Đúng ngày này cách đây 1 tuần (15/8/2021), Taliban tấn công và chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan, chính thức đặt dấu chấm hết cho chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani được Mỹ hậu thuẫn và kết thúc 20 năm can dự của Mỹ vào cuộc chiến Afghanistan (2001-2021) trước thời hạn hoàn tất cuộc rút quân do Tổng thống Mỹ Biden đặt ra là ngày 31/8/2021.
1. Với chiến thắng quân sự ấn tượng trước cường quốc quân sự số 1 thế giới là Mỹ, Afghanistan tiếp tục được ghi danh là mồ chôn các đế chế.
Thực vậy, Mỹ không phải là cường quốc quân sự đầu tiên thất bại tại Afghanistan, mà chỉ là cường quốc quân sự mới nhất được ghi vào danh sách này mà thôi. Trước Mỹ, Afghanistan đã từng đánh bại các đạo quân của các cường quốc mạnh nhất thế giới trong lịch sử như Alexander Đại đế, Đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, Đế quốc Anh và Liên Xô cũ.
Đáng chú ý là Anh đã can thiệp quân sự vào Afghanistan tới bốn lần trong 2 thế kỷ qua (1838-1842, 1878-1880, 1919 và cùng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố trong khoảng thời gian 2001-2014).
Còn đối với Liên xô cũ, cuộc chiến Afghanistan trong 10 năm (1979-1989) đã khiến 15.000 binh sĩ thiệt mạng, 35.000 binh sỹ bị thương và là một trong những nguyên nhân chính tạo ra gánh nặng kinh tế, chính trị và xã hội khiến Liên xô suy sụp trong những năm 1980 và sụp đổ vào năm 1991 sau đó. Cuộc chiến tại Afghanistan khiến vị thế quốc tế và ngoại giao của Liên xô bị suy yếu trầm trọng. Vào nửa cuối những năm 1980, Trung Quốc đặt yêu cầu rút quân đội Liên Xô ra khỏi Afghanistan là một trong ba điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ Trung - Xô (hai điều kiện kia là giảm quy mô quân số và khí tài dọc biên giới Xô-Trung, và "ép" Việt Nam rút quân khỏi CPC).
Tuy chiến lược quân sự áp dụng vào cuộc chiến Afghanistan của các cường quốc trên có khác nhau, nhưng tựu trung lại có 4 đặc điểm chính: (i) Thắng lợi quân sự như chẻ tre ban đầu; (ii) Tiếp đó là bế tắc và sa lầy về quân sự; (iii) Đối phương giành thắng lợi quân sự; và (iv) Afghanistan trở thành nỗi ám ảnh cho các cuộc can thiệp quân sự tiếp theo và gánh nặng về kinh tế và quân sự sau đó.
2. Quyết tâm rút quân khỏi Afghanistan bằng mọi giá của Mỹ trong những ngày qua giúp gợi nhớ lại việc thực hiện khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng được thực hiện bởi Tổng thống Joe Biden.
Mặc dù có nhiều điểm khác biệt cơ bản trong việc sắp xếp các ưu tiên đối nội, đối ngoại và cách thức thực hiện chúng, nhưng Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump đều có một mục tiêu chung là thực hiện thỏa thuận Doha 4 điểm ký ngày 29/2/2020 tại Doha (Qatar) gồm các nội dung chính: (i) không được sử dụng lãnh thổ Afghanistan để làm nơi tấn công nước Mỹ; (ii) quân đội Mỹ và các lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan (Trump đặt thời biểu là 31/5/2021, sau đó Biden điều chỉnh lại thành 31/8/2021) và đảm bảo an ninh cho tiến trình rút quân này; và (iii) Ngừng bắn và bắt đầu tiến trình đàm phán giữa các phe phái tham chiến tại Afghanistan.
Cơ sở để có được sự nhất trí này là các nhà lãnh đạo thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội, giới học giả và phần đông công chúng Mỹ đều thấy sự thất bại của chiến lược can thiệp quân sự được Tổng thống Bush khởi xướng sau sự kiện 11/9, đó là: Mỹ đã tiêu tốn trên 1.000 tỷ USD; khoảng 2.450 binh sỹ bị thiệt mạng, 15.000 binh sĩ bị thương; cuộc chiến kéo dài gần 20 năm mà chưa thấy điểm kết thúc. Trong khi đó, quân đội Afghanistan được Mỹ đào tạo "bài bản" nhưng chỉ "có ý chí" khi có cố vấn Mỹ ở bên cạnh, hỗ trợ hỏa lực, thông tin tình báo và tiếp tục "bơm tiền", chứ không phải chiến đấu vì lý tưởng hay lợi ích quốc gia.
Với sự nhất trí đó, chính quyền Biden gần như phớt lờ các chỉ trích của báo chí và truyền thông trong suốt 2 tuần qua và có thể cả trong những tuần tiếp theo về sự hỗn loạn trong kế hoạch rút quân. Trong khi đó, trừ 2 bài diễn văn của Tổng thống Biden được truyền hình toàn quốc về tình hình Afghanistan để bảo vệ cho quyết định rút quân của mình, Chính quyền Biden vẫn đặt ưu tiên cho chương trình nghị sự trong Tháng 8 và những tháng tiếp theo từ nay đến cuối năm 2021 là Quốc hội thông qua gói đầu tư hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD (mới được Thượng viện thông qua) và gói chi ngân sách bổ sung 3.500 tỷ USD để đầu tư vào nguồn nhân lực cho phát triển tương lai của nước Mỹ.
3. Sự thất bại trong thực thi chiến lược rút quân.
Tuy nhất trí trong mục tiêu rút quân khỏi Afghanistan theo thời biểu do chính quyền Biden đưa ra, nhưng cách thức Mỹ rút quân như những kẻ thua trận đang tháo chạy, sự tấn công thần tốc và chiến thắng ngoạn mục của Taliban, cùng với đó là sự sụp đổ nhanh chóng của hệ thống chính quyền các cấp do Mỹ dựng lên trên khắp Afghanistan và sự chạy trốn mau lẹ ra nước ngoài của các quan chức hàng đầu trong chính quyền bỏ mặc người dân Afghanistan trong sự oán thán và hỗn độn đã khiến người Mỹ choáng váng và bất bình.
Chưa bao giờ kể từ khi lên nắm quyền ngày 20/1/2001, Chính quyền Biden lại nhận nhiều sự chỉ trích đến vậy từ cả đồng minh lẫn phe Cộng hòa đối lập khiến uy tín của chính quyền mới xuống thấp nhất, chỉ còn 46% trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất.
Đành rằng, việc Afghanistan rơi vào tay Taliban là kết cục đã được dự báo trước. Nhưng cách thức Taliban giành chính quyền và sự sụp đổ mau chóng của chính quyền Kabul thân Mỹ là điều khiến ngay cả những người bi quan nhất trong giới tình báo, quân đội và chính quyền Biden cũng bị choáng váng và bất ngờ. Mới trung tuần tháng 7 vừa rồi, tức trước khi Kabul sụp đổ khoảng một tháng, tình báo Mỹ còn đánh giá chính quyền Afghanistan thân Mỹ có khả năng đứng vững được ít nhất 90 ngày sau khi Mỹ hoàn tất việc rút quân vào 31/8/2021.
Nhìn tổng thể, thất bại của Mỹ chính là sự thất bại của ít nhất ba yếu tố: Tình báo, quân đội và cách thức tổ chức thực hiện, mặc dù khi đó Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện của 2500 cố vấn, kinh nghiệm 20 năm tham chiến và mạng lưới tình báo, tai mắt khắp nơi.
Ở một góc độ khác, các địch thủ của Mỹ có thể sử dụng hình ảnh Mỹ "bỏ rơi" đồng minh và rút quân hỗn độn khỏi Afghanistan... để đe dọa các đồng minh, đối tác và bạn bè của Mỹ rằng chớ nên lệ thuộc quá mức vào Mỹ để rồi có ngày sẽ lại bị "bỏ rơi" như Afghanistan. Tất nhiên, đây là một câu chuyện khác và sẽ bàn ở nội dung khác, trong bối cảnh khác.
4. Afghanistan đã, đang và sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng thay đổi cán cân chiến lược toàn cầu trong những thập kỷ tiếp theo.
Khi Bush con lên cầm quyền vào tháng 1/2001, ông ta đã nhận thấy một số điểm sai trong chiến lược can dự quá đà với Trung Quốc của chính quyền Bill Clinton, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của nước Mỹ và ông ta nhanh chóng coi Trung Quốc là đối tượng kiềm chế trong chiến lược mới của Mỹ.
Sự thay đổi trong chiến lược của chính quyền Bush con đã nhanh chóng làm chuyển hướng quan hệ Mỹ- Trung, đẩy mối quan hệ này vốn vừa mới được phục hồi sau vụ Mỹ ném bom vào sứ quán Trung Quốc tại Belgrade, Serbia tháng 5/1999 xuống mức rất thấp.
Chưa đầy 3 tháng sau khi Bush con cầm quyền, giữa Mỹ và Trung Quốc đã xảy ra vụ đụng độ nghiêm trọng giữa một chiếc máy bay do thám EP-3E của hải quân Mỹ với máy bay J-8II của không quân Trung Quốc ở ngoài khơi đảo Hải Nam ngày 1/4/2001 khiến một phi công Trung Quốc tử nạn. Vụ tai nạn này khiến quan hệ Trung-Mỹ vốn đã xấu lại càng trở nên xấu hơn.
Vào đúng lúc này thì cứu cánh cho Trung Quốc cũng như quan hệ Trung-Mỹ bỗng xuất hiện, đó là cuộc tấn công xâm lược và và sự sa lầy tại Afghanistan của Mỹ sau sự kiện khủng bố 11/ 9/2001.
Với lý do Afghanistan của Taliban là nơi chưa chấp nhóm khủng bố Al-Qaeda, và không chịu nộp trùm khủng bố Osama Bin Laden cho Mỹ, Chính quyền Bush ra lệnh tấn công ồ ạt Taliban và chỉ hơn 2 tháng, từ 7/10-17/12/2001, Mỹ đã đánh bại Taliban, giải phóng Kabul và phần lớn Afghanistan cũng như dựng lên một chính quyền thân Mỹ.
Tuy nhiên, bi kịch với Mỹ cũng bắt đầu từ đây.
Một là, chính quyền Bush đã xác lập một chiến lược sai lầm. Việc coi khủng bố là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Mỹ, rồi dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố, đã làm phân tán nguồn lực, làm lệch hướng các ưu tiên của Mỹ vốn vừa được xác lập cách đó chưa lâu.
Trong khi đó, cuộc chiến chống khủng bố hoàn toàn có thể được thực hiện hiệu quả sau khi đánh bại Taliban bằng các công cụ khác ít tốn kém hơn như: Sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật; tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh bên trong nước Mỹ; phối hợp trong việc chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh; sử dụng các nhóm biệt kích; triển khai lực lượng quân sự tinh gọn cùng các loại vũ khí thông minh ở bên ngoài... chứ không phải tốn kém hàng nghìn tỷ USD để duy trì sự hiện diện của lực lượng quân đội mạnh và xây dựng một đội quân vô dụng ở nước ngoài.
Hai là, để tập trung cho chiến lược chống khủng bố, Mỹ phải cấu trúc lại chiến lược đối ngoại như bắt tay làm lành với các địch thủ như Nga, Trung Quốc, Pakistan, rồi xây dựng các liên minh ngoại giao, quân sự mới trên phạm vi toàn cầu.
Kết quả là Trung Quốc từ chỗ được xem là địch thủ lại được Mỹ chuyển hóa, tranh thủ và lợi dụng để trở thành đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Kết quả là vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Bush năm 2008, quan hệ Trung-Mỹ quay trở lại thời kỳ trăng mật mới và ở đỉnh cao nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngày 1/1/1979. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục tận dụng mối quan hệ tốt này với Mỹ để âm thầm xây dựng sức mạnh kinh tế và quân sự để rồi trở thành cường quốc có khả năng thách thức Mỹ trên mọi phương diện, đi kèm với tham vọng soán ngôi Mỹ, trở thành cường quốc hùng mạnh nhất toàn cầu trong một ngày không xa.
Như vậy, sai lầm chiến lược của Mỹ trong việc xác định các thách thức toàn cầu sau sự kiện khủng bố bố 11/9 cũng tương tự như sai lầm trước đó hơn 30 năm khi can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam với sự có mặt của trên 500.000 quân và coi Việt Nam là thách thức lớn nhất đối với an ninh của Mỹ khi đó. Còn Liên Xô, đối thủ không đội trời chung của Mỹ trong Chiến tranh lạnh, lại là bên hưởng lợi nhiều nhất, tập trung phát triển sức mạnh quân sự và đạt được thế quân bình với Mỹ về bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược (tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom hạt nhân và tên lửa hạt nhân vượt đại Châu) vào đầu những năm 1970 mà cho đến tận bây giờ Mỹ vẫn chưa tìm cách phá vỡ nổi.
Rõ ràng, sai lầm thì phải trả giá. Và việc rút ra kinh nghiệm muộn màng còn hơn là tiếp tục sa lầy trong đống bùng nhùng về mặt chiến lược.
https://www.facebook
Không có nhận xét nào