc-truoc-ket-luan-cua-nhom-dieu-tra-covid-o-vu-han-tat-ca-chung-toi-da-te-khoi-ghe

    Singapore: ASEAN không hiệu quả như mong đợi ở Myanmar

    Tiến bộ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Myanmar đã không đạt được hiệu quả như mong đợi, Ngoại trưởng Singapore nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.

    Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia đã thúc giục ASEAN, với 10 thành viên bao gồm Myanmar, khôi phục sự ổn định thông qua ngoại giao.

    “(ASEAN) không hiệu quả hoặc nhanh chóng như chúng ta mong đợi. Nhưng đây là một tình huống khó khăn", Vivian Balakrishnan nói với hãng thông tấn Anh.

    Vào tháng 4, ASEAN công bố một thỏa thuận 5 điểm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Đến tháng 8, khối này đã bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei làm đặc phái viên tại Myanmar như một phần trong những nỗ lực đó.

    Ngoại trưởng Balakrishnan nói ông hy vọng sẽ có tiến triển để báo cáo về chuyến thăm của đặc phái viên trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 11. Nhưng ông nói thêm rằng quân đội phải cấp quyền cho đặc phái viên tiếp cận với tất cả các bên liên quan thì chuyến thăm mới có ý nghĩa.

    “Bài kiểm tra thực tế quan trọng bây giờ là cách họ ứng xử với đặc phái viên của chúng tôi”, Reteurs dẫn lời Ngoại trưởng Balakrishnan nói.

    Theo nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), số người chết do cuộc đảo chính ngày 1/2 ở Myanmar gây ra tính đến tuần này đã lên đến 1.000 người.

    Nền kinh tế Myanmar đã sụp đổ và cuộc khủng hoảng nhân đạo càng trở nên tồi tệ hơn trong tháng qua do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, áp đảo hệ thống y tế.

    Ông Balakrishnan gọi tình hình hiện nay là “thảm khốc” và cho biết ASEAN đang nỗ lực trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại và hỗ trợ nhân đạo.

    Singapore tuy là một quốc gia nhỏ bé nhưng có ảnh hưởng kinh tế và chính trị mạnh mẽ ở Đông Nam Á. Một số nhóm nhân quyền cho rằng Singapore có được vị thế ở Myanmar là nhờ mối quan hệ chặt chẽ với quốc gia này trong tư cách là một trong những nhà đầu tư lớn nhất.

    Ngoại trưởng Singapore cho biết chưa có cuộc thảo luận nào trong ASEAN về bất cứ hình thức trừng phạt nào đối với Myanmar. Ông nói khối này muốn “xây dựng” nhưng không muốn can thiệp vào chính trị nội bộ của Myanmar.

    Cuộc phỏng vấn của Ngoại trưởng Balakrishnan với Reuters diễn ra hai ngày trước chuyến công du của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam và Singapore. Chuyến đi nhằm thể hiện cam kết của chính quyền Biden hướng tới một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” và sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực, theo lời một quan chức chính quyền cấp cao nói với Reuters.

    “Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được tiến bộ về hợp tác, phục hồi đại dịch, về kinh tế kỹ thuật số, kinh tế xanh và an ninh mạng”, Ngoại trưởng Balakrishnan nói. “Đó không chỉ là hình ảnh đẹp về ngoại giao, mà còn là công việc thiết yếu phải làm”.

    Covid-19: Hàng ngàn cảnh sát, quân nhân vào Nam chống dịch

    Sáng 21/8, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) Việt Nam đã tổ chức lễ xuất quân, đưa người vào Nam chống dịch. Bên cạnh đó, còn có đoàn của Học viện Quân y cũng lên đường nam tiến.

    37 cán bộ của lực lượng CSGT được điều vào TP.HCM làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch. Tất cả đã được tiêm đủ hai mũi vaccine, theo Tuổi Trẻ.

    Từ 21-23/8, sẽ có khoảng 1000 quân nhân vào Nam chi viện chống dịch. TP.HCM cũng vừa đề xuất Quân khu 7 hỗ trợ 6.000 quân nhân, bác sĩ.

    Trong khi đó, lực lượng quân y cử 295 cán bộ, chia làm 60 tổ, vào TP Hồ Chí Minh.

    Mỗi tổ 2 bác sĩ và 3 học viên của Học viện Quân y sẽ đến nhà thăm khám, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, điều trị cả những bệnh nền khác, và "làm bất cứ nhiệm vụ gì người dân yêu cầu", theo lời Trung tướng Đỗ Quyết nói với báo chí Việt Nam.

    Lực lượng này có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; chăm sóc F0 cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao, theo VnExpress.

    Cục Hàng không Việt Nam đã được đề nghị phối hợp tổ chức vận chuyển số cán bộ trên vào Nam.

    Tại cuộc họp tối 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao quân đội chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân.

    Trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần, Quân khu 7 và Quân khu 9 thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn phía Nam.

    Tại TP HCM, lực lượng quân y tham gia chống dịch hiện có khoảng 2.300 người, ở 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Dân y miền Đông (Quân khu 7) và Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng thuộc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng.

    TP Hồ Chí Minh 'nhà ai ở yên nhà đó' từ 23/8

    Động thái trên nhằm đáp ứng biện pháp tăng cường chống Covid-19 của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Cụ thể là từ 0h ngày 23/8, người dân TP Hồ Chí Minh được yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố.

    Tới trưa 20/8, trong bối cảnh TP HCM đã ghi nhận 164.342 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư và trải qua 43 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, và 16 tăng cường.

    Theo lãnh đạo TP HCM, dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, thành phố siết chặt các biện pháp chống Covid-19 với phương châm "mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch".

    Không có nhận xét nào