Hướng dẫn di tản tại phi trường Hamid Karzai, Kabul, 24 tháng Tám. (US Air Force photo)
Sau khi quân Mỹ chiếm được Kabul, tháng 11 năm 2001, giáo sĩ Muhammad Omar lãnh tụ Taliban đang ở Kandahar, liên lạc với Hamid Karzai, người sắp được Mỹ đưa lên làm tổng thống lâm thời. Omar xin đầu hàng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld tuyên bố không chấp nhận.
Muhammad Omar chạy qua Pakistan rồi chết năm 2013. Donald H. Rumsfeld mới qua đời ngày 29 tháng Sáu năm 2021. Ngày 15 tháng Tám quân Taliban trở lại chiếm thủ đô Kabul. Vai trò ở Afghanistan đã đảo ngược, bây giờ Mỹ cần Taliban hơn là Taliban cần Mỹ.
Ngày 22 tháng Tám, giám đốc Trung ương Tình báo Mỹ (CIA) William Burns phải tìm gặp Abdul Ghani Baradar, người đại diện cho Taliban thương thuyết với chính phủ Mỹ từ năm 2018. Cuộc gặp gỡ bí mật, có lẽ để yêu cầu họ giúp cho dân Mỹ và các nước NATO có thể đến phi trường Kabul nhanh chóng hơn, trước kỳ hạn 31 tháng Tám. Hai ngày sau, phát ngôn viên Zabihullah Myjahid của Taliban tuyên bố Mỹ có đủ khả năng đưa hết người của mình ra đi trước ngày hẹn. Cùng lúc đó, ông Joe Biden nói với các nước đồng minh G-7 rằng cuộc rút lui sẽ giữ đúng hẹn, dù chính phủ Anh và Đức, lo lắng cho kiều dân của họ, đang muốn Mỹ trì hoãn.
Cả thế giới kinh ngạc trước cảnh sụp đổ của một chính quyền Afghanistan được Mỹ xây dựng và hỗ trợ gần 20 năm. Uy tín của nước Mỹ sụp đổ không khác gì sau thất bại ở Việt Nam.
Những người Hồi Giáo cực đoan khắp nơi sẽ nức lòng. Các nước đối nghịch, Nga, Trung Cộng, Iran được cơ hội lấp vào chỗ trống Mỹ để lại trong vùng Trung Đông và Trung Á châu.
Các nước đồng minh cảm thấy người Mỹ chỉ lo cho chính mình theo chủ trương “Mỹ trước hết” sẵn sàng bỏ rơi bè bạn. Armin Laschet, người có thể sẽ làm thủ tướng Đức kế vị bà Merkel, nói thẳng, “Đây là vụ thất bại lớn nhất của khối NATO kể từ khi thành lập.” Tom Tugendhat, một dân biểu Anh đã từng chiến đấu ở Afghanistan, đề nghị Anh phải tăng cường hợp tác với các nước Âu châu để không tùy thuộc vào một ông tổng thống Mỹ nào cả. Nirupama Rao, cựu nhân viên ngoại giao Ấn Độ thấy trong vùng này nước Mỹ không còn được tin tưởng nữa. Thủ tướng Pakistan, Imran Khan, còn ca ngợi Taliban đã phá vỡ những “xiềng xích nô lệ” cho dân Afghanistan.
Mỹ đã nhiều lần khiến các đồng minh thất vọng như vậy. Các nước Âu châu bất bình khi Tổng thống Barack Obama không muốn can thiệp vào cuộc nội chiến ở Libya năm 2011; và năm 2013 không trừng phạt khi Syria vẫn dùng vũ khí hóa học, như đã đe dọa. Năm 2019, các đồng minh Á Rập thấy Tổng thống Donald Trump phản ứng quá yếu ớt khi không ném bom trả đũa vụ Iran phá nhà máy lọc dầu của Saudi. Cuộc rút quân vội vàng và hỗn độn của Tổng thống Joe Biden cho thấy cảnh nước Mỹ lúng túng, bất lực, tất cả đã bắt nguồn từ những chiến lược bất nhất trong bốn đời tổng thống.
Nhưng Afghanistan không phải là nơi mang quyền lợi thiết yếu của nước Mỹ. Rút khỏi Afghanistan, Mỹ có thể chú tâm đến các vùng sinh tử hơn.
Nghĩ đến cùng, các đồng minh vẫn không thay thế được vai trò của Mỹ. Giáo sư Michael Fullilove, đứng đầu viện nghiên cứu Lowy Institute ở Sydney thú nhận vụ Afghanistan “không thay đổi những tính toán của Australia.” Nước Nhật có lo lắng bị Mỹ bỏ rơi như Afghanistan không, một viên chức cao cấp trả lời:”Không! Vì Nhật khác Afghanistan!” Nam Hàn, nhất là Đài Loan, chắc cũng nghĩ như vậy, mặc dù Bắc Kinh tìm đủ cách nói ngược lại.
Trung Cộng đồng ý với Tổng thống Trump khi ông kết án ông Biden làm cho người Trung Quốc tha hồ chế nhạo nước Mỹ. Dân trên mạng trong lục địa khuyên nhau: “Nếu bạn chán đời thấy mình không làm được gì nên hồn, thì ... hãy nhớ lại rằng bốn đời tổng thống Mỹ tiêu hàng ngàn tỷ đô la, mất mấy ngàn người trong 20 năm … lật đổ Taliban chỉ để thay bằngTaliban!” Chủ bút Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times 环球时报) ở Bắc Kinh, Hồ Tích Tiến (Hu Xijin, 胡锡进) viết, “Sau khi chế độ ở Kabul sụp đổ, chính quyền Đài Loan đang run sợ! Thôi đừng trông cậy được Mỹ bảo vệ nữa!” Dân và chính phủ Đài Loan tỏ ra không hề nao núng!
Điều làm Bắc Kinh hãnh diện nhất là quân Taliban đã theo đúng sách lược Mao Trạch Đông: “Dùng nông thôn bao vây thành thị.” Trong 19 năm, quân Taliban chỉ chiếm một thành phố Kunduz một lần, rồi bỏ đi. Nhờ tuyên truyền và du kích chiến, cuối cùng đánh một đòn chí tử: Bắt đầu ở Zaranj ngày 6 tháng Tám, ngày 15 chiếm Kabul. Nhanh hơn thời hạn Mao Trạch Đông chiếm Bắc Kinh.
Taliban làm chủ nước Afghanistan thay đổi bàn cờ vùng Trung Á. Trong 20 năm họ đã tuyển mộ được những người Hồi Giáo cực đoan, những quân tình nguyện từ vùng Chechnya, nước Nga và Tân Cương, Trung Quốc và Phong trào Hồi Giáo Đông Turhestan. Tổng thống Vladimir Putin đã báo động “quân khủng bố” đang theo các dân tị nạn chạy qua các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ để chuẩn bị xâm nhập Nga. Trung Cộng đã yêu cầu Taliban không để cho các chiến binh gốc Uyghur quay trở về Tân Cương.
Trung Cộng đã có thứ vũ khí khác, theo kinh nghiệm dùng tiền để mua chuộc các nước trên “Một vòng đai, Một con đường.” Phát ngôn viên Ngoại giao Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên, 赵立坚) hứa hẹn Bắc Kinh sẽ hỗ trợ các kế hoạch tái thiết kinh tế, xã hội cho Afghanistan.
Nhưng Taliban, theo đúng tên gọi, là những “chủng sinh” xuất thân từ các trường đạo Hồi Giáo (madrasah) ở Pakistan. Thời 1990 các sinh viên này được Osama bin Laden tài trợ tổ chức kháng chiến chống quân Nga. Họ quan tâm đến lý tưởng tôn giáo hơn là kinh tế. Taliban có chịu bỏ rơi những người đồng đạo ở Chechnya, Tân Cương để mở đường xe lửa hay khai thác “khoáng chất hiếm” (rare earth) hay không?
Cũng như các ông tổng thống Mỹ không hiểu xứ Afghanistan thế nào, Putin và Tập Cận Bình không thể đoán Taliban sẽ hành động ra sao.
Đoán vận mệnh nước Mỹ rất khó. Sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, trong 15 năm, chế độ cộng sản sụp đổ ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Trong 20 năm kế tiếp, Mỹ đưa kinh tế cả thế giới tiến từ thời kỳ dầu lửa sang thời kỳ chất bán dẫn; thông tin và tri thức trở thành động lực phát triển thay vì năng lượng và nguyên liệu. Sau 40 năm, Cộng sản Việt Nam chỉ muốn kết thân với Mỹ để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Cộng.
Cuối cùng, sức mạnh của nước Mỹ dựa vào khả năng vận dụng các nguồn lực kinh tế tiến tới mãi không ngừng. Thể chế chính trị trông từ bên ngoài chỉ thấy tranh chấp và chia rẽ, nhưng ở bên trong đã tạo cơ duyên cho óc sáng tạo cạnh tranh, thi đua không ngừng, được luật pháp bảo đảm.
Cơn đại dịch Covid-19 làm người Mỹ chết nhiều nhất thế giới. Giữa lúc đó, một cuộc bỏ phiếu chia dân Mỹ thành hai phe kình chống nhau kịch liệt. Nhưng các công ty Mỹ vẫn sản xuất các loại vaccine mà cả thế giới muốn được cung cấp. Người điều khiển những công ty đó đều là di dân từ nước khác đến Mỹ. Sau cơn bệnh dịch Mỹ sẽ hồi phục để kéo kinh tế thế giới lên theo. Các nước vẫn tranh nhau bán hàng cho Mỹ khiến cho cước phí chuyên chở một “công” (container) từ bờ Tây Thái Bình Dương qua Mỹ đắt gấp đôi giá đưa qua Âu châu.
https://www.voatiengviet.com/a/dia-vi-my-tren-the-gioi-se-ra-sao/6015530.html
Không có nhận xét nào