Header Ads

  • Breaking News

    Thái Thanh - 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 4 vấn đề giáo hội không muốn nhắc đến

    Những phần lịch sử bị lãng quên của Phật giáo Việt Nam.

    Đoàn Phật giáo diễu hành trong lễ kỷ niệm 30/4 và 1/5 năm 1985 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tim Page/ CORBIS.

    Sau ngày 30/4/1975, tương lai mà các nhà sư miền Nam mong đợi đã không đến. Sự tự do ở miền Nam trở thành một trong những vấn đề của Bắc Việt. Các tổ chức, hiệp hội, phong trào, giáo hội, v.v. đều là mối đe dọa đối với miền Bắc vì mối nghi ngờ họ có thể dính líu với CIA – Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ.

    Trong số những người bị nghi ngờ đó có cả các nhà sư của khối Ấn Quang, những người đã góp phần lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963 rồi tái lập một giáo hội có thanh thế lớn ở miền Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

    Năm 1977, ba nhà sư của khối Ấn Quang bị đưa đi thẩm tra, nhưng chỉ có hai người bước ra khỏi nhà giam. Đó là Thượng tọa Thích Quảng Độ và Thượng tọa Thích Huyền Trang. Người còn lại, Thượng tọa Thích Thiện Minh, đã chết trong trại giam vào tháng 10/1978. [1]

    Theo Hòa thượng Thích Đôn Hậu, trước khi thành viên của Viện Hóa Đạo của giáo hội đến chứng kiến, thi thể của Thượng tọa Thiện Minh đã được đưa vào quan tài chỉ để lộ mỗi gương mặt. Các nhà sư cũng không được phép mang thi thể ông về an táng. [2]

    Tháng 11 tới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) kỷ niệm 40 năm thành lập. Sau đây là bốn vấn đề có thể bạn chưa biết và có lẽ giáo hội cũng không muốn nhắc đến.

    1. Quan điểm thật sự của Hòa thượng Thích Đôn Hậu về việc thống nhất Phật giáo năm 1981 không được nói rõ

    Nếu đọc các bài viết về kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN, bạn sẽ cảm giác như tất cả các nhà sư đều đồng lòng thống nhất Phật giáo vào năm 1981. Bài viết Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đăng vào tháng 5/2021 là một ví dụ. [3]

    Bài viết ghi: “HT. Thích Đôn Hậu phát biểu: ‘Thực hiện đại đoàn kết là việc cần thiết đối với Phật giáo cũng như đối với dân tộc. Nguyện vọng của tôi trước sau như một là cần thực hiện thống nhất Phật giáo’.” Tiếp theo: “Toàn thể buổi họp đồng tâm suy cử Đại lão HT. Thích Đức Nhuận và HT. Thích Đôn Hậu, chứng minh buổi họp”. Kết quả là Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập vào ngày 13/2/1980.

    Với thông tin như vậy, bạn sẽ nghĩ rằng Hòa thượng Đôn Hậu hết lòng ủng hộ việc thống nhất Phật giáo vào năm 1981 để lập ra GHPGVN như ngày nay. Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa sự thật.

    Theo ông Đỗ Trung Hiếu (Mười Anh), người từng là cán bộ Ban Tôn giáo TP. Hồ Chí Minh và có vai trò quan trọng trong việc thành lập GHPGVN, Hòa thượng Đôn Hậu đã rời khỏi cuộc họp đó trong buổi sáng và không tham gia nữa do bất đồng quan điểm về việc thống nhất Phật giáo. Chi tiết này được ông kể lại trong cuốn sách “Thống nhất Phật giáo Việt Nam”, do nhà xuất bản Quê Mẹ phát hành năm 1995. [4]

    Theo tài liệu này, “quan điểm trước sau như một” của Hòa thượng Đôn Hậu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ở miền Nam và Hội Phật giáo Thống nhất ở miền Bắc hợp lại thành một, hàng giáo phẩm, tăng ni, Phật tử tự quyết định mọi việc. [5]

    Quan điểm này không được chính quyền và các nhà sư ủng hộ nhà nước đồng ý, do lo ngại giáo hội nếu được thống nhất theo cách này sẽ tuột khỏi sự kiểm soát của đảng.

    Trong lá thư gửi Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN vừa nhậm chức khi ấy, Hòa thượng Đôn Hậu viết: “… khi Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời, tuy quý vị có ghi tên tôi vào Ban vận động… nhưng tôi đã không có sự cộng tác gì với Ban vận động cả, kể cả cuộc Đại hội thống nhất Phật Giáo Việt Nam vừa qua tôi đã vắng mặt. Thế nhưng, qua báo chí và các văn kiện Đại hội phổ biến, lại thấy có tên tôi trong Ban Thường trực Hội đồng chứng minh với chức vụ Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật”. [6]

     


    Ảnh: Phật học Đời sống.

    Vì sao sự hiện diện của Hòa thượng Đôn Hậu lại quan trọng đến mức giáo hội không muốn tiết lộ quan điểm bất đồng của ông và phải đưa bằng được tên ông vào Hội đồng chứng minh?

    Theo hiến chương năm 1964, GHPGVNTN có hai viện: Viện Tăng thống và dưới viện này là Viện Hóa Đạo.

    Từ năm 1979, Hòa thượng Thích Đôn Hậu là tăng thống của GHPGVNTN. Với chức vụ này, ông trở thành người lãnh đạo giáo hội. [7]

    Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở miền Nam, không thể thống nhất Phật giáo sau năm 1975 mà không có sự đồng thuận của họ. Trong khi Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo đã đồng ý tham gia theo chủ trương, việc còn lại là dàn xếp sự hiện diện của Hòa thượng Thích Đôn Hậu sao cho có vẻ như hai viện của giáo hội đều tán đồng thống nhất Phật giáo vào năm 1981, dù thực tế không đúng như vậy.

    Có thể thấy, GHPGVN ngày nay được thành lập không dựa trên sự tán thành của tất cả thành viên cấp cao của GHPGVNTN, đặc biệt là Hòa thượng Đôn Hậu, Tăng thống của giáo hội.

    2. Quần chúng Phật tử không còn là trung tâm của giáo hội trong Hiến chương 1981

    Quần chúng Phật tử là thành phần quan trọng của Phật giáo miền Nam. Nếu các nhà sư là gốc rễ của một cái cây thì Phật tử là những cành, lá của cây. Các cuộc tranh đấu trước năm 1975 của Phật giáo sẽ không thể thành công mà không có quần chúng Phật tử dũng cảm đứng bên cạnh các nhà sư.

    Tổ chức quần chúng Phật tử là hoạt động được coi trọng trước năm 1975.

    Hiến chương 1964 của GHPGVNTN thừa nhận tín đồ Phật tử là một thành phần của giáo hội trong một chương riêng. [8]

    Theo hiến chương, Viện Hóa Đạo được tổ chức thành sáu tổng vụ, trong đó có Tổng vụ Thanh niên. Tổng vụ này bao gồm các vụ: Gia đình Phật tử, Sinh viên Phật tử, Học sinh Phật tử, Thanh niên Phật tử. Ở mỗi tỉnh có một đặc ủy thanh niên. Tổng vụ Thanh niên do Hòa thượng Thiện Minh – người chết trong trại giam được nhắc đến ở đầu bài viết này – coi sóc.

    Đơn vị cơ sở của giáo hội là xã hoặc phường, với ban đại diện được quy định cụ thể.

     


    Thượng tọa Thích Quảng Độ (góc trái) cùng các tăng ni, Phật tử xô xát với cảnh sát ở Sài Gòn để phản đối chính sách đàn áp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Các lãnh đạo Phật giáo đã yêu cầu chính quyền tôn trọng giáo kỳ Phật giáo, đối xử công bằng, tôn trọng tự do truyền đạo và hành đạo, ngừng đàn áp Phật tử và bồi thường cho những người thiệt mạng. Ảnh: HORST FAAS/ AP.

    Đến năm 1981, Hiến chương của GHPGVN không có một chương riêng về tín đồ. [9] Về tổ chức quần chúng, giáo hội chỉ còn lại một chức danh là trưởng ban Hướng dẫn Phật tử thuộc Hội đồng trị sự, không còn các chức danh phụ trách cụ thể về gia đình, sinh viên, học sinh, và thanh niên.

    GHPGVN chỉ tổ chức các ban trị sự cấp tỉnh. Ở cấp huyện và xã có thể không có ban đại diện. Đáng chú ý nhất là đơn vị cơ sở của giáo hội đã thu hẹp hết mức, chuyển từ xã, phường thành các “Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường”.

    Theo ông Đỗ Trung Hiếu, việc thay đổi đơn vị cơ sở của giáo hội cho thấy giáo hội đã lấy chùa làm trung tâm, thay vì quần chúng Phật tử như trước đó. [10]

    Sau 40 năm thành lập GHPGVN, số tín đồ Phật giáo theo Tổng Điều tra về Dân số và Nhà ở năm 2019 chỉ còn 4,6 triệu người, giảm hơn 30% so với năm 2009, trở thành tôn giáo có số tín đồ đông thứ hai tại Việt Nam, sau Công giáo. [11]

    3. Cờ Phật giáo bị loại bỏ trong Hiến chương GHPGVN trong 26 năm

    Có một điều vô cùng bất thường trong Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo năm 1981 là không một lá cờ Phật giáo nào được treo, thay vào đó là cờ đỏ sao vàng và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

     


    Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

    Cờ Phật giáo được Hòa thượng Thích Tố Liên treo lần đầu tiên tại chùa Quán Sứ vào năm 1951, và rồi trong ba mươi năm sau đó, cũng tại ngôi chùa này, các nhà sư tham gia hội nghị thống nhất Phật giáo lại để lá cờ tuột khỏi hiến chương của giáo hội.

    Trong 40 năm thành lập, GHPGVN có đến 26 năm (1981 – 2007) không đưa được giáo kỳ – một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế – vào trong hiến chương của mình. [12]

    Cờ Phật giáo không đơn giản là một mảnh vải năm màu. Dưới lá cờ này, các nhà sư và Phật tử đã tranh đấu quyết liệt, đánh đổi bằng nhiều tánh mạng để bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo, gầy dựng thanh thế của Phật giáo ở miền Nam và trên trường quốc tế.

    Cũng chính vì để giữ lấy giáo kỳ mà nhiều tăng, ni đã tự thiêu để phản đối chế độ mới cấm treo cờ Phật giáo sau năm 1975, điển hình như vụ tự thiêu của 12 tăng, ni chùa Dược Sư, tỉnh Cần Thơ vào tháng 11/1975. [13]

     


    Cờ Phật giáo được treo cùng cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 1/5/1975 tại khu Chợ Lớn, Sài Gòn. Sau đó, chính quyền đã cấm treo cờ Phật giáo. Ảnh: Herve GLOAGUEN/ Gamma-Rapho via Getty Images.

    4. Phủ nhận sự tồn tại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

    Lời nói đầu trong Hiến chương năm 1981 của GHPGVN tuyên bố “Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước”. [14]

    Trong khi đó, Hòa thượng Đôn Hậu đã tuyên bố ông vẫn lãnh đạo GHPGVNTN. Từ đây, các nhà sư đã chia ra thành hai phe. Nhà sư hợp pháp theo GHPGVN khoác lên mình chiếc áo mới hợp thời hơn, đồng thời đẩy những nhà sư từng tranh đấu với họ trước năm 1975 trở thành các nhà sư bất hợp pháp.

    Hơn ba tháng sau khi GHPGVN ra đời, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra lệnh trục xuất Thượng tọa Quảng Độ và Thượng tọa Huyền Quang ra khỏi thành phố vào ngày 25/2/1982. [15] Năm tháng sau, Ấn Quang Tự, trụ sở của GHPGVNTN bị cưỡng chiếm. Trong năm ngày, toàn bộ tài liệu của giáo hội đã bị đốt bỏ. [16]

    Năm 1997, GHPGVN sửa đổi hiến chương với lời nói đầu ghi: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội duy nhất của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam”. [17]

    Sau khi Hòa thượng Đôn Hậu qua đời vào tháng 4/1992, Hòa thượng Huyền Quang nhậm chức tăng thống, tiếp tục lãnh đạo GHPGVNTN cho đến năm 2008. Chức tăng thống sau đó được Hòa thượng Thích Quảng Độ đảm nhận cho đến năm 2020. Hiện nay, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đảm trách Xử lý Viện Tăng Thống của GHPGVNTN. [18]

    Trong khi GHPGVN được phép xây dựng những ngôi chùa cao lớn, GHPGVNTN chật vật với việc duy trì các hoạt động và chịu đựng các hành động đe dọa của chính quyền.

    Hòa thượng Thích Huyền Việt, người điều hành Văn phòng 2 Viện Hóa đạo của GHPGVNTN tại Texas, Mỹ (đề phòng văn phòng trong nước không hoạt động được), nói với VOA rằng dù hàng giáo phẩm của giáo hội trong nước còn ít người nhưng “từ tăng, ni cho đến Phật tử vẫn còn hàng hàng lớp lớp”. [19]

    https://www.luatkhoa.org/2021/08/40-nam-thanh-lap-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-4-van-de-giao-hoi-khong-muon-nhac-den/

    Không có nhận xét nào