Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Phú Khải - Covid-19: tin giả và cung cách quản trị

    Các nước châu Á hiện đang vất vả đối phó với đại dịch Covid-19 trên nhiều mặt trận khác nhau. Trong đó, đáng kể nhất là: một, vì thiếu vaccine nên tỷ lệ được chích ngừa còn rất thấp, tử vong rất cao; hai, biến thể Delta đang hoành hành, ngay cả những người đã hoàn toàn chích ngừa vẫn tiếp tục bị nhiễm và truyền Covid-19 cho người khác; ba, tin giả tràn ngập gây hoang mang bao người trong mọi xã hội.

    Tại Thái Lan, số ca nhiễm gia tăng kỷ lục vào thứ Sáu vừa qua, 6 tháng 8, với 21,379 ca, 191 tử vong trong một ngày. Đây là ngày thứ ba mà con số bị nhiễm trên 20 ngàn. Hệ thống y tế của Thái đã bị căng tối đa. Các bệnh viện tại Thái không còn giường bệnh hay nguồn lực cần thiết để quản lý những ca mới. Mạnh ai tự lo liệu lấy trong hoàn cảnh này.

    Tại Việt Nam, cũng vào ngày thứ Sáu, Bộ Y Tế ghi nhận 8,234 ca nhiễm mới, trong đó 4,060 ca từ Sài Gòn, 1,169 từ Bình Dương, 859 từ Long An, 554 từ Đồng Nai. 296 tử vong ghi nhận từ ngày 1 đến 6 tháng 8 tại 17 địa phương, đưa tổng số tử vong lên 3,016 cho đến nay. Số tử vong đích thực chắc còn cao hơn những gì được báo cáo. Nhiều người từ Việt Nam quan sát rằng, hàng trăm đến hàng ngàn người chết tại Sài Gòn và Bình Dương, nhưng báo chí không đăng tải tin này.

    Những quốc gia bị Covid-19 nặng nhất như Mỹ và Anh trong năm qua thì lại đang đi đầu trong việc chích ngừa, trong khi các quốc gia quản lý rất tốt trong năm qua thì đang bị nó trở lại hoành hành ngoài kiểm soát.

    Năm ngoái, các quốc gia tại Đông Nam Á, như Việt Nam, Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Miến Điện, đã quản lý Covid-19 khá thành công. Nhưng các biến thể của Covid-19, đặc biệt Delta, đã làm lung lay hệ thống y tế của tất cả các quốc gia này. Theo CNN, các nước Đông Nam Á đang vật lộn với các dịch vụ y tế quá tải, thiếu giường bệnh, trang thiết bị và Oxygen. Các nước này đang tái áp đặt lệnh phong tỏa, đóng cửa nhà máy ở các trung tâm sản xuất quan trọng, và hạn chế sự di chuyển của những công dân vốn đang gặp khó khăn về tài chính.

    Ngay từ đầu đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế và các nhà dịch tễ học, cũng như các lãnh đạo chính trị có tầm nhìn, hiểu rõ rằng chỉ có vaccine mới có thể là giải pháp duy nhất và lâu dài để đưa quốc gia ra khỏi tình trạng nguy bách. Hiện nay, tỷ lệ chính xác là gì để đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng thì chưa có sự đồng thuận. Misha Ketchell, thuộc The Conversation cho rằng con số đó phải ít nhất là 84%. Nhưng một quốc gia không thể đóng cửa mãi, do đó toàn thể nhân loại phải đạt được tỷ lệ đó thì mới bảo đảm lâu dài. Cho đến khi thế giới đạt được tỷ lệ này, chúng ta cần phải tìm cách sống chung với Covid-19.

    Dù sao, trong lúc này, mỗi quốc gia phải tự lo liệu lấy, tìm cách có được vaccine chất lượng cao, và nỗ lực chích ngừa cho toàn dân chúng, càng nhanh càng tốt. Hiện tại, tỷ lệ chích ngừa vẫn còn rất thấp tại Đông Nam Á, với Việt Nam ít hơn 1% dân số tiêm chủng toàn phần (fully vaccinated), Thái Lan khoảng 5%, Phi khoảng 7.2%, Nam Dương 7.6%, và Mã Lai 25.3%.

    Các số ca nhiễm mới do Delta, và số tử vong khắp nơi, từ Mỹ sang Anh, sang Đông Nam Á, cho thấy vài điều giống nhau. Một, theo cơ quan CDC của Mỹ, số người đã được chích ngừa toàn bộ vẫn có thể bị nhiễm và truyền cho người khác, nên tốt nhất họ nên mang khẩu trang để giảm lây truyền. Hai, rủi ro bị nhiễm và truyền cho người khác trong số những người chưa chích ngừa là lớn nhất. Ba, tỷ lệ số người bị nhiễm và chết rất cao trong số những người chưa chích ngừa, so với số người đã được chích là 99%. Theo viên chức y tế hàng đầu của Mỹ, Anthony Fauci, thì 99.2% ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ vào tháng Sáu là từ những người chưa tiêm chủng.

    Những thông tin và số liệu cơ bản về Covid-19 luôn được phổ biến chính thức và đầy đủ trên các cơ quan hữu trách tại các chính thể dân chủ, và trên các cơ quan truyền thông khả tín. Cho nên những ai muốn tìm hiểu sự thật thì không có gì khó cả. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất hiện nay là thông tin nhiễu, và tin giả, đang tràn ngập khắp nơi, dân chủ cũng như độc tài. Khi người dân không phân biệt được đâu thật đâu giả thì phần lớn là do sự thất bại của chính quyền. Nhưng nạn nhân trước hết trong tình huống này, vẫn là người dân.

    Hiện nay, tình trạng tin giả tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội, và trên các phương tiện truyền thông chính mạch.

    Theo khảo sát từ ngày 6 đến 9 tháng Năm năm 2021 đăng trên Statista với 2,200 người trưởng thành tại Mỹ, 16% người Mỹ tin rằng Fox News rất khả tín, 28% cho là khả tín phần nào, 15% không khả tín lắm, 28% hoàn toàn không khả tín, 12% có nghe đến nhưng không có ý kiến, 2% không biết gì về Fox News. Khảo sát này cũng trùng hợp với nghiên cứu của Pew Research vào đầu năm 2020, rằng có 43% người trưởng thành tại Mỹ tin tưởng thông tin chính trị và bầu cử của Fox News. Nhưng trong thời gian qua Fox News tiếp tục đưa những thông tin làm cho người khác e ngại, hoặc sợ hãi, về vaccine. Nhật báo The New York Times cho biết những người hướng dẫn chương trình như Tucker Carlson, Laura Ingraham và các khách mời trong chương trình của họ đã nói rằng vaccine có thể nguy hiểm; rằng mọi người có lý khi từ chối chúng; và rằng các cơ quan công quyền đã vượt quá mức trong nỗ lực cung cấp chúng. CNN và nhiều cơ quan truyền thông khác cũng trích dẫn các nhận định từ Carlson và Ingraham của Fox News. Tại Úc, Alan Jones, một trong người hướng dẫn chương trình của Sky News, cũng thuộc tập đoàn News Corp, đã đưa những thông tin bị YouTube xem là “tin giả” (misinformation), và chương trình của Jones bị ngừng phổ biến một tuần vào đầu tháng Tám. Theo điều tra của The Guardian thì có 6 videos của Sky News Australia do Alan Jones, Rowan Dean và Rita Panahi thực hiện đã bị xóa vì vi phạm chính sách của YouTube khi ủng hộ tính hiệu quả của hydroxychloroquine hoặc ivermectin như các phương pháp điều trị cho Covid-19. Trong khi đó, người đứng đầu News Corp, Rupert Murdoch, là một trong những người chích ngừa sớm nhất vào cuối năm 2020 khi nó hiện hữu, và ông cũng khuyến khích những người khác đi chích ngừa.

    Không biết vì sao có sự bất nhất này trong News Corp. Nhưng hệ quả của nó là rất lớn. Có những người dân không tin vào chuyên gia, vào các nhà y tế hàng đầu, và cả cơ quan hàng chục ngàn người được đào tạo chuyên nghiệp và có kiến thức chuyên môn của mình, và đang phục vụ hệ thống y tế cho hàng trăm triệu người. Thế nhưng họ lại đi tin vào những người hướng dẫn chương trình truyền hình mà không có sự hiểu biết chuyên môn nào cả.

    Những điều này hiện đang xảy ra tại một quốc gia dân chủ như Mỹ, nơi tự do ngôn luận/biểu đạt là tối đa có thể, và truyền thông là đệ tứ quyền. Tuy không có quyền để buộc các cơ quan truyền thông và mạng xã hội “giải quyết” nạn tin giả, vào giữa tháng Bảy, chính quyền Biden đã liệt kê các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, là nơi dung chứa và phát tán tin giả gây ra chết người. Đối với xu hướng chống vaccine đang được sự ủng hộ của một số người Mỹ hiện nay, chính quyền Biden ghi nhận tác hại kinh khủng của nó. Nhưng theo bác sĩ bác sĩ chuyên về tiêm chủng và hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor, Peter Hotez, nhận định rằng “Xu hướng phản khoa học được xem là một trong những kẻ giết người Mỹ hàng đầu, nhưng chúng ta không ... coi nó như vậy. Chúng ta không xem nó có tầm vóc như khủng bố toàn cầu, phổ biến vũ khí hạt nhân và tấn công mạng.”

    Quyền lực của các chính thể dân chủ, dù trong các vấn đề đúng đắn và chính đáng nhất, cũng luôn bị giới hạn. Bởi nếu không giới hạn, nguy cơ của lạm quyền và lộng quyền của nó còn kinh khủng hơn. Tuy nhiên, cách quản lý của các chính thể phi dân chủ, về dịch bệnh và thông tin, rất khác.

    Sài Gòn, Hà Nội và nhiều thành phố khác đang bị phong tỏa hai tuần. Người dân đi lại mua sắm cũng gặp nhiều trở ngại. Lệnh phong tỏa này có thể kéo dài hơn nữa nếu mức độ lây lan chưa kiểm soát được. Vì chủ quan, tự tin quá chăng sau khi quản lý phần nào hiệu quả Covid-19 năm qua nên Hà Nội vụng về trong chiến lược vaccine cho toàn dân. Hơn nữa, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, xuất thân từ phía công an, nên khả năng và kinh nghiệm điều hành quốc gia không nhiều. Để xem ông Chính sẽ điều hành cả nước ra sao để đối phó với đại dịch Covid-19 trong những ngày tháng tới. Trước mắt, người dân than oán rằng cung cách điều hành quản lý dịch bệnh và phong tỏa mang tính tùy tiện, người dân phải tự lo liệu lấy, và lãnh đạo thì chẳng thấy đâu cả. Luke Hunt thuộc The Diplomat bình luận rằng người dân Sài Gòn quan niệm rằng tự lo là cách tốt nhất để sống sót qua đại dịch, và xã hội dân sự đang làm những gì những gì chính quyền đang vất vả đối phó. Trong khi đó, tin giả về Covid-19 bằng tiếng Việt cũng tràn ngập, mà báo Tuổi Trẻ và nhiều cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam, như Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, có nhắc đến. Đưa tin giả tại Việt Nam, nếu chưa đến mức xử lý hình sự, thì có thể bị phạt theo Nghị định Chính phủ, từ 5-10 triệu hoặc lên đến 50-70 triệu đồng, theo tờ Người Lao Động.

    Tại Thái Lan, tin giả cũng tràn ngập làm cho dân chúng hoang mang tột cùng. Để đối phó, theo tờ Thai Enquirer, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ban hành lệnh khẩn cấp vào ngày 29 tháng Bảy, “nghiêm cấm việc trình bày, phổ biến thông tin kích động công chúng sợ hãi hoặc cố tình bóp méo sự thật để gây hiểu lầm về tình trạng khẩn cấp có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc đạo đức công vụ.” Điều đáng nói ở đây là lệnh này tuy có nói về tin giả, nhưng chủ yếu nhấn mạnh đến việc phổ biến thông tin kích động công chúng sợ hãi, dù đó là tin thật đi nữa. Các luật sư nhân quyền, cơ quan truyền thông và ký giả của Thái đồng loạt lên tiếng về mối ưu tư của mình. Họ đã ký thỉnh nguyện thư vào ngày 2 tháng Tám thư yêu cầu tòa án cứu xét. Ngày 6 tháng Tám, tòa dân sự của Thái đã ký sắc lệnh đình chỉ quy định của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trong ý đồ hạn chế quyền tự do ngôn luận và đe dọa kiểm duyệt internet.

    Thái Lan tuy chưa phải là một chính thể dân chủ, nhưng truyền thông, tòa án và quốc hội của họ vẫn có nhiều phần tự do và độc lập, và Thái có một xã hội dân sự đầy năng động, cho nên kết quả trên không có gì ngạc nhiên.

    Một hài kịch về trường hợp cụ thể này do Harrison George viết, có tên “Tường trình Cân bằng” (Balanced Reporting), đăng trên Prachatai ngày 3 tháng Tám, tóm tắt như sau. Một viên cảnh sát triệu tập một ký giả, hỏi ký giả có biết lý do vì sao bị triệu tập không. Ký giả lắc đầu, vì cho rằng mình không nhận được thông tin gì hết. Viên cảnh sát nói “anh là một ký giả, chẳng lẽ không đọc lấy chính tin tức của mình hay sao? Đang có lệnh khẩn cấp mới, liên quan đến gây ra sợ hãi trong dân chúng.” Ký giả ngơ ngác hỏi viên cảnh sát đang ám chỉ điều gì? Cảnh sát trả lời “có phải anh là người đưa thông tin về 178 tử vong hôm qua không”? Ký giả cho biết đúng vậy, nhưng nói thêm rằng tôi chỉ tường trình từ nguồn của chính phủ thôi. Chẳng lẽ nó là hành vi sai trái bây giờ sao? Cảnh sát trả lời nó sẽ là, nếu nó làm người ta sợ hãi. Cảnh sát hỏi ký giả “con số tử vong đó làm cho anh lo sợ không?” Chắc chắn bảo đảm, ký giả trả lời. Cảnh sát: “Thấy không, vậy không còn gì phải bàn cãi nữa.” Rồi viên cảnh sát yêu cầu ký giả khi tường trình cần cân bằng, nói tiêu cực thôi không đủ mà phải nói tích cực nữa mới được v.v…

    Tin giả, nhất là về y tế sức khỏe, rất là nguy hại vì nó liên quan trực tiếp đến sự sống còn của người khác. Do đó, dù ở bất cứ nơi đâu và dưới bất cứ chiêu bài nào, chúng ta không có lý do chính đáng nào để chấp nhận tin giả, chấp nhận sự lường gạt thất đức như thế. Tuy nhiên, kiểm soát nghiêm ngặt, và có khi toàn diện, truyền thông và thông tin, và sẵn sàng trừng phạt tù hay tiền với những ai đưa thông tin “không thật”, như tại Việt Nam, cũng đưa đến những sai lầm và hệ luỵ tai hại không kém. Sự thật, theo định nghĩa của phía cầm quyền, thường là phiến diện. Cho nên một bên thì lừa gạt, bên kia thì bóp méo hoặc chỉ nói lên một phần sự thật. Cái mọi quốc gia cần, nhất là trong thời kỳ khẩn cấp như đại dịch Covid-19, là các cơ quan truyền thông đúng đắn, đa chiều và biết thượng tôn các nguyên tắc đạo đức trong ngành truyền thông, được tự do và độc lập hoạt động.

    Những người dân sống trong các thể chế độc tài bị thiếu thông tin trung thực, và bị lôi cuốn vào các ma hồn trận. Khi nào người dân thật sự hiểu biết đúng đắn thì họ mới có thể là một công dân tốt để phục vụ xã hội và đất nước. Chính quyền Biden cũng phải tìm những sáng kiến và phương cách mới để thuyết phục người dân chích ngừa, tin vào vaccine, tin vào khoa học v.v… Cho nên chiến lược truyền thông hiệu quả mang tính cách quyết định đối với mọi hoạt động quan trọng trong mọi xã hội. Còn khi nào giới truyền thông, chính trị, thương mại, tôn giáo, hay các quyền lợi nhóm, nhắm đến chính sách ngu dân để trục lợi cho chiêu bài của mình, thì đất nước sẽ mãi mãi không thể nào cất cánh lên được.

    https://www.voatiengviet.

    Không có nhận xét nào