Header Ads

  • Breaking News

    Cập nhật tình hình Biển đông ngày Thứ sáu 06 tháng 8 năm 2021

    Cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông

    I. Biển Đông, chuyển động quân sự

    1. Trung Quốc tập trận

    Ngày hôm nay 6.8, Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận trên khu vực rộng lớn ở Biển Đông, bao gồm một phần quần đảo Hoàng Sa.

    Trong ngày 5.8, Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông tiếp tục thông báo 3 cuộc tập trận trong phạm vi nhỏ ở vùng biển phía nam tỉnh này.

    Giới quan sát hiện chờ đợi liệu Trung Quốc có tiến hành bắn tên lửa đạn đạo ra Biển Đông như trong cuộc tập trận vào tháng 8 năm ngoái hay không.

    Trong một diễn biến đáng chú ý, vào rạng sáng nay, một chiếc máy bay RC-135S Cobra Ball cất cánh từ căn cứ Kadena ở Okinawa bay vào khu vực Biển Đông, vòng xuống phía nam quần đảo Hoàng Sa trước khi vòng trở ngược ra.

    RC-135S Cobra Ball là máy bay trinh sát điện tử theo dõi quỹ đạo tên lửa đạn đạo đặc biệt của Không quân Mỹ.

    Chuyển động này càng củng cố suy đoán Trung Quốc sẽ tiến hành bắn tên lửa. Tuy nhiên, thông thường Trung Quốc sẽ thiết lập một số vùng cấm bay mỗi khi tiến hành bắn tên lửa đạn đạo.

    Theo quan sát, Trung Quốc vẫn chưa thiết lập các vùng cấm bay liên quan. Vì thế, có lẽ Trung Quốc vẫn chưa tiến hành thử tên lửa đạn đạo từ đất liền trong hôm nay.

    Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 5.8.

    "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

    Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

    Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đổi với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông."

    2. Các chuyển động khác

    Tàu đổ bộ tấn công Type 075 Hải Nam của Trung Quốc được phát hiện di chuyển ở phía đông đảo Hải Nam hướng về Quảng Đông trong ngày 5.8.

    Nhóm 4 tàu chiến Ấn Độ đã băng qua eo biển Malacca vào Biển Đông ngày 5.8, bắt đầu chuyến triển khai 2 tháng ở Tây Thái Bình Dương. Theo kế hoạch, nhóm tàu Ấn Độ sẽ ghé thăm Việt Nam trong chuyến triển khai này.

    Nhóm tác chiến HKMH/ HMS Queen Elizabeth của Anh đã đến đảo Guam, theo thông báo của Hải quân Anh vào sáng nay 6.8.

    Nhóm tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ tập trận cùng hai tàu chiến Úc HMAS Canberra (L 02) và HMAS Ballarat (FFH 155) và tàu chiến Nhật Bản Makinami (DD 115) ở Biển Coral từ 5 đến 8.8 trong một phần của Cuộc tập trận quy mô lớn toàn cầu 2021.

    3. Hội nghị ASEAN

    Tại hội nghị Ngoại trưởng Đông Á vào tối 4.8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, xoay quanh cái gọi là “Bốn tôn trọng”.

    Phát biểu của ông Vương đầy những luận điệu quen thuộc của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, nó có vài điểm đáng chú ý về lý giải pháp lý của Trung Quốc.

    Trong phần thứ hai về “Tôn trọng luật pháp”, ông Vương Nghị nói:

    "Thứ hai, chúng ta cần tôn trọng luật pháp. Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa và đương nhiên có các quyền và lợi ích biển tương ứng. Điều này không trái với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được thông qua sau này. Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi cơ sở yêu sách của mình, cũng như không đưa ra bất kỳ yêu sách mới nào. Cáo buộc rằng Trung Quốc yêu sách chủ quyền tất cả các vùng biển trong đường đứt đoạn là nội thủy và lãnh hải là sự cố ý bóp méo lập trường của Trung Quốc."

    Có thể thấy ông Vương Nghị đang biện bạch về quần đảo Trường Sa như một phần của cái gọi là chiến thuật “Tứ Sa” mà Bắc Kinh phát minh ra để thay thế cho “Đường lưỡi bò” vốn đã bị Tòa trọng tài bác bỏ và cộng đồng quốc tế lên án.

    Yêu sách “Tứ sa” được Trung Quốc giới thiệu một cách không chính thức lần đầu tiên vào năm 2017. Nó được nêu một cách chính thức trong công hàm của Trung Quốc gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 2019. Trong đó, Bắc Kinh ngang ngược khẳng định:

    "Trung Quốc có chủ quyền trên Nam hải chư đảo, bao gồm Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa; Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải trên cơ sở Nam hải chư đảo; Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên cơ sở Nam hải chư đảo; Trung Quốc có các quyền lịch sử tại Biển Đông."

    Tuy nhiên, Vương Nghị có vẻ như là quan chức Trung Quốc đầu tiên công khai áp dụng chiến thuật “Tứ Sa” khi nhắc đến quần đảo Trường Sa tại hội nghị Ngoại trưởng Đông Á.

    Một điểm đáng chú ý nữa là Vương Nghị không nhắc gì đến cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông, vốn vẫn được Trung Quốc khăng khăng trong các công hàm gửi đến Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 2019 và trong năm 2020.

    Tóm lại, những phát biểu của Vương Nghị một lần nữa cho thấy Trung Quốc đã xác định chia tay với “đường lưỡi bò” và chuyển sang bám lấy chiến thuật “Tứ Sa”.

    Trong một diễn biến liên quan, New Zealand mới đây cũng đã gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đưa ra các lập luận bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc và nhấn mạnh phán quyết của Tòa Trọng tài.

    II. Mỹ - Trung

    1. Các nhóm kinh doanh Mỹ vận động đàm phán thương mại với Trung Quốc

    Tờ The Wall Street Journal ngày 5.8 tiết lộ gần 30 nhóm doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất tại Mỹ đã kêu gọi chính quyền Biden khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và cắt giảm thuế nhập khẩu, nói rằng chúng là lực cản đối với kinh tế Mỹ.

    Trong một bức thư gửi cho Đại diện Thương mại Katherine Tai và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vào ngày 5.8, các nhóm kinh doanh này tin rằng Bắc Kinh đã đạt được "các tiêu chuẩn và cam kết quan trọng" trong hiệp định thương mại Mỹ - Trung. Điều này bao gồm việc mở cửa thị trường cho các tổ chức tài chính Mỹ và giảm bớt một số rào cản quy định đối với hàng nông sản Mỹ xuất sang Trung Quốc.

    2. Đọc thêm

    Tình báo Mỹ thu được kho dữ liệu gien của phòng thí nghiệm Vũ Hán - CNN

    Đề xuất thương mại kỹ thuật số do Mỹ dẫn đầu làm nóng thêm mâu thuẫn mới với Trung Quốc - Nikkei

    Tổng thống Biden cho phép người Hồng Kông trú ẩn tạm thời ở Mỹ - Reuters

    Mỹ duyệt bán lô pháo tự hành trị giá 750 triệu USD cho Đài Loan - Reuters

    Cách thức đúng đắn để chia rẽ Nga - Trung Quốc - Foreign Affairs

    HAI ĐIỂM NỔI BẬT VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG TRONG HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ASEAN-54 VÀ CÁC HỘI NGHỊ LIÊN QUAN DO BRUNEI CHỦ TỊCH

    Khi Brunei đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN năm 2021, khu vực lo ngại vấn đề Biển Đông có thể không thu hút được sự chú ý do vấn đề Myanmar chiếm sóng nghị trình ASEAN và Brunei tiếp cận khá mềm mỏng trong vấn đề Biển Đông. Nhưng trên thực tế, vấn đề Biển Đông vẫn nhận được quan tâm đầy đủ tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các Hội nghị liên quan, trong đó có hai điểm nổi bật:

    Thứ nhất, Thông cáo chung AMM-54 có bước tiến bộ trong việc khẳng định vai trò của UNCLOS 1982 ở Biển Đông. Thông cáo chung AMM-54 giữ đầy đủ các thành tố về Biển Đông trong Thông cáo chung Hội nghị AMM-53 trước đó, khẳng định đặc điểm phổ quát và thống nhất của UNLCLOS 1982 và UNCLOS 1982 là khung khổ pháp lý điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương; đàm phán COC hiệu quả và thực chất phù hợp với UNCLOS 1982, và các thành tố khác đã thống nhất trong những năm qua. Thông cáo chung AMM-54 đồng thời bổ sung thêm việc cần duy trì tính toàn vẹn của UNCLOS 1982.

    Thứ hai, vấn đề Biển Đông đã được đề cập đầy đủ trong các Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các nước đối thoại, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS và ARF-28. Các nước lớn đối tác đối thoại (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc…) khẳng định ủng hộ lập trường và nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và thượng tôn luật pháp quốc tế ở Biển Đông, gồm UNCLOS 1982.

    Không có nhận xét nào