Pháp tổ chức trở lại diễu binh mừng Quốc Khánh 14/07
Hôm
nay, 14/07/2021, Pháp tổ chức trở lại cuộc diễu binh truyền thống mừng
Quốc Khánh sau khi đã phải hủy cuộc diễu binh này năm ngoái, khi đại
dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh.
Đây là cuộc diễu binh cuối
cùng của nhiệm kỳ tổng thống Emmanuel Macron, cũng với đầy đủ các đơn
vị, trên đại lộ Champs-Elysées, Paris. Cuộc diễu binh năm nay huy động
5.000 người, trong đó có 4.300 quân nhân diễu hành trên đường, cùng với
73 phi cơ, 24 trực thăng, 221 xe cơ giới và 200 ngựa của lực lượng Vệ
Binh Cộng Hoà.
Đặc biệt, lần đầu tiên xe thiết giáp Griffon, xe
vận chuyển binh sĩ thế hệ mới, được phô diễn trong lễ diễu binh hôm nay.
Sắp tới đây xe thiết giáp này sẽ được triển khai ở vùng Sahel, châu
Phi. Tham gia diễu binh còn có một toán quân của lực lượng đặc nhiệm
châu Âu mang tên Takuba, bao gồm binh lính từ 8 quốc gia châu Âu. Lực
lượng này do Pháp khởi xướng, để hỗ trợ quân đội Mali trong các trận
giao tranh với quân thánh chiến Hồi Giáo tại vùng Sahel, nơi mà sau 8
năm can thiệp, Pháp sẽ cắt giảm quân số.
Lần đầu tiên diễu binh
trên đại lộ Champs-Elysée còn có các cảnh sát thành phố, mà ở đây là của
thành phố Nice, nơi đã xảy ra hai vụ khủng bố trong những năm gần đây.
Đặc biệt hôm nay còn có phần diễu hành của bộ chỉ huy Không Gian mới của
lực lượng Không Quân Pháp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch
Covid-19 đang bùng phát trở lại tại Pháp do sự lây lan rất mạnh của biến
thể Delta, cuộc diễu binh hôm nay diễn ra với số khán giả hạn chế.
Những người nào muốn vào xem diễu binh dọc hai bên đường đều phải đeo
khẩu trang và phải trình chứng nhận y tế. Số người trên khán đài cũng
giới hạn ở mức 10.000 người, thay vì 25.000 lúc bình thường.
Sau
lễ diễu binh, nhiều sinh hoạt mừng Quốc Khánh sẽ được tổ chức ở Paris,
kết thúc bằng buổi bắn pháo bông ở khu vực tháp Eiffel, tối ngày 14/07.
Nam Phi
Nam
Phi sẽ đóng cửa một số điểm tiêm chủng vì tình trạng bạo lực bất ổn.
Đến nay đã có ít nhất 45 người thiệt mạng và gần 800 người bị bắt vì bạo
loạn và cướp bóc sau khi cựu tổng thống Jacob Zuma bị kết án tù giam
vào tuần trước. Vụ giẫm đạp tại một trung tâm mua sắm vào đêm thứ Hai
vừa rồi cũng khiến mười người thiệt mạng. Hiện quân đội đã được triển
khai, trong khi tổng thống Cyril Ramaphosa lên án bạo lực.
Chỉ số
giá tiêu dùng của Mỹ tăng 0,9% trong tháng 6 – mức lạm phát tháng cao
nhất kể từ năm 2008 – sau khi đã tăng 0,6% trong tháng 5. Tuy nhiên, Fed
dự đoán áp lực lạm phát chỉ mang tính tạm thời và sẽ giảm bớt một khi
các gián đoạn chuỗi cung ứng vì đại dịch được khắc phục.
Hoa Kỳ
Tổng
thống Joe Biden mô tả việc các cơ quan lập pháp ở các bang Cộng hòa hạn
chế quyền bỏ phiếu là “một bài thử quan trọng nhất đối với nền dân chủ
của chúng ta kể từ sau cuộc nội chiến”. Phát biểu tại Philadelphia, ông
Biden kêu gọi Quốc hội mở lại cuộc tranh luận về hai dự luật cải cách
bầu cử của đảng Dân chủ vốn đã chết yểu tại Thượng viện vì thiếu ủng hộ
lưỡng đảng. Động thái này của ông đến gần hai tuần sau khi Tòa án Tối
cao tiếp tục làm suy yếu Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965.
Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ cảnh báo các công ty, bao gồm công ty tài chính, “gián
tiếp” liên hệ với “mạng lưới giám sát rộng lớn và đang phát triển” của
chính phủ Trung Quốc ở Tân Cương có nguy cơ vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.
Thông báo này tiếp tục củng cố quan điểm trước đây của bộ, theo đó các
doanh nghiệp và cá nhân nên rút khỏi mọi dự án kinh doanh ở Tân Cương vì
có thể phạm tội lạm dụng nhân quyền và lao động cưỡng bức.
Các ngân hàng Mỹ ăn nên làm ra trong quý hai năm nay
Trong
suốt một năm qua, thu nhập của các ngân hàng lớn nhất ở Mỹ cùng theo
một mô hình giống nhau. Lợi nhuận tại các ngân hàng đầu tư đã tăng vọt.
Còn các ngân hàng bán lẻ — sau khi phải ghi giảm các khoản vay vì lỗ dự
kiến vào đầu năm 2020 — đã dần điều chỉnh định giá trở lại, đầu tiên là
nhờ kích thích tài khóa giúp khách hàng trụ vững, và giờ đây là khi nền
kinh tế mở cửa trở lại. Nhìn chung nó giúp đem lại lợi nhuận ngoạn mục.
Kết
quả quý 2 năm 2021 cũng không ngoại lệ. JPMorgan Chase và Goldman Sachs
đã công bố doanh thu quý II đầy ấn tượng vào hôm qua. Hôm nay đến lượt
Bank of America và Citigroup. CEO JP Morgan Chase, Jamie Dimon, cho biết
các khách hàng có tiết kiệm tốt đang đẩy mạnh chi tiêu — thể hiện qua
khối lượng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng cao hơn 22% trong quý 2 năm nay so
với cùng kỳ 2019. Nền kinh tế vẫn bùng nổ thì các chủ ngân hàng vẫn dày
túi.
Đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran có tiến triển nhưng không quá sáng sủa
Hôm
nay là kỷ niệm sáu năm ngày ký Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung
(JCPOA), một thỏa thuận đa quốc gia hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran.
Song JCPOA đã không sống nổi ba năm, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định vào
tháng 5 năm 2018.
Giờ đây Mỹ và Iran, thông qua trung gian, đang
thảo luận phương cách hồi sinh nó, khi cả hai nước đều bày tỏ sẵn sàng
hợp tác. Đặc phái viên của EU tại Liên Hợp Quốc cũng nói về “mức độ lạc
quan mới”.
Dù vậy vẫn còn rất nhiều vấn đề. Tháng 8 này Ebrahim
Raisi, một người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, sẽ kế nhiệm vị trí
tổng thống Iran của Hassan Rouhani vốn theo quan điểm thực dụng. Ông
Rouhani có lẽ không muốn dồn hết năng lượng trong tháng cuối của mình
vào các hoạt động ngoại giao rầm rộ. Trong khi đó Mỹ không muốn dỡ bỏ
tất cả các lệnh trừng phạt — hồi tháng 3 chính quyền Biden đã áp lệnh
trừng phạt mới lên hai thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi
giáo. Do đó tương lai của JCPOA 2.0 rất bất định.
Số kỳ lân công nghệ tăng vọt ở Ấn độ
Zomato,
một hãng giao đồ ăn trực tuyến, hôm nay sẽ niêm yết lần đầu trên thị
trường chứng khoán Ấn Độ với kỳ vọng huy động 1,3 tỷ đô la. Đây là động
thái mới nhất trong một tuần bội thu của các công ty khởi nghiệp Ấn Độ.
Mới hôm thứ Hai ví kỹ thuật số lớn nhất Ấn Độ Paytm đã được các cổ đông
chấp thuận cho tiến hành IPO lớn nhất đất nước, dự kiến huy động 2,1 tỷ
đô la.
Ngân hàng đầu tư Credit Suisse đếm được 100 kỳ lân — các
công ty được định giá trên 1 tỷ đô la — ở Ấn Độ. Chỉ trong bốn ngày của
tháng 4 đã có sáu công ty diện này xuất hiện, so với chỉ tám trong cả
năm 2020. Điều này là vì đại dịch khiến đầu tư gia tăng vào các doanh
nghiệp fintech và giao thức ăn.
Hầu hết các hãng đều đang đốt
tiền để giành thị phần. Trong khi một số hãng khác thì chơi nổi để hút
khách. Tháng trước Nikhil Kamath, đồng sáng lập của sàn đầu tư trực
tuyến Zerodha, đã tạo tranh cãi khi đánh bại một huyền thoại cờ vua
trong một cuộc đấu từ thiện – với sự hỗ trợ của máy tính. Trong thế giới
mờ ảo của giới công nghệ Ấn Độ, chẳng có sự nổi tiếng nào là xấu cả.
EU dự thảo một cơ chế thuế quan carbon mới
Trong
nỗ lực đẩy mạnh tham vọng xanh của EU, hôm nay Ủy ban châu Âu sẽ công
bố luật do họ đề xuất nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm 55% lượng phát thải khí
nhà kính của EU vào năm 2030 so với mức 1990.
Trọng tâm dự kiến
là “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon”: một mức thuế nhập khẩu dựa
trên lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất. Cơ chế này là nhằm
bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu, vì họ phải trả tiền khi sử dụng carbon,
khỏi bị các đối thủ nước ngoài vượt mặt nhờ quy định khí hậu ít nghiêm
ngặt hơn ở các nước khác. Ngoài ra, về lý thuyết thì nó cũng giúp giữ
lại các ngành sản xuất thải nhiều carbon ở trong EU.
Ban đầu cơ
chế này sẽ chỉ áp dụng cho một số ngành công nghiệp, đặc biệt là nhôm,
xi măng, thép và điện. Song vẫn rất khó để thực hiện nó. Ủy ban khẳng
định cơ chế này tôn trọng các quy tắc thương mại toàn cầu. Nhưng Brazil,
Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi, và các nước khác, nói cơ chế phân biệt
đối xử với hàng hóa của họ.
Hoa Kỳ: Tổng thống Joe Biden tố cáo đảng Cộng Hòa phá hoại quyền bầu cử
Hôm
13/07/2021 trong bài diễn văn đọc tại Philadelphia, nơi bản Hiến Pháp
đầu tiên của Hoa Kỳ được công bố, tổng thống Joe Biden tố cáo đảng Cộng
Hòa đã tấn công vào quyền bầu cử. Đó là do việc 17 bang năm nay đã sửa
đổi luật để hạn chế việc bỏ phiếu, chẳng hạn không chấp nhận bỏ phiếu
qua thư, giới hạn thời gian đi bầu…
Thông tín viên tại Washington, Anne Corpet tường thuật :
Ông
Joe Biden tuyên bố : « Quyền bỏ phiếu là cột trụ của nền dân chủ Mỹ,
quyền này đã bị tấn công ». Và để chống lại người tiền nhiệm Donald
Trump vẫn luôn tố cáo nạn gian lận quy mô đã làm ông thất cử, Biden nhấn
mạnh : « Nói dối trắng trợn chỉ luôn là dối trá. Ở Mỹ, nếu thất bại thì
phải chấp nhận kết quả, tuân thủ Hiến Pháp và lại ra tranh cử, chứ
không gọi đó là gian dối và cố phá hoại bầu cử Mỹ chỉ vì bất mãn… ».
Tổng
thống tố cáo các đạo luật đã được các bang Cộng Hòa thông qua trên cơ
sở cáo buộc gian lận để hạn chế việc bỏ phiếu, ông so sánh với các đạo
luật phân biệt chủng tộc ở miền nam Hoa Kỳ thế kỷ trước.
Joe
Biden đề nghị các dân biểu thông qua đạo luật bảo đảm quyền bầu cử, tuy
nhiên không có sự ủng hộ của phía Cộng Hòa thì điều này là bất khả. Tổng
thống chỉ còn một cách là động viên phe mình, kêu gọi họ liên tục cảnh
giác để bảo vệ quyền bầu cử.
Đầu tháng Bảy, Tối Cao Pháp Viện đã
thông qua cải cách gây tranh cãi của bang Arizona, cấm ủy quyền bỏ phiếu
nếu không phải là người thân trong gia đình và không được đi bầu tại
khu vực bầu cử khác. Joe Biden kêu gọi Quốc Hội tái lập « sức mạnh ban
đầu của Voting Rights Act năm 1965 », đã dần bị xói mòn do các án lệ của
Tối Cao Pháp Viện, nhưng cho đến nay các thượng nghị sĩ Cộng Hòa luôn
ngăn chận ý định này.
Mỹ: Nhiều nghị sĩ rời Texas để chặn việc thông qua luật bầu cử mới
Luật bầu cử mới có thể ngăn chặn quyền bầu cử tại bang Texas
Đông
đảo các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện bang Texas đã rời khỏi bang, trong
một nỗ lực nhằm ngăn chặn đảng Cộng hòa thông qua luật mới, theo đó sẽ
siết chặt các quy định bầu cử.
Hành động này sẽ tạm thời khiến Hạ viện bang Texas tê liệt, vì yêu cầu ít nhất 2/3 số các nghị sĩ có mặt để bỏ phiếu.
Ít
nhất 50 thành viên đảng Dân chủ thuộc hạ viện bang đã bay đến Thủ đô
Washington DC vào ngày 12/7 theo giờ địa phương, truyền thông Mỹ cho
hay.
Động thái trên diễn ra khi xuất hiện các quy định siết chặt bầu cử tại những bang do phe Cộng hòa chiếm đa số.
Trong
tuần này, dự kiến sẽ có một cuộc bỏ phiếu quan trọng đầu tiên về luật
bầu cử mang tính quyết định do các các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại bang
Texas đề xuất.
Theo đó, dự luật này có nội dung cấm các điểm bỏ
phiếu 24 giờ và drive-through (tức lái xe vào bỏ phiếu), cấm sử dụng các
loại thùng phiếu để cử tri bỏ phiếu bầu mà không cần đến bưu điện, và
mở rộng quyền hạn của những quan sát viên công tác bầu cử thuộc một
đảng.
Các hạ nghị sĩ đã bay từ Austin trên các chuyến bay tư nhân
vào chiều ngày 12/7. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2003, các thành viên
đảng Dân chủ rời khỏi bang Texas để phá vỡ quy định về số lượng nghị sĩ
có mặt để bỏ phiếu. Truyền thông Mỹ cho hay họ có thể ở Washington
trong vài tuần.
Chris Turner, một nghị sĩ Dân chủ hàng đầu tại
bang Texas trong một tuyên bố cho biết: "Chúng tôi hiện đang mang cuộc
chiến này đến Capitol của nước Mỹ. Chúng tôi đã trải qua thời khắc sinh
tử tại Texas."
Các nghị sĩ ra đi còn phải đối mặt với đe dọa bị
bắt giữ. Theo luật của bang Texas, thì các nhà lập pháp có thể bị bắt
buộc trở về Austin, thủ phủ của bang.
Phản ứng trước làn sóng các
nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ đi như vậy, Chủ tịch Hạ viện bang Texas Dade
Phelan, thuộc đảng Cộng hòa trong một tuyên bố cho biết, Hạ viện Mỹ sẽ
sử dụng "tất cả nguồn lực có sẵn" để đảm bảo số lượng đại biểu theo quy
định.
Hành động của đảng Dân chủ được kỳ vọng sẽ gây áp lực lên
phía các nhà làm luật tại Washington và Tổng thống Mỹ Joe Biden, người
đang đối mặt với lời kêu gọi từ những nhà hoạt động, về việc phải làm
nhiều hơn ở cấp liên bang để bảo vệ quyền bầu cử. Ông Biden, thành viên
Đảng Dân chủ sẽ có một phát biểu quan trọng về vấn đề này vào ngày 13/7
theo giờ Mỹ tại thành phố Philadelphia.
Hành động này đánh dấu
lần thứ 2 trong vòng 6 tuần, các thành viên Dân chủ của bang Texas đã sử
dụng biện pháp bỏ đi như một chiêu thức trì hoãn.
Hồi tháng 5,
các thành viên đảng Dân chủ bang Texas cũng bỏ ra khỏi Hạ viện bang vài
giờ trước phiên họp lập pháp thường kỳ kết thúc. Thống đốc bang Greg
Abbott, một thành viên đảng Cộng hòa khi đó cũng triệu tập một phiên họp
đặc biệt kéo dài 30 ngày nhằm đáp trả.
Thế nhưng với việc đảng
Cộng hòa chiếm thế đa số tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện của bang thì các
lựa chọn của đảng Dân chủ là rất hạn chế. Nếu họ vẫn ở bên ngoài bang
trong suốt thời gian diễn ra phiên họp đặc biệt, thì Thống đốc bang
Abbott đơn giản có thể triệu tập một cuộc họp mới.
Có lẽ chỉ là trì hoãn những điều không thể tránh khỏi
Các
thành viên đảng Dân chủ ở bang Texas một lần nữa cố gắng ngăn chặn đảng
Cộng hòa thông qua các hạn chế bỏ phiếu mới - và nơi họ mà đi đến đã
nói lên tất cả về mục tiêu cuối cùng.
Cuộc chiến này, theo quan
điểm của họ là sẽ thắng hoặc thua tại Washington, DC - nơi đảng Dân chủ
đang giữ thế kiểm soát, không phải tại bang Texas, nơi đảng Cộng hòa
triệu tập cuộc họp.
Và luật liên bang có thể không chỉ làm vô
hiệu hóa đối với các đề xuất thay đổi luật bầu cử tại Texas mà còn có
thể ngăn chặn các biện pháp được ban hành tại Georgia, Arizona và các
bang chiến địa quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Cũng có
quan ngại đối với những người theo đường lối tự do về việc chính quyền
của Tổng thống Biden đang xem nhẹ các mối đe dọa mà luật bầu cử cấp bang
ảnh hưởng đến các ứng viên dân chủ trong các cuộc bầu cử sắp đến - và
không cho thấy ý định sẽ có hành động quyết liệt tại Quốc hội để thông
qua luật bầu cử quốc gia mới.
Phe cánh tả thì đang ăn mừng việc
thành viên đảng Dân chủ giúp việc sửa đổi luật bầu cử được chú ý, hay
thậm chí nếu điều này đồng nghĩa là sẽ đối mặt với các chỉ trích từ giới
bảo thủ về việc trốn tránh các nghĩa vụ lập pháp, và gây tổn hại đến
các nỗ lực của đa số các nghị sĩ được bầu tại bang.
Tuy nhiên, đây chỉ là một bước đi mang tính biểu tượng.
Có
thể nó chỉ làm trì hoãn những điều không thể tránh được tại bang Texas
và không thể thay đổi cơ chế tại Washington, nơi mà phe thiểu số Thượng
viện thuộc đảng Cộng hòa có các biện pháp khác hữu hiệu hơn để ngăn chặn
phe Dân chủ hơn là chỉ rời khỏi thành phố.
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào