Hình bìa tác phẩm. (Hình: Tác giả cung cấp)
Tác giả, nhà nghiên cứu Winston Phan Đào Nguyên vừa xuất bản cuốn sách có tựa đề ‘Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân’’ nhân có cuộc Hội thảo và triển lãm về Phan Thanh Giản do Gia đình Cựu Học Sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ tại Houston (713-385-8482) tổ chức vào 1 giờ chiều ngày 15 tháng 8, 2021 tại Trung tâm Mai Vàng, 9525 Wilcrest Dr, Houston, TX 77099. Để giới thiệu nội dung của tác phẩm này, chúng tôi được sự đồng ý của tác giả, đăng lại dưới đây phần Dẫn Nhập của cuốn sách, là một công trình tóm tắt đầy đủ và sáng sủa những gì được trình bày trong sách.
***
DẪN NHẬP
Có lẽ ít có nơi đâu trên thế giới mà một
“câu” gồm 8 chữ và không có xuất xứ rõ ràng lại được đem ra làm bằng chứng, mà
lại là bằng chứng độc nhất, để buộc tội “bán nước” cho một nhân vật lịch sử.
Nhưng chính điều đó đã và đang diễn ra trong sử học cận đại Việt Nam suốt 60
năm qua. Và cái câu 8 chữ nói trên là “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Sử dụng câu này liên tục từ thập niên 1950s đến nay, các sử gia tại miền Bắc
Việt Nam đã nhân danh “nhân dân” để kết tội bán nước cho hai đại thần triều
Nguyễn là Phan Thanh Giản (Phan) và Lâm Duy Hiệp (Lâm), với sự chú trọng đặc
biệt vào Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ.
Mặc dù không có xuất xứ rõ ràng, mặc dù không biết tác giả của nó là ai, và mặc dù không biết cái câu gồm 8 chữ đó là câu đối, câu thơ, câu phú, “khẩu hiệu”, hay thậm chí là một loại “vè”, nó đã được đem ra để làm bằng chứng mỗi khi một “sử gia” nào đó tại Việt Nam muốn lên án Phan Thanh Giản. Và do không hề có một bài viết hay một tác giả nào đặt vấn đề để gạn hỏi một cách rõ ràng và có hệ thống về câu này, hiện nay ở Việt Nam hầu như tất cả mọi người đều chấp nhận sự hiện hữu cũng như tính chất “lịch sử” của nó. Họ dễ dãi cho rằng nó có gốc gác “trong dân gian”, đồng thời nhìn nhận rằng nó đã nói lên tâm trạng của “nhân dân” thời đó, là lên án cả hai ông Phan, Lâm và triều đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức.
Điển hình là bài viết sau đây về Phan Thanh Giản trong Wikipedia:
“Ngày 5 tháng 6 năm 1862, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp có Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn đã ký với Bonard và Palanca một hiệp ước gọi là Hòa ước Nhâm Tuất (1862), cắt đứt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, bồi thường chiến phí trong 10 năm, mỗi năm 400 ngàn quan cho đại diện của Pháp ở Sài Gòn . . . Do hành động này mà dân gian có câu truyền ‘Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân’ (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình bỏ dân chúng).”
Hay như một sử gia nổi tiếng của
giới sử học Việt Nam là ông Trần Quốc Vượng, đã phát biểu một cách rất thoải
mái tự nhiên về câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” khi được phỏng vấn
về một đề tài không liên hệ:
“Về thất bại, có phải chỉ vì lực lượng giặc ngoại xâm hùng mạnh hơn, hay còn
nguyên nhân nào khác. Phải chăng do nguyên nhân nội tại - những thói tật trong
tính cách, tình cảm người Việt Nam ta? Vua Tự Đức, người nói câu Phan Lâm mãi
quốc, triều đình khí dân …”
Cách phát biểu tùy tiện như trên của giáo sư Trần Quốc Vượng cho thấy rằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người Việt, kể cả một vị giáo sư sử học uy tín như Trần Quốc Vượng. Bởi nó đã được ông nói ra như một sự thật hiển nhiên không cần dẫn chứng.
Nhưng đáng sợ hơn nữa là câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” này đã đi sâu vào kiến thức phổ thông của tất cả dân chúng Việt Nam, chứ không phải chỉ được lưu truyền riêng trong giới nghiên cứu lịch sử mà thôi. Điển hình là trên một trang mạng thuộc loại giải đáp thắc mắc về kiến thức lịch sử phổ thông hiện nay nó đã được giải thích như sau:
“... Trương Định đã là (sic) cho Pháp khiếp sợ với nhiều chiến thắng ở Gò Công, Rạch Giá (sic), Quý Sơn, Tân An…Trương Định còn nổi tiếng với khẩu hiệu “Phan – Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”- nghĩa là (họ Phan, Lâm bán nước, Triều đình bỏ rơi dân chúng) thiêu (sic) trên lá cờ “Bình Tây đại nguyên soái”.
Nếu chỉ đứng riêng một mình thì có lẽ câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” không có nhiều ảnh hưởng như hiện nay. Nhưng nó lại được gắn liền với một lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp tại miền Nam vào thập niên 1860 là Trương Định, người đã được các sử gia Việt Nam coi như một anh hùng dân tộc. Và Trương Định hay nghĩa quân của ông ta được cho là đã dùng 8 chữ này để lên án cả Phan Thanh Giản lẫn triều đình Huế bằng cách viết lên lá cờ khởi nghĩa của họ. Vì lý do trên mà ngày nay nếu nói về Phan Thanh Giản tại Việt Nam thì không thể không nhắc đến Trương Định, và ngược lại cũng vậy.
Chỉ có điều là đối với những người đã từng sống tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975 thì câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” kết tội Phan Thanh Giản nói trên không hề được nghe nói đến, kể cả trong các nghiên cứu sử học chuyên sâu về Phan Thanh Giản và Trương (Công) Định. Ngược lại, Phan Thanh Giản được mọi người kính trọng và khen ngợi. Ở Sài Gòn, một trong những con đường lớn nhất thành phố mang tên ông. Ở Cần Thơ, trường trung học lớn nhất thành phố cũng được mang tên ông.
Thế nhưng sau năm 1975 thì câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã được đem từ miền Bắc vào phổ biến ở miền Nam. Rồi từ đó, nó được coi như một sự thật lịch sử trong cả nước. Vì vậy, cho dù đã có đến hai cuộc hội thảo ở Việt Nam về Phan Thanh Giản vào năm 1994 và năm 2003 với mục đích là để “đánh giá” lại nhân vật lịch sử này, cho dù đã có nhiều người chất vấn về lai lịch của nó, nhưng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” vẫn được tiếp tục đem ra sử dụng như là một thứ sử liệu không thể thiếu khi nghiên cứu về nhân vật Phan Thanh Giản. Và cho dù đã có đến hai cuộc hội thảo nói trên, lai lịch của nó cũng vẫn mù mờ, không rõ lên thêm được chút nào.
Giáo sư Phan Huy Lê, người được coi là một trong những sử gia muốn “nhìn lại” về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản trong những năm gần đây, đã viết như sau về câu này trong một cuộc hội thảo nói trên về Phan Thanh Giản:
“Nhưng lại có nguồn tin tương truyền rằng, Trương Định lên án Phan Thanh Giản bán nước khi đề cờ khởi nghĩa "Phan, Lâm mãi quốc; triều đình khí dân".
Ở đây chưa bàn về nguồn gốc và tính xác thực của câu nói trên, nhưng sự tồn tại và lưu truyền dù trong giới hạn nào, ít nhiều cũng phản ánh một thái độ lên án Phan Thanh Giản.”
Như vậy, ngay tại một cuộc hội thảo nhằm “đánh giá” lại Phan Thanh Giản, ông Phan Huy Lê đã vẫn phải nhắc lại sự tồn tại của câu này, đã phải nhắc lại “giai thoại” hay câu chuyện luôn luôn đi cùng với nó - là anh hùng Trương Định từng dùng nó để viết lên lá cờ của mình nhằm lên án bán nước cho Phan Thanh Giản. Nhưng rồi tiếp theo thì giáo sư Phan Huy Lê lại “chưa”, hay nói đúng hơn là không chịu “bàn về nguồn gốc và tính xác thực” của nó. Cho dù nó đã được lưu truyền trong giới sử học miền Bắc suốt mấy mươi năm qua, và cho dù giáo sư đang nói về nó trong cuộc hội thảo - với tư cách một giáo sư sử học uy tín hàng đầu cả nước đang tìm hiểu thêm và đánh giá lại về Phan Thanh Giản!
Rồi bây giờ thì giáo sư Phan Huy Lê đã thành người thiên cổ (1934-2018), và đương nhiên là chẳng còn có dịp nào để mà “bàn” về nguồn gốc và tính xác thực của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” này nữa.
Nhưng vẫn chưa hết. Năm 2003, trong cuộc hội thảo có tên là “Thế Kỷ XXI Nhìn Về Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản”, giáo sư Đinh Xuân Lâm, người đứng đầu nhóm “tứ trụ” sử học ở miền Bắc, giống như giáo sư Phan Huy Lê, lại một lần nữa xác định sự hiện hữu của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” như sau:
“Bất chấp mọi thủ đoạn, Trương Định vẫn cương quyết ở lại cùng nhân dân chống quân cướp nước, với danh hiệu “Bình Tây đại nguyên soái”. .. Ở đây có vấn đề sáu (sic) chữ ‘Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân’ (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình bỏ rơi chân (sic) chúng) trên lá cờ của nghĩa quân Trương Định, cho tới nay vẫn chưa xác minh được việc đó có thật hay không … Nhưng dù có hay không thì cũng phản ánh một luồng dư luận trong nhân dân thời đó đánh giá Phan Thanh Giản.”
Nghĩa là cả hai sử gia hàng đầu của miền Bắc, và rồi của cả nước sau năm 1975, đã xác nhận giống như nhau, rằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là “phản ánh” một “dư luận trong nhân dân”. Và họ, dù là những sử gia hàng đầu, dù là những diễn giả cốt cán cho những cuộc hội thảo nhằm đánh giá lại Phan Thanh Giản như vậy, lại không cảm thấy có trách nhiệm phải giải thích hay ít ra là cho thấy họ đã có tìm tòi nghiên cứu chút nào về câu này.
Và như vậy, tại Việt Nam hiện nay, từ Wikipedia cho đến những trang mạng giải đáp thắc mắc phổ thông, từ những giáo sư sử học nổi tiếng cho đến những người thường dân, câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó đã được chấp nhận như một sự thật lịch sử gắn liền với hai nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản và Trương Định. Nó liên kết hình ảnh của một kẻ “phong kiến bán nước” là Phan Thanh Giản như một sự đối nghịch với hình ảnh của một người “anh hùng yêu nước” là Trương Định.
Mặc dù đây là một câu có nguồn gốc hết sức mù mờ. Mặc dù từ trước đến nay chưa có ai xác định được xuất xứ, tác giả, thời gian và hoàn cảnh ra đời của nó. Mặc dù nó ngược với sự thật lịch sử.
Do đó, trong bài nghiên cứu này, người viết xin được trình bày với các bạn đọc quá trình tìm hiểu của mình về câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” nói trên. Bài viết được chia ra làm ba phần để các bạn đọc tiện theo dõi.
Phần I, từ chương I đến chương III, tìm hiểu về quá trình xuất hiện của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” tại miền Bắc Việt Nam từ sau năm 1954, đặc biệt là vai trò của nó và câu chuyện chung quanh nó trong sự kiện các sử gia miền Bắc lên án “bán nước” và “đầu hàng” cho Phan Thanh Giản tại một cuộc “đánh giá nhân vật lịch sử” - mà thực chất là một phiên tòa đấu tố - trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử vào năm 1963.
Chương I cho thấy rằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” không hề và khó có thể đã từng xuất hiện trên sách vở báo chí bằng chữ Quốc Ngữ ở cả ba miền Việt Nam từ trước năm 1954, vì trong thời gian đó mọi bài vở sách báo trên khắp nước cho thấy một sự kính trọng Phan Thanh Giản.
Chương II xem xét vai trò chính yếu và nổi bật của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó trong phiên toà đấu tố buộc tội “bán nước” và “đầu hàng” cho Phan Thanh Giản trong suốt nửa năm 1963 trên tờ báo Nghiên Cứu Lịch Sử của Viện Sử Học do ông Trần Huy Liệu làm Viện Trưởng.
Chương III thuật lại quá trình xuất hiện của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” một cách dần dà tuần tự tại miền Bắc như thế nào từ sau năm 1954 cho đến năm 1963. Quá trình này cho thấy một sự đồng tình viết lại lịch sử Nam Kỳ - trong thời gian của Phan Thanh Giản và Trương Định - của các sử gia miền Bắc. Theo đó, các sử gia nói trên, dẫn đầu bởi hai ông Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu, đã phân chia các nhân vật và phe nhóm lịch sử của thời gian này theo lập trường giai cấp và dân tộc cực đoan của họ, khi họ kể lại câu chuyện lịch sử Nam Kỳ chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Phần II, từ Chương IV đến Chương XI nghiên cứu các tài liệu lịch sử của thời gian đó và so sánh lại với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” cùng câu chuyện chung quanh nó để xem câu này có đúng với sự thật lịch sử hay không. Các tài liệu lịch sử này cho thấy những mối quan hệ giữa các phe phái và nhân vật lịch sử của Nam Kỳ vào thập niên 1860 là rất phức tạp và chồng chéo chứ không đơn giản và trắng đen rõ rệt như đã được thuật lại bởi các sử gia miền Bắc dựa trên lập trường giai cấp và dân tộc của họ.
Chương IV giới thiệu với bạn đọc văn kiện chính thức đầu tiên giữa triều đình Huế và Pháp trong cuộc chiến là hòa ước 1862. Chính xác hơn, một điều khoản cực kỳ quan trọng của hòa ước này là điều số 11, vì nó giải thích lý do tại sao các nhân vật và phe phái lịch sử thời gian đó lại có những hành động để dẫn đến sự ra đời của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Chương V nhìn lại tác phẩm “Lãnh Binh Trương Định Truyện” của Nguyễn Thông để hiểu rõ thêm về cuộc khởi nghĩa Trương Định và mối liên hệ giữa Trương Định và triều đình Huế cũng như mối liên hệ giữa Trương Định với các nghĩa quân của ông ta.
Chương VI nói về bài “Hịch Quản Định”, tức lời tuyên bố về lý do kháng chiến chống Pháp của chính nhân vật Trương Định. Bài hịch này cho thấy mối quan hệ giữa triều đình Huế và Trương Định, để từ đó người đọc suy xét xem Trương Định có thể là tác giả của một câu như “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” hay không.
Chương VII bàn đến hai bản tấu trình của Võ Duy Dương, một lãnh tụ kháng chiến tại Nam Kỳ cùng thời gian với Trương Định. Qua tài liệu này, việc triều đình Huế đã từng phong chức Bình Tây Tướng Quân cho Trương Định cho thấy có một mối quan hệ mật thiết giữa hai bên sau hòa ước 1862.
Chương VIII nghiên cứu những lá thư được cho là của Trương Định, qua bản dịch bằng tiếng Pháp, gồm hai lá thư gửi ông gửi một người bạn đang làm việc cho Pháp và một lá thư/tuyên ngôn gửi đến các quan tỉnh Vĩnh Long. Những lá thư này cho thấy mối quan hệ rất tinh tế và phức tạp giữa Trương Định và triều đình Huế cũng như với Phan Thanh Giản.
Chương IX nghiên cứu bản báo cáo mật của một lãnh tụ kháng chiến bên cạnh Trương Định tên là Phạm Tiến gửi cho triều đình Huế để báo cáo về tình hình các tỉnh Nam Kỳ sau hòa ước 1862. Tài liệu rất quý hiếm và rất nhiều chi tiết này cho thấy rõ thêm các mối quan hệ giữa các phe phái cũng như giới thiệu thêm về nhiều nhân vật lịch sử có ảnh hưởng đến những mối quan hệ nói trên.
Chương X giới thiệu một tài liệu bằng thơ lục bát là bài “Thơ Nam Kỳ”, được viết ra bởi những người thường dân vô danh Nam Kỳ về cuộc chiến Pháp Việt, với những nhận xét trung thực về các nhân vật và phe phái trong cuộc. Đây chính là tiếng nói của “nhân dân Nam Kỳ” với những cách dùng chữ và cách suy nghĩ hoàn toàn “Nam Kỳ”.
Chương XI giới thiệu một tài liệu vừa được tìm ra gần đây về cuộc đối thoại giữa Phan Thanh Giản và một sĩ quan Pháp tên là Henri Rieunier. Tài liệu này được ghi lại bằng chữ quốc ngữ, và qua đó Phan Thanh Giản nói ra mục đích của chuyến đi Pháp và mối quan hệ giữa hai nước Pháp-Việt.
Phần III, từ Chương XII đến Chương XVI, đi tìm nguồn gốc xuất xứ của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và dẫn đến kết luận ai là tác giả của nó, theo người viết.
Chương XII cho thấy có một sự cố ý làm sai với những phương pháp sử học sơ đẳng của các sử gia miền Bắc và đặc biệt là ông Trần Huy Liệu, khi sử dụng tiêu chuẩn ngày nay để xét đoán các nhân vật lịch sử thời xưa cũng như khi không hề cho biết về xuất xứ của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Chương XIII cho thấy có một sự cố tình im lặng trước những vấn đề bất hợp lý rõ rệt về hình thức của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, như tại sao lại là “mãi” mà không phải là “mại” theo đúng với ý nghĩa của nó.
Chương XIV cho thấy lý do của những sự cố ý nói trên khi tìm hiểu về mục đích và sự cần thiết phải ra đời của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, do chính tác giả của nó tiết lộ.
Chương XV cho thấy lý do tại sao Phan Thanh Giản lại trở thành nhân vật chính trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và là mục tiêu cho phiên tòa đấu tố trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử vào năm 1963.
Chương XVI giới thiệu một tác phẩm của Phan Bội Châu là Việt Nam Vong Quốc Sử và tầm ảnh hưởng của nó với các nhà cách mạng Việt Nam. Tác phẩm này kết tội Phan Thanh Giản là “đầu hàng” người Pháp, giống như phiên tòa năm 1963 đã làm.
Chương XVII giới thiệu một tài liệu đặc biệt là bài thơ Việt Nam Chính Khí Ca, làm bằng thể thơ lục bát nhưng lại bằng chữ Hán (Việt). Bài thơ này, giống như phiên tòa 1963, đã kết tội “bán nước” cho Phan Thanh Giản. Chương này cũng sẽ xem xét độ chính xác của sự kết tội này và ảnh hưởng của nó trong việc tạo nên câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Chương XVIII xét đến tôn chỉ về sử học của tác giả câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và tài nghệ cũng như bản lãnh sáng tạo của người này, từ đó dẫn đến lý do tại sao ông ta lại chế tạo ra câu đó như được thấy ngày nay.
https://www.voatiengviet.com/a/phan-thanh-gian-lam-duy-hiep/5997290.html
Không có nhận xét nào