Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam - Lời kêu cứu của các nữ lao động Việt Nam ở Saudi bắt đầu được chú ý

    Những người phụ nữ Việt Nam cầm bảng kêu cứu trong một cơ sở tạm trú dành cho lao động nước ngoài gặp khốn khó ở Riyadh, Ả-rập Saudi. Nhiều người trong số này nói họ bị chủ lao động hành hạ.
    Nhà chức trách Việt Nam đã gửi công văn yêu cầu các công ty tuyển dụng lao động trong nước nhanh chóng giải quyết các trường hợp nữ lao động người Việt bị mắc kẹt tại một trung tâm tạm trú ở thủ đô Riyadh của Ả-rập Saudi, nơi mà một số người đang lâm vào tình cảnh cùng quẫn.

    Bước đi này phản ánh sự gia tăng chú ý từ các nhà quản lý lao động trong nước vài tháng sau khi những người này tuyệt vọng kêu cứu trên mạng xã hội vì thỉnh cầu giúp đỡ của họ không nhận được hồi đáp qua các kênh chính thức.

    VOA ngày 16 tháng 6 tường trình chi tiết về hoàn cảnh của một trong số những người phụ nữ trong cơ sở này. Chị Đinh Thị Ca, 39 tuổi ở Bình Định, nói chị bị chủ đánh đập tàn tệ dẫn đến tổn thương mắt trong lúc làm người giúp việc cho gia đình họ ở Riyadh. Chị nói chị cũng bị cưỡng hiếp nhiều lần.

    Đầu tháng 4, chị cùng một số người phụ nữ khác xuất hiện trong một video đăng trên mạng xã hội mà trong đó họ cầu cứu chính phủ Việt Nam giúp họ hồi hương vì họ không đủ khả năng tài chính chi trả tiền vé máy bay về nước.

    VOA có được hình ảnh chụp lại một công văn của Cục Quản lý lao động ngoài nước, một cơ quan trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nói rằng việc những người phụ nữ này kêu cứu trên mạng xã hội đã “gây dư luận không tốt trong cộng đồng lao động, ảnh hưởng đến công tác quản lý trên địa bàn.”

    “Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương xác minh, nắm tình hình và nguyện vọng của người lao động, có biện pháp giải quyết đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động,” công văn ngày 29 tháng 6 nói.

    Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu phối hợp với các công ty môi giới ở Ả-rập Saudi “hoàn thiện các thủ tục” để sớm đưa những người lao động về nước theo nguyện vọng của họ.

    Công văn chỉ đạo các doanh nghiệp phải báo cáo kết quả thực hiện yêu cầu nêu trên gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Saudi trước này 15 tháng 7.

    VOA không liên lạc được Cục Quản lý lao động ngoài nước qua địa chỉ email được cung cấp để yêu cầu bình luận về nội dung của văn bản này.

    Công văn được Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm kí.

    Một trong những nơi nhận công văn là Ban Quản lý lao động Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Saudi. Quan chức phụ trách ban này không hồi đáp ngay tức thì email yêu cầu bình luận của VOA gửi ngày 2 tháng 7.

    Hai đại diện của hai công ty tuyển dụng lao động đi Ả-rập Saudi tại Hà Nội xác nhận với VOA họ đã nhận được công văn. Một người cho biết công ty của ông có một lao động hiện đang ở trong cơ sở tạm trú dành cho lao động nước ngoài gặp cảnh khốn khó ở Riyadh.

    “Mình cũng đang chờ dịch vãn vãn một chút mình mới có thể giải quyết được,” ông Lê Đức Quy, đại diện Công ty Cổ Phần xuất nhập khẩu Dịch vụ và Du Lịch Hùng Vương (HAVIMEC) nói qua điện thoại. “Hiện nay có giải quyết được gì thì lao động cũng không về được ngay là vì do không có chuyến bay.”

    Ông nói công ty “có thể hỗ trợ” trong trường hợp lao động không đủ khả năng mua vé khi có chuyến bay. Ông không nêu cụ thể số tiền là bao nhiêu.

    Trong khi đó những lao động này tiếp tục chờ đợi trong cơ sở tạm trú ở Riyadh cho đến khi có thông báo mới nhất từ đại sứ quán Việt Nam. Một số người đối mặt với tình trạng sức khỏe suy yếu do những thương tích trong quá trình lao động và thiếu sự chăm sóc y tế đầy đủ.

    Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, một tổ chức vận động cho nhân quyền Việt Nam ở Mỹ, cho biết ông đã nêu trường hợp của những người phụ nữ Việt Nam này trong một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 28 tháng 6, nghĩa là một ngày trước khi công văn của Cục Quản lý lao động ngoài nước được gửi đi.

    Tiến sĩ Thắng nói ông đã liên lạc với một số người khi biết về hoàn cảnh của họ và đã tìm cách vận động sự giúp đỡ của quốc tế kể từ đó.

    “Bộ phận chống buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ, họ nhập cuộc ngay từ đầu. Thứ hai là [Tổ chức Di trú Quốc tế], họ cũng tham gia qua sự giới thiệu của Bộ ngoại giao Mỹ,” ông cho biết.

    “Thứ ba là mình đang làm việc với thân nhân của những phụ nữ này để mà đòi hỏi các doanh nghiệp đưa họ đi phải đưa tất cả những người này về nội trong 30 ngày, không được quyền lấy lệ phí là 36 triệu tiền Việt Nam.”

    Trong những cuộc phỏng vấn với VOA, một số nữ lao động trong cơ sở tạm trú ở Riyadh nói họ được đưa vào đây chỉ với một bộ đồ trên người trong khi tư trang, hộ chiếu và những giấy tờ khác bị nhà chủ cầm giữ. Một số người cho hay họ không nhận được lương trong nhiều tháng và một số nói bị chủ ngược đãi dưới nhiều hình thức khác nhau.

    Tất cả họ đều là người dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và miền Bắc Việt Nam. Họ đi xuất khẩu lao động sang Ả-rập Saudi, làm người giúp việc cho các gia đình bản xứ trên khắp các thành phố trong vương quốc này.

    Di cư lao động trong những năm gần đây trở thành một trọng tâm chính sách quan trọng của Việt Nam khi ngày càng nhiều người chọn con đường sang các nước khác làm việc trong ngắn hạn. Xuất khẩu lao động được chính phủ tích cực thúc đẩy như một phương tiện nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao kĩ năng cho người lao động, và giảm nghèo.

    Hơn một triệu người Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc kể từ năm 2006, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

    Kể từ năm 2014, số người xuất khẩu lao động liên tục vượt mức 100.000 người một năm và tăng đều đặn cho tới năm 2020, khi những hạn chế vì đại dịch virus corona khiến con số này sụt giảm mạnh xuống mức hơn 78.000 người, Bộ cho biết.

    https://www.voatiengviet.

    Không có nhận xét nào