Một nguồn tin không chính thức cho biết rằng, cuối tháng 7 này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có chuyến thăm Việt Nam và hai quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore và Philippines.
Trung Quốc hiện đang là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Việt Nam – vị trí cao nhất mà Hà Nội dành cho các đối tác ngoại giao. Trong khi đó, Mỹ chỉ là đối tác toàn diện. Nhiều học giả Việt Nam đã chỉ rõ rằng việc nâng Mỹ lên thành đối tác chiến lược sẽ báo hiệu cho Bắc Kinh về một thay đổi lớn trên phương diện địa chính trị trong chính sách của Hà Nội đối với Trung Quốc.
“Dưới bóng Rồng”
Việt Nam đang chung sống với một người láng giềng không mấy dễ chịu. Một câu chuyện cười được đưa ra trong cuốn sách có tựa đề “Dưới bóng Rồng” của Sebastian Strangio lưu ý rằng dải đất hình chữ S của Việt Nam giống như một bà lão đang căng mình chống đỡ sức nặng của Trung Quốc. Việt Nam cũng là quốc gia tuyến đầu trong những tranh chấp ở biển Đông. Robert Kaplan nhận định rằng nếu Trung Quốc có thể “cắt đứt” Việt Nam ở đó, thì Bắc Kinh có thể “giành được biển Đông”.
Strangio lưu ý rằng trong những năm 1950 và 1960, sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Việt Nam – dưới hình thức vũ khí, đạn dược, bóng bàn và nước tương – đã khiến nhà lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh tuyên bố rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc giống như “một trăm ân huệ, một nghìn tình cảm trung thành và một vạn tình yêu thương”. Nhưng trước đó, khi các lực lượng Trung Quốc đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam năm 1945 để thực thi hiệp định đình chiến hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồ Chí Minh đã có quan điểm hoàn toàn khác.
Điều tương tự cũng áp dụng cho mối quan hệ Việt-Mỹ. Mặc dù các mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ là điều dễ hiểu đối với Việt Nam, nhưng Hà Nội cũng đã tìm cách điều chỉnh mức độ thân thiết với Mỹ. Điều này được thúc đẩy bởi sự thù địch trong lịch sử và sự cần thiết phải đa dạng hóa các mối quan hệ của Hà Nội. Một nhà ngoại giao người Việt có nói rằng “Việt Nam là ví dụ điển hình của một nước Đông Nam Á thể hiện được vai trò trung gian. Cạnh tranh Trung-Mỹ là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng chúng ta phải học cách thích nghi với điều đó”.
Hình minh hoạ. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 8/8/2017. Reuters
Quá trình phát triển quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ
Kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đã vận động theo chiều hướng đi lên trên cơ sở các lợi ích chung. Việc là một trong hai quốc gia Đông Nam Á được đề cập cụ thể trong Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của Chính quyền Biden cho thấy Việt Nam ngày càng trở thành một phần quan trọng trong hoạch định quốc phòng của Mỹ đối với khu vực. Chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp tới cho thấy hai bên đang tập trung vào quan hệ quốc phòng hơn là các quan hệ ngoại giao thông thường.
Quan hệ quốc phòng Việt- Mỹ khởi đầu bằng hợp tác quân sự. Hợp tác quân sự Việt-Mỹ đã bắt đầu từ cuối những năm 1980. Khi đó, lĩnh vực hợp tác chủ yếu là tìm kiếm hài cốt của những lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Việt Nam. Năm 1995, Mỹ và Việt Nam chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao, phá bỏ những rào cản đối với sự phát triển quan hệ quân sự giữa hai nước. Tháng 3/2000, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang thăm Việt Nam. Tháng 11 cùng năm, Bill Clinton trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Hai chuyến thăm "phá băng" này đã chính thức mở đầu quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước. Kể từ đó, lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng được mở rộng; mức độ giao lưu quân sự giữa hai nước ngày càng được nâng cao.
Mối quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ đang phát triển do Việt Nam ngày càng nhận thức rõ về mối đe dọa của Trung Quốc ở biển Đông. Năm 2002, Việt Nam lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận chung do Mỹ dẫn đầu với tư cách quan sát viên. Tháng 11/2003, tàu hộ tống của Mỹ đã có chuyến thăm lịch sử đến thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2006, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán thiết bị quân sự cho Việt Nam và đồng ý tiếp nhận phi công Việt Nam sang Mỹ đào tạo. Năm 2007, Mỹ cho phép bán vũ khí phi sát thương cho Việt Nam tùy theo từng trường hợp. Năm 2008, đối thoại chiến lược chính trị, quốc phòng và an ninh thường niên do Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì đã khai mạc, đánh dấu việc thể chế hóa quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Năm 2010, Mỹ công bố Báo cáo đánh giá quốc phòng bốn năm một lần, xác định mối quan hệ Việt-Mỹ là quan hệ đối tác toàn diện. Cùng năm, Hạm đội 7 của Mỹ đến thăm Việt Nam, mở đầu tiến trình bình thường hóa các cuộc tập trận chung phi tác chiến. Năm 2011, Việt Nam lần đầu tiên cử các sĩ quan đến Học viện quân sự và các cơ quan quân sự khác của Mỹ để học tập. Năm 2012, cùng với việc Chính quyền Obama thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt lại được bổ sung thêm nội dung mới. Năm 2014, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và lần đầu tiên xuất khẩu vũ khí thông thường sang Việt Nam. Năm 2016, Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội hôm 27/2/2019. Reuters
Sau khi Trump trở thành tổng thống Mỹ, hợp tác quốc phòng giữa Việt - Mỹ đã tiến xa hơn nữa. Năm 2017, trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, hai bên đã nhất trí làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quốc phòng, mở rộng giao lưu hải quân và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo. Năm 2018, đội hình hàng không mẫu hạm Mỹ do tàu sân bay Carl Vinson dẫn đầu đã đến thăm Đà Nẵng, Carl Vinson cũng chính là tàu sân bay đầu tiên của Mỹ ghé thăm cảng Việt Nam kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Năm 2019, Mỹ bàn giao tàu tuần tra lớp Hamilton 3.000 tấn đã qua sử dụng và 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam. Năm 2020, tàu sân bay Mỹ một lần nữa đến thăm Việt Nam.
Năm 2021, khi Biden lên nắm quyền, Mỹ tuyên bố sẽ giúp Việt Nam thiết lập hệ thống đào tạo phi công theo tiêu chuẩn của quân đội Mỹ. Theo nội dung bức thư đề nghị từ phía Mỹ, mục đích của động thái này là hỗ trợ Không quân Việt Nam thiết lập dự án đào tạo phi công hiện đại kiểu Mỹ, sử dụng máy bay huấn luyện do Mỹ sản xuất làm công cụ huấn luyện chính. Lâu nay, Việt Nam chủ yếu sử dụng máy bay chiến đấu do Nga sản xuất. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống huấn luyện không quân kiểu Mỹ đánh dấu một bước đột phá trong hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ.
Những rào cản trong quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ
Điều chắc chắn là mặc dù có những dấu hiệu cho thấy tiến triển đáng kể trong quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ, nhưng vẫn còn tồn tại những rào cản lớn. Điều đáng chú ý nhất là nhiều sĩ quan trong Đảng và quân đội (đặc biệt là những người đã nghỉ hưu nhưng vẫn có ảnh hưởng trong hệ thống) tiếp tục tỏ ra hoài nghi về ý định của Mỹ bắt nguồn từ thời Chiến tranh Việt Nam. Việt Nam cũng quan ngại về khả năng Mỹ - hay nói rộng hơn là phương Tây - kích động bất ổn xã hội ở Việt Nam để tạo điều kiện tạo ra “diễn biến hòa bình” tiến tới chế độ dân chủ. Do đó, quân đội Việt Nam luôn giữ bí mật về học thuyết, hoạt động huấn luyện, các năng lực và nhiều chi tiết khác về hoạt động của mình, điều vốn hạn chế Việt Nam chấp nhận những đề nghị của Mỹ. Hơn nữa, Việt Nam thường quan tâm đến việc điều chỉnh các mối quan hệ một cách phù hợp trong các mối quan hệ nước lớn - gần đây nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Quả thật, một trong những lý do có thể giải thích tại sao Việt Nam hủy bỏ (hoặc có lẽ là hoãn) 15 cuộc trao đổi quốc phòng với Mỹ trong năm 2019 là vì muốn tránh chọc giận Trung Quốc một cách không cần thiết. Và chính sách quốc phòng “ba không” đã hạn chế Việt Nam tham gia hợp tác an ninh với các cường quốc bên ngoài.
Tuy nhiên, nhịp độ phát triển quan hệ giữa Hà Nội và Washington vẫn rất mạnh mẽ.
Triển vọng quan hệ Việt - Mỹ
Nhìn chung, Việt Nam có quan điểm tích cực về tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ. Việt Nam cũng ủng hộ các mục tiêu chính sách mà Mỹ đề ra trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Trump nếu lợi ích quốc gia bị thách thức nghiêm trọng. Chẳng hạn, phản ứng trước lịch trình của các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ, tháng 9/2017, Việt Nam đã khẳng định: “Việt Nam tôn trọng quyền của mọi quốc gia tiến hành các hoạt động tự do hàng hải và hàng không tuân thủ luật pháp quốc tế”. Vào tháng 2/2019, Việt Nam đã tuyên bố “tôn trọng quyền tự do hàng hải khi tàu chiến Mỹ đi qua quần đảo Trường Sa”.
Tháng 1/2019, Việt Nam đã không phản đối cuộc tập trận hải quân của Mỹ và Anh ở biển Đông hay các FONOP của Mỹ ở quần đảo Hoàng Sa. Năm 2016, trong một động thái thẳng thắn khác thường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Việt Nam sẽ ủng hộ Mỹ và các đối tác khác can thiệp vào khu vực chừng nào nước này mang lại hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Mattis vào tháng 1/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết hai bên sẽ ưu tiên giải quyết các di sản chiến tranh, xây dựng việc thực thi luật hàng hải, hợp tác quân y, đào tạo tiếng Anh cho sĩ quan Việt Nam và tìm hiểu nhu cầu cũng như năng lực của mỗi bên trong hợp tác công nghiệp quốc phòng.
Mặc dù Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam, nhưng Mỹ sẽ đứng ở vị trí thứ hai vì có khả năng giúp Việt Nam tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc và duy trì sự cân bằng thận trọng giữa các nước lớn trong chính sách đối ngoại.
Chính vì vậy, việc Hà Nội quyết định nâng cấp quan hệ hợp tác quốc phòng với Washington sẽ là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Bắc Kinh, có thể khuyến khích họ điều chỉnh hành vi của mình trong tương lai.
https://www.rfa.
Không có nhận xét nào