Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 30 tháng 7 năm 2021

    Mỹ đánh giá biến thể Delta: Cực nguy, nhưng người tiêm vaccine sẽ an toàn hơn

    Chuyên gia nói người tiêm vaccine vẫn an toàn hơn trước biến thể Delta dù có thể làm lây người khác

    Tài liệu nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nói biến thể Delta đang công phá Hoa Kỳ dường như gây ra bệnh nặng hơn và lây lan dễ dàng như bệnh thủy đậu.

    Văn bản nội bộ này được báo Washington Post đưa tin đầu tiên và sau đó CDC xác nhận là văn bản có thật.

    Tài liệu này nói những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể làm lây biến thể Delta theo tốc độ tương tự như những người chưa được tiêm chủng.

    Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, đã xác nhận tính xác thực của tài liệu và nói với kênh CNN:

    "Điều này là nghiêm trọng. Đó là một trong những loại virus dễ lây truyền nhất mà chúng tôi biết."

    Tuy nhiên, tài liệu của CDC đánh giá những người được tiêm chủng an toàn hơn, với nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong giảm 10 lần và nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng giảm tới ba lần.

    "Vaccine ngăn ngừa hơn 90% bệnh nặng, nhưng có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc lây truyền," tài liệu nói.

    Biểu đồ cho thấy các trường hợp nhiễm và tử vong ở Hoa Kỳ kể từ khi bắt đầu đại dịch. Cập nhật ngày 23 tháng 7

    Bài thuyết trình chưa công bố của CDC cho biết biến thể Delta có khả năng lây truyền tương tự như bệnh thủy đậu, trung bình mỗi người bị nhiễm sẽ lây nhiễm cho tám hoặc chín người khác.

    CDC dự kiến sẽ công bố dữ liệu vào thứ Sáu nhằm ủng hộ quyết định gây tranh cãi của bà Walensky trong việc thay đổi hướng dẫn cho những người được tiêm chủng đầy đủ.

    Hôm thứ Ba, bà cho biết CDC đã khuyến cáo rằng ngay cả những người được tiêm chủng đầy đủ cũng phải đeo khẩu trang trong nhà ở những nơi có khả năng lây truyền virus.

    Bà nói rằng tất cả mọi người trong trường học - học sinh, nhân viên và khách - nên đeo khẩu trang mọi lúc.

    Biến thể Delta đang công phá Hoa Kỳ, giống như nhiều nơi khác.

    Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận trung bình hơn 61.300 trường hợp mới hàng ngày trong tuần trước.

    Biến thể Delta cũng là biến chủng của virus SARS-CoV-2 (Corona) được phát hiện phổ biến trong các ca dương tính Covid-19 tại TP.HCM, Việt Nam.

    4 chủng virus Corona mới được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ.

    WHO đã gọi 4 biến chủng mới này theo các ký hiệu bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta.

    Delta (còn được gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể virus Corona chủng mới được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ.

    Theo báo chí, biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tại TP.HCM vào ngày 18/05/2021 với 2 ca nhiễm tại Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (quận 3), ngày 18/5.

    Trung Quốc xây hàng trăm hầm chứa tên lửa ở Tân Cương và Cam Túc

    Những tuần gần đây các nhà nghiên cứu hình ảnh vệ tinh thương mại bỗng nhiên tìm thấy một khu vực có tới 110 hầm (silo) chứa tên lửa đang được xây dựng ở phía đông Tân Cương, Trung Quốc. Trước đó một tháng, một nhóm nghiên cứu khác cũng tình cờ tìm thấy 120 silo đang xây ở sa mạc Cam Túc. Đây là đợt xây dựng silo lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Chúng làm dấy lên lo ngại rằng kho vũ khí hạt nhân khiêm tốn của Trung Quốc – ước tính khoảng 100 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và khoảng 200 đầu đạn – sẽ mở rộng đáng kể.

    Một số chuyên gia nghĩ Trung Quốc chỉ muốn đánh lừa, đảo qua đảo lại một số ít tên lửa giữa các hầm chứa để khiến các nước không thể đoán được vị trí của chúng. Song Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không nghĩ vậy. Họ nói Trung Quốc “đang đi chệch khỏi chiến lược hạt nhân hàng thập niên dựa trên răn đe ở mức tối thiểu”. Trong khi đó mối quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục nguội đi. Cuộc họp hôm thứ Hai giữa các thành viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc và thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã kết thúc tệ hại.

    Hai bang Ấn Độ xung đột ranh giới


    Các cuộc pháo kích giữa Ấn Độ và Pakistan thường xuyên giết chết binh lính và dân thường ở Kashmir. Gần đây quân đội Trung Quốc và Ấn Độ cũng xung đột ở địa điểm này, như vẫn xảy ra ở phía đông dãy Himalaya, dù không căng thẳng bằng. Tuy nhiên, giờ đây căng thẳng leo thang ngay giữa các khu vực của Ấn Độ. Hôm thứ Hai đã xuất hiện tiếng súng tự động dọc theo ranh giới giữa hai bang đông bắc Assam và Mizoram. Vụ việc khiến sáu cảnh sát Assam bị phía cảnh sát Mizoram giết hại.

    Hầu hết các bang của Ấn Độ được xác định theo sắc tộc và mỗi bang có nền chính trị riêng. Nhiều ranh giới cũng không được xác định rõ ràng, bao gồm ít nhất ba trong số các ranh giới của Assam. Cuộc đổ máu hôm thứ Hai đã khiến các chính trị gia từ cả hai bang đua nhau đến Delhi. Mizoram nói cảnh sát của họ đang bảo vệ bang nhà trước những kẻ xâm lấn; Assam cũng nói tương tự. Và thật đáng kinh ngạc là hai bên đều cùng thuộc chính phủ liên minh cầm quyền. Ít nhất thì họ đã đồng ý để lực lượng bán quân sự quốc gia thay thế cảnh sát bang làm nhiệm vụ ở ranh giới.

    Kinh tế châu Âu tăng trưởng tốt và không quá nóng như Mỹ

    So với lịch sử thì khu vực đồng euro đang phục hồi nhanh sau đại dịch, nhưng chậm hơn so với Mỹ. Dữ liệu lạm phát và GDP được công bố hôm nay sẽ cho thấy cái nhìn cận cảnh hơn về khoảng cách giữa hai bờ Đại Tây Dương.

    Kết quả khảo sát niềm tin kinh doanh tích cực của các nhà sản xuất làm dấy lên hy vọng tăng trưởng tốt. Như những nơi khác, các nhà máy và chuỗi cung ứng châu Âu đang nỗ lực bắt kịp nhu cầu. Dù vậy tăng trưởng tiền lương vẫn còn yếu. Và lạm phát chỉ ở mức 1,9% trong tháng 6, thậm chí 0,9% khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng nhiều biến động — thấp hơn mục tiêu lạm phát 2% mới của Ngân hàng Trung ương Châu Âu và khác xa mức tăng giá đáng kể đang xảy ra ở Mỹ.

    ECB dự kiến lạm phát giảm trở lại 1,5% vào năm 2022 và 1,4% vào năm 2023, thấp hơn mục tiêu đã sửa đổi. Nhiều nhà kinh tế ngờ rằng đây là do chính sách tiền tệ đã hết tác dụng. Vì vậy ngân hàng trung ương có thể chỉ đạt được các mục tiêu của họ nếu các chính phủ thực hiện nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn.

    Chính trường Mỹ sắp nóng lên về vấn đề trần nợ công

    Trong một khoảnh khắc thoáng qua, chính trường Mỹ bỗng chứng kiến ​​một điều hiếm có: hợp tác lưỡng đảng. Hôm thứ Tư Thượng viện bỏ phiếu để xem xét một dự luật cơ sở hạ tầng sẽ cung cấp kinh phí 550 tỷ đô la cho đường sá, băng thông rộng và các hạ tầng khác. Điều này giúp vượt qua một rào cản thủ tục quan trọng, cho thấy kế hoạch của chính quyền Biden có thể sẽ được thông qua.

    Nhưng hôm nay mọi chuyện lại trở về như cũ: đấu đá đảng phái. Một thỏa thuận kéo dài hai năm để đình chỉ việc áp dụng trần nợ công của Mỹ sẽ hết hạn vào cuối tháng 7. Nếu không có thỏa thuận nâng trần hoặc đình chỉ nó một lần nữa, các thị trường sẽ lại phải cân nhắc rủi ro chính phủ vỡ nợ. Tuy nhiên cũng không quá vội vàng. Bộ Tài chính sẽ có 450 tỷ đô la trong tay vào cuối tháng 7; và họ luôn có thể dự phòng bằng cách giữ lại số tiền đáng lẽ ra sẽ được đầu tư thường kỳ vào quỹ hưu trí của nhân viên liên bang. Nhưng bộ trưởng Janet Yellen cảnh báo khó có thể thực hiện “các biện pháp bất thường” như vậy vì đại dịch đã làm gián đoạn dòng tiền bình thường của chính phủ.

    Số ca nhiễm tại NSW giảm nhiều nhưng con đường ra khỏi phong tỏa vẫn còn xa

    Mặc dầu số ca nhiễm giảm xuống còn 170 ca trong 24 giờ qua (so với hôm qua 239) nhưng số người lây nhiễm từ trong cộng đồng vẫn là mối quan ngại lớn đối với chính phủ của bà Gladys Berejiklian:

    “Đáng tiếc là có ít 42 trường hợp bị lây nhiễm từ trong cộng đồng. Đây là con số mà chúng ta cần phải làm giảm xuống,” bà Berejiklian nói trong buổi họp báo sáng nay.

    Bà Thủ hiến đã đưa ra những lời cảnh cáo đối với những người dự tính sẽ biểu tình phản đối luật phong tỏa của chính phủ vào ngày mai. Bà cho hành động phi pháp này là một bản án tử hình đối với những người thân của họ.

    “Cho phép tôi được quyền cảnh cáo những người dự tính sẽ biểu tình vào ngày mai,” bà nói.

    “Hành động của các bạn sẽ gây thiệt hại và làm đau lòng người khác, hãy quên phần còn lại của chúng ta, chính cá nhân bạn có thể sẽ mang bệnh về nhà và lây nó cho cha mẹ, chồng vợ con, anh chị em hay những ai tiếp xúc với bạn.

    “Đừng tạo bản án tử hình đối với những người thân của bạn.”

    Đồng thời cảnh sát NSW cũng cho biết đã không nhân nhượng đối với những người dự tính biểu tình tại trung tâm thành phố Sydney vào ngày mai.

    Tiểu bang NSW đang chạy đua với thời gian để đạt mục tiêu chủng ngừa sớm nhất cho 10 triệu người. Bà Berejiklian cho biết tiểu bang sẽ sớm đạt mục tiêu tiêm chủng 350,000 liều/1 tuần.

    “Năng xuất của chúng tôi tăng từ 60,000 một tuần lên đến 350,000 một tuần – đó là mục tiêu mà chúng tôi đang nhắm nhờ vào những trung tâm chủng ngừa thật lớn mà chúng tôi đang xây dựng,” bà nói trong buổi họp báo sáng nay.

    “Tôi mong muốn tất cả cư dân miền tây nam và miền tây của Sydney sẽ được tiêm trong thời gian sớm nhất,” bà nói.

    Khi nào nước Úc có thể mở cửa biên giới và tự do trở lại?


    Tám tươi phần trăm (80%) người Úc cần phải chủng ngừa Covid-19 trước khi luật phong tỏa có thể chấm dứt và biên giới có thể mở cửa lại, một trong những “think tank” uy tín của Úc cho biết.

    Theo bản tường trình mới nhất của viên nghiên cứu Grattan Institute, nước Úc không thể mở cửa lại một cách an toàn cho đến khi nào mục tiêu này đạt được.

    Mục tiêu 80% của viện nghiên cứu Grattan Institute bao gồm luôn trẻ em dưới 12 tuổi.

    “Mở cửa quá sớm – chẳng hạn như 50 hay 70% – sẽ gây nguy hiểm khi vi khuẩn phát tán tràn lan và bệnh viện quá tải,” bản tường trình nói.

    Đồng thời theo tờ The Australian cho biết, chính phủ liên bang đang âm thầm chuẩn bị cho tình huống phong tỏa kéo dài cho đến năm 2022.

    Theo tờ báo này cho biết, vào hôm nay viện nghiên cứu Doherty Institute sẽ trình bày trước Nội các Quốc gia của ông Morrison công trình nghiên cứu của họ về cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, trong đó cho biết với tỉ lệ chủng ngừa bao nhiêu để đủ an toàn cho nước Úc mở cửa trở lại và Bộ trưởng Ngân khố sẽ trình bày những tốn kém về kinh tế với nhiều tình huống khác nhau.

    Hoa Kỳ: thỏa thuận cơ sở hạ tầng, ai buồn ai vui?


    Qua cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư tại Thượng Viện về thỏa thuận cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng, dù văn bản lập pháp vẫn chưa chính thức công bố, nhưng với sự đột phá trong mức độ hợp tác lưỡng đảng, có thể tạm cho rằng một Quốc hội với sự hợp tác lưỡng đảng đã thực sự bắt đầu hoạt động.

    Ai được cho là thành công, ai bị cho là thất bại? Ai buồn, ai vui khi thỏa thuận này được thông qua? Và sau cuộc bỏ phiếu này, những đảng viên Cộng hòa nào sẽ mở lòng hơn, hợp tác hơn trong tinh thần tôn trọng nhau?

    Dự luật – dựa trên một thỏa hiệp vẫn còn mong manh được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán đầy căng thẳng – là một kế hoạch quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden, khi ông tìm cách cho người Mỹ thấy rằng, dù đất nước đang trong tình trạng phân cực chính trị rõ nét, mọi chính sách đều bị chính trị hóa, thì ở những bước đi cuối cùng, các thành viên Quốc hội vẫn nhận thức bổn phận và trách nhiệm để có thể vượt qua sự khác biệt nhằm tìm được tiếng nói chung, dù trong dè dặt.

    Đây chưa phải là quyết định chung cuộc và có hiệu lực để có thể thi hành lập tức. Thỏa thuận trước mắt vẫn còn đối diện với những nguy hiểm khó lường. Đoàn tàu vẫn có thể bị trật bánh dù đang chạy chậm khi đến gần nhà ga chánh. Phe Cộng hòa vẫn có thể bị dao động bởi những tác động của Trump, người đã đưa những đe dọa mạnh mẽ và thẳng thừng về việc lợi ích chính trị của một số người có thể bị mất trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2022 nếu thỏa thuận xảy ra.

    Một ngàn tỷ Mỹ kim cho cầu đường và cơ sở hạ tầng là một khoản đầu tư đáng kể và quan trọng, nhưng tính biểu tượng về sự đoàn kết, thông hiểu và nhận thức được trách nhiệm của các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư mới là điều quan trọng hơn. Vào bất kỳ thời điểm nào trước đây, dù Cộng hòa hay Dân Chủ nắm thế đa số tại Hạ Viện hay Thượng Viện, quan hệ giữa những nhà lãnh đạo của hai đảng vẫn chưa bao giờ trở nên thù hằn nhau như lúc này. Có lẽ đây là thời điểm không thể nào tốt hơn để nước Mỹ cần có thêm một hay nhiều đảng chính trị khác để phá thế độc tôn của một đảng nắm thế đa số.

    Nước Mỹ đang bị chia rẽ và phân cực trầm trọng. Sự đối kháng, thù hằn, phê phán, tấn công nhau đến từ ngôi nhà quyền hành nhất đất nước trải dài từ thành thị đến vùng ngoại ô, thôn quê, cộng thêm những hạn chế trong đời sống và sinh hoạt bởi dịch bệnh, khiến tâm trạng người Mỹ luôn cảm thấy bức bối, hằn học. Nếu nước Mỹ không tìm được lối thoát, cho người “Mỹ xanh” và “Mỹ đỏ”, đất nước này sẽ bị nhốt trong một mối bất hòa bất tận. Trong thực tế, Cộng hòa và Dân chủ đã không có bất kỳ ngôn ngữ chính trị chung nào, cũng không có một cử chỉ thân thiện, một ánh nhìn bao dung, một cái bắt tay kèm theo một nụ cười dù là miễn cưỡng. Các thượng nghị sĩ lưỡng đảng đều đeo mỗi người một cái mặt nạ không cảm xúc trong ngày thứ Tư đầy căng thẳng.

    Bộ Y tế Việt Nam khẩn cấp huy động cơ sở y tế tư nhân điều trị COVID-19


    Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Thủ Đức, nơi sẽ tạm thời chuyển công năng thành Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 với sự chấp thuận của chính quyền thành phố hôm 26/7/2021. Photo Thanh Nien.

    Hôm 30/7, Bộ Y tế Việt Nam đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp yêu cầu các bệnh viện tư nhân điều trị bệnh nhân COVID-19 khi quốc gia này phải đối mặt với tình trạng gia tăng các ca nhiễm do biến thể Delta.

    Trong công văn hỏa tốc ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành chỉ đạo huy động các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch, tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19.

    “Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh, thành phố căn cứ diễn biến dịch tại địa phương... để huy động nguồn lực từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn phục vụ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19”, công văn có đoạn.

    Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân “có trách nhiệm tham gia công tác phòng chống dịch, hỗ trợ giường bệnh, nhân lực, trang thiết bị triển khai tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 khi được phân công”, theo Thông tấn xã Việt Nam.

    Cũng hôm 30/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải nâng cảnh báo phòng chống dịch COVID-19 lên mức rất cao, và “phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu có thể xảy ra”.

    Theo số liệu của Bộ Y tế, hệ thống cơ sở y tế tư nhân hiện có 20.000 giường bệnh từ 228 bệnh viện tư nhân trong cả nước.

    Từ trước đến nay, Việt Nam đã duy trì chính sách yêu cầu bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 đều phải nhập viện tại cơ sở nhà nước. Tuy nhiên, với số ca mắc bệnh tăng nhanh, công suất của các bệnh viện nhà nước dường như bị quá tải. Chính vì vậy, các ca bệnh không có triệu chứng ở tâm chấn dịch là thành phố Hồ Chí Minh đã được phép cách ly tự túc trong giai đoạn thử nghiệm.

    Bác sĩ Đinh Hiếu ở tâm dịch Tp. Hồ Chí Minh nêu nhận định với VOA rằng bước đi của Bộ Y tế như vậy là tích cực và đúng hướng.

    “Tôi thấy thế là phù hợp. Y tế tư nhân là một mảng không thiếu được, bây giờ nó cũng lớn, lan tỏa khắp cùng với ngành y tế công. Đó là một hình thức tương trợ lẫn nhau. Câu chuyện đó ắt cũng phải đến”.

    “Bây giờ số lượng người mắc phải dịch bệnh quá lớn, có lẽ bây giờ gây nên quá tải”, Bác sĩ Đinh Hiếu nhận định.

    Phó Tổng thống Hoa Kỳ Harris sắp thăm Việt Nam, Singapore

    Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm Texas hồi tháng 6/2021.

    Bà Kamala Harris sẽ trở thành phó tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam vào tháng 8 tới trong chuyến công du bao gồm cả Singapore và nhằm tăng cường quan hệ với "hai đối tác quan trọng ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Nhà Trắng cho biết hôm thứ Sáu 30/7.

    "Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris lâu nay đặt ưu tiên hàng đầu là xây dựng lại quan hệ đối tác toàn cầu và giữ an ninh cho quốc gia của chúng ta, và chuyến thăm sắp tới tiếp tục cho công việc đó - làm sâu sắc thêm cam kết của chúng ta ở Đông Nam Á", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.

    Covid-19: Miến Điện có nguy cơ trở thành quốc gia “siêu phát tán” virus gây dịch

    Các nhân viên y tế tìm cách di chuyển một bệnh nhân nhiễm Covid-19 do tình trạng ngập lụt tại Myawaddy, bang Karen, Miến Điện ngày 26/07/2021. via REUTERS - KAREN INFORMATION CENTER

    Tình hình dịch bệnh tại Miến Điện phải chăng đã đến mức cực kỳ nguy hiểm? Câu hỏi này đang được đặt ra sau lời báo động hôm qua, 29/07/2021 từ một quan chức Liên Hiệp Quốc, một hôm sau khi chính quyền quân sự tại Naypyidaw lên tiếng kêu gọi quốc tế khẩn cấp giúp Miến Điện chống dich.

    Trong một bài phỏng vấn dành cho nhật báo Anh The Guardian, ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện đã không ngần ngại cho rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể trở thành một nước “siêu phát tán” virus gây dịch Covid-19 – tiếng Anh gọi là “super-spreader”, làm bùng phát dịch bệnh trên toàn khu vực.

    Về số liệu tuyệt đối, Miến Điện không phải là nước bị dịch Covid-19 tác hại nặng nề nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với gần 300.000 ca nhiễm được thống kê tính đến hôm nay (30/07/2021), và hơn 8.500 ca tử vong được ghi nhận, Miến Điện vẫn thua xa Indonesia, với hơn 3,3 triệu ca nhiễm, hơn 92.000 người chết, hay là Philippines, với hơn 1,5 triệu ca nhiễm và hơn 27.000 người thiệt mạng.

    Dù vậy, Miến Điện đang phải đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh đất nước đang gánh chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc do cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Hai, với những hệ quả nặng nề trên một nền y tế vốn đã không vững mạnh lắm. Chương trình tiêm chủng đã bị đình trệ, việc xét nghiệm đã sụp đổ và các bệnh viện công hầu như tê liệt.

    Các bác sĩ, những người đi đầu trong cuộc đình công chống chế độ quân sự và từ chối làm việc trong các bệnh viện nhà nước, đã bị buộc phải điều trị bí mật cho bệnh nhân vì họ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị quân đội tấn công hoặc bắt giữ.

    Theo ông Tom Andrews, số liệu về ca nhiễm và tử vong ở Miến Điện không thể chính xác do việc các nhà báo và bác sĩ bị chính quyền đàn áp, khiến cho việc thu thập thông tin chính xác trở nên khó khăn. Tuy nhiên, điều chắc chắn là dịch bệnh tại Miến Điện đã lan mạnh một cách đột biến, với tốc độ cực nhanh.

    Theo số liệu của Bộ Y Tế và Thể Thao do quân đội kiểm soát, chỉ riêng từ ngày 01/06 đến nay, tức là trong không đầy 2 tháng, đã có hơn 4.600 người chết vì Covid-19, một con số cao hơn gấp đôi số người chết trong gần 18 tháng kể từ đầu dịch. Và các số liệu chính thức được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.

    Có rất nhiều chi tiết cho thấy tình hình rất nguy cấp. Trang mạng nhật báo độc lập Irrawaddy đã trích dẫn các phương tiện truyền thông do quân đội kiểm soát hôm 27/07 vừa qua cho biết là sẽ có thêm 10 lò hỏa táng mới tại các nghĩa trang ở Rangoon, thành phố lớn nhất của Miến Điện, để xử lý những ca tử vong.

    Còn theo báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Andrews, ở Rangoon, người ta thường thấy ba loại dòng người xếp hàng, một trước máy rút tiền ATM, một để được cung cấp oxy (rất cần cho bệnh nhân Covid), và một trước các lò thiêu và nhà xác.

    Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc cho rằng các chính phủ, bao gồm cả các nước láng giềng của Myanmar, cần phải hành động nhanh chóng, nếu không họ sẽ thấy hậu quả của một đợt bùng phát không kiểm soát được ở biên giới của họ.

    Theo ông, Miến Điện đang trở thành nơi siêu lây lan Covid-19 với những biến thể rất độc hại - Delta và các dạng khác - cực kỳ nguy hiểm, cực kỳ dễ lây lan, với nguy cơ gây tử vong cực cao. Miến Điện có thể trở thành mối nguy cho toàn khu vực vì virus “không hề biết đến quốc tịch, biên giới, ý thức hệ hay đảng phái”.

    Đối với với các nước Đông Nam Á lục địa, cũng như các láng giềng của Miến Điện, từ Trung Quốc đến Bangladesh, Ấn Độ, nguy cơ còn gần gũi hơn so với tác hại từ các nước Đông Nam Á hải đảo như Philippines, hay Indonesia.

    Tổng thống Biden yêu cầu nhân viên liên bang tiêm ngừa Covid-19

    Tại Mỹ, sau một số bang và thành phố như California và New York, giờ đến lượt chính quyền liên bang ra quy định bắt buộc tiêm chủng ngừa Covid-19 để đối phó với làn sóng dịch mới chủ yếu do biến thể Delta gây ra.

    Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 29/07/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu toàn thể viên chức liên bang hoặc phải tiêm ngừa Covid-19 hoặc đeo khẩu trang, thực hiện quy định giãn cách xã hội và xét nghiệm thường xuyên. Đối với quân đội, theo Reuters, tổng thống ra lệnh cho Lầu Năm Góc xác lập thể thức bắt buộc quân nhân tiêm ngừa virus corona.

    Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki tường trình :


    “Chúng ta phải nói thẳng và nói thật”. Tổng thống Mỹ phát biểu mở màn bài diễn văn. Joe Biden không lòng vòng. Tình hình dịch tễ gây lo ngại trở lại và phải khẩn cấp hành động. Tổng thống nói : “Đây là vấn để sống còn. Vì thế, những ai chưa tiêm phòng, tôi xin quý vị hãy đi chích ngừa! Với những người dân Mỹ khác, tôi xin nói rằng giờ chưa phải lúc buông lơi cảnh giác”.

    Từ trước đến nay, tổng thống Mỹ vẫn từ chối mọi quy định bắt buộc tiêm chủng, nhưng giờ đây ông đã thay đổi ý kiến. Joe Biden ra lệnh cho tất cả viên chức liên bang chích ngừa. Nếu không, họ sẽ phải đeo khẩu trang liên tục và làm xét nghiệm mỗi tuần từ 1 đến 2 lần. Biện pháp này cũng sẽ được áp dụng đối với tất cả những người cộng tác với các cơ quan chính phủ.

    Tổng thống Joe Biden còn kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân yêu cầu nhân viên tiêm chủng. Nhiều biện pháp tài chính cũng sẽ được triển khai để khuyến khích các bậc phụ huynh cho gia đình chích ngừa, đặc biệt ai đi tiêm mũi đầu tiên cũng được tặng 100 đô la. Các quyết định này tương tự như các biện pháp đã được áp dụng ở một số bang và thành phố trong tuần này. Khắp nơi trong cả nước, nhà chức trách tìm cách khuyến khích người dân tiêm chủng để đối phó với biến thể Delta hiện giờ đang lây lan không ngừng.”


    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào