Ép buộc thi hành ngay từ khi chưa thống nhất được tên gọi. Tạm ngừng sau hai ngày gây rối.
Người dân quét mã khai báo tại một chốt kiểm soát ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Sáng ngày 15/8/2021, báo chí tường thuật lực lượng công an ở TP. Hồ Chí Minh buộc người dân khai báo, quét mã “di biến động dân cư” – ứng dụng mới nhất của Bộ Công an – khi di chuyển qua các chốt kiểm soát. [1]
“Di biến động dân cư” khiến nhiều người trầy trật khai báo tại các chốt kiểm soát này là gì và hoạt động ra sao?
Chưa thống nhất tên gọi?
Bạn không phải là người duy nhất hoang mang khi nghe các tên gọi khác nhau của ứng dụng này. Chính các cơ quan nhà nước cũng không biết tên chính xác của ứng dụng là gì, “di biến động dân cư” hay “khai báo y tế” hay “quản lý dân cư vùng dịch”?
Ngày 6/8/2021, Bộ Công an thông báo ra mắt ứng dụng này với tên gọi là “ứng dụng khai báo y tế”. [2]
Thông báo về việc triển khai ứng dụng mới nhất của Bộ Công an. Ảnh: Bộ Công an.
Năm ngày sau, ngày 11/8/2021, khi ứng dụng được thông báo bắt đầu triển khai tại các địa phương, báo Công an Nhân dân gọi nó là “phần mềm quản lý công dân vùng dịch“. [3]
Đến ngày 15/8/2021, lãnh đạo Công an quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh nói với báo Thanh Niên: “Đây là tích hợp với dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý đi lại của người dân chứ không phải khai báo y tế”. [4] Cùng ngày, báo chí tường thuật người dân sử dụng ứng dụng này là khai báo “di biến động dân cư” khi di chuyển qua các chốt kiểm soát.
Ứng dụng hoạt động ra sao?
Theo báo Công an TP. Hồ Chí Minh, nếu muốn di chuyển qua các chốt kiểm soát, bạn phải điền thông tin tại trang web suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, tương tự như các ứng dụng khai báo y tế của Bộ Y tế. [5]
Trang web này có tên là “Khai báo di chuyển nội địa”. Bạn phải nhập 13 trường thông tin, trả lời 5 câu hỏi, nhập một dãy ký tự “Captcha” (nhằm xác thực bạn là người thực) để trang web trả về một mã QR có thời hạn sử dụng trong ba ngày. Bạn phải chụp lại mã QR này để trình cho công an tại các chốt kiểm soát.
Một người đàn ông quét mã để đăng nhập vào trang web kê khai của Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 15/8/2021. Ảnh: Trần Tiến/Báo Thanh Niên.
Cán bộ tại các chốt kiểm soát mà bạn đi qua sẽ dùng tài khoản tại trang kiemdich.dancuquocgia.gov.vn để quét mã QR của bạn, rồi đối chiếu với căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân của bạn, nếu thông tin trùng khớp thì bạn mới được qua chốt kiểm soát.
Nghe sơ qua thì việc khai báo này có vẻ khá suôn sẻ. Bộ Công an còn cho biết ứng dụng này sẽ giải quyết việc ùn tắc tại các chốt kiểm dịch. Tuy nhiên, cả ngày 15/8/2021, báo chí tường thuật việc lấy mã QR qua ứng dụng của bộ đã tạo ra ùn tắc lớn tại các chốt kiểm soát, phá vỡ quy tắc 5K trong phòng chống dịch COVID-19. [6]
Ùn tắc phương tiện vào ngày 15/8/2021 do khai báo “di biến động dân cư” của Bộ Công an. Ảnh: Trần Tiến/Báo Thanh Niên.
Vì sao có thêm ứng dụng này?
Bạn hẳn chưa quên về sự kiện Bộ Công an cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ người dân gần đây. [7] Sự kiện này gắn liền với việc khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu cư trú của Bộ Công an, tức là việc cung cấp thẻ là để bắt đầu thu thập dữ liệu cá nhân của bạn. Ban đầu, hai cơ sở dữ liệu này được lập ra với lý do giúp người dân đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, hai cơ sở dữ liệu này sẽ được sử dụng vào hai ứng dụng mới. [8]
Thứ nhất, Bộ sẽ liên kết hai cơ sở dữ liệu này vào việc quản lý “di biến động công dân vùng dịch” – chính là trang web bạn phải nhập thông tin để qua các chốt kiểm soát.
Thứ hai, hai cơ sở dữ liệu này sẽ được ứng dụng vào việc quản lý việc tiêm vaccine COVID-19 của người dân, và Bộ chưa nói cụ thể sẽ thực hiện như thế nào.
Theo Bộ Công an, lý do triển khai ứng dụng “di biến động” là thông tin mà bạn kê khai qua trang web của Bộ sẽ được đối chiếu với dữ liệu trong hai cơ sở dữ liệu để kịp thời truy vết di chuyển của người dân khi có yêu cầu. [9]
Thông tin kê khai sẽ được chuyển cho đơn vị nào và khi nào?
Bộ Công an cho biết thông tin mà bạn kê khai có thể sẽ được gửi đến công an cơ sở ở sáu nơi: nơi bạn đăng ký thường trú, nơi tạm trú, nơi lưu trú, nơi bạn đi và nơi bạn đến (đối với mỗi hành trình di chuyển). [10]
Thông tin sẽ được chuyển về cho công an ở các nơi đó, khi có yêu cầu truy vết của Bộ Y tế thì công an cơ sở sẽ tiến hành cách ly các F1, F2, v.v.
Dù chuyển thông tin ngay lập tức cho công an cơ sở ở nhiều nhất là sáu nơi trong mỗi lần kê khai như trên nhưng Bộ Công an tuyên bố chắc nịch là thông tin mà bạn kê khai sẽ được đảm bảo là “tuyệt đối bí mật”. [11]
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước gắn chip “hiện đại” sao phải nhập lại thông tin cá nhân từ đầu?
Dù Bộ Công an liên tục quảng cáo rằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được vận hành từ tháng 7/2021, “quản lý tập trung, thống nhất thông tin của gần 100 triệu công dân”. Tuy nhiên, người dân khi khai báo “di biến động dân cư” phải nhập lại thông tin cá nhân của mình. [12]
Theo đó, trong 13 trường thông tin cần nhập trên trang web “Khai báo di chuyển nội địa” của Bộ Công an có tới 9 thông tin đã được thu nhập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (họ và tên, số CMND/CCCD, giới tính, nhóm máu, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ thường trú, địa chỉ tạm trú, địa chỉ lưu trú).
Việc phải nhập lại thông tin như vậy có vẻ không giống như tính năng mà Bộ Công an quảng cáo khi kêu gọi người dân làm thẻ căn cước công dân gắn chip: “chip thẻ lưu trữ 14 trường thông tin”, “cho phép dùng điện thoại để quét lấy thông tin khi cần khai báo, không phải nhập bằng tay”. [13]
Từ năm 2016 đến nay, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước gắn chip tiêu tốn lên đến 9 nghìn tỷ đồng, cùng với đó là sự hy sinh thời gian của người dân chầu chực đến 1-2 giờ sáng để làm thủ tục. [14] Tuy nhiên, bước ứng dụng đầu tiên của cơ sở dữ liệu trong kiểm soát “di biến động dân cư” này vẫn chưa cho thấy một chút tính tiện lợi nào.
Đến chiều ngày 15/8/2021, báo Thanh Niên cho biết công an tại các chốt kiểm soát trong nội thành TP. Hồ Chí Minh đã tạm dừng việc khai báo “di biến động dân cư”. [15]
https://www.luatkhoa.org/2021/08/he-thong-di-bien-dong-dan-cu-cua-bo-cong-an-hoat-dong-ra-sao/
Không có nhận xét nào