Theo thông báo trên Twitter của Chỉ huy nhóm tác chiến HKMH Anh HMS Queen Elizabeth, nhóm tàu này đã từ Biển Đông băng qua eo biển Ba Sỹ ra Biển Philippines ngày 1.8.
Tờ Apple Daily ở Đài Loan dẫn nguồn tin tiết lộ nhóm tàu này đã đi gần quần đảo Pratas trước khi băng qua eo Ba Sỹ và cả Đài Loan và Trung Quốc đều cử tàu chiến bám theo.
Theo Đài FNN, nhóm tàu Anh sẽ tập trận cùng Nhật Bản, Mỹ và Úc trong tuần này ở vùng biển phía nam Nhật Bản.
Vào cuối tháng 8, nhóm tàu Anh sẽ tiếp tục tập trận với Mỹ và Nhật Bản ở vùng biển đảo Okinawa.
Trong khi đó, truyền thông địa phương ở đảo Guam dẫn lời chỉ huy căn cứ không quân Andersen cho hay nhóm tàu Anh sẽ ghé đảo Guam sau vài tuần nữa.
Ngày 2.8, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) đã rời căn cứ ở San Diego bắt đầu chuyến triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thông báo của Hải quân Mỹ cho biết nhóm tàu này sẽ tham gia Cuộc tập trận Quy mô lớn 2021 (Large Scale Exercise 2021) dự kiến diễn ra trong tháng 8.
Chuyến triển khai của USS Carl Vinson đánh dấu lần đầu tiên chiến đấu cơ F-35C và máy bay máy bay cánh quạt nghiêng CMV-22B Osprey được triển khai trên một tàu sân bay Mỹ.
Nhiều khả năng nhóm tàu này sẽ hội ngộ và tham gia tập trận chung với nhóm tàu HMS Queen Elizabeth trong thời gian tới.
Ngoài tàu sân bay USS Carl Vinson, nhóm tàu Mỹ còn bao gồm tàu tuần dương lớp Ticonderoga USS Lake Champlain (CG 57) và các tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Chafee (DDG 90), USS Dewey (DDG 105), USS Higgins (DDG 76), USS Michael Murphy (DDG 112), USS O’Kane (DDG 77) và USS Stockdale (DDG 106).
Ngày 2.8, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo một nhóm 4 tàu chiến thuộc Hạm đội phương Đông của Ấn Độ sẽ được triển khai đến Đông Nam Á, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương trong 2 tháng kể từ đầu tháng 8.
Nhóm này này dự kiến sẽ tiến hành các cuộc tập trận song phương với Việt Nam, Philippines, Singapore, Indonesia và Úc. Ngoài ra, nhóm tàu cũng sẽ tham gia cuộc tập trận đa phương Malabar 2021 với Nhật Bản, Mỹ và Úc ở Tây Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận Malabar vào tháng 8 gửi thông điệp của Quad đến Trung Quốc - Times of India
Ngày 2.8, tàu chiến Bayern của Đức lên đường bắt đầu chuyến triển khai 7 tháng đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo Reuters, chiếc tàu này dự kiến sẽ đến Biển Đông vào giữa tháng 12, đánh dấu lần đầu tiên một tàu chiến Đức xuất hiện ở vùng biển này kể từ năm 2002. Trong chuyến hành trình, tàu chiến Đức cũng sẽ ghé thăm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Tờ Yomiuri ngày 2.8 đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định triển khai các đơn vị tên lửa chống hạm và phòng không đến đảo Ishigaki ở phía nam quần đảo Okinawa vào cuối năm 2022.
Đảo Ishigaki nằm khá gần Đài Loan và quần đảo Senkaku và mục đích triển khai được cho là nhằm đối phó với sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy HKMH Liêu Ninh của Trung Quốc đã trở lại cảng Thanh Đảo vào ngày 31.7, sau khoảng 10 ngày huấn luyện ở Bột Hải. Trong khi đó, HKMH Sơn Đông vẫn hoạt động ở phía bắc Biển Đông sau khi rời Tam Á.
2. Đông Nam Á
Ngày 2.8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 khai mạc trực tuyến. Các hội nghị liên quan cũng sẽ diễn ra trong tuần này.
Theo các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ tham dự các hội nghị trực tuyến trong 5 ngày liên tiếp. Ông dự định sẽ đề cập đến các nội dung như vắc xin Covid-19, phục hồi kinh tế, biến đổi khí hậu, tình hình Myamar, sự cưỡng ép cua Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực sống Mê Kông. Ông cũng sẽ thảo luận về an ninh mạng, nền kinh tế kỹ thuật số, các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc…
Trong khi đó, liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, theo thông tin mà tôi có được, chuyến thăm này sẽ diễn ra vào cuối tháng 8, thay vì trung tuần tháng 8 như dự kiến.
Tại Indonesia, truyền thông nước này dường như tỏ ra băn khoăn với việc Indonesia bị bỏ ra ngoài danh sách trong hai chuyến thăm cấp cao của quan chức Mỹ đến khu vực, gồm chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin mới đây và chuyến thăm sắp tới của bà Harris.
Bỏ qua một lần nữa sao Joe? - The Jakarta Post (Editorial Board)
3. Trung Quốc
Ngày 1.8, phe Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ công bố một phụ lục báo cáo tiếp tục khẳng định các bằng chứng cho thấy vi rút gây đại dịch Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Đây là phụ lục của báo cáo về nguồn gốc vi rút được công bố vào tháng 9.2020. Phụ lục này viết rằng vi rút bị rò rỉ vào tháng 8 hoặc đầu tháng 9.2019.
Ngày 3.8, hãng bảo mật Cybereason công bố báo cáo cho biết các tin tặc Trung Quốc được nhà nước bảo trợ đã tấn công ít nhất 5 tập đoàn viễn thông ở Đông Nam Á, theo Bloomberg.
Các mục tiêu này có khả năng bao gồm các tập đoàn, chính khách, quan chức chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, các nhà hoạt động chính trị và các phe phái bất đồng chính kiến mà chính phủ Trung Quốc quan tâm.
Không có nhận xét nào