Header Ads

  • Breaking News

    Huỳnh Công Đương - Cảm tình quân phiệt trên đường phố Sài Gòn

    “Đưa quân đội vào là chấn chỉnh lại được ngay” – quan điểm này ẩn chứa nhiều vấn đề.

    Bộ đội gác chốt kiểm soát tại giao lộ Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh, thuộc quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh sáng ngày 23/8. Ảnh: Zing News.

    Rạng sáng ngày 23/8/2021, trên mạng tràn ngập hình ảnh những người quân nhân hiên ngang vác súng AK đứng canh chốt kiểm soát và tra hỏi giấy tờ của người đi đường tại TP. Hồ Chí Minh. 

    Các bình luận phía dưới tưng bừng như thể Việt Nam vừa giành lại Hoàng Sa:

    “Đấy, kiểm sát quân sự đấy, giỏi thì cãi nữa đi.” – một người nói. 

    “Hoan hô anh bộ đội cụ Hồ!” – một bình luận khác hào hứng.

    Một số bình luận khác ám chỉ (sai luật) về “hậu quả” kinh hoàng khi dám chống lại việc quân đội thực thi các biện pháp chống dịch.

    Trong cùng bối cảnh đó, nhiều chị em phụ nữ chộn rộn nói rằng mình sẽ chuẩn bị xiêm y để lấy chồng quân đội, rồi cùng lúc đó “share” ảnh các “ông chồng” diễn viên ở… Hàn Quốc.

    Không ai nhận ra rằng họ đang cổ xúy cho việc ủng hộ vũ lực quân phiệt (militarism), một thứ dường như tồn tại mặc nhiên trong một bộ phận dân cư. Và cũng ít ai hỏi về tính đúng đắn về mặt thủ tục (due process) của việc quân đội tham gia trong những tình huống quản lý hành chính đời thường, dù là trong bối cảnh dịch bệnh đi chăng nữa.

    *** 

    Trở lại khoảng tháng 9/2020, khi cả châu Âu đang rệu rã vì dịch và khi người Việt Nam đang ngạo nghễ khoe chiến tích chống dịch của mình khắp mọi nơi, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng đề nghị với các lãnh đạo cảnh sát quốc gia về việc điều động quân đội hỗ trợ kiểm soát đường phố tại các thành phố ở Vương quốc Anh. [1]

    Giới chức lãnh đạo cảnh sát Anh từ chối phủ đầu.

    Martin Hewitt, Chủ tịch Hội đồng Cảnh sát trưởng Quốc gia (National Police Chief’s Council), thẳng thắn: “Trị an (policing) là một hoạt động đặc thù, với vai trò đặc thù của cảnh sát. Bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía quân đội cũng cần phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng.”

    John Apter, người đứng đầu Liên đoàn Cảnh sát Anh và xứ Wales cũng nói thêm: “Hoạt động trị an không yêu cầu đến sức mạnh của quân đội. Và quân đội cũng không phải thứ cần cho công việc trị an.”

    “Tình hình [COVID-19] thay đổi liên tục, và lực lượng cảnh sát đang thích ứng rất nhanh chóng” – ông nói thêm.

    Cho đến nay, có thể đánh giá cảnh sát Vương quốc Anh đã thành công phần nào trong hoạt động trị an giữa thời COVID-19 loạn lạc, với hàng chục ngàn ca nhiễm mỗi ngày mà không cần sử dụng đến quân đội.

    *** 

    Nhắc lại chuyện ở Anh không phải để ám chỉ rằng quân đội các quốc gia văn minh thì không tham gia vào các nỗ lực chống dịch, đặc biệt là hoạt động trị an. Ngược lại, việc tận dụng quân đội vào công tác trị an đến thời điểm này là tương đối phổ biến. [2] Từ tâm điểm của dịch bệnh tại châu Âu năm trước là Ý, cho đến đường phố ở Pakistan hay các khu ổ chuột tại San Salvador, cảnh tượng quân đội tuần tra đường phố để bảo đảm các lệnh giãn cách xã hội, lệnh giới nghiêm đã được báo chí nước ngoài ghi nhận.

    Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết báo chí, truyền thông, chính phủ lẫn người dân nước ngoài nhìn nhận được sự bất hợp lý khi để quân đội tham gia vào những hoạt động nói trên. Người dân ở khá nhiều quốc gia, tương tự như nước Anh, không thoải mái với ý tưởng này.       

    Chẳng hạn, nhiều quan điểm cho rằng quân đội có thể được tận dụng để làm những chuyện khác tốt hơn là trị an. [3]

    Kỹ thuật, nguồn lực và khả năng ứng phó khẩn cấp của quân đội là rất phù hợp trong việc hỗ trợ hậu cần, y tế, lương thực và bảo vệ chuỗi cung ứng trong vùng có dịch nặng nề.

    Lực lượng quân y có trình độ trong việc hỗ trợ y tế khẩn cấp có thể giúp điều trị các trường hợp rủi ro cao, người có bệnh nền, thay cho các cơ sở y tế dân sự đã quá tải hay không còn có thể hoạt động trong tình hình dịch. Từ kinh nghiệm của nhiều nước, quân đội có lợi thế để hỗ trợ ngay vì họ có nguồn dự trữ các bộ dụng cụ cấp cứu, có chuyên môn về y-sinh và có khả năng sản xuất nhanh những dụng cụ cần thiết cho việc phòng, chống dịch.

    Không chỉ vậy, quân đội cũng có thể thay thế lực lượng cảnh sát trong nhiều nghiệp vụ kín như canh giữ nhà tù – nhà tạm giữ, bảo vệ cơ quan công quyền, từ đó tạo thêm một nguồn lực dân sự dự trữ cho các công tác trị an mà không cần sự có mặt của quân đội. Trong một số trường hợp, quân đội còn đóng góp tiền. Bộ Quốc phòng Azerbaijan vào tháng 3/2020 đã đóng góp 50% ngân quỹ của mình vào nguồn quỹ khẩn cấp của quốc gia để chống COVID-19. [4]

    Nói ngược nói xuôi, thông điệp quan trọng nhất là Quân đội Nhân dân Việt Nam có hàng vạn cách khác nhau để thể hiện năng lực của mình, đồng thời giữ một khoảng cách nhất định với đời sống của quần chúng. [5]

    ***

    Việc đưa hình ảnh quân nhân cầm súng trở thành ảnh nền cho quá trình can thiệp của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào hoạt động chống dịch của thành phố Hồ Chí Minh có một ẩn ý: đổ lỗi.

    Các chỉ trích nhắm vào “ý thức” người dân cho đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Và diễn ngôn “đưa quân đội vào là chấn chỉnh lại được ngay” xuất hiện vô cùng phổ biến trên mạng xã hội. Theo đó, chống dịch thất bại là do ý thức chứ không phải do chính sách, và nhà nước chỉ cần sử dụng kỷ luật quân đội, vũ lực quân đội thì tự khắc hết dịch. Thứ diễn ngôn ấy gây nguy hại lớn đến các nỗ lực dân sự về y tế và an sinh xã hội lẫn về tương lai xây dựng chính sách sau này.

    Vũ lực, từ đó, trở thành lời giải hiển nhiên đối với nhiều người cho các vấn đề phức tạp như phòng chống dịch, cho các chính sách cân bằng giữa an sinh, kinh tế và sức khỏe, v.v.

    Ngoài ra, trưng hình ảnh những người cầm súng kiểm tra chốt phòng dịch dân sự có ý nghĩa bạo lực và bản chất quân phiệt của riêng nó.

    Đầu tiên, chúng nhập nhằng hai thứ bạo lực rất khác biệt (và rất cần được phân biệt) với nhau: bạo lực cưỡng chế của nhánh quyền lực hành chính (mà đại diện tiêu biểu là công an) và bạo lực giết chóc của quân đội.

    Nếu tôn chỉ của các biện pháp bạo lực hành chính là tiết chế căng thẳng, ngừng leo thang, ổn định trật tự và bảo vệ mạng sống của người dân; tôn chỉ đào tạo của quân đội hoàn toàn khác biệt: can thiệp và tiêu diệt (engage and destroy). [6]

    Quân đội không được đào tạo về trấn áp bạo động, không được đào tạo về kiểm soát đám đông không gây thương tích và cũng không có chuyên môn về bắt giữ, tạm giữ người vi phạm pháp luật trong nước. Kỹ năng cao nhất và được xem trọng nhất của họ là… giết người trên các chiến trường quốc tế, dù điều đó nghe có vẻ hơi ghê sợ.

    Đó chính là lý do cả thế giới bàng hoàng khi các quân đoàn bộ binh và xe tăng cơ giới của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa được triệu tập để “giải quyết” cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

    Đó cũng là lý do mà vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng vào năm 2012 là sự kiện đáng bị lên án nhất trong lịch sử cưỡng chế đất đai tại Việt Nam, khi quân đội được sử dụng triệt để, rồi sau đó các quan chức đăng đàn ngợi ca về “một trận đánh đẹp”. [7]

    Trở lại ngày nay, đây cũng là lý do sau một thời gian, hình ảnh quân đội Ý mang theo súng khi tham gia kiểm soát đường phố đã được hạn chế dần, thay vào đó, họ mang gậy baton. [8]

     

    Nếu công chúng không phân biệt được hai loại vũ lực này, và quan trọng hơn, không cho rằng cần có sự tách biệt trong quá trình sử dụng hai loại vũ lực này, chúng ta sẽ có một cộng đồng luôn sẵn sàng đón nhận chủ nghĩa quân phiệt.

    *** 

    Vai trò của quân đội ngày càng được ủng hộ và chào mời trên mọi mặt trận dân sự của Việt Nam từ viễn thông, kinh tế, bất động sản cho đến tài chính ngân hàng. Cùng lúc đó, một niềm tin “son sắt” rằng vũ lực quân đội sẽ là lời giải cho mọi vấn đề văn hóa, chính trị, xã hội, y tế có khúc mắc đang nảy nở khắp nơi. Đó là dấu hiệu cho thấy xã hội Việt Nam luôn chực chờ mở rộng vòng tay để đón nhận chủ nghĩa quân phiệt hiện đại. Lo lắng ngay từ bây giờ không phải là thừa.

    https://www.luatkhoa.org/2021/08/cam-tinh-quan-phiet-tren-duong-pho-sai-gon/

    Không có nhận xét nào