Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 10 tháng 8 năm 2021

    Tại Hội Đồng Bảo An, Mỹ tố cáo Trung Quốc bắt nạt nước khác ở Biển Đông

    Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên vào hôm qua, 09/08/2021, đã tổ chức qua phương tiện video hội nghị một cuộc họp chính thức cấp cao riêng biệt về chủ đề an ninh biển. Ngay tại diễn đàn Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ đã tố cáo các “hành động bắt nạt” tại Biển Đông, một lời tố cáo rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc. Đại diện Bắc Kinh đã lập tức phản bác gay gắt, cáo buộc Mỹ là kẻ gây rối.

    Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, phát biểu trong cuộc họp, ngoại trưởng Antony Bliken, đại diện cho Hoa Kỳ, đã chỉ trích các hành vi mà ông gọi là “bắt nạt” nước khác tại Biển Đông, cảnh báo rằng một cuộc xung đột tại khu vực đó “sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu đối với an ninh và thương mại”.

    Gợi lại quan điểm chính thức của Hoa Kỳ, xem yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là những đòi hỏi không phù hợp với luật pháp quốc tế, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh : “Khi một quốc gia nào đó không phải đối mặt với các hậu quả khi phớt lờ các quy định hàng hải, thì điều đó sẽ làm tăng tình trạng không bị trừng phạt và bất ổn ở mọi nơi”.

    Theo ông Blinken, tại vùng Biển Đông đã xẩy ra nhiều vụ va chạm nguy hiểm giữa tàu bè trên biển và đã có các hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các yêu sách hàng hải phi pháp. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh thái độ quan ngại của Hoa Kỳ trước các hành vi “hù dọa và bắt nạt các nước khác trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển của mình một cách hợp pháp”.

    Ngoại trưởng Mỹ thì nhấn mạnh, cho là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, không chỉ các nước có yêu sách đối với các đảo và vùng biển ở Biển Đông, phải bảo vệ các quy tắc mà họ đã đồng ý tuân theo để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển. Biển Đông trong thời gian qua đã trở thành một trong những vấn đề quan tâm trong quan hệ Mỹ-Trung với việc Washington bác bỏ các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở khu vực này.

    Phát biểu sau ngoại trưởng Mỹ, phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc là ông Đới Binh (Dai Bing) đã không ngần ngại lớn tiếng cáo buộc Hoa Kỳ là “mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, là nước đã “tự ý đưa tàu và máy bay quân sự hiện đại tiến vào Biển Đông như một hành động khiêu khích và công khai gây hiềm khích giữa các nước trong khu vực.” Không chỉ thế, nhà ngoại giao Trung Quốc còn cho rằng Mỹ không có bất kỳ “uy tín” nào để nói về các vấn đề hàng hải vì không phải là thành viên của UNCLOS, tức là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

    Cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiêp Quốc hôm qua về an ninh biển có sự tham dự của 15 thành viên hiện thời của Hội Đồng Bảo An, bao gồm 5 ủy viên thường trực (Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc) và 10 ủy viên không thường trực, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ, nước là chủ tịch luân phiên trong tháng 8. Trong hội nghị hôm qua, đích thân thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khai mạc cuộc họp, đặc biệt có sự tham gia của tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

    SoftBank chuẩn bị công bố kết quả trong bối cảnh Trung Quốc đàn áp các công ty công nghệ

    SoftBank phục hồi trở lại sau giai đoạn khó khăn vào đầu đại dịch, với báo cáo lợi nhuận gần 5 nghìn tỷ Yên (47 tỷ USD) trong năm tài chính vừa qua – mức lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử đối với một công ty Nhật Bản. Tuy nhiên người ta sẽ chú ý hơn đến báo cáo thu nhập quý hai được công bố hôm nay, nhằm xem SoftBank bị ảnh hưởng tới đâu bởi cuộc đàn áp của chính phủ Trung Quốc lên lĩnh vực công nghệ trong nước.

    Giá cổ phiếu SoftBank đã giảm khoảng 1/3 kể từ khi công bố kết quả kỷ lục vào tháng 5. Nguyên nhân đến từ các khoản đầu tư của họ ở Trung Quốc. Cổ phần của SoftBank trong gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, trị giá hàng trăm tỷ đô la, đã teo đi đáng kể khi công ty này bị giới chức Trung Quốc siết chặt.

    Quỹ Tầm nhìn của công ty sẽ tạo ra lợi nhuận mạnh từ các đợt IPO Trung Quốc, vì dù sao công bố quý chỉ bao phủ đến tháng 6. Nhưng ứng dụng gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing, mà Quỹ Tầm nhìn là cổ đông lớn nhất, đã xuống dốc cùng với một số đợt IPO nhỏ hơn gần đây. Người ta đang rất hoài nghi khả năng đặt cược vào công nghệ Trung Quốc của SoftBank.

    Cháy rừng nghiêm trọng ở Địa Trung Hải


    Gần hai tuần kể từ khi bùng phát, một số đám cháy rừng ở bờ biển phía tây và nam Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang hoành hành. Tình hình cũng không khả quan hơn ở bên kia biển Aegean, nơi các đám cháy ở Hy Lạp đã khiến hàng nghìn người phải di tản khỏi các khu vực ven biển và hải đảo. Hơn 2.000 người đã được sơ tán bằng thuyền chỉ riêng từ Evia, hòn đảo lớn thứ hai của Hy Lạp nằm ở phía bắc Athens. 22 quốc gia đã đưa nhân viên cứu hỏa và thiết bị đến giúp đỡ.

    Dự báo khí hậu dài hạn của khu vực Địa Trung Hải không hề sáng sủa. Theo một báo cáo Liên Hợp Quốc được công bố hôm qua, cho dù có cắt giảm khí thải quyết liệt nhất cũng không thể ngăn được nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C vào năm 2050 so với mức tiền công nghiệp. Nhiệt độ mùa hè ở Địa Trung Hải thậm chí sẽ còn cao hơn mức trung bình của thế giới. Hiện nay cháy rừng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là tin nóng. Nhưng chúng có thể sớm trở thành chuyện bình thường.

    Anh nới lỏng các quy định đối với SPAC

    Hôm nay, cơ quan quản lý tài chính của Anh sẽ nới lỏng các quy tắc niêm yết nhằm thu hút các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), một loại công ty vỏ bọc gây tranh cãi.

    SPAC là một cách để đưa một công ty tư nhân ra công chúng mà không cần phải IPO thông thường. Nhà môi giới trung gian sẽ huy động tiền từ các nhà đầu tư để thành lập một công ty vỏ bọc. Công ty này niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán, rồi mua lại một công ty tư nhân thực tế. Trong năm nay đã có hơn 110 tỷ đô la được huy động ở New York từ các công ty này, trong khi ở London chỉ có 6 triệu đô. Nguyên nhân đến từ các quy tắc về sáp nhập trước đây của Anh, theo đó ngăn các nhà đầu tư bán cổ phiếu ngay khi xác định được mục tiêu. Từ nay các luật này được nới lỏng.

    Dù vậy các trung tâm tài chính châu Âu khác (đặc biệt là Amsterdam) giúp các nhà môi giới dễ thông qua các cuộc bỏ phiếu của cổ đông về sáp nhập SPAC hơn so với London. Có lẽ những thay đổi của Anh là quá ít và quá trễ.

    Cuộc họp về “robot giết người” ở Liên Hợp Quốc


    Trong tuần qua, một nhóm các chuyên gia do chính phủ chỉ định đã tề tựu về Liên Hợp Quốc để thảo luận về vũ khí tự động gây chết người – còn có tên khác là “robot giết người”. Đây là vòng đàm phán mới nhất trong vòng 8 năm qua nhằm thống nhất quy định đối với vũ khí tự động. Cho đến nay điều duy nhất họ đồng ý là con người phải duy trì kiểm soát.

    Những cuộc chiến gần đây đã chứng kiến ​​ngày càng nhiều các loại máy bay không người lái có thể lang thang trên chiến trường trong thời gian dài và — về lý thuyết, dù chưa có trong thực tế — tự chọn mục tiêu. Có khoảng 30 quốc gia muốn có lệnh cấm vũ khí “hoàn toàn tự động”.

    Nhưng hầu hết các cường quốc, bao gồm cả Mỹ và Nga, đều cho rằng một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý là không hề khả thi. Một số thậm chí cho rằng robot giết người đã bị “ác quỷ hóa” một cách bất công. Sự tự chủ của vũ khí “có thể làm cho vũ khí chính xác hơn”, theo phái đoàn của Mỹ trước thềm cuộc họp, và từ đó “giảm sát thương cho dân thường và các đối tượng dân sự”.

    Covid : Các thương hiệu lớn vận động tổng thống Mỹ viện trợ vaccin cho Việt Nam


    Việt Nam đang cung cấp 20% tổng số hàng may mặc và giày dép tiêu thụ tại Mỹ, và hiện nay chỉ mới có 4% dân số được chích ngừa Covid. Cơ quan vận động hành lang của ngành may mặc và giày dép Hoa Kỳ kêu gọi tổng thống Biden gia tăng viện trợ vaccin cho Việt Nam.

    Nỗi lo thiếu hụt giày thể hao vì biến thể Delta


    Liên quan đến Việt Nam, Les Echos trong bài « Biến thể Delta sẽ làm thiếu hụt giày thể thao ? » cho biết đại dịch Covid đã làm hàng ngàn nhà máy ở Đông Nam Á phải đóng cửa, trong đó có những nước xuất khẩu quần áo và giày thể thao như Việt Nam, Indonesia, Bangladesh. Các thương hiệu lớn đang vận động viện trợ vaccin cho các nước này, đặc biệt là Việt Nam.

    Đã bị thiếu chất bán dẫn, thương mại quốc tế nay lại bị đe dọa với việc hàng loạt nhà máy sản xuất trang phục, giày, phụ kiện…cho thế giới phải ngưng hoạt động. Tương đối an toàn trong năm 2020, giờ đây Việt Nam, Thái Lan, Indonesia vốn có tỉ lệ người được tiêm chủng rất ít, đang bị tê liệt do biến thể Delta lây lan nhanh chóng, số người bị nhiễm và tử vong tăng vọt.

    Tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng dịch tễ đặc biệt trầm trọng từ giữa tháng Bảy, khiến chính quyền buộc lòng phải phong tỏa chặt chẽ các khu công nghiệp ở miền Nam xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn cũ. Sau nhiều tháng trời chưa bao giờ phát hiện được quá 10 ca dương tính một ngày, đất nước 98 triệu dân từ nay phải đối mặt với tình trạng mỗi ngày trên 8.000 ca. Và có đến 85% trong số 1.306 trường hợp tử vong vì Covid diễn ra chỉ trong tháng Bảy !


    Để dập dịch, chính quyền từ đầu tháng Tám đã mở rộng việc kiểm soát ra nhiều tỉnh, khiến các nhà cung cấp cho các nhãn hiệu Nike, Adidas, Uniqlo hay Gap phải đóng cửa các nhà máy mới, và kéo dài thời gian nghỉ việc tại nhiều địa điểm. Công nhân viên được yêu cầu làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi tại nhà máy, một dạng « quả bóng dịch tễ » để tránh tiếp xúc với bên ngoài. Nhưng khoảng vài chục ổ dịch vẫn xuất hiện, khiến nhiều công ty đành phải từ bỏ chính sách « sản xuất ba tại chỗ ».

    Lobby vaccin cho Việt Nam để không đứt gãy chuỗi cung ứng

    Nhà kinh tế Trinh Nguyen của Natixis nhậnđịnh : « Việt Nam là nhân tố chính trong lãnh vực hàng dệt may và giày dép, chiếm 7,7% thị phần thế giới. Thế nên các nhà máy ở Việt Nam đóng cửa sẽ gây tác động dây chuyền ở tầm quốc tế ». Chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng, trong khi tình trạng vốn đã rất căng thẳng vì vận tải đường biển tắc nghẽn.

    Các thương hiệu đặc biệt lo ngại về việc cung ứng hàng cho các thị trường phương Tây. Tuy không cho biết tình hình chuỗi cung ứng hiện nay, Nike nhìn nhận gần phân nửa số giày của mình được sản xuất tại Việt Nam trong năm tài chính 2020. Adidas cũng đang ngồi trên đống lửa, khi 75/500 nhà cung ứng là ở Việt Nam.

    Đầu tháng Tám, American Apparel and Footwear Association (Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ - AAFA), cơ quan vận động hành lang của ngành này trong một lá thư ngỏ đã kêu gọi tổng thống Biden giúp đỡ chính phủ và kỹ nghệ Việt Nam. Chủ tịch hiệp hội, ông Steve Lamar viết : « Tôi đề nghị tổng thống lập tức đẩy nhanh việc phân phối số vaccin đang có dư của Mỹ cho Việt Nam và các nước đối tác chính ». Tổ chức lobby này nhắc nhở, Việt Nam đang cung cấp 20% tổng số hàng may mặc và giày dép tiêu thụ tại Mỹ, và hiện nay chỉ mới có 4% dân số được chích ngừa Covid.

    Võ Thái Hà tổng hợp


    Không có nhận xét nào