Trong cuộc họp trực tuyến chiều 25/8, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các bộ, ngành, tỉnh thành thời điểm này đều phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu (trừ hàng cấm).
Bộ GTVT: Mọi hàng hóa đều là thiết yếu, yêu cầu không làm khó DN bằng giấy phép con |
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa đều phải được lưu thông; việc cấp mã QR code là để tạo ưu tiên khi qua chốt, chỉ tiền kiểm, hậu kiểm và xử lý với các vi phạm. Ông Thể cũng đề nghị khi kiểm tra thì phải tránh không được làm ùn tắc giao thông, nếu có ùn tắc phải xả chốt ngay để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây bức xúc cho lái xe và ách tắc hàng hóa.
Việc cấp QR Code phải tự động toàn bộ, lái xe, chủ phương tiện chủ động cập nhật thông tin nếu có sự thay đổi mà không cần phải làm lại hồ sơ cấp QR Code, ông nói thêm.
Trước đó, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu bỏ việc kiểm tra với xe QR Code, đảm bảo vận chuyển hàng hoá thông suốt, song nhiều địa phương vẫn tiếp tục quy định các giấy phép con cản trở doanh nghiệp (DN), chặn đứng lưu thông hàng hóa.
Ông Thể đã yêu cầu dừng ngay việc này, nhấn mạnh rằng các tỉnh đưa thêm quy định là vi phạm chỉ đạo của Chính phủ.
Theo ghi nhận hôm 25/8, nhiều chốt tại TP HCM vẫn yêu cầu giấy đi đường mẫu 2A cho lái xe mặc dù Chủ tịch UBND TP HCM và Sở GTVT TP HCM đã kí văn bản ghi rõ xe có QR code thì ko cần cấp giấy đi đường; nhưng các chốt vẫn chặn bắt các xe quay đầu.
Tại khu vực cảng Cát Lái và cả khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hàng tiếp tục ùn sau khi TP HCM hạn chế số nhân viên XNK của mỗi công ty được đi lại làm thủ tục, hầu hết các công ty bị giới hạn “chỉ có 2 nhân viên được cấp giấy đi đường”, cũng như hạn chế chỉ cho phép 10% nhân viên của các DN khác được đi lại, khiến nhiều DN đang vận hành mô hình “1 cung đường 2 điểm” đến phải ngưng hoạt động. Chưa kể, tốc độ xử lý cấp giấy đi đường của Sở Công thương TPHCM chậm, nên hàng trăm công ty hiện vẫn trong trạng thái “chờ”.
Các chốt TP HCM cũng không chấp nhận giấy đi đường do Sở Công thương các tỉnh khác cấp cho DN để đi vào TP HCM làm hàng tại cảng và sân bay, nên các DN tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An… muốn đi cảng Cát Lái và sân bay TSN làm hàng XNK đang “khóc dở mếu dở”, vì muốn đi được thì cần giấy đi đường của Sở Công thương TP HCM, trong khi muốn có giấy này lại phải tới được Sở Công thương TP HCM để xin.
Tờ Thanh niên trích báo cáo của Bộ GTVT đã chỉ ra 8 địa phương đang gây khó cho doanh nghiệp bằng giấy phép con. Các địa phương này bao gồm TP Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Hải Dương, Bạc Liêu.
Ví dụ, TP Cần Thơ yêu cầu các phương tiện muốn vào thành phố phải đăng ký trước và phải trung chuyển hàng hóa, gây ách tắc giao thông, khiến lái xe và doanh nghiệp bức xúc, gây chậm trễ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho TP HCM.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, từ chiều ngày 24/8, tỉnh này đã chỉ đạo xét nghiệm nhanh tại chỗ tất cả các trường hợp qua chốt kiểm soát dịch, kể cả trường hợp có giấy xét nghiệm đang còn hiệu lực, gây cản trở giao thông, làm vận chuyển hàng hóa liên quan đến Cảng Cái Mép – Thị Vải và các khu CN tại Vũng Tàu rất khó khăn, rất chậm.
Trong khi đó, Hải Phòng và Quảng Ninh yêu cầu phải có xét nghiệm PCR âm tính và tiêm 2 mũi vắc-xin mới cho người ngoài vào thành phố công tác. Nhiều lái xe các công ty vận tải hầu hết không đáp ứng được yêu cầu này, nên tình trạng hàng hóa XNK qua cảng Hải Phòng và Quảng Ninh trong tình trạng ách tắc, chậm trễ.
Tỉnh Hải Dương thì đóng QL38 do liền kề với H.Lương Tài (Bắc Ninh) đang áp dụng Chị thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không cho xe qua lại 2 tỉnh.
Bộ GTVT đã đề nghị bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp trong kiểm soát hàng hoá. Bộ cũng đề nghị tất cả các địa phương trên cả nước áp dụng thống nhất việc kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa tại chốt kiểm soát dịch.
Không có nhận xét nào