Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Anh Tuấn - 10 điều rút ra từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan

    PHẦN KẾT

    8. Việc kết thúc cuộc chiến tại Afghanistan là sự mở đầu cho việc định hình lại các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại nước ngoài trong tương lai.

    Sau thất bại tại Việt Nam năm 1975, Mỹ đã rút ra một số bài học sau liên quan đến can thiệp quân sự của mình ở nước ngoài: (i) Quân đội chỉ can thiệp quân sự ở nước ngoài khi nắm chắc phần thắng; (ii) Không can dự quân sự trực tiếp quá lâu và quá sâu mà chỉ hỗ trợ cho các chính quyền được Mỹ ủng hộ thông qua huấn luyện và trợ giúp vũ khí; (iii) Quân đội chỉ tham gia các hoạt động quân sự đơn thuần, không can dự vào tiến trình tái thiết quốc gia hoặc hòa giải dân tộc ở quốc gia mà Mỹ xâm chiếm; và (iv) các nhà hoạch định chiến lược và quân sự phải có chiến lược rút lui (exist strategy) nếu như kế hoạch can thiệp quân sự thất bại.

    Đây là những điểm chính của học thuyết quân sự mang tên vị tướng Collin Powell, cựu Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, người chỉ huy cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh (CTVV) lần thứ nhất (17/1 - 28/2/1991). Cần nhắc lại rằng CTVV I là cuộc can thiệp quân sự tại nước ngoài lớn nhất của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Và học thuyết Powell ra đời chủ yếu để nhằm trấn an dân Mỹ rằng nước Mỹ sẽ không tiến hành một cuộc Chiến tranh Việt Nam thứ hai.

    Quả thực CTVV I là sự phô trương sức mạnh quân đội Mỹ với các loại vũ khí thông minh thế hệ mới, cộng với chiến lược quân sự chỉ sử dụng không quân và tên lửa tầm trung Cruise và Tomahawk để đè bẹp sức mạnh quân sự đối phương trước khi bộ binh tham chiến. Chỉ trong vòng 40 ngày đầu năm 1991, Mỹ đã đè bẹp phần lớn sức mạnh quân sự của lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iraq, giải phóng Kuwait, khiến chính quyền Saddam Hussein phải chấp nhận toàn bộ các yêu sách của liên quân do Mỹ lãnh đạo nhằm tránh một cuộc lật đổ.

    Tuy nhiên, thói đời là khi ở đỉnh cao của quyền lực và sức mạnh, thì các bài học của quá khứ lại chẳng ai thèm nhớ. Kết cục là Mỹ lại sa chân vào hai cuộc can thiệp quân sự lớn và dài nhất nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, đó là Cuộc chiến Iraq hay Cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ hai (20/3/2003 - 15/2/2011) và Cuộc chiến Afghanistan (7/10/2001 - 15/8/2021). Hai cuộc chiến này tiêu tốn của Mỹ khoảng 2.000 tỷ USD, 10.000 lính tử thương, vài chục ngàn thương binh, chưa kể phí tổn và thương vong của các đồng minh.

    Do đó, sau các cuộc can thiệp quân sự tại Iraq trước đó và tại Afghanistan mới đây, khả năng cao là Mỹ sẽ quay trở lại "Học thuyết Powell", với một số điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Sở dĩ Mỹ buộc phải dùng lại Học thuyết Powell là vì: (i) Dư luận Mỹ và phần đông chính giới sẽ không ủng hộ những cuộc phiêu lưu, can thiệp quân sự dài hạn và tốn kém ở nước ngoài; (ii) Bản thân nước Mỹ hiện cũng "nghèo" đi nhiều, nợ công chồng chất (hiện lên tới gần 28.500 tỷ USD) nên cũng không kham nổi các cuộc can thiệp quân sự tốn kém.

    Ngay cả các đồng minh quân sự thân thiết của Mỹ như NATO hoạt động trong khuôn khổ Lực lượng Trợ giúp An ninh Quốc tế (ISAF), sau thất bại tại Afghanistan trong sứ mệnh quân sự đầu tiên bên ngoài lãnh thổ NATO, giờ đây cũng chẳng mặn mà hỗ trợ các hoạt động can thiệp quân sự của Mỹ trừ phi họ có lợi ích sát sườn.

    9. Sự rút lui vô tổ chức khỏi Afghanistan đang và sẽ tác động nghiêm trọng đến nội bộ chính trường Mỹ hiện nay, đến cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 cũng như cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới năm 2024.

    Ngay sau khi Kabul bất ngờ thất thủ và tiếp đó là sự rút lui hỗn loạn của Mỹ và đồng minh, nhiều nghị sĩ Quốc hội, các nhà phân tích chính trị, một số cựu quan chức quân sự và tình báo Mỹ đã cảnh báo nguy cơ khủng bố nhắm trực tiếp vào binh sĩ và công dân Mỹ.

    Cuộc tấn công khủng bố tại sân bay Kabul ngày 27/8/2021 giết chết 170 sinh mạng, trong đó có 13 lính thủy quân lục chiến Mỹ, như giọt nước tràn ly, khơi mào cho các cuộc tấn công, chỉ trích vào hàng loạt yếu kém của Chính quyền Biden: Từ chuyện thông tin tình báo sai đến việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kém, rồi từ câu chuyện rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan đến câu chuyện người nhập cư ồ ạt ở biên giới phía Nam nước Mỹ, tình trạng an ninh kém ở các đô thị lớn, dịch Covid-19 đang gia tăng trở lại...

    Đúng như cổ nhân có nói: Thành công thì có nhiều ông bố (tức nhiều người kéo đến nhận vơ là thành tích của mình), trong khi thất bại lại là một đứa trẻ mồ côi (tức không có ai đứng ra nhận trách nhiệm). Sự hỗn độn tại Kabul lúc này chính là đứa trẻ mồ côi đó. Và như thông lệ, mọi tội lỗi, chỉ trích đều nhằm vào Chính quyền Biden. Còn ông Biden tuy nhận lãnh trách nhiệm cá nhân, nhưng cho rằng chỉ thực hiện theo quyết định rút quân đã đạt được trước đó giữa Chính quyền Trump và phe Taliban.

    Một điều hiếm hoi là lần đầu tiên cả giới truyền thông cánh hữu và cánh tả như CNN, New York Times, Washington Post... đều dành những lời lẽ nặng nề nhất, coi đây là thất bại chiến lược và đối ngoại lớn nhất của chính quyền Biden. Họ so sánh thất bại này với cách xử lý kém cỏi của Tổng thống Kennedy trong vụ Vịnh Con lợn (Cuba) 4/1961, hay vụ Tổng thống Carter xử lý vụ khủng hoảng con tin tại Tehran, Iran, giai đoạn 11/1979 - 2/1981. Một số nghị sĩ Cộng hòa còn đòi đăng đàn luận tội Tổng thống Biden, tương tự như cách phe Dân chủ 2 lần đòi luận tội cựu Tổng thống Trump trước kia, hoặc kêu gọi Tổng thống Biden từ chức.

    Trong bất kỳ tình huống nào, sự hỗn loạn trong cách xử lý vấn đề ở Afghanistan vừa qua sẽ được các đối thủ của ông Biden tận dụng tối đa, đưa vào chương trình nghị sự tranh cử của mình khi mà cuộc bầu cử giữa kỳ tại hai viện của QH Mỹ chỉ còn hơn một năm nữa là bắt đầu. Hơn nữa, họ còn tiếp tục lợi dụng vấn đề này để ngăn trở các chương trình nghị sự lớn khác của chính quyền, đặc biệt là việc thông qua Kế hoạch xây dựng hạ tầng 1.000 tỷ USD và gói kích thích kinh tế 3.500 tỷ USD mà Chính quyền Biden coi là ưu tiên hàng đầu.

    Rõ ràng, chỉ sơ sểnh việc "cỏn con" như rút quân, thất bại trong việc duy trì chính quyền thân Mỹ tại Kabul, đã dẫn đến rối loạn và hàng loạt các sai lầm liên tiếp khiến chính quyền Biden đang trả giá rất đắt. Nếu vụ này không được xử lý êm thấm sớm, nó sẽ dẫn đến các thay đổi ngoạn mục trong nền chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ 2022 và cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, và biết đâu thắng lợi lại nghiêng về phía Cộng hòa.

    10. ASEAN sẽ tiếp tục là tâm điểm mới trong bàn cờ địa-chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như trong cạnh tranh Trung - Mỹ ở khu vực Đông Á và trên phạm vi toàn cầu.

    Như trên đã nói, trong Chiến lược an ninh - đối ngoại "hậu Afghanistan" chính quyền Biden sẽ tiếp tục chiến lược của chính quyền tiền nhiệm, đó là đặt trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    Trong chiến lược này, ASEAN được Mỹ đặc biệt coi trọng vì một số lý do:

    Một là, ASEAN nằm ở khu vực địa-chiến lược trọng yếu, nối Đông Á với khu vực Ấn Độ Dương. Đông Nam Á còn là cầu nối, án ngữ đường giao thông hàng hóa và chở dầu trên biển giữa các trung tâm kinh tế lớn của thế giới như Ấn Độ, Trung Đông và Châu Âu với Đông Á. Hơn nữa, nhìn trên bản đồ thế giới, ASEAN không chỉ nằm ở điểm giao nhau của khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mà còn nằm ở trọng tâm của tứ giác chiến lược gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

    Hai là, ASEAN là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ. Với số dân 670 triệu người, tổng GDP khoảng 3.300 tỷ USD (tương đương với nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới) và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 5%, ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, chỉ sau Trung Quốc. Còn đầu tư của Mỹ tại ASEAN hiện đạt 350 tỷ USD, tức lớn gấp 2,5 lần đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.

    Mỹ và ASEAN thiết lập quan hệ đối thoại từ năm 1977 và Mỹ là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ đối thoại với ASEAN. Năm 2011, Mỹ là quốc gia ngoài ASEAN đầu tiên đặt Đại sứ thường trực bên cạnh Ban thư ký ASEAN để thúc đẩy quan hệ Mỹ - ASEAN. Tiếp theo Mỹ, hiện hơn 10 nước đối tác và đối tác chiến lược của ASEAN thiết lập cơ quan thường trực cấp Đại sứ tại Jakarta. Năm 2015, ASEAN và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược.

    Ba là, ASEAN thiết lập nhiều kênh, diễn đàn quan trọng ở khu vực, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm để thúc đẩy quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài như các Hội nghị cấp Ngoại trưởng của ASEAN với các đối tác (PMC + 1), Diễn đàn khu vực ASEAN ARF, Hội nghị cấp cao Đông Á EAS, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng của ASEAN với các nước đối tác ADMM Plus... Đây là các kênh quan trọng do ASEAN dẫn dắt và có sự tham gia của Mỹ cũng như các đối tác quan trọng khác của ASEAN. Các kênh này giúp Mỹ mở rộng, phát huy ảnh hưởng, đồng thời tăng cường thúc đẩy quan hệ với các đồng minh, đối tác quan trọng của mình trong khu vực.

    Khi không còn phải bận tâm nhiều ở Afghanistan thì việc chuyển hướng sang ASEAN, Đông Nam Á - khu vực trọng tâm trong bàn cờ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ là điều dễ hiểu. Đó chính là lý do Mỹ liên tục tăng cường sự hiện diện cấp cao của mình ở khu vực, thể hiện qua các chuyến thăm gần đây đến Đông Nam Á của BT Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong tháng 7 và Phó Tổng thống Kamala Harris trong tháng 8 năm 2021. Các chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải bận tâm đối phó với các vấn đề nội bộ phức tạp và các rối ren tại Afghanistan.

    Tất nhiên, nói đến khu vực này thì không thể nói đến tầm quan trọng của Biển Đông và không thể bỏ qua thực tế là ASEAN nằm trong vùng cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và cường quốc đang trỗi dậy là Trung Quốc. Cũng như Mỹ, Trung Quốc hiện đang điều chỉnh chính sách, coi ASEAN và khu vực Đông Nam Á là ưu tiên số một trong chiến lược đối ngoại của mình.

    Về phía mình, các nước ASEAN đã có kinh nghiệm nhất định trong xử lý cân bằng quan hệ với các nước lớn từ hàng chục năm qua và họ cũng có kinh nghiệm xương máu khi khu vực này từng là nơi đối đầu, thậm chí là chiến trường trong các cuộc chiến qua tay người khác của các nước lớn trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

    Do đó, ASEAN sẽ phải tìm cách xử lý thấu đáo và cân bằng quan hệ với Mỹ và các nước lớn khác, sao cho khu vực này tiếp tục duy trì an ninh, ổn định và thịnh vượng, trong khi vẫn tạo được sự hấp dẫn với các đối tác bên ngoài./.

     (Hết)

    https://www.facebook.com/tuan.hoang.1428

    Không có nhận xét nào