Header Ads

  • Breaking News

    Rút quân khỏi Afghanistan: Quyết định lớn nhất - liệu có phải là bước đi thảm họa nhất của Biden?

     Jon Sopel Biên tập viên Bắc Mỹ/BBC News

    15/8/2021

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Người tị nạn ở Kabul

    Nếu bạn thích đường nét gọn gàng, ngăn nắp và ngưỡng mộ sự cân xứng, thì có gì không thích khi Joe Biden quyết định rút binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan vào ngày 11/9/2021 - đúng 20 năm sau sự kiện 11/9?

    Ở Mỹ ngày nay, người ta thường cảm thấy rằng mọi con đường đều dẫn đến vụ 11/9; một sự kiện mang tính định hình nhất - và để lại vết thương sâu nhất - kể từ trận Trân Châu Cảng: cuộc tấn công bất ngờ của quân Nhật vào hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, mà sau rốt đã kéo Mỹ vào Thế chiến II.

    Và tương tự, vụ 11/9 đã dẫn đến cuộc chạm trán quân sự dài hơi nhất của nước này. Cuộc tấn công vào Tòa tháp đôi, chiếc máy bay lao vào Lầu Năm Góc và chiếc rơi xuống cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania, ban đầu là động lực thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của Mỹ dâng cao. Nhiều người trẻ - thực tế là mọi người ở mọi lứa tuổi - đã đến các văn phòng tuyển quân của lực lượng vũ trang với mong muốn đăng ký nhập ngũ. Nước Mỹ đã bị tấn công; những người yêu nước này muốn chiến đấu để bảo vệ tổ quốc nơi là "vùng đất của tự do", và tìm cách trả thù những kẻ sẽ gây hại cho nước Mỹ.

    Và đừng nhầm lẫn rằng đó chỉ là lòng yêu nước bộc phát. Không phải vậy. Tôi biết nhiều người - không chỉ người Mỹ - có khuynh hướng tự do và không phải là ủng hộ viên cuồng nhiệt đối với mọi hoạt động của Hoa Kỳ mà là những người có ý thức nội tại rằng đây là thời điểm mà bạn phải chọn lập trường.

    Bạn có đứng về phía nhà nước pháp quyền, bầu cử tự do và công bằng, trình tự công bằng của luật pháp, bình đẳng giới, phổ cập giáo dục không?

    Hay bạn đứng về phía những người sẽ lái máy bay lao vào các tòa nhà, hoặc sẽ ném đá người ta đến chết, hoặc quăng người đồng tính ra khỏi các tòa nhà, hoặc không cho nữ giới đi học? Điều này có vẻ là sự đơn giản hóa quá mức, có lẽ vậy - nhưng trong bối cảnh thảm khốc của sự kiện 11/9, đó là cách mà nhiều người nghĩ.

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Ông Biden bất ngờ thăm Afghanistan với tư cách phó tổng thống vào năm 2011

    Nhưng đến năm 2016, đây là một trong những yếu tố dẫn đến việc Donald Trump đắc cử: mối hoài nghi đối với các "cuộc chiến không hồi kết" khi ứng cử viên Trump ám chỉ sự sa lầy ở Afghanistan và Iraq; mối hoài nghi vào vai trò sen đầm quốc tế của Mỹ.

    Có thể hiểu, người Mỹ muốn rút ván cầu, đưa quân đội về nước, để người dân ở những nước đó tự giải quyết vấn đề của họ, và cuối cùng từ bỏ ý tưởng rằng mô hình dân chủ tự do của Hoa Kỳ là một mặt hàng xuất khẩu có thể áp dụng tại nơi khác. Cuộc thập tự chinh theo chủ nghĩa can thiệp tự do đã kết thúc.

    Nếu giành chiến thắng vào tháng 11 năm ngoái, Trump hẳn có thể sẽ rút quân đội Mỹ còn sớm hơn. Mặc dù Joe Biden kế thừa lời hứa rút quân của Trump, nhưng về mặt chính sách, điều dễ dàng nhất là tiếp tục ký ngân phiếu để trả tiền cho việc tiếp tục để quân nhân Mỹ ở lại Afghanistan thêm một năm. Rồi một năm nữa. Và rồi một năm nữa.

    Áp lực chính trị không hẳn là khốc liệt. Ngược lại thì có. Giới chóp bu quốc phòng, các cơ quan hoạch định chính sách ngoại giao và đồng minh của Mỹ ở nước ngoài đều cho rằng làm bất cứ điều gì khác ngoài việc giữ nguyên hiện trạng đều là liều lĩnh. Nhưng một câu hỏi đang gặm nhấm vị tổng thống mới, và là câu hỏi được đặt ra bởi Hillel Trưởng lão trong thuở Kinh thánh: "Nếu không phải bây giờ, thì khi nào?"

    Biden - người đã khuyên Tổng thống Barack Obama không tăng quân vào năm 2009 nhưng không bảo vệ được lập trường của mình - giờ tiếp tục với lập trường đó, và đây có thể là quyết định gây ra nhiều hệ lụy nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

    Khi sự kiện 11/9 xảy ra, tôi là phóng viên BBC thường trú ở Paris, đưa tin về nỗ lực nhằm buộc đóng cửa một trung tâm tị nạn của Hội Chữ thập đỏ có tên Sangatte ở gần đường hầm nối Anh và Pháp - nơi nhiều người tị nạn và di cư trên thế giới tập trung trước khi thực hiện chặng cuối cùng của cuộc hành trình tới nước Anh.

    Tôi đang lái xe đến Calais thì nhận được cuộc gọi từ một đồng nghiệp yêu cầu dừng lại ở trạm dịch vụ gần nhất để xem ti vi để theo dõi những gì đang diễn ra.

    Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo - hoặc chúng tôi sẽ đi về đâu. Sau một năm lạc quan kể từ khi bước vào thiên niên kỷ mới, giờ đây có một câu chuyện kể và đó không phải là chuyện vui - cuộc chiến chống khủng bố, một cuộc đụng độ của các nền văn minh, bạn có thể gọi theo cách của mình. Lúc bấy giờ, hai câu chuyện này dường như chẳng liên quan gì, nhưng rất nhiều người ốm yếu mà chúng tôi gặp trên đường quanh Calais đều đến từ Afghanistan; họ đang chạy trốn khỏi sự cai trị của Taliban.

    Cần phải nhớ lại nguyên nhân khiến Mỹ, Anh và những nước khác tiến vào Afghanistan. Trên thực tế, Taliban đã trở thành nơi đào tạo những phần tử khủng bố Hồi giáo muốn tiến hành thánh chiến chống lại phương Tây. Những kẻ muốn gia nhập Al-Qaeda đã đến đất nước này để huấn luyện thánh chiến. Những kẻ khủng bố trong vụ 11/9 đã rèn giũa kỹ năng và ủ mưu ở đấy. Việc loại bỏ Taliban và giải quyết Al-Qaeda trở nên quan trọng đối với an ninh toàn cầu.

    Chỉ sau vài tuần kể từ vụ 11/9, tôi đã có mặt tại miền bắc Afghanistan, bằng cách bay tới Delhi và sau đó tới Dushanbe ở Tajikistan để đến đó. Chúng tôi đã di chuyển cùng với quân đội của Liên minh phương Bắc do Mỹ và Anh hậu thuẫn khi họ đẩy lùi Taliban.

    Ngày đầu tiên, chúng tôi đi từ Khoja Bahauddin, sau đó là Trụ sở của Liên minh phương Bắc dọc theo con đường mà Taliban đã giết một số nhà báo trong cuộc phục kích hai ngày trước đó. Sau một đêm, chúng tôi dừng lại ở một thị trấn có tên Taleqan. Màn đêm đã buông xuống trước khi chúng tôi đến nơi. Một trong những bức ảnh chụp đã trở thành biểu tượng là một phòng học nữ sinh đã trở thành kho chứa tên lửa của Taliban mà trong cuộc rút lui vội vàng chúng đã bỏ lại.

    Thành trì kiên cố cuối cùng là Kunduz - một hành lang liên lạc huyết mạch nằm giữa Kabul, Mazar-i-Sharif và sau đó xa hơn về phía bắc đến biên giới với Uzbekistan.

    Hiện cả Taleqan và Kunduz đã trở lại dưới sự kiểm soát của Taliban, với một phần ba thủ phủ của các vùng tại đất nước này đã nằm dưới sự kiểm soát của chúng.

    Và điều đó đặt ra câu hỏi siêu khó chịu cho Joe Biden và chính sách "nếu không phải bây giờ, thì khi nào" của ông.

    Tiêu tốn hai mươi năm với rất nhiều sinh mạng và rất nhiều tỉ đôla rốt cuộc để làm gì? Đã đạt được những gì? Giờ đây, bạn sẽ nói gì với gia đình của tất cả các quân nhân đã bị Taliban giết hại về việc nước Mỹ đang từ bỏ? Làm gì để ngăn quân khủng bố thiết lập lại các trại huấn luyện thánh chiến? Tại phiên điều trần của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm thứ Sáu tuần trước, có thông tin cho rằng có tới 20 nhóm khủng bố khác nhau, với sự tham gia của hàng ngàn chiến binh nước ngoài đã chiến đấu bên cạnh lực lượng Taliban.

    Tôi biết chắc rằng trong khi tôi viết bài này, có thêm nhiều gia đình nữa đang gói ghém đồ đạc trong nỗi lo sợ về sự kiểm soát của Taliban, có lẽ họ sẽ hướng đến Calais và sau đó là Vương quốc Anh. Liệu các trường nữ sinh có lại trở thành kho chứa vũ khí một lần nữa?

    Vết sẹo 11/9 rõ mồn một ở khắp mọi nơi - hàng ngàn quân nhân đã trở về với chân tay giả và tâm trí rối loạn. Tỷ lệ tự tử tăng lên. Nhiều gia đình mất người thân. Trên đường phố Mỹ là những người đàn ông cầm ly bia nhựa màu đỏ xin tiền lẻ, nhiều người trong số đó có biển hiệu cho thấy họ là cựu chiến binh từ Iraq và Afghanistan.

    Chiến tranh Afghanistan

    Lực lượng do Mỹ dẫn đầu lật đổ Taliban: Năm 2001, các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã lật đổ nhà cầm quyền Taliban ở Afghanistan sau vụ tấn công 11/9, vụ khủng bố do thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden, lúc bấy giờ đang đặt căn cứ tại Afghanistan, tổ chức.

    Hai mươi năm chiếm đóng và hoạt động quân sự: Mỹ và đồng minh giám sát bầu cử và xây dựng lực lượng an ninh Afghanistan, nhưng Taliban vẫn tiếp tục phát động các cuộc tấn công.

    Cuối cùng, Mỹ đã thỏa thuận với Taliban: Họ sẽ rút quân nếu các tay súng đồng ý không chứa chấp các nhóm khủng bố. Nhưng các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan đã đổ vỡ. Các lực lượng do Mỹ dẫn đầu rút lui trong năm nay và Taliban hiện đã chiếm lại phần lớn đất nước.

    Niềm mong muốn ở nhà và tránh xa cái thế giới đầy rắc rối ngoài kia là điều hoàn toàn dễ hiểu. Không có gì ngạc nhiên khi khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" đã gây được tiếng vang như vậy. George W Bush đã không ủng hộ điều này vào năm 2001 - nhưng lúc bấy giờ chưa có quân đội Mỹ ở Afghanistan hay Iraq. Và điều đó đã không giữ cho nước Mỹ an toàn khi sáng sớm hôm ấy, những chiếc máy bay chở khách trên bầu trời trong xanh đã bị cướp và trở thành tên lửa dẫn đường của Al-Qaeda, bay thẳng vào các mục tiêu, sát hại hàng ngàn người vốn chỉ quan tâm tới chuyện thường nhật của họ.

    Cũng có sự khác biệt giữa việc thực thi ý chí của bạn với tư cách là sen đầm thế giới và trở thành một người gìn giữ hòa bình. Hàng ngàn lính Mỹ vẫn đang đóng quân tại Hàn Quốc - mặc dù cuộc chiến tranh Triều Tiên đã diễn ra cách đây 70 năm. Tính toán của các tổng thống Mỹ kế nhiệm là căng sức cho hòa bình sẽ tốt hơn một cuộc chiến tranh nóng bỏng hay một khu vực bất ổn.

    Joe Biden hy vọng báo chí sẽ giật tít "Chiến tranh Afghanistan kết thúc" hay "Cuộc chiến dài nhất của Mỹ đã khép lại" khi nói về quyết định của ông. Nhưng 20 năm trôi qua và Taliban hiện đang thiết lập lại quyền kiểm soát, với tất cả những gì có thể phát sinh từ các diễn biến này, liệu các nhà sử học trong tương lai có thể đánh giá rằng dịp kỷ niệm 20 năm sự kiện 11/9 cũng đồng thời đánh dấu điểm bắt đầu của cuộc chiến tranh Afghanistan lần hai?

    https://www.bbc.com/vietnamese/world-58219743

    Không có nhận xét nào