Trung Quốc dùng dịp 100 năm ngày thành lập ĐCS để tuyên truyền nhằm lôi cuốn người dân
Tin tức trong nước tràn đầy những lời ngợi ca về sự trường tồn của ĐCS TQ, bất chấp những trông đợi rằng trong hành trình 100 năm qua, đảng này có thể mục ruỗng, buộc phải dân chủ hóa hay thậm chí bị sụp đổ.
Ngay cả sự kiện Trung Quốc phóng tên lửa vũ trụ cũng được đưa tin với tinh thần yêu nước mạnh mẽ, với một nhà du hành vũ trụ nói rằng nhiệm vụ này đã "ghi thêm một trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh 100 năm qua của Đảng".
Mặc dù có khả năng chống chịu, mối quan tâm hàng đầu của Đảng này vẫn là sự sống còn và họ ngày càng nhạy cảm với bất kỳ điều gì được cho là xói mòn lòng tin trong dân chúng.
Do đó, tính chính danh cho chế độ cần được củng cố liên tục và ĐCS TQ tranh thủ dịp kỷ niệm 100 năm thành lập để tuyên truyền với nhiều thông điệp gợi nhắc tới sự hào hùng của quá khứ, thành công trong hiện tại và sự vĩ đại trong tương lai.
Bộ máy tuyên truyền, các học giả, đảng viên và thậm chí cả người nước ngoài được huy động để thuyết phục cho tính chuyên chế của ĐCS tại Trung Quốc.
Vậy, Trung Quốc đang kể về lịch sử 100 năm của ĐCS ra sao?
'Vì nhân dân phục vụ'
Trọng tâm của chiến dịch tuyên truyền là ĐCS được quyền lãnh đạo đất nước vì họ "vì nhân dân phục vụ", và được sự ủng hộ vững vàng của người dân.
"Vì nhân dân phục vụ" đã trở thành khẩu hiệu chính thức của ĐCS TQ kể từ khi nó được Mao Trạch Đông dùng năm 1944, nhưng có vẻ như khẩu hiệu này được phát động lại dưới thời Tập Cận Bình.
ĐCS TQ nói Đảng 'lấy người dân làm trọng tâm'
Trong các bài diễn văn và chỉ thị của mình, ông Tập nhấn mạnh Đảng CS TQ phải luôn trung thành với "sứ mệnh ban đầu" để phục vụ quần chúng chứ không chỉ tầng lớp tinh anh.
Công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh để cho thấy Đảng CS TQ "thực sự phấn đấu cho hạnh phúc của người dân Trung Quốc", ông phát biểu gần đây.
Truyền thông nhà nước và các quan chức cũng trích dẫn một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy công dân Trung Quốc ngày càng hài lòng với chính phủ, như một sự biện minh cho quyền lãnh đạo của Đảng CS.
Các báo cũng đăng những câu chuyện cảm động, chẳng hạn như loạt bài "Những người của nhân dân" do đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CGTN) thực hiện, giới thiệu những gương mặt Đảng viên làm việc hết mình vì nhân dân.
"ĐCS TQ không có phép màu trong tay, nhưng họ biết đâu là những thay đổi mà người dân mong muốn và họ thực hiện các chính sách đáp ứng nhu cầu của người dân", Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong (Xie Feng) nói với các phái viên nước ngoài hôm 14/6.
Ông nói thêm: "Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân khắng khít như cá với nước."
Trong lời mô tả Đảng CS TQ "vì dân", một chủ đề được nhắc đến là "mối liên kết đặc biệt"giữa Đảng và thanh niên - một bộ phận có ảnh hưởng trong xã hội mà Đảng CS từng có mối quan hệ phức tạp trong quá khứ.
Nhưng chủ đề này vẫn chưa giải tỏa được nỗi phẫn nộ của nhiều người trẻ TQ cảm thấy thiếu cơ hội thăng tiến trong xã hội - như được thể hiện trong phong trào Thảng bình (Nằm im) - và sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn.
Ôn lại truyền thống
Nỗ lực tuyên truyền của Đảng CS TQ còn gồm cả việc ôn lại di sản cách mạng để truyền cảm hứng cho quần chúng và vun đắp lòng tin vào sự lãnh đạo của đảng.
Những hình ảnh mô tả sự hy sinh và hào hùng trong quá khứ của Đảng CS xuất hiện khắp nơi - trên truyền thông nhà nước, các tấm áp phích, phim truyện, chương trình truyền hình và các bài phát biểu chính thức.
Truyền thông nhà nước đăng tải nhiều bài chuyên mục như trang chuyên mục của Tân Hoa Xã "Theo bước chân những người cách mạng".
Tuyên truyền 'ôn lại quá khứ' còn được phản ánh trong phong trào "du lịch đỏ", hay về thăm các địa danh lịch sử, bảo tàng và đài tưởng niệm cách mạng.
Tìm hiểu lịch sử Đảng là một nội dung quan trọng trong các lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCS
Ông Tập cũng phát động phong trào học tập lịch sử Đảng hồi tháng Hai, căn dặn các cán bộ các cấp tìm "tri thức" từ quá khứ của Đảng.
Trong số mới nhất của tạp chí của Đảng - Cầu Thị (Qiushi - Tìm Sự thật), ông lại lập luận rằng lịch sử là "cuốn sách giáo khoa thuyết phục nhất về cuộc tranh đấu đầy kiên định của Đảng," và sự hiểu biết đó dẫn chúng ta đến tình yêu ĐCSTQ và yêu dân tộc.
Vương Hộ Ninh, Ủy viên Thường trực Bộ Chính Trị chuyên về tư tưởng, phát biểu rằng một bảo tàng được khai trương gần đây sẽ giúp "chỉ dẫn các đảng viên, quan chức, và người dân có hiểu biết sâu sắc vì sao Đảng tài tình, vì sao chủ nghĩa Marx đúng đắn và vì sao chủ nghĩa xã hội với đặc thù Trung Quốc lại vượt trội".
Tuy nhiên, tập trung khắc họa lịch sử lại không bao gồm việc thanh sát quá khứ rắc rối trong nội bộ Đảng, mà thay vào đó chỉ nói đến chặng đường 100 năm với những gì họ muốn tuyên truyền.
Chỉ trong tháng trước, chính quyền đã xóa chừng 2 triệu bài viết online vì "bóp méo" lịch sử Đảng và đã mở một đường dây hotline để người dân báo cáo các trường hợp vụ bị cho là xem thường tính Đảng.
'Ý trời' hay thuyết Thiên mệnh mới
Từ lâu, Đảng CS TQ đã dựa vào sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội để khẳng định quyền lãnh đạo của mình với người dân trong nước.
Một trụ cột quan trọng để kêu gọi sử ủng hộ trong nước là "tính chính danh nhờ hiệu năng"- có nghĩa là quyền lãnh đạo phải được xét trên khả năng trị nước hiệu quả.
Trương Duy Vi (Zhang Weiwei), một học giả Trung Quốc có tiếng, tác giả cuốn "Làn sóng Trung Quốc" gần đây phát biểu trước Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc về thông điệp cần đưa ra, tựa như thuyết Thiên mệnh (Ý trời để cầm quyền).
Trong một bài báo khác, ông đề xuất một "kiểu tuyên truyền mới" - vượt khỏi phạm trù "dân chủ so với chuyên chế" và tập trung vào "quản trị tốt hay xấu".
Và trong những ngày trước dịp kỷ niệm thiên niên kỷ, truyền thông Trung Quốc tràn ngập các bài báo nói về "các kỳ tích kinh tế" và "thành tựu vĩ đại" đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.
ĐCS nhận công lao làm nên các 'kỳ tích kinh tế'
Hai ví dụ được tận dụng nhiều để cho thấy khả năng lãnh đạo tốt của Đảng là "thắng lợi" trong xóa đói giảm nghèo và Covid-19 - được nhấn mạnh trong hai bài xã luận dài trên tờ Nhân Dân Nhật báo, tờ báo của Đảng.
Trong nước, báo chí cũng tăng cường đưa tin 'một cách thuyết phục' các tin bài về bản chất không tốt đẹp của các nền dân chủ bằng cách chỉ ra cách chống dịch Covid-19 yếu kém ở Mỹ và Ấn Độ.
Tuy nhiên, 'tính chính danh về hiệu năng' sẽ chỉ bền vững nếu nó đáp ứng được sự trông đợi ngày càng lớn của người dân - và dân số đang già đi, sự thiếu cải cách và các yếu tố môi trường chăc chắn sẽ thử thách sự bền vững về tính chính danh của Đảng.
Có lẽ đã lường trước điều này, thông điệp mà Đảng đưa ra đã được chỉnh lại và không tập trung nhiều về mục tiêu tăng trưởng mà về sự phát triển "toàn diện" và mang lại "cuộc sống tốt đẹp hơn" cho người dân Trung Quốc.
Khả năng 'tự đổi mới'
ĐCS TQ cũng muốn tuyên truyền rộng rãi khả năng vượt qua khủng hoảng và thích nghi với hoàn cảnh luôn thay đổi - hay cái mà họ gọi là 'tự đổi mới' (tự ngã cách mạng).
Theo thông điệp của ĐSC TQ, không như các đảng trong một nền dân chủ, thường được chỉ dẫn bởi các lợi ích chính trị ngắn hạn, ĐCS TQ có tầm nhìn dài hạn và có thể tự điều chỉnh hướng đi, cái được gọi là "đặc tính nổi trội nhất".
Tập Cận Bình nói công tác tự đổi mới của Đảng không bao giờ được ngừng
Theo cách tuyên truyền này, bất kỳ sai lầm nào - chẳng hạn những sai lầm ban đầu khi đối phó với dịch Covid-19 - đều bị đổ cho các quan chức địa phương và không phải lỗi của chính quyền trung ương.
"Hệ thống của TQ có thể tránh được những yếu điểm của cạnh tranh khốc liệt giữa các đảng phái," cán bộ lãnh đạo cao cấp, ông Du Chính Thanh phát biểu trong dịp đưa ra báo cáo về giá trị của hệ thống chính trị Trung Quốc.
Đảng có khả năng "đối mặt với sai lầm, sửa chữa và dũng cảm tự đổi mới, cho dù có đau đớn đến đâu… Đảng CS TQ không phải như một Đảng Cộng sản của Liên Xô cũ," Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong khẳng định.
Sự sụp đổ của Liên Xô là một bài học quan trọng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và đặc biệt là với ông Tập Cận Bình, người nói Trung Quốc cần tránh có số phận tương tự.
Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, Đảng được cho là đang ở trong tình cảnh khó khăn, ngập tràn chủ nghĩa bè phái, kém hiệu quả và tham nhũng. Ông Tập đã tìm cách "thanh lọc" ĐCS TQ bằng cải cách nội bộ sâu rộng, các chiến dịch kỷ luật, các cuộc họp tập thể và các buổi tự kiểm điểm.
"Tự đổi mới" được nhắc đến nhiều nhất là chiến dịch chống tham nhũng - cực kỳ phổ biến trong công chúng Trung Quốc - được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong nước.
Dù tự nhận là mô hình chính trị ưu việt, những người trong Đảng như Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, đã gọi ĐCS TQ là "thây ma chính trị" với "những khó khăn lớn".
Đưa Trung Quốc lên tầm vĩ đại
Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách khai thác lòng tự hào dân tộc để phục vụ cho họ, hy vọng rằng tinh thần yêu nước đang tăng sẽ dẫn đến lòng trung thành sâu nặng hơn với Đảng.
Theo dòng suy nghĩ này, sự lãnh đạo của đảng gắn chặt với "sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa"- mục tiêu mà ông Tập cam kết sẽ đạt được trước năm 2049 - mang lại cho người dân một cái đích để vươn tới.
Trung Quốc ngày càng dựa vào chủ nghĩa dân tộc để khẳng định tính chính danh
Thông điệp ở đây rất rõ ràng. Đảng đang đưa Trung Quốc trở về vị trí xứng tầm trên thế giới, và làm đảo ngược "một thế kỷ ô nhục " hay sự cùng khổ của Trung Quốc dưới bàn tay của các thế lực nước ngoài. Nếu không có Đảng, đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn, và sẽ bị phương Tây bóc lột.
"Nếu không có sự lãnh đạo vững vàng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dân tộc Trung Hoa sẽ không có tương lai, và Trung Quốc sẽ bị đàn áp và bắt nạt bởi Hoa Kỳ và đồng minh trong một thời gian dài và do đó thậm chí có thể bị chia cắt," một bài xã luận gần đây trên tờ Hoàn cầu Thời báo viết.
Để hối thúc tinh thần dân tộc, ông Tập và giàn lãnh đạo nói nhiều đến việc Trung Quốc đang đi vào vị trí "trung tâm trên trường quốc tế, "phương Đông đang lên và phương Tây đang suy thoái" và "sự trỗi dậy của Trung Quốc hay sự suy sụp của Mỹ", đồng thời cảnh báo về "các thế lực thù địch nước ngoài" đang tìm cách khống chế Trung Quốc.
Bất kỳ một chỉ trích nào của nước ngoài về một chính sách cụ thể - cho dù về Tân Cương hay Hong Kong - được coi là tấn công vào tất cả người Trung Quốc.
Tranh châm biếm về phương Tây được truyền thông đăng tải rộng rãi
"Chúng ta là các chiến binh đứng trước tổ quốc và chiến đấu vì đất mẹ, chúng ta sẽ chặn đứng 'bọn chó điên' tấn công Trung Quốc," đại sứ Trung Quốc tại Pháp, ông Lô Sa Dã phát biểu gần đây.
Những lời lẽ đầy thôi thúc này có thể làm yên lòng người dân trong nước, nhưng nó làm hạn chế chính sách đối ngoại của Trung Quốc, và mang lại suy nghĩ tiêu cực về sự trỗi dậy của nước này trên phạm vi quốc tế.
Tuy vậy, truyền thông nhà nước có vẻ như không quá lo lắng.
"Dù khởi đầu như một phong trào cộng sản ít tiếng tăm, rời rạc, thiếu phối hợp hồi đầu thế kỷ thứ 20, Đảng bước sang thiên niên kỷ mới ở vị trí người hướng đạo toàn cầu, lãnh đạo một nước có tiềm năng trở thành đại cường," bài báo gần đây trên tờ Nhân dân Nhật báo yên tâm khẳng định về tổ chức cầm quyền duy nhất ở quốc gia rộng lớn này.
https://www.bbc.com
Không có nhận xét nào