Header Ads

  • Breaking News

    Trân Văn - Trong lòng đại dịch ngẫm về… đu dây!

    Bộ trưởng Quốc phòng, Thủ tướng rồi Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa thay nhau tiếp ông Lloyd Austin – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Một trong những nội dung mà các nhân vật chủ chốt của hệ thống công quyền lặp đi lặp lại với ông Austin là… tri ân Mỹ đã hỗ trợ vaccine cũng như các trang bị, thiết bị y tế giúp ngăn ngừa COVID-19, đồng thời đề nghị Mỹ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam, sớm tạo điều kiện cho các đối tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm để công nhận vaccine (1).
    Việc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam loay hoay chống đỡ đợt dịch thứ tư (kéo dài từ hạ tuần tháng tư đến nay), giá phải trả bằng nhân mạng, bằng sự hỗn loạn đi kèm hoảng loạn càng ngày càng lớn, song hành với tình trạng suy thoái chưa có điểm dừng ở mọi mặt, buộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam muối mặt vật nài thiên hạ, trong đó có Mỹ trợ giúp, cũng như hiệu quả và hy vọng từ viện trợ Mỹ trong việc chống đỡ đại dịch khiến người ta nhớ tới chính sách đu dây trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ…

    Năm 2016, tướng Dennis Via, khi ấy là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiếp vận của Lục quân Mỹ từng giới thiệu ý tưởng: Xây dựng hệ thống kho, dự trữ quân cụ, quân nhu tại Việt Nam nhằm giúp quân đội Mỹ triển khai nhanh các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai tại khu vực Đông Nam Á nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng… Lúc đó, một số nguồn thạo tin còn đề cập đến khả năng, nếu Việt Nam đồng ý, hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu cho các chiến dịch nhân đạo sẽ được thiệt lập ở miền Trung Việt Nam...

    Sau tướng Via, tướng Robert Brown (Tư lệnh Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương từ 2016 đến 2019) tiếp tục lập lại ý tưởng xây dựng hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu cho các chiến dịch nhân đạo nhưng ngoài Việt Nam, tướng Brown tính thêm Malaysia, Bangladesh, Cambodia như những nơi có thể nhắm tới! Giống như tướng Via, tướng Brown giải thích tại sao quân đội Mỹ bận tâm về chuyện này: Đó là khu vực chắc chắn sẽ xảy ra những thảm họa. Kế hoạch này nhằm tư vấn, hỗ trợ cứu được nhiều mạng người nhất trong toàn khu vực (2)!

    Trước nay, quân đội Mỹ đã và vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch nhân đạo, hỗ trợ nhiều quốc gia, khu vực thoát ra khỏi các thảm nạn. Tại sao họ đã xác định Việt Nam là địa điểm lý tưởng để xây dựng hệ thống cất trữ phương tiện, vật dụng dành riêng cho các chiến dịch nhân đạo và hợp tác Mỹ - Việt càng ngày càng chặt chẽ nhưng ý tưởng đó dường như chẳng đến đâu? Muốn có câu trả lời, hãy dùng Google, search về nỗ lực thực hiện “chính sách ba không” (Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác) của Việt Nam!

    ***

    Ai cũng biết, mục tiêu chính khiến Việt Nam kiên định với “chính sách ba không”, gần đây nâng thêm một “không” nữa (không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) biến “ba không” thành “bốn không” là để… “gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc” khi mở rộng và thắt chặt quan hệ với Mỹ cũng như các quốc gia, tổ chức quốc tế khác mà Trung Quốc xem là… thù địch!

    Thay vì phân tích điều đó đúng hay sai, nên hay không, tốt nhất cần đọc qua nhận định và tâm sự của ông Nguyễn Đình Bin – cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục tổ chức tập trận ở biển Đông, cuối tuần trước – ngày 23 tháng 7 – ông Bin vừa chia sẻ như thế này trên trang facebook của ông...

    Tin quan trọng!

    Việt Nam tính sao đây?

    Trung Quốc khai trương Nhà Kỷ niệm Chiến tranh biên giới Việt – Trung!

    (Tin từ Trung Quốc – 21 tháng 7)

    Ngày 20/7, Trung Quốc tổ chức Lễ khai trương “Nhà kỷ niệm Chiến tranh biên giới Trung – Việt” (hay còn gọi là Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung - Việt) tại Công viên văn hóa du lịch Tái Thượng Quân, tỉnh Thiểm Tây.

    Thượng tướng Tiền Thụ Căn (nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc), Trung tướng Trâu Canh Nhâm, Trung tướng Trương Kiến Thắng (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Lan Châu), Thiếu tướng Lưu Bồi Canh (nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thiểm Tây), Thiếu tướng Lan Hiểu Quân (nguyên Phó Chính ủy Quân khu Cam Túc), Thiếu tướng Trần Đức Quang (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Thiểm Tây), Miêu Phong (Bí thư Khu ủy Du Dương, thành phố Du Lâm)… tham dự buổi lễ.

    Tại buổi lễ, Trâu Canh Nhâm, Trương Kiến Thắng, Lưu Bồi Canh, Lan Hiểu Quân, Trần Đức Quang tặng sách “Tổ quốc trong tim” cho Tăng Kính Tuyền, Mã Trung Tường, Triệu Tuấn Tân, Trần Uy Vũ, Trương Hồng Bân là đại diện cựu chiến binh tham gia cuộc chiến. Tiền Thụ Căn và Bí thư Khu ủy Khu Du Dương Miên Phong cùng khai trương “Nhà kỷ niệm Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung - Việt”.

    “Nhà kỷ niệm Chiến tranh biên giới Trung - Việt” nằm trong Công viên văn hóa du lịch Tái Thượng Quân Thiểm Tây, địa chỉ tại Vịnh Bổ Long, thôn Kỷ Tiểu Than, thị trấn Kỳ Hà, khu Du Dương, thành phố Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây, cách trung tâm thành phố 8 km. Hiện đã xây dựng xong “Nhà kỷ niệm tác chiến phản kích tự vệ đối với Việt Nam”, “Nhà ký ức Nam Cương (biên giới phía Nam)”, “Tháp kỷ niệm anh hùng cách mạng đỏ” và các hạng mục trưng bày vũ khí mô phỏng, thể nghiệm huấn luyện quân sự, đi lại con đường trường chinh, xuyên rừng… Đây là khu công năng tổng hợp về giáo dục quốc phòng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, giáo dục cán bộ đảng viên, giáo dục khoa học, đào tạo, hội nghị, nghiên cứu, tham quan, du lịch.

    Tính đến nay, Công viên này đã tổ chức hơn 900 hoạt động đào tạo, giáo dục, huấn luyện quân sự cho học sinh trung tiểu học, cơ quan chính quyền, đơn vị sự nghiệp và cán bộ đảng viên, với hơn 110.000 người tham gia đào tạo. Các giới trong xã hội đến tham quan du lịch, thể nghiệm cuộc sống quân đội, tham gia giáo dục quốc phòng chủ nghĩa yêu nước lên tới hơn 1,2 triệu lượt người…

    Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Tiền Thụ Căn (nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc) nhấn mạnh, việc xây dựng Nhà kỷ niệm đã tạo ra một nơi quy tụ tình cảm cho rộng rãi cựu chiến binh tham gia chiến tranh, cung cấp cho xã hội một địa điểm tuyệt vời về giáo dục bồi dưỡng. Trước chiến tranh, đó (nhà kỷ niệm) là người đi qua và người thu thập. Trước tương lai, đó là người thừa kế và người lan tỏa. Với sự kết hợp giáo dục chủ nghĩa quốc phòng yêu nước khô khan với trải nghiệm huấn luyện quân sự, xuyên rừng, vui chơi… để những người đến tham gia nghiên cứu, học tập, du lịch có thể vừa giải trí vừa thể nghiệm cuộc sống quân đội, ôn lại lịch sử đỏ, kích thích nhiệt tình yêu nước.

    Sau Lễ khai trương, các đại biểu đã tham quan “Nhà kỷ niệm Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung - Việt”, “Nhà ký ức biên giới phía Nam”, cảm nhận về máu nhuộm đỏ lên cờ của nước cộng hòa. “Nhà kỷ niệm Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung - Việt” và “Nhà ký ức biên giới phía Nam” được hoàn thành xây dựng vào tháng 5/2021. Với chủ đề về chiến tranh biên giới Trung - Việt, hai công trình này đã thể hiện tinh thần Lão Sơn “không sợ khổ, không sợ chết, không sợ thiệt” và “chiến đấu gian khổ”, “cống hiến vô tư” của các anh hùng nhân dân, đã viết nên khúc hoan ca về bảo vệ nước nhà.

    Song song với việc dịch - giới thiệu sự kiện nêu trên, ông Bin chia sẻ suy nghĩ riêng của ông thế này: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” và bài học Chiến tranh thế giới thứ hai còn nóng hổi (để tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, thế giới đã liên minh lại, gồm cả hai hệ tư tưởng đối lập, hai đối thủ lớn nhất - Liên Xô và Hoa Kỳ - và đã thắng lợi, cứu được cả loài người khỏi họa phát xít), nay đã đến lúc, để ngăn chặn và làm thất bại tham vọng bá chủ thế giới theo mô hình phi dân chủ, vị kỷ, tàn bạo của nhà cầm quyền Bắc Kinh, các quốc gia trên thế giới, trước hết là các nước lớn, vì lợi ích tối cao của chính mình, phải liên minh lại thì mới thắng lợi. Còn nếu mỗi nước, chỉ vì lợi ích vị kỷ, riêng rẽ của mình, thì nhất định sẽ thất bại.

    Dân tộc Trung Hoa là một dân tộc vĩ đại, có một nền văn minh đáng tự hào, khi đó sẽ xây dựng một Trung Quốc dân chủ, văn minh, hùng cường, vĩ đại, tòan dân được hưởng cuộc sống xứng đáng, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển, hòa đồng và có vị trí cường quốc xứng đáng được tôn vinh trên thế giới, cũng giống như các nước Đức, Nhật và Ý ngày nay.

    ***

    Khác với Trung Quốc, đến giờ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn cố gắng lờ đi tất cả những gì có liên quan đến xung đột biên giới Việt – Trung kéo dài từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980. Tưởng niệm, tri ân những người từng cầm súng, đã hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc đó chỉ từ dân, trong dân và do… yêu cầu chính trị, thỉnh thoảng xuất hiện trên hệ thống truyền thông chính thức.

    Ngay vào thời điểm này, dẫu mức độ hung hăng, càn rỡ của Trung Quốc trên biển Đông tiếp tục gia tăng (4), hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ gia tăng… thảo luận với thiên hạ về… tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông, hy vọng thiên hạ tham gia giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới!..

    Sáu năm trước, ông Trọng từng vặn hỏi những đồng chí, đồng bào bày tỏ sự âu lo và thắc mắc rằng cả ông lẫn đảng của ông sẽ làm gì khi Trung Quốc càng ngày càng hung hăng trong việc xác lập chủ quyền đối với 80% diện tích biển Đông của Việt Nam: Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không (5)?

    Đại hội 12, rồi đại hội 13 đều… thành công tốt đẹp, Tết vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục nhắn nhủ: Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam, sẵn sàng cùng với Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, định hướng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho dân chúng hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới (6), vỗ về ông Nguyễn Phú rọng và đảng của ông nên… quản lý hợp lý sự khác biệt trên biển và chống lại sự xúi giục của các thế lực bên ngoài (7).

    Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh, nỗ lực hợp tác, siết chặt quan hệ với Việt Nam là vì lợi ích thiết thực của cả hai bên, Mỹ không yêu cầu Việt Nam phải chọn phe, đồng minh cũng như đối tác của Mỹ tự do xây dựng tương lai của chính mình, trở ngại duy nhất trong quan hệ Mỹ - Việt là khác biệt trong nhận thức, hành xử liên quan tới nhân quyền (8). Còn Việt Nam, xét cho đến cùng, “ba không” rồi “bốn không” chỉ xoay quanh một “không” – không để vuột mất đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN.

    “Ba không” rồi “bốn không” chắc chắn đã góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn sự hiện diện của hệ thống kho dự trữ quân cụ, quân nhu, các loại vật phẩm nhằm giúp quân đội Mỹ có thể triển khai nhanh các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai tại khu vực Đông Nam Á nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng… trên lãnh thổ Việt Nam.

    Cứ tìm thêm thông tin về các chiến dịch nhân đạo mà trước nay quân đội Mỹ từng thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới rồi đối chiếu với thực trạng đại dịch đang càng ngày càng tồi tệ ở Việt Nam sẽ có thêm chuyện để ngẫm về… giá của “giữ gìn, phát triển quan hệ hữu nghị Việt – Trung”! Giá của giải pháp… đu dây nhằm tổ chức đại hội đảng lần thứ n, vốn vẫn thường được tụng ca là… “tài tình, sáng suốt”!

    https://www.voatiengvie

    Không có nhận xét nào