Bà Kamala Harris tới Căn cứ Không quân Paya Lebar ở Singapore hôm 22/8 mở đầu cho chuyến viếng thăm Singapore và Việt Nam.
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Đông Nam Á (ASEAN) có 11 nước, cuối tháng Bảy vừa qua Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyed Austin viếng thăm 3 nước Singapore, Việt Nam và Philippines mới về Mỹ, thì tháng sau Phó Tổng Thống Mỹ bà Kamala Harris đến thăm hai nước Singapore và Việt Nam. Sự viếng thăm dồn dập của những nhân vật cao cấp Tòa Bạch Ốc đến Việt Nam gây sự chú ý cho mọi người.
Tại sao chỉ thăm 2 trong 11 nước?
PTT Kamala Harris đi thăm Singapore thì dễ hiểu, do
Singapore có căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ. Từ năm 1990, Singapore đã ký một
thỏa thuận cho phép Mỹ sử dụng phi trường quân sự Paya Lebar Airbase và quân cảng
Sembawang của Singapore đến năm 2035. Đây là hai vị trí quân sự duy nhất của Mỹ
tại Đông Nam Á, giữ nhiệm vụ tình báo (radar) để theo dõi những hoạt động của đối
phương trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời làm chốt canh eo biển huyết
mạch Malacca. Sân bay quân sự này không lớn như ở đảo Guam, nhưng rất cần thiết
cho việc “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Singapore, một giải đất rất nhỏ (728.6 km2) chỉ bằng nửa thành phố Cần Thơ Việt
Nam (1439.3 km2) có địa chính trị đặc biệt về hàng hải, nơi dừng chân nhận tiếp
liệu và sửa chửa tàu bè thế giới thông thương trên Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Singapore cũng có cảng nước sâu để tàu ngầm đồn trú…
Singapore không ký hiệp ước bất tương xâm với Mỹ như Philippines. Lập trường về
Biển Đông nghiêng về Mỹ, về kinh tế thì giao thương với Mỹ và Trung Cộng để hưởng
lợi hai đầu. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi nghe Thủ Tướng Singapore Lý
Hiển Long vừa rồi tuyên bố “Mỹ và Trung Cộng phải tìm cách hợp tác ngay cả khi
không tin tưởng nhau hoàn toàn, vì nếu quan hệ tiếp tục suy yếu, khả năng xung
đột quân sự sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới”. Lời
tuyên bố này phù hợp với quyền lợi của Singapore vì Mỹ và Trung Cộng đánh nhau
thì nền giao thương của Singapore bị thiệt thòi từ hai phía. Tuy nhiên, có thể
không hợp đối với một số quốc gia khác cần có chiến tranh để giải quyết dứt
khoát vấn đề, để lâu “phân trâu hóa bùn”, Trung Cộng hợp thức hóa Biển Đông như
ao nhà.
Bà Harris đến Singapore để gắn bó thêm tình thân thiện vốn có, xác định mãnh đất nhỏ bé này rất quan trọng và được Hoa Kỳ luôn luôn quan tâm đúng mức.
Còn Việt Nam thì sao?
Việt Nam không như Singapore, là nước cựu thù, đang có thể chế chính trị đối nghịch. Lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam vẫn còn nghi ngờ thiện chí của Washington, tình báo CIA vẫn là bóng ma ám ảnh trong tâm trí giới lãnh đạo Hà Nội.
Vậy đâu là ẩn số của bà Harris đến thăm Việt Nam?
Bà Harris là Phó Tổng Thống Mỹ đầu tiên đến thăm chính thức
Việt Nam, sở dĩ chuyến đi của bà có sự chú ý vì bà nối chân chuyến đi của Bộ
Trưởng Quốc Phòng Lloyed Austin vừa mới đến Việt Nam cuối tháng trước. Thái độ
này không thấy Washington đối với Việt Nam trước đây, kể cả thời trước năm
1975.
Chuyện lãnh đạo Mỹ thăm nhà nước CSVN không có gì lạ. Đã có nhiều nhân vật số 1
Hoa Kỳ đến thăm, như TT Bush con (11/2006), TT Trump (11/2017 và 2019). Hai cựu
Tổng Thống này đến Việt Nam dự Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN, hoặc dự Hội Nghị với
Kim Jong Un, tiện thăm ngoại giao nước chủ nhà. Tháng 11/2000, TT Clinton đến
thăm Việt Nam đánh dấu bình thường hóa bang giao Việt-Mỹ sau 20 năm chấm dứt
chiến tranh. TT Obama đến thăm Việt Nam tháng 5/2016 nhằm tuyên bố bỏ cấm vận
bán vũ khí sát thương cho nhà nước CSVN, nói chuyện với giới trẻ, sinh hoạt
bình dân ăn bún chả cá ở một nhà hàng tại Hà Nội.
Một điều không thể phủ nhận là sau khi Mỹ bình thường hóa bang giao với Việt Nam năm 1995, quan hệ ngoại giao giữa Việt-Mỹ đạt nhiều tiến bộ to lớn. Lớn cỡ nào đang nằm trong hồ sơ “tuyệt mật” của Washington và Hà Nội. Người dân hai nước đặt dấu hỏi thỉ chỉ trả lời theo kiểu đoán già đoán non chứ khó chính xác!
Chúng ta căn cứ những sự kiện xẩy ra giữa Mỹ-CSVN để suy ra thời thế:
Từ năm 1995, qua những đời tổng thống Mỹ, dù Cộng Hòa hay
Dân Chủ họ đều có một con đường là tìm cơ hội để lấy lòng kẻ thù xưa, với mục
đích từng bước “kéo” Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Trung Cộng, xích lại gần với
Mỹ qua những hành động có tính cách “o bế” như:
Thứ nhất: Washington bưng tai, bịt mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền
nghiêm trọng của CSVN, như sự việc xẩy ra đầu năm ngoái vào tháng 1/2020, CSVN
đưa cả sư đoàn công an trang bị vũ khí tối tân tấn công vào làng Đồng Tâm bắn
chết ông Lê Đình Kình. Trước đó, vào tháng 1/2006, nhà cầm quyền CSVN cho xe ủi
sụp khu nhà Vườn Rau Lộc Hưng ở quận Tân Bình, Sài Gòn, cùng với hàng ngàn vụ bắt
bớ tùy tiện những người viết lên những suy nghĩ, nói lên sự tình trạng công áp
bức, đòi công lý, bảo vệ môi trường trên mạng xã hội đều bị nhà nước CSVN chụp
mũ “tuyên truyền lật đổ nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa” và kết án trên dưới 10 năm
tù… Mỹ biết rõ điều này mà vẫn im lặng để được lòng lãnh đạo CSVN!
Thứ hai: Bất cứ vị đại sứ Mỹ nào khi gặp cộng đồng người Việt tại Mỹ đều khoe thành tích đưa nhiều sinh viên Việt Nam qua Mỹ du học, có năm đến 24,329 học sinh (1). Thực ra, trong số đó, phần lớn là “con cháu cán bộ CSVN đến Mỹ để “học thì giả” nhưng “chuyển tiền thì thật” – tiền bất lương do cha mẹ chúng tham nhũng vơ vét ở Việt Nam. Điều này Mỹ biết rõ, nhưng họ xem đó như món quà để lấy lòng “quan chức” CSVN cho mục đích của mình.
Thứ ba: Những việc làm xấu của CSVN, Mỹ không lên tiếng can thiệp, mà lại làm con bò sửa về kinh tế cho nhà nước CSVN. Từ năm bắt đầu bang giao 1995 đến năm 2020, giao thương Việt-Mỹ tăng 194 lần, mức độ gia tăng chưa từng có trong lịch sử giao thương của nước Mỹ. Năm 1995, giao thương là $461.3 triệu USD, chưa đầy nửa tỉ, đến năm 2020 lên đến $89,530 triệu USD, hơn 89 tỉ rưởi (2). Theo World Bank, tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Việt Nam năm 2020 là 271 tỉ USD (3). Chỉ một phép tính đơn giản cho ta đáp số nền giao thương của Mỹ đã cung cấp 33% cho Tổng Sản Lượng Việt Nam.
Thứ tư: Mỗi lần giới chức cao cấp của Mỹ đến thăm Việt Nam luôn kèm theo những món quà hậu hĩnh trong cái gọi là “bồi thường chất độc màu da cam”, viện trợ giáo dục, y tế, xây hạ tầng cơ sở, bến cảng. Thỉnh thoảng cho tàu chiến ghé vào vịnh Cam Ranh chở thêm một bộ trưởng tuyên bố vịnh Cam Ranh này rất đẹp, rất tốt, Mỹ có thể thuê hàng tỉ đô-la một năm v.v.
Thứ năm: Thời TT Obama, Mỹ mời Nguyễn Phú Trọng với tư cách Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đến thăm Washington vào tháng 7/2005. TT Obama đã tiếp tại phòng Bầu Dục trong Tòa Bạch Ốc như một quốc khách Tổng Thống hay Thủ Tướng dân cử. Việc tiếp khách trái nguyên tắc ngoại giao (no protocal), vậy mà Mỹ vẫn làm để nâng cao thể diện cho CSVN (mua danh ba vạn). Khi tiếp Trọng, TT Obama còn tuyên bố “Mỹ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam”. Miếng mồi này khá thơm, nhưng CSVN vốn rất đa nghi cho nên Nguyễn Phú Trọng đáp lại “Khi có lòng tin, thì bạn đã đạt được một nửa thành công”. Cho thấy CSVN vẫn chưa tin Mỹ.
Tất cả những gì Mỹ đối với nhà nước CSVN: im lặng lấy lòng, tặng quà béo bở, lời tuyên bố ủng hộ, cuộc đón tiếp mà CSVN cho là “trọng thị”… hầu như chưa đủ hấp lực để câu con cá vốn sống trong ao tù Xã Hội Chủ Nghĩa quen mùi xì dầu của Bắc Kinh. CSVN vẫn còn lừng khừng tuyên bố “Việt Nam không liên kết với nước nào để chống nước thứ ba”.
Thế thì những bà Harris đến Việt Nam sẽ làm gì?
Ngày 24/08, thứ Ba tuần này, bà đến Hà Nội. Từ 25 năm qua, Washington có một chính sách nhất quán từ tổng thống này sang tổng thống khác là “O bế và tiếp tục o bế để lôi kéo CSVN vào quỹ đạo của mình để chống Trung Cộng”. Lúc này, lực kéo chưa đủ để đưa CSVN về phía mình, trong khi Trung Cộng thì hung hăng tiến lên ở Biển Đông, nên bà Harris vội vàng đến Hà Nội để tăng lực kéo.
Lực kéo của bà Harris trong chuyến đi này gồm những gì?
1) Bà PTT Harris đến Hà Nội đóng vai “từ mẫu”, tuyên bố
chúng ta cùng nhau chống dịch Corona Virus Vũ Hán. Nói “chúng ta” là để giữ “thể
diện” cho Bắc Bộ Phủ, chứ CSVN chống dịch mấy tháng nay chẳng ra thể thống gì cả.
Nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đang vỡ trận, thủ đô kinh tế Sài Gòn hoảng loạn thê
thảm vì đại dịch Covid-19 biến thể Delta. Nước Mỹ đang có thuốc ngừa tốt, đã
ngăn dịch khá hiệu quả nhờ chích vaccine “Made in USA”. Dù Mỹ đã viện trợ cho
Việt Nam 5 triệu liều vaccine, với số này CSVN chưa đủ để tiêm cho 4 triệu đảng
viên Cộng Sản thì lấy đâu mà tiêm cho 100 triệu dân đen.
Khi gặp lãnh đạo CSVN, câu đầu tiên là xin bà Phó Tổng Thống cho thêm vaccine,
thế là bà Kamala Harris với thói quen cố hữu mở miệng cười toe toét, tuyên bố
“OK” sẽ tặng thêm vaccine cho Việt Nam. Trong khi đó Nguyễn Phú Trọng ngồi uống
trà trong Bắc Bộ Phủ rung đùi cười đểu “bố khỉ, bà cho ông vaccine thì ông
chích để chống cúm Tàu, chứ ông có chống Tàu đâu mà bà cười khoái chí vậy”.
Bà Harris tiếp Bộ Trưởng Y Tế nhà nước CSVN Nguyễn Thanh Long để cùng với các
chóp bu CSVN đến cắt băng khánh thành Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Dịch
Đông Nam Á (CDC), đặt trụ sở tại Hà Nội.
Đó là vở kịch toàn hảo trong vai “từ mẫu” cứu Việt Nam đang lúc thập tử nhất sinh.
2) Khi đối diện với lãnh đạo CSVN, PTT Harris nhấn mạnh về việc tôn trọng Luật Biển Quốc Tế 1982. Bà sẽ nói với chóp bu CSVN rằng nếu Trung Cộng không tôn trọng luật biển thì ngư phủ người Việt ra bờ sẽ bị Du Kích Biển China giết hại, và Việt Nam khai thác tài nguyên trên vùng Đặc Quyền Kinh Tế (EEZ) của mình trên Biển Đông bị Trung Cộng đánh đuổi. Chúng tôi [Mỹ] sẽ viện trợ tàu tuần duyên để Việt Nam có khả năng bảo vệ bờ biển và vùng EEZ của mình. Nghe thấy hợp lý vì có lợi cho đôi bên: phía Việt Nam ngư dân được bảo vệ khi ra bờ đánh cá, phía Mỹ dùng người Việt để đánh Du Kích Biển China mà Washington đang điên đầu không biết làm sao đẩy lui đám giặc “nửa dân, nửa lính” đông như kiến của Trung Cộng trên Biển Đông. Trong mục này Washington và bà Harris đã tính sai nước cờ.
a – Luật Biển Quốc Tế ư? Chỉ có Trung Cộng là vi phạm Luật
Biển Quốc Tế 1982, và xé bỏ phán quyết Tòa án Quốc tế La Haye chứ không phải Mỹ,
Việt Nam… Cho nên bà nên nói chuyện này với Tập Cận Bình. Còn chuyện viện trợ
tàu tuần duyên thì CSVN sẽ dùng làm cảnh để lòe với dân VN thôi. Nếu CSVN dùng
tàu tuần duyên Mỹ viện trợ đánh Du Kích Biển China trên Biển Đông thì thử hỏi
Hà Nội dựa vào đâu để duy trì quyền lực cai trị?
b – Chuyện bảo vệ ngư dân Việt Nam ư? Từ xưa đến nay nhà nước CSVN chưa bao giờ
– dù chỉ một lần – bảo vệ quyền lợi cho người dân. Họ chỉ nghĩ đến quyền lợi cho
Đảng. Cho nên họ sợ Trung Cộng hơn sợ cái chết của ngư phủ Việt Nam.
3) Ngoài ra, bà Harris còn vẽ ra một bức tranh tuyệt đẹp dùng làm mồi CSVN, như giúp Việt Nam bảo vệ môi trường, phát triển các dự án giúp sông Cửu Long khô nước, đem theo những nhà đầu tư đến Việt Nam ký hợp đồng, khuyến khích Việt Nam mở nhà sản xuất chip điện tử… Thả quả bóng ca ngợi Việt Nam sẽ là một cường quốc đứng hạng nhì cung cấp chuỗi cung ứng cho thế giới nhất là Mỹ.
4) Bà PTT đến để nâng cấp ngoại giao giữa Washington – Hanoi: hiện nay hai nước đang ở cấp ngoại giao thứ ba gọi là “Đối Tác Toàn Diện”, có nghĩa là quan hệ bình thường giữa hai nước, có thể một vài lãnh vực nào đó (không phải tất cả mọi lãnh vực) được nâng lên hàng chiến lược. Vì sự tin cậy giữa hai bên chưa đủ, hoặc thời điểm chưa chín mùi…Nếu nâng từ hàng thứ ba lên hàng thứ hai là “Đối Tác Chiến Lược” thì mối quan hệ dựa trên các lãnh vục hai bên đều có lợi, trong đó có thể có vấn đề an ninh quân sự (4).
Phần này bà PTT Harris cũng lầm, thật ra chẳng cần, CSVN thường xài luật rừng, khi mà họ đã cắn câu của Mỹ thì bao nhiêu hải cảng ở Việt Nam Mỹ muốn vào ra lúc nào chẳng được. Còn nâng cấp ngoại giao từ hạng ba lên hạng hai hoặc hạng nhất cũng chẳng ăn thua gì. Khi cần CSVN đối sử với Mỹ còn tệ gấp trăm lần so với ông Duterte ở Philippines.
Ngoài những việc trên, bà Harris còn lấy điểm cho đảng Dân Chủ, theo truyền thống đảng này, đi đâu cũng nhắc nhở thiên hạ về nhân quyền. Lần này đến Việt Nam cũng không ngoại lệ, bà nhắc qua (mention) về vi phạm nhân quyền để báo chỉ quốc tế có hỏi thì bà sẽ trả lời theo kiểu “ỡm ờ” như ông Biden khi gặp Putin ở Genève: “Tôi đã nói với Tổng thống Putin rằng chương trình nghị sự của tôi về nhân quyền không chống lại Nga hay bất kỳ ai khác, mà là vì người dân Mỹ”.
PTT Kamala Harris sẽ “phóng tiền tài, thu nhân tâm” tặng vaccine, dựa trên sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ để cho CSVN một viễn ảnh tốt đẹp nếu hợp tác với Mỹ… Chuyến công du của bà đến Việt Nam gói trọn trong chữ “kéo” Việt Nam về phía Mỹ hoặc hợp tác với Bộ Tứ (Mỹ-Nhật-Úc-Ấn) để chống Trung Cộng. Không biết lực kéo của bà Harris có hiệu quả nào không trong lúc này? Vào lúc mà Việt Nam rất cần vaccine của Mỹ để chống dịch và viện trợ của Mỹ để hồi sinh sau khi hết dịch.
Lời kết:
Không biết những nhà tâm lý học đặc trách tình báo Mỹ, và những bộ óc thông minh của siêu cường Hoa Kỳ có bao giờ đặt nặng vấn đề: Trong thâm tâm những chóp bu CSVN sợ gì nhất? – Điều mà họ sợ nhất ắt họ sẽ đem hết sức để bảo vệ và đề phòng nghiêm ngặt nhất. Đó là mấu chốt của mọi vấn đề. Nếu trả lời chính xác vấn đề nêu trên, thì mọi nỗ lực của Mỹ hiện nay sẽ có kết quả tốt. Còn không thì Mỹ chỉ hoài công, tốn của rồi thất bại như ở Afghanistan thôi.
Tôi xin mạo muội trả lời giúp là trong thâm tâm những thành phần lãnh đạo CSVN sợ nhất là mất quyền lực cai trị độc tài của Đảng – Khi mất quyền lực thì họ mất tất cả. Cái “tất cả” mà họ có được không do mồ hôi, nước mắt mà có, mà do dùng “quyền lực” cướp đoạt của người dân một cách vô cùng bất công, thất nhân, ác đức…Khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực họ tha hồ làm chuyện bất chính để trở nên giàu có nhanh chóng, và họ bám vào quyền lực để bảo vệ những tài sản bất lương đó. Mất quyền lực thậm chí mạng sống của họ cũng khó giữ, những của cải kiếm được chìm nổi từ trong ra ngoài nước đều mất sạch. Cuộc đời tù tội, tăm tối đang chờ trước mắt… Do đó họ bám chặt quyền lực cai trị như bảo vệ mạng sống chính bản thân họ.
Ai có thể bảo đảm chiếc ghế quyền lực cho CSVN? Trả lời: Trung Cộng. Chỉ có Trung Cộng mới là chỗ dựa vững chắc để CSVN duy trì quyền lực vì cả Bắc Kinh và Hà Nội đều “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Hơn nữa, nếu Trung Cộng để CSVN thất thủ thì chẳng khác gì Bắc Kinh tự bắn vào chân mình.
Cộng Sản là thế, chỉ có thế, rất khó thay đổi. Cho nên ở Việt Nam, người dân có câu “theo Mỹ mất Đảng, theo Tàu mất nước”. CSVN thà mất nước chứ không để mất Đảng!
Khi đối diện với một đối tượng để mặc cả một điều gì cần phải biết đích thực “đối tượng muốn gì?”. Còn không thì những nghệ thuật mặc cả như những lý thuyết của những cuốn sách ở Mỹ trở thành vô dụng.
Hoa Kỳ ngày 22 tháng 8 năm 2021
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Chú thích:
(1) https://vn.usembassy.gov/vi/so-luong-du-hoc-sinh-viet-nam-bac-dai-hoc-tai-hoa-ky-tang-18-nam-lien-tiep/
(2) https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5520.html
(3) https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.CD?locations=VN
(4) Đối
tác chiến lược, đối tác toàn diện (Việt Nam)
https://vietquoc.org/doi-dieu-pho-tong-thong-kamala-harris-di-tham-viet-nam/
Không có nhận xét nào