Võ Thái Hà tổng hợp
Cộng đồng tình báo Mỹ nói không thể giải quyết bí ẩn COVID nếu TQ không giúp
28/8/2021
Reuters
Cộng đồng tình báo Mỹ không tin rằng họ có thể giải quyết cuộc tranh luận về việc liệu một sự cố trong phòng thí nghiệm của Trung Quốc có phải là nguồn gốc của COVID-19 hay không nếu không có thêm thông tin, các quan chức Mỹ cho biết trong một bản tóm tắt được giải mật ngày thứ Sáu.
Các quan chức Mỹ nói chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp giải quyết các câu hỏi về nguồn gốc thực sự của virus mà giờ đã làm thiệt mạng 4,6 triệu người trên toàn thế giới. “Rất có thể cần có sự hợp tác của Trung Quốc để có được thẩm định chung cuộc về nguồn gốc của COVID-19,” họ nói.
Tổng thống Joe Biden, người đã nhận được bản báo cáo bảo mật trong tuần này tóm tắt cuộc điều tra mà ông đã ra lệnh thực hiện, cho biết Washington và các đồng minh sẽ tiếp tục thúc ép Trung Quốc để có câu trả lời.
“Thông tin hệ trọng về nguồn gốc của đại dịch này tồn tại ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng ngay từ đầu, các quan chức chính phủ ở Trung Quốc đã nỗ lực ngăn cản các nhà điều tra quốc tế và các thành viên của cộng đồng y tế công toàn cầu tiếp cận nó,” ông Biden nói trong một phát biểu sau khi bản tóm tắt được công bố.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington ra một thông cáo nói rằng báo cáo tuyên bố “sai trái” rằng Trung Quốc tiếp tục cản trở cuộc điều tra và nói thêm “một báo cáo do cộng đồng tình báo Mỹ ngụy tạo là không đáng tin cậy về mặt khoa học.”
“Việc truy tìm nguồn gốc là một vấn đề khoa học; nó nên và chỉ có thể để dành cho các nhà khoa học, không phải các chuyên gia tình báo,” đại sứ quán nói.
Đại sứ quán cáo buộc bản báo cáo nhằm “bắt Trung Quốc giơ đầu chịu báng,” một phương cách mà có thể “gây xáo trộn và phá hoại hợp tác quốc tế về truy tìm nguồn gốc và chống lại đại dịch.”
Thông cáo cũng cáo buộc Washington “né tránh việc truy tìm nguồn gốc từ Mỹ và bác bỏ bất cứ khả năng nào như vậy.”
Trung Quốc đã chế giễu một giả thuyết rằng virus corona thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thành phố Trung Quốc nơi những ca nhiễm COVID-19 xuất hiện vào cuối năm 2019, gây nên đại dịch, và thúc đẩy các giả thuyết khác bao gồm virus lọt ra khỏi một phòng thí nghiệm tại Fort Detrick của Lục quân Mỹ ở bang Maryland vào năm 2019.
Thông cáo của đại sứ quán đề nghị Mỹ nên mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đến Fort Detrick để điều tra.
Một toán do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu dành ra bốn tuần điều tra tại và xung quanh Vũ Hán vào tháng 1 và tháng 2 đã bác bỏ giả thuyết đó. Nhưng báo cáo vào tháng 3 của họ, được viết chung với các nhà khoa học Trung Quốc, bị quy trách là sử dụng không đủ bằng chứng.
Báo cáo mới của Mỹ kết luận rằng các nhà phân tích sẽ không thể đưa ra “lời giải thích xác quyết hơn” nếu không có thông tin mới từ Trung Quốc, chẳng hạn như các mẫu lâm sàng và dữ liệu dịch tễ học về các ca bệnh đầu tiên.
Ban đầu, các cơ quan gián điệp của Mỹ nghiêng mạnh về lời giải thích rằng virus có nguồn gốc từ tự nhiên. Nhưng những người nắm rõ báo cáo tình báo cho biết có rất ít sự chứng thực trong những tháng gần đây cho giả thuyết virus đã lây lan rộng rãi và một cách tự nhiên giữa các loài động vật hoang dã.
“Mặc dù cuộc thẩm định này đã kết thúc, những nỗ lực của chúng tôi tìm hiểu nguồn gốc của đại dịch này sẽ không dừng lại,” ông Biden nói. “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để truy tìm gốc rễ của dịch bệnh này đã gây ra rất nhiều đau thương và chết chóc trên khắp thế giới, để chúng ta có thể thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn nó tái diễn.”
Hai người chết ở Nhật Bản sau khi tiêm vaccine của Moderna bị đình chỉ
28/8/2021
Reuters
Hai người tử vong sau khi tiêm những mũi vaccine COVID-19 của hãng Moderna nằm trong số lô vaccine sau đó bị đình chỉ vì phát hiện có tạp chất, bộ y tế Nhật Bản cho biết ngày thứ Bảy.
Hai người đàn ông ở độ tuổi 30 chết trong tháng này cách nhau vài ngày sau khi nhận được liều Moderna thứ hai, bộ cho biết trong một thông cáo. Mỗi người đều nhận được một liều từ một trong ba lô vaccine bị đình chỉ vào ngày thứ Năm. Nguyên nhân cái chết đang được điều tra.
Nhật Bản đã đình chỉ sử dụng 1,63 triệu liều vaccine Moderna được vận chuyển đến 863 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, hơn một tuần sau khi nhà phân phối trong nước, Takeda Pharmaceutical, nhận được báo cáo về những tạp chất trong một số ống vaccine.
“Vào thời điểm này, chúng tôi không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy những ca tử vong này là do vaccine COVID-19 của Moderna gây ra,” Moderna và Takeda nói trong một thông cáo ngày thứ Bảy. “Điều quan trọng là tiến hành một cuộc điều tra chính thức để xác định xem liệu có bất cứ mối liên hệ nào hay không.”
Chính phủ cũng đã nói không có vấn đề nào về độ an toàn hoặc hiệu quả được phát hiện và việc đình chỉ ba lô vaccine Moderna là biện pháp phòng ngừa.
Các tạp chất được tìm thấy trong một số lọ ở Nhật Bản được nói là các hạt kim loại, đài truyền hình công cộng NHK đưa tin, dẫn các nguồn tin từ bộ y tế.
Nhật Bản đã tiêm hơn 124 triệu mũi vaccine COVID-19, với khoảng 44% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Tính đến ngày 8 tháng 8, 991 người đã chết ở Nhật Bản sau khi tiêm vaccine của Pfizer và 11 người sau khi tiêm vaccine của Moderna, nhưng không có mối liên hệ nhân quả nào giữa việc tiêm ngừa và tử vong, theo bộ y tế. Các phản ứng có hại đã được báo cáo với tần suất 0,01% đối với vaccine của Moderna.
Trong những trường hợp tử vong được báo cáo vào ngày thứ Bảy, cả hai người đàn ông đều bị sốt sau khi tiêm liều thứ hai và tử vong hai ngày sau khi bị sốt. Chưa có bằng chứng nào cho thấy những mũi vaccine của họ có chứa tạp chất, một quan chức bộ y tế nói với các phóng viên.
Thống kê Anh: Tỷ lệ tử vong dưới 1%, đã đến lúc chúng ta nên ngừng ám ảnh về những con số của Covid-19?
Thống kê cho thấy virus Corona không phải là kẻ giết người lớn nhất mà bệnh tim, mất trí nhớ và ung thư, mỗi loại đã cướp đi số sinh mạng nhiều gấp 4 lần trong một tuần vào tháng trước, theo Daily Mail.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đã nói về virus vào đầu mùa hè này: “Chúng ta không thể loại bỏ nó, thay vào đó chúng ta phải học cách sống chung với nó”.
Giáo sư Jackie Cassell, chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Trường Y khoa Brighton và Sussex, cho biết: “Có bao nhiêu người đang nhiễm virus không thực sự quan trọng – miễn là họ được bảo vệ”.
Các nhà khoa học khác đã cảnh báo về tác động tâm lý của việc liên tục nhắc nhở và thống kê về việc có bao nhiêu người vẫn đang mắc Covid.
Giáo sư Robert Dingwall, nhà xã hội học tại Đại học Nottingham Trent và là cựu cố vấn khoa học của Chính phủ Anh, cho biết: “Mọi người thấy dữ liệu tăng đột biến và đây thường là nguyên nhân gây ra lo lắng lớn, điều này có thể khiến họ hạn chế các hoạt động hàng ngày của mình một cách không cần thiết”.
“Nó ngăn mọi người có thể thích nghi với thế giới hậu vắc-xin, đó chính xác là những gì mà các mũi tiêm chủng dự định làm. Và nếu bạn nhìn rộng hơn, bạn sẽ thấy phần lớn các trường hợp lây nhiễm là ở các nhóm tuổi trẻ hơn, thích lễ hội và không đến với những người dễ bị tổn thương hoặc người già”.
Tuần trước, các chuyên gia cảnh báo rằng số người mắc bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng ở Anh, sau khi dữ liệu chính thức cho thấy họ chi hơn 1 tỷ bảng Anh mỗi năm để điều trị căn bệnh này – tăng 25% trong vòng 5 năm.
Tiến sĩ Ron Daniels, chuyên gia tư vấn chăm sóc đặc biệt cho biết: “Tôi đã lo ngại rằng trong khi nhiều người chú ý đến các số liệu của Covid, số lượng người nhập viện vì các tình trạng nghiêm trọng khác đã bị bỏ qua vì các số liệu này không dễ tiếp cận. Điều quan trọng là phải nhắc nhở mọi người rằng có nhiều bệnh nghiêm trọng khác ngoài Covid”.
Vậy mối đe dọa của Covid như thế nào so với mối đe dọa của những căn bệnh phổ biến và gây chết người nhất của Anh? Để trả lời câu hỏi này, “The Mail on Sunday” bắt đầu tạo bảng cập nhật số liệu với các số liệu mới nhất về các loại bệnh giết chết nhiều người nhất ở nước Anh.
Họ đã chọn những bệnh như chứng mất trí và Alzheimer, ung thư, bệnh tim và đột quỵ. Họ cũng tính cả bệnh cúm và viêm phổi, vì trước đại dịch, đây là những loại virus đường hô hấp cướp đi nhiều sinh mạng nhất.
Khi so sánh các số liệu họ thu thập được với số liệu thống kê của Covid tháng trước, đã cho kết quả đáng kinh ngạc. Phát hiện nổi bật nhất là, Covid giết chết ít người hơn so với các bệnh nguy hiểm chết người khác.
Covid đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người trong khi chứng mất trí nhớ và Alzheimer, ung thư và bệnh tim khiến hơn 4000 người thiệt mạng trong thời gian tính toán.
Ngay cả trước khi triển khai vắc-xin, ít hơn 1% số người mắc bệnh Covid đã chết. Giờ đây, các nhà khoa học nói rằng con số đó còn nhỏ hơn mười lần. Trong khi đó, ngay cả những bệnh ung thư có tỷ lệ sống sót tốt, chẳng hạn như ung thư vú, vẫn có 25% nguy cơ tử vong.
Hiện tại, Covid là kẻ giết người lớn thứ chín ở Anh, nhưng ở đỉnh điểm của làn sóng thứ hai, từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021, Covid là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Anh, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia.
Kỷ lục chưa từng có Úc: 1218 ca nhiễm mới tại NSW
NSW ghi nhận 1,218 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, một kỷ lục cao nhất tại Úc kể từ khi đại dịch Vũ Hán bắt đầu.
Đồng thời có 6 tử vong, tất cả điều ở tuổi 70s và 80s.
Có 156,165 người đã chích ngừa tại NSW hôm thứ Sáu – hơn 61,000 người trong số đó chích tại các trung tâm chích ngừa còn lại là tại các phòng mạch bác sĩ gia đình và dược sĩ.
Thủ hiến Gladys Berejiklian cho biết có khoảng 1 triệu liều vaccine đã được phân phối khắp NSW vào tuần này.
“Đến cuối ngày thứ Bảy, NSW có 834,000 đã chích ngừa. Một kết quả tuyệt với, phá mọi kỷ lục trước đây,” bà nói.
“Kết quả là có đến 65% dân số của tiểu bang đã chích ít nhất một liều và 35% đã chích xong 2 liều. Chúng ta đã đi được nửa đoạn đường của mục tiêu đề ra 70% trên toàn tiểu bang để được nới lỏng nhiều hơn.”
Nới lỏng mới nhất tại NSW là các đôi tình nhân có thể tổ chức đám cưới với 5 người khách bắt đầu từ 12.01am thứ Sáu này.
Afghanistan : Mỹ tiêu diệt một thủ lĩnh Daech và báo động nguy cơ khủng bố mới
Mỹ trả đũa bằng drone trên lãnh thổ Afghanistan sau loạt khủng bố tự sát gần phi trường Kabul hôm 26/08/2021. Ảnh vệ tinh chụp sân bay quốc tế Hamid Karzai. - Satellite image ©2021 Maxar Technologies/AFP/File
Đáp trả vụ khủng bố tại Kabul, quân đội Mỹ ngày 27/08/2021 đã sử dụng máy bay không người lái tấn công trả đũa tiêu diệt một lãnh đạo của nhóm thánh chiến Daech tại Afghanistan. Cùng lúc, Washington báo động có nhiều khả năng xảy ra tấn công khủng bố mới tại sân bay Kabul.
Theo hãng tin Reuters, sau vụ đánh bom khủng bố hôm thứ Năm bên cạnh sân bay Kabul làm 92 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ, tổng thống Joe Biden đã tuyên bố « trả đũa » nhóm khủng bố. Hôm 27/08/2021 quân đội Hoa Kỳ đã thực thi mệnh lệnh, tấn công tiêu diệt một lãnh đạo của Daech tại tỉnh Nangarhar, phía đông Afghanistan, gần biên giới với Pakistan.
Lầu Năm Góc khẳng định đã hạ được mục tiêu, tuy không cho biết cụ thể danh tính của lãnh đạo Daech bị tiêu diệt cũng như nhân vật này có liên quan trực tiếp đến vụ đánh bom khủng bố gần sân bay Kabul hôm 26/08/2021 hay không. Một lãnh đạo của bộ tộc tại Jalalabad thủ phủ tỉnh Nangarhar xác nhận có 3 người chết và 4 người bị thương trong vụ tấn công trên.
Theo quân đội Mỹ, vụ không kích do máy bay không người lái Reaper, cất cánh từ một căn cứ trong vùng Cận Đông tiến hành. Tên lửa đã nhằm trúng mục tiêu là một xe chở lãnh đạo của Daech và một trong số cộng sự của nhân vật này. Vụ tấn công không gây thiệt hại cho thường dân.
Vài giờ sau đòn tấn công trả đũa này, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ, John Kirby đã báo động khả năng lại xảy ra tấn công khủng bố tại sân bay Kabul, trong khi các đợt di tản đang sắp sửa kết thúc. Washington kêu gọi các kiều dân Mỹ tránh xa « ngay lập tức » khu vực xung gần phi trường Kabul. Mặc dù có báo động, tình hình tại sân bay Kabul vẫn rất hỗn loạn. Trước cửa sân bay vẫn có hơn 5.000 người chờ đợi được vào bên trong sân bay để chạy khỏi Afghanistan.
Theo Bộ Quốc Phòng Mỹ, đã có 111.000 người được di tản trong 2 tuần qua. Nhiều nước, trong đó chủ yếu ở châu Âu như Tây Ban Nha, Thụy Sĩ hay Pháp đến tối qua 27/08/2021 đã thông báo chấm dứt chiến dịch di tản, trong khi thời hạn cuối cùng quân Mỹ rút toàn bộ khỏi Afghanistan đi đang tới gần.
Anh Quốc: Đại sứ về nước, các quân nhân cuối cùng rút khỏi Afghanistan
Đại sứ Anh, Sir Laurie Bristow, đã giúp đỡ tích cực trong nỗ lực sơ tán người khỏi Kabul
Đại sứ Anh tại Afghanistan vừa về tới Anh Quốc, và những quân nhân Anh cuối cùng rời Kabul dự kiến sẽ về tới nơi trong vòng vài giờ nữa.
Chuyến bay cuối cùng cất cánh hôm thứ Bảy, chấm dứt sự tham gia quân sự kéo dài 20 năm của Anh Quốc tại Afghanistan.
Hơn 15.000 người đã được Anh sơ tán kể từ hôm 14/8.
Phó Đô đốc Sir Ben Key, người phụ trách điều hành chiến dịch sơ tán của Anh, nói ông "rất căng thẳng" khi nói việc rút lui là thành công cho tới khi nào toàn bộ đồng minh đều rời khỏi Afghanistan.
Ông nói đó là một "nỗ lực quốc tế cực kỳ to lớn" nhưng nay không phải là "thời điểm để chúng ta ăn mừng", và nói thêm rằng đã có "tâm trạng đau buồn" khi nghĩ tới những người bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói đây là cơ hội để suy ngẫm về những gì đã đạt được trong những tuần gần đây và trong 20 năm qua, chẳng hạn như việc trẻ em gái Afghanistan được đi học và sự suy yếu của al-Qaeda.
Đại sứ Anh Sir Laurie Bristow, người đã xem xét giải quyết cho các trường hợp rời khỏi đất nước từ sân bay Kabul, là một trong những người đáp xuống căn cứ Không quân Hoàng gia Brize Norton tại hạt Oxfordshire vào sáng Chủ Nhật.
Chuyến bay đi qua Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, và sẽ có thêm các chuyến bay khác để đưa binh lính và nhân sự nhân viên dân sự trở về.
Phó Đô đốc Key, tổng chỉ huy các chiến dịch chung, nói rằng tuy ông đánh giá cao tất cả những gì mà các lực lượng Anh Quốc đã đạt được trong hai tuần qua, nhưng "chúng ta biết rằng có những câu chuyện thực sự buồn về những người đang tuyệt vọng tìm cách thoát đi - bất kể chúng ta đã nỗ lực tới đâu - chúng ta đã không thành công trong việc đưa họ đi".
Phát biểu tại căn cứ không quân Brize Norton, ông nói hạn chót 31/8 mà Taliban đưa ra đã ngăn cản việc sơ tán thêm được nhiều người, "những người đã giúp đỡ chúng ta một cách vô cùng tuyệt vời và đầy dũng cảm trong vòng 20 năm qua".
Các ảnh chụp quân nhân Anh kiệt sức trên chuyến bay từ Kabul trở về cho thấy họ đã "vô cùng mệt mỏi" tới mức nào khi họ "làm tất cả những gì có thể trong vòng hai tuần qua", ông nói.
Văn phòng Thủ tướng Anh nói trong số những người được sơ tán có khoảng 2.200 trẻ em, với bé nhỏ nhất mới chỉ 1 ngày tuổi.
Khoảng 5.000 công dân Anh và gia đình đã được không vận cùng với hơn 8.000 người Afghanistan từng làm việc cho Anh và gia đình, cùng những người được coi là có nguy cơ cao trong mắt Taliban.
Trong một lá thư gửi tới các lực lượng vũ trang, ông Johnson thừa nhận rằng việc họ phải chứng kiến Kabul sụp đổ là điều vô cùng khó khăn.
Ông nói thêm rằng đó sẽ là "một thời điểm đặc biệt khó khăn đối với bạn bè và người thân của 457 quân nhân đã ngã xuống" trong cuộc chiến.
Ông nói sự tham dự của Anh Quốc tại Afghanistan nằm "không cho al-Qaeda tới gần cửa nhà chúng ta trong hai thập kỷ qua, và nhờ đó, tất cả chúng ta đều được an toàn hơn".
Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục sơ tán người từ nay cho tới hạn chót 31/8, là thời điểm binh lính nước ngoài phải rời khỏi Afghanistan.
Vụ đánh bom tự sát gần sân bay Kabul hôm thứ Năm đã khiến khoảng 170 người tử tử vong, trong đó có hai người Anh và một bé là con của một công dân Anh.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cảnh báo rằng nhiều khả năng sẽ có một vụ tấn công khác nữa.
Đại sứ quán Anh Quốc tại Kabul đã ngừng hoạt động và sẽ chuyển sang làm việc từ Qatar. "Chúng tôi tiếp tục cung cấp dịch vụ lãnh sự hạn chế từ xa," Đại sứ quán Anh nói.
Quân đội Trung Quốc bắt hơn 50 người Tây Tạng vì giấu chân dung của Đạt Lai Lạt Ma
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Tây Tạng, hơn 200 binh sĩ Trung Quốc và 9 xe quân sự đã tiến vào thị trấn Ôn Ba, huyện Thạch Cừ thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 22/8 để lục soát các nhà sư ở chùa Ôn Ba và những ngôi nhà gần đó, bắt giữ hơn 50 người, trong đó có 19 nhà sư và khoảng 40 dân làng. Lý do là họ đã giấu kín hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, theo trang VOA Chinese.
Các nhà chức trách không cung cấp lý do chính thức cho việc bắt giữ, ngoài ra gia đình và bạn bè của những người này không được đến các trại giam để thăm người thân.
Theo phân tích, lý do những người này bị bắt là do nhà chức trách nghi ngờ rằng họ đã lưu ảnh chân dung của các nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng trên điện thoại di động, hoặc đưa ảnh chân dung của ông lên Internet, hoặc đặt trên bàn thờ trong nhà và tu viện.
Vào ngày 25/8, các nhà chức trách đã tổ chức một cuộc họp dân trong thị trấn và ra lệnh không ai được che giấu chân dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma một cách riêng tư hoặc gửi thông tin nhạy cảm qua điện thoại di động. Quân đội và cảnh sát đã tiến hành khám xét từng nhà trong thị trấn.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin rằng quân đội và cảnh sát đã lục soát hàng loạt nơi ở của các nhà sư, cư sĩ và người Tây Tạng trong sáu ngôi làng của thị trấn Ôn Ba, và kiểm tra điện thoại di động của người dân trong nỗ lực tìm kiếm cái gọi là bộ sưu tập các bức tượng của Đức Đạt Lai Lạt Ma và bằng chứng liên hệ với người Tây Tạng ở nước ngoài”.
Nguồn tin từ tổ chức nhân quyền Tibet Watch cho biết vào tháng 3 năm nay, nhà chức trách đã tiến hành một chiến dịch khám xét tương tự và bắt giữ một số người. Lý do bắt giữ họ cũng là để che giấu một bức chân dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Kể từ khi Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi Trung Quốc vào năm 1959, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện quyền cai trị hà khắc đối với Tây Tạng. Trong những năm gần đây, người Tây Tạng thường xuyên nổi dậy, chẳng hạn như vào năm 2012, có một số lượng lớn tờ rơi có dòng chữ “Độc lập Tây Tạng” ở Thị trấn Ôn Ba và đã có các cuộc biểu tình của người Tây Tạng vào năm 2019. Nhiều nhà sư và dân làng đã bị bắt và bị kết án vì điều này.
Không có nhận xét nào