Header Ads

  • Breaking News

    Alaa Al Aswany: tăng cường kiểm duyệt là biểu hiện sự yếu kém của chính phủ

     Tác giả: JESSE DITTMAR viết cho The Wall Street Journal

    The Yacoubian Building

    Trong một cuốn tiểu thuyết mới, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Ai Cập đánh giá hậu quả phức tạp của cuộc cách mạng [Mùa  Xuân Ả Rập].

    Alaa Al Aswany, một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất của thế giới Ả Rập, đã gần như từ bỏ việc viết lách. Sau khi nhà xuất bản nhà nước của Ai Cập từ chối hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông vào những năm 1990, ông đã tự xuất bản sách và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình nhưng lại có ít độc giả. Khi nhà nước độc quyền phân phối sách từ chối ông lần thứ ba vào năm 1998, ông Al Aswany cảm thấy “bị sỉ nhục”, ông nói. Ông dự định phát hành một cuốn tiểu thuyết cuối cùng thông qua một nhà xuất bản tư nhân nhỏ ở Cairo sau đó sẽ từ bỏ khát vọng văn chương và di dân đến New Zealand – vì nó ở “rất xa”, ông nói.

    Tuy nhiên, trong vòng vài tuần sau khi xuất bản vào năm 2002, cuốn sách đã được bán hết sạch. Ông Al Aswany, 64 tuổi, nói quyển “Tòa nhà Yacoubian” là một “hiện tượng không thể tin được”. Đây là một cuốn sách bán chạy ngay lập tức bằng tiếng Ả Rập và kể từ đó đã bán được hơn một triệu bản trên khắp thế giới. “Cuốn tiểu thuyết này đã thay đổi cuộc đời tôi.”

    Một bức chân dung đặc sắc về những người thuê nhà khác nhau của một tòa nhà chung cư ở trung tâm thành phố Cairo, “Tòa nhà Yacoubian” đã kịch tính hóa tình trạng tham nhũng và đạo đức giả ở Ai Cập dưới thời Hosni Mubarak. Trong Mùa xuân Ả Rập năm 2011, khi ông Al Aswany cùng hàng trăm nghìn đồng bào của mình đến Quảng trường Tahrir ở Cairo để yêu cầu chấm dứt 30 năm cai trị của Mubarak, nhiều người biểu tình nói với ông rằng họ ở đó vì những gì ông viết, ông nói: “Tôi tin rằng đây là vinh dự cao quý nhất mà một nhà văn có được.”

    Ông Al Aswany nói: Một thập kỷ trôi qua, Ai Cập tham nhũng không bớt đi mà còn đàn áp hơn. Dưới thời Tổng thống Abdel-Fattah al-Sisi, một vị tướng nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2013, tình trạng nghèo đói đang gia tăng và chính phủ đã tống giam hàng nghìn người bất đồng chính kiến. Ông Al Aswany hiện đang sống ở Brooklyn, N.Y., sau khi chính phủ cấm ông xuất hiện trên truyền hình, đóng cửa phòng trà toạ đàm văn học của ông, cấm ông viết chuyên mục hàng tuần trên tờ báo Ai Cập Al-Masry Al-Youm hoặc xuất bản sách. “Chế độ độc tài khiến anh không thể ở lại được,” ông nói qua điện thoại từ căn hộ nơi ông ở cùng vợ và một trong những cô con gái (con trai ông vẫn ở Ai Cập và một người con gái khác làm việc ở San Francisco).

    Ông Al Aswany nói rằng khoảng cách này đã giúp ông viết cuốn tiểu thuyết mới nhất, “The Republic of False Truths” (Nước Cộng hoà Sự Thật Giả dối, chú thích người dịch), được Nhà xuất bản Knopf cho ra mắt ngày 10 tháng 8 qua bản dịch của S. R. Fellowes. Lấy bối cảnh trong thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng năm 2011 ở Ai Cập và hậu quả đẫm máu, cuốn sách sử dụng một loạt các nhân vật để ghi lại những bất công hàng ngày trong cuộc sống của người Ai Cập và tham vọng lớn của những người xuống đường đòi thay đổi.

    Ông Al Aswany đã không ngại đả kích lòng mộ đạo của tầng lớp thống trị Ai Cập. Dàn nhân vật của cuốn tiểu thuyết bao gồm Tướng Ahmad Alwany, một “người Hồi giáo kính sợ Chúa”, thích xem phim ảnh khiêu dâm, tra tấn tù nhân và đòi hỏi sự ưu ái cho con cái của mình (đồng thời nhấn mạnh rằng họ được đối xử “không thiên vị“, do đó, ông ta không áy náy “lương tâm trước Chúa của chúng ta”). Sheikh Shamel, một quan chức tôn giáo được nhiều người yêu thích với ba chiếc xe limousine Mercedes và không được đào tạo chính thức về tôn giáo, “được cho là đã phá trinh hai mươi ba cô gái trẻ theo luật thánh.” Ngoài ra còn có Asmaa Zanaty, một giáo viên trẻ đầy lý tưởng, cô kinh hãi khi biết rằng trường của cô giúp nữ sinh giàu có gian lận, đánh trượt nữ sinh nghèo, và muốn cô đội khăn trùm đầu vì “đạo đức”. Cô tự hỏi: “Cái vũng lầy mà chúng ta đang sống ở đây là gì?”

    Cuốn tiểu thuyết sôi sục với sự phẫn uất đối với một đất nước mà ở đó, như một nhân vật than thở, “số phận của mọi người ít nhiều được định đoạt khi sinh ra.” Ông Al Aswany cũng truyền tải những bài học qua những thành công cũng như thất bại của cuộc cách mạng. Khi mô tả nhiều người dân thường đã liều mạng chiến đấu cho tự do, ông cho thấy cuộc nổi dậy đã phủ nhận những nhận định rằng người Ai Cập đơn giản là đã học được cách sống chung với chế độ chuyên chế.

    Nhưng ông cũng ghi lại cách thức đàn áp tàn bạo của quân đội khi sát hại người biểu tình và bắt phụ nữ phải “kiểm tra trinh tiết” thô bạo, những điều đó làm suy yếu cuộc nổi dậy. Ông lưu ý rằng nhiều người Ai Cập đã bị tẩy não do các hoạt động tuyên truyền của nhà nước, họ cho rằng những người cách mạng là tay sai phản bội của các thế lực nước ngoài. Đến cuối cuốn sách, Asmaa than thở rằng người Ai Cập “không xứng đáng với sự hy sinh đó. Họ yêu thích cây gậy độc tài và không hiểu bất kỳ hình thức đối xử nào khác”.

    Mặc dù ông Al Aswany nói rằng ông đồng cảm với sự vỡ mộng của Asmaa, nhưng ông không nhất thiết đồng ý với điều này. Ông giải thích, mục tiêu của một cuốn tiểu thuyết không phải là thuyết giảng, mà là khơi dậy sự đồng cảm và “sự hiểu biết của con người” thông qua cuộc sống sống động của các nhân vật. Cuốn sách còn có tiếng nói của Mazen Saqqa, một kỹ sư trẻ và đại diện công đoàn khẳng định: “Các vị không thể lừa người dân mãi mãi. Ngày mai, hoặc trong một tuần, hoặc trong một tháng nữa, người Ai Cập chắc chắn sẽ… lại làm cách mạng ”.

    Sinh ra trong một gia đình thượng trung lưu ở Cairo, ông Al Aswany nói rằng trở thành một tiểu thuyết gia là “giấc mơ của cuộc đời tôi”. Là con một, ông rất gắn bó với cha. Cha ông một nhà văn nổi tiếng đã khuyến khích tài năng của con trai. “Cha tôi nói với tôi rằng tôi phải tự hỏi bản thân mỗi sáng điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời tôi,” ông Al Aswany nhớ lại. “Nếu câu trả lời không phải là văn học, thì con nên ngừng viết vì con sẽ không bao giờ làm được.”

    Ông Al Aswany học văn học Pháp tại một trường Pháp ở Cairo, văn học Tây Ban Nha ở Madrid, và lấy bằng thạc sĩ nha khoa tại Đại học Illinois ở Chicago vào năm 1985, cho biết ông cần một nghề để nuôi sống bản thân. Ở Cairo, ông viết mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 1 giờ chiều và sau đó khám bệnh tại phòng khám tại nhà vào buổi chiều. Ông nói rằng nghề chữa răng là nghề tuyệt vời để làm quen với “ người có nguồn gốc khác nhau mỗi ngày”.

    Trong cuốn “The Republic of False Truths”, ông Al Aswany có vẻ khinh bỉ những người coi trọng tuân thủ giáo điều hơn đạo đức nhất. Lớn lên trong một gia đình Hồi giáo, ông nói rằng ông tin vào Đấng thiêng liêng nhưng không theo đạo. Ông nói: “Không ai thực sự chọn một tôn giáo. Chúng ta sinh ra với tôn giáo, và sau đó chúng ta cố gắng biện minh cho tôn giáo ấy vì chúng ta bị ràng buộc về mặt tình cảm.”

    Ông ấy rất tiếc cách giải thích cởi mở, khoan dung phổ biến của đạo Hồi ở Ai Cập trong gần hết thế kỷ 19 và 20. Tuy nhiên, sự bùng nổ dầu mỏ vào những năm 1970 đã thu hút hàng triệu người Ai Cập đến các quốc gia vùng Vịnh để làm việc, ở đó họ bị ảnh hưởng bởi lối hiểu kiểu Wahhabi nghiêm ngặt và chủ chiến hơn về Hồi giáo, ông nói. “Một người theo đạo Hồi và một người theo chủ nghĩa Hồi giáo rất khác nhau.” Năm 2013, ông Al Aswany đã gây tranh cãi khi ủng hộ quân đội thay vì Tổng thống Mohamed Morsi của Tổ chức Anh em Hồi giáo được dân cử. Sau đó, ông Al Aswany tuyên bố rằng ông luôn chống lại ông Sisi và cuộc bầu cử của Morsi là “không dân chủ”.

    Ông Al Aswany cho rằng tình trạng kiểm duyệt hà khắc của chính phủ đối với các quan điểm đối lập như cả bài viết của chính ông, là một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của chính phủ. Ông giải thích một chính quyền mạnh mẽ sẽ hành xử như một con hổ: “nó biết nó có thể tấn công mọi người nên nó không cần phải tấn công bất cứ ai.” Tuy nhiên, chính phủ của ông Sisi giống như “một con hổ bị thương”: “không có lòng tự tin, nó tấn công mọi người.”

    Giống như kỹ sư trẻ trong cuốn tiểu thuyết của mình, ông Al Aswany nói rằng ông vẫn lạc quan về Ai Cập. Ông cho rằng các cuộc cách mạng trong lịch sử đã gây ra những cuộc phản cách mạng, nhưng “cách mạng luôn thành công”. Thực tế là Ai Cập vẫn là một quốc gia trẻ – khoảng một nửa dân số dưới 25 tuổi – cũng mang lại cho ông hy vọng. Ông nói: “Các cuộc cách mạng luôn được dẫn dắt bởi những người trẻ tuổi. Tương lai đứng về phía chúng ta.”

    Nguồn: WSJ

    https://vietnamthoibao.org/vntb-alaa-al-aswany/

    https://www.wsj.com/articles/alaa-al-aswany-11628268107

    Không có nhận xét nào