Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 09 tháng 7 năm 2021

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou.

    Đài Loan yêu cầu Mỹ chớ gây hiểu lầm sau vụ cờ Đài Loan trên Twitter bị gỡ xuống

    Reuters

    Đài Loan yêu cầu văn phòng Đài Loan tại Washington nhắc nhở Hoa Kỳ “chớ gây đồn đoán hay hiểu lầm không cần thiết” sau khi Tòa Bạch Ốc xoá một tin đăng trên truyền tthông xã hội về việc trao tặng vaccine COVID mà trong đó có để hình lá cờ Đài Loan.

    Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc nói việc sử dụng hình ảnh lá cờ vừa kể là “sự nhầm lẫn thật lòng” của nhóm phụ trách đồ hoạ và truyền thông xã hội, và rằng chớ nên xem việc này như một sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với Đài Bắc, mà qua đó Washington không chính thức công nhận chính phủ Đài Loan.

    Toán Đáp ứng COVID-19 Tòa Bạch Ốc trong tuần này đưa lên Twitter một hình ảnh minh hoạ chi tiết việc hiến tặng vaccine của Mỹ trên toàn thế giới, trong đó có lô vaccine Moderna gởi tới Đài Loan hồi tháng trước. Sự minh hoạ bằng hình ảnh đã dùng cờ Đài Loan cùng với cờ các nước được Mỹ tặng vaccine.

    Tuy nhiên, hình ảnh đó đã được gỡ khỏi Twitter dường như vào ngày 7/7.

    Hoa Kỳ, như hầu hết các nước khác, chỉ có quan hệ chính thức với Bắc Kinh. Trung Quốc xem Đài Loan là lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, Mỹ cam kết làm sâu rộng thêm các mối quan hệ không chính thức với Đài Bắc trong lúc Đài Loan đang đối mặt với áp lực quân sự và chính trị ngày càng tăng từ Trung Quốc.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou nói Bộ ghi nhận tin trên Twitter đã được gỡ bỏ.

    “Về lý do hủy bỏ dòng tweet này, vì truyền thông có những lối diễn giải khác nhau, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu văn phòng đại diện tại Mỹ nhắc nhở Mỹ chớ gây đồn đoán và hiểu lầm không cần thiết từ mọi khía cạnh đời sống qua việc gỡ bỏ dòng tweet đó,” bà nói.

    Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc cho biết dòng tin bị gỡ xuống khi thấy có sai sót. “Mỹ vẫn cam kết với chính sách một nước Trung Hoa,” ông nói. “Chính sách của chúng ta rõ ràng trong nhiều thập niên và không thay đổi.”

    Mỹ là nước ủng hộ và cung cấp vũ khí quan trọng nhất đối với Đài Loan và chính quyền Biden cam kết tăng cường mối quan hệ này.

    Tuy nhiên điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc, ông Kurt Campbell, ngày 6/7 tuyên bố dù ủng hộ mối quan hệ không chính thức bền chặt với Đài Loan, nhưng Washington không ủng hộ Đài Loan chính thức độc lập.

    Bà Ou nói trong những năm gần đây, sự tin tưởng hỗ tương giữa Đài Loan và Mỹ “liên tục cải thiện,” và rằng chính quyền Biden đã chứng tỏ hậu thuẫn Đài Loan mạnh mẽ, bao gồm cả việc trao tặng vaccine.

    Covid-19 : Hệ thống y tế Thái Lan gặp khó khăn trước làn sóng dịch mới

    xét nghiệm virus corona tại Bangkok, Thái Lan, ngày 08/7/2021. © Sakchai Lalit/AP

    Một số quốc gia châu Á từng quản lý tốt tình hình dịch bệnh khi Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, nay đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, nhất là vì sự lây lan quá nhanh của biến thể Delta. Thái Lan là một ví dụ. AFP hôm nay 09/07/2021 cho biết chính quyền buộc phải tăng cường các biện pháp phòng dịch, trong đó có lệnh giới nghiêm ở thủ đô.

    Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux cho biết thêm chi tiết :

    « Có gần 10.000 ca nhiễm mới mỗi hôm và 75 ca tử vong trong ngày. Những con số về dịch bệnh ở Thái Lan không ngừng tăng, các chuyến đi liên tỉnh giờ gần như bị cấm. Chính phủ đang nói đến việc tái phong tỏa Bangkok trong những ngày sắp tới.

    Tình hình trong các bệnh viện ở thủ đô và vùng phụ cận của Bangkok nghiêm trọng đến mức bác sĩ Apisamai, thuộc trung tâm xử lý khủng hoảng Covid-19, kêu gọi người dân đi điều trị ở những nơi khác trong cả nước : “Hiện giờ, tại Bangkok, 90% giường bệnh viện đã được sử dụng. Vì vậy, bộ Y Tế kêu gọi những ai đang làm việc tại thủ đô và dương tính với virus corona trở về thành phố quê nhà để được điều trị. Họ có thể yêu cầu và các bệnh viện sẽ lo việc chuyển họ đi."

    Thái Lan không phải là một trường hợp cá biệt. Indonesia, Cam Bốt, Miến Điện và Lào cũng ghi nhận những số liệu dịch tễ cao chưa từng có, chủ yếu do biến thể Delta gây ra. Đây là những quốc gia từng quản lý tốt tình hình vào thời kỳ đầu khủng hoảng hồi năm 2020 bằng cách đóng cửa biên giới rất sớm và rất nghiêm ngặt.

    Các nước này đã bị bất ngờ bởi làn sóng thứ 3 này, làn sóng dịch bệnh mà họ không lường trước được. Các quốc gia này không có nhiều ngân sách dành cho chương trình tiêm chủng như các nước phương Tây. Tại Thái Lan, sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng bị chỉ trích trong khi chính quyền vừa mới cho mở cửa biên giới một phần cho những du khách đã tiêm chủng. »

    Hàn Quốc hôm nay 09/07 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới thường nhật cao kỷ lục tính từ đầu mùa dịch : 1.316 ca và 2 người tử vong. Tình hình tại vùng Seoul đặc biệt đáng lo ngại, 80% số ca nhiễm mới liên quan tới thủ đô và các vùng phụ cận, buộc chính quyền phải cho áp dụng, kể từ thứ Hai tuần tới 12/07, mức giãn cách xã hội cao nhất, mức 4. Các cuộc tụ tập trên 2 người bị cấm sau 18h, trường học phải tổ chức học từ xa trong vòng 2 tuần, từ ngày 14/07. Người dân được khuyến khích không ra khỏi nhà.

    Covid-19: Sài Gòn bắt đầu hai tuần “giãn cách xã hội”

    Hôm nay, 09/07/2021, thành phố Sài Gòn bắt đầu hai tuần phong tỏa để ngăn chận dịch Covid-19, hiện nay đang bùng phát mạnh trở lại do sự lây lan nhanh chóng của biến thể virus Delta.

    Thật ra thì chính quyền không sử dụng từ “phong tỏa” mà gọi biện pháp này là “giãn cách xã hội”, trong khuôn khổ Chỉ thị 16 (được thủ tướng Việt Nam ban hành vào tháng 3 năm ngoái). Đây là lần thứ hai chỉ thị 16 được áp dụng tại Sài Gòn, trong bối cảnh thành phố này ghi nhận hơn 9.800 ca nhiễm kể từ đầu đợt dịch mới, con số cao nhất nước. Kể từ hôm nay, người dân tại Sài Gòn không được phép tụ tập quá 2 người nơi công cộng. Mọi người chỉ được phép ra ngoài để mua thức ăn, thuốc men..., hoặc trong những trường hợp khẩn cấp. 

    Theo hãng tin AFP, công an đã dựng các chốt kiểm soát ở những nơi ra vào thành phố và chỉ có những người trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được vào Sài Gòn. Các bức ảnh được đăng trên báo chí trong nước cho thấy hôm nay đường phố Sài Gòn rất thưa vắng.

    Theo báo chí trong nước, cũng kể từ hôm nay, các hãng hàng không chỉ được phép chở tối đa 1.700 hành khách từ Sài Gòn đến Hà Nội hoặc chiều ngược lại. Mỗi ngày, Cục Hàng không Việt Nam chỉ cho phép tối đa 54 chuyến bay đi, đến Sài Gòn.

     AFP trích lời ông Trần Phương, một người dân Sài Gòn: “ Tôi lo là các biện pháp nghiêm ngặt này sẽ không giúp được gì bởi vì virus nay đã lây lan sâu vào trong cộng đồng”. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, một người buôn bán phụ tùng xe gắn máy, thì cho biết là lệnh phong tỏa lần này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người dân: “  Việc làm ăn của chúng tôi phải tạm dừng, cho nên không có thu nhập. Cuộc sống của chúng tôi hiện rất khó khăn.”

    Hôm nay, bộ Y Tế  cho biết Việt Nam đề ra mục tiêu tiêm chủng cho 50% người dân từ 18 tuổi trở lên từ đây đến cuối năm và 70% từ đây đến tháng 3/2022. Hiện giờ, Việt Nam, quốc gia với gần 100 triệu dân, chỉ mới tiêm chưa tới 4 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19. Bên cạnh việc phát triển các vac-xin trong nước, với hy vọng sẽ đưa ra sử dụng trước cuối năm nay, Việt Nam cũng đã đặt mua hàng triệu liều vac-xin ngừa Covid-19.

    Anh: Lây nhiễm 400 nghìn ca Covid một tuần và kinh tế giảm tăng trưởng

    Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Anh (ONS-Office for National Statistics) mới công bố nói số ca lây nhiễm Covid ở Anh tăng 50% trong một tuần.

    Nếu xét nghiệm thì sẽ tìm ra 400 nghìn ca dương tính trên toàn nước Anh trong tuần từ cuối tháng 6 tính đến ngày 3 tháng 7.

    Tuần trước đó, con số có thể là 257 nghìn người, theo cách dùng toán thống kê xác định tỷ lệ cư dân tại Anh hiện nhiễm Covid ra sao.

    Các tính này nói có 0,6% dân số toàn Anh bị dương tính, tương đương 1 trên 160 người.

    Lần trước Anh có con số lây Covid cao như vậy là tuần thứ ba của tháng 2/2021.

    Kinh tế và lịch 'mở lại 19/07'

    Vẫn số liệu thống kê chính thức cho thấy hiện tượng tăng trưởng kinh tế tại Anh "lên xuống" vì tác động của dịch Covid.

    Kinh tế Anh chỉ tăng thêm 0,8% trong tháng 5, nhưng như thế là giảm đi so với mức tăng trưởng 2% của tháng 4/2021.

    Hàng quán, dịch vụ công tại Anh hiện vẫn trong tình trạng "mở một phần" với các hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

    Các hoạt động vui chơi giải trí công cộng, như các trận đá bóng ở sân Wembley hay giải quần vợt Wimbledon, London được thử nghiệm đón hàng nghìn khách có xét nghiệm âm tính.

    Tuy thế, rất nhiều dịch vụ khác như hòa nhạc, bảo tàng, và cả hoạt động giáo dục đại học vẫn ở tình trạng "chờ mở cửa".

    Cư dân tại Anh vẫn chưa được sang đa số các nước châu Âu mà không phải cách ly khi trở về.

    Những hạn chế này có thể được gỡ bỏ nay mai, cứu ngành du lịch, hàng không và giao thông đường bộ.

    Có vẻ như mọi khu vực của nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng ngay khi được mở cửa, và lĩnh vực nào bị đóng thì suy thoái ngay.

    Ví dụ, trong tháng 5, nhờ mở cửa một phần, ngành khách sạn và cung cấp thực phẩm, nhà hàng ngay lập tức tăng 37,1%, so với toàn bộ ngành dịch vụ chỉ đạt 0,9%.

    Cùng thời gian, ngành xe hơi vẫn khó khăn vì thiếu microchip, còn ngành sản xuất dụng cụ vận tải sụt giảm tới 16,5%.

    Chính phủ Anh đang lên lịch để mở cửa gần như toàn bộ sinh hoạt công cộng từ 19/07, thậm chí bỏ cả lệnh đeo khẩu trang bắt buộc.

    Tuy thế, giới chuyên gia dịch tễ học cảnh báo rằng với số lây nhiễm tiếp tục tăng cao, việc mở cửa trở lại quá vội sẽ có thể dẫn tới tình trạng "100 nghìn ca lây nhiễm một ngày" vào cuối hè năm nay.

    Mặc dù vậy, tân bộ trưởng y tế Sajid Javid nói trước Quốc hội hôm 08/07 rằng kế hoạch của ông là "chọn chiến lược sống chung với Covid" để cứu nền kinh tế, bởi "sẽ không bao giờ xóa được virus khỏi thế giới này".

    Covid-19

    Các nhà nghiên cứu Pháp phát hiện ra một mũi vắc-xin Astrazeneca hoặc Pfizer “hầu như không” chống lại được biến thể Delta lây lan nhanh của covid-19; còn hai liều vẫn bảo vệ tốt. Họ cũng nhận thấy các kháng thể do nhiễm virus tự nhiên sinh ra ít có khả năng bảo vệ trước Delta hơn so với một biến thể trước, cho thấy những người đã khỏi bệnh vẫn cần được tiêm ngừa.

    Châu Phi ghi nhận hơn 251.000 ca nhiễm covid-19 mới trong tuần qua, tăng 20% ​​so vi by ngày trước đó. Đây là con s theo tun ti t nht tng ghi nhn châu lc này, theo WHO. Hin tiêm chng vn còn chm chạp, với chỉ dưới 2% người châu Phi được tiêm chủng hoàn toàn. WHO dự đoán đợt lây nhiễm thứ ba sẽ vượt đỉnh của đợt thứ hai.

    Cuộc cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu đã đi được nửa đường

    Cuộc đại tu quy tắc thuế doanh nghiệp toàn cầu lớn nhất thế kỷ có thể sẽ đạt một tiến bộ quan trọng vào cuối tuần này. Các bộ trưởng tài chính G20 sẽ lên tiếng ủng hộ một thỏa thuận do OECD dàn xếp nhằm hạn chế tránh thuế thông qua các thiên đường thuế. Thỏa thuận này bao gồm việc phân bổ lại quyền đánh thuế và quy định mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15%. Khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đồng ý, bao gồm Mỹ, hầu hết EU và (dự kiến) Trung Quốc.

    Nếu mọi chuyện ổn thỏa, các chi tiết cuối cùng sẽ được thống nhất tại cuộc họp G20 vào tháng 10 tới. Nhưng vẫn còn đó một số rào cản. Trong số các nước hoài nghi là Ireland vốn có quyền phủ quyết chính sách thuế của EU. Hơn nữa EU còn phải giải quyết tranh cãi với Mỹ về “thuế dịch vụ kỹ thuật số” được lên kế hoạch từ trước, mà theo người Mỹ là phân biệt đối xử đối với các gã khổng lồ công nghệ họ. Còn ở Mỹ, chính quyền Biden sẽ phải chiến đấu để thỏa thuận được Quốc hội thông qua.

    ECB công bố mục tiêu lạm phát đối xứng

    Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ châu Âu bị trói chân bởi chính thành công của họ. Với mong muốn thiết lập uy tín trong việc ngăn chặn lạm phát, vào năm 2003 họ đã đồng ý hạn chế lạm phát ở mức “dưới, nhưng gần bằng 2% trong trung hạn”. Song kể từ 2013 lạm phát đã thấp hơn nhiều mức đó. Hôm qua họ công bố mục tiêu lạm phát đối xứng vào khoảng 2%, tức việc vượt mục tiêu giờ đây cũng sẽ được coi là vấn đề nghiêm trọng cần xử lý như khi dưới mục tiêu. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng hứa hẹn các biện pháp “đặc biệt mạnh mẽ hoặc kiên trì” khi lãi suất không thể giảm xuống nữa và kỳ vọng lạm phát thấp bám rễ.

    Cách tiếp cận mới đơn giản hơn cách cũ. Nhưng cả bà Lagarde cũng như người tiền nhiệm Mario Draghi trước đó đều nói họ sẽ chấp nhận lạm phát trên 2%. Vậy tại sao mọi người nên tin tưởng họ vào thời điểm này? Khi được hỏi vậy, bà Lagarde chỉ ra sự nhất trí của Hội đồng Quản trị ECB và các bài học kinh nghiệm về cách mà chính sách tài khóa và tiền tệ có thể hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng vì không có các công cụ mới trong khi mục tiêu không đổi nên nhiều người vẫn nghi ngờ.

    Nam Sudan 10 năm nhìn lại

    Nam Sudan vốn được sinh ra trong niềm lạc quan tràn trề, khác hẳn không khí ảm đạm của dịp kỷ niệm 10 năm thành lập quốc gia này vào hôm nay. Tổng thống Salva Kiir cầm quyền suốt từ khi nước này độc lập khỏi Sudan, trong khi đảng của ông trở nên tàn bạo, tham nhũng và bất tài. Hầu như chẳng ai được lợi gì từ độc lập trừ giới tinh hoa chính trị.

    Phe thân phương Tây của đất nước phải chịu một phần trách nhiệm. Các quan chức Mỹ đã vô cùng ngây thơ khi trao cuốn “Chủ nghĩa tư bản và tự do” của Milton Friedman cho các lãnh chúa chuẩn bị đổi quân phục lấy bộ vest. Trên bình diện toàn cầu Nam Sudan là nước khó kinh doanh thứ sáu, theo Ngân hàng Thế giới, và đứng cuối cùng trong chỉ số tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

    Nhưng cũng có thể lạc quan một cách thận trọng. Một thỏa thuận mong manh chấm dứt cuộc nội chiến 5 năm của Nam Sudan vào năm 2018 đã giúp dập tắt xung đột giữa các bộ tộc. Các nhà ngoại giao kỳ vọng nó có thể được ghép thành một thỏa thuận chia sẻ quyền lực lớn hơn. Tuy nhiên thực sự cần thiết là việc ông Kiir từ chức, một điều dường như không thể.

    Chính trị Bulgaria bế tắc

    Kể từ tháng 4 chính trị của quốc gia nghèo nhất EU Bulgaria đã ở trong tình trạng mơ hồ. Đảng của Boyko Borisov, thủ tướng cầm quyền suốt từ năm 2009, về nhất trong các cuộc bầu cử nhưng không thể thành lập chính phủ. Tương tự là phe đối lập, những người chỉ có một điểm chung là ghét ông Borisov. Vì vậy Chủ nhật này người dân Bulgaria lại đi bỏ phiếu.

    Khối chống Borisov lần này có vẻ sẽ nhận được nhiều phiếu hơn một chút, nhờ các cáo buộc gần đây về tham nhũng cấp cao, nghe lén các nghị sĩ đối lập và mua phiếu bầu. Bất kể ai thắng, thì vấn đề đầu tiên chính phủ mới phải giải quyết cũng sẽ là liệu có nên dỡ bỏ quyền phủ quyết để cho phép Bắc Macedonia tiến hành đàm phán gia nhập EU hay không. (Bulgaria phủ quyết vì cho rằng nước láng giềng từ chối thừa nhận lịch sử và ngôn ngữ Macedonia có nguồn gốc từ Bulgaria). Vụ này đã khiến các nước thành viên EU ủng hộ Bắc Macedonia tức giận; trong khi các nước tây Balkan có kỳ vọng gia nhập EU thì lo ngại nó đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.

    Taliban tuyên bố kiểm soát hầu hết Afghanistan, trấn an Nga

    Một phái đoàn Taliban ở Moscow hôm 9/7 tuyên bố nhóm này đã kiểm soát hơn 85% lãnh thổ ở Afghanistan và cam đoan với Nga rằng sẽ không để cho Afghanistan bị sử dụng làm nơi để tấn công nước khác, theo Reuters.

    Các lực lượng nước ngoài, bao gồm Hoa Kỳ, đang rút lui sau gần 20 năm giao tranh, một động thái mà theo Reuters là đã khuyến khích quân nổi dậy Taliban cố gắng giành thêm lãnh thổ mới ở Afghanistan.

    Tình hình này cũng khiến hàng trăm nhân viên an ninh Afghanistan và người tị nạn phải chạy qua biên giới sang nước láng giềng Tajikistan và làm dấy lên lo ngại ở Moscow và các nước khác rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan có thể xâm nhập vào Trung Á, khu vực mà Nga coi là sân sau của mình.

    Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo ở Moscow hôm 9/7, ba quan chức Taliban đã tìm cách tỏ dấu hiệu rằng họ không đề ra mối đe dọa trên diện rộng.

    Các quan chức nói Taliban sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan và họ cũng sẽ tìm cách quét sạch các hoạt động sản xuất ma túy.

    “Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp để Nhà nước Hồi giáo không hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan... và lãnh thổ của chúng tôi sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại các nước láng giềng”, Reuters dẫn lời một quan chức Taliban, Shahabuddin Delawar, nói thông qua phiên dịch.

    Phái đoàn này trước đó một ngày cho biết nhóm sẽ không tấn công biên giới Tajikistan -Afghanistan, nơi đang có số phận ảnh hưởng bởi Nga và Trung Á.

    Hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm 9/7 rằng Moscow đã ghi nhận căng thẳng gia tăng mạnh ở khu vực biên giới này, nơi Taliban hiện đang kiểm soát 2/3 khu vực.

    Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột Afghanistan thể hiện sự kiềm chế và nói rằng Nga và khối quân sự CSTO do Moscow đứng đầu sẽ có hành động dứt khoát để ngăn chặn hành động gây hấn ở biên giới nếu cần thiết, Reuter dẫn lại tin của RIA cho hay.

    Cũng tại cuộc họp báo, phái đoàn Taliban nói sẽ tôn trọng quyền của các sắc dân thiểu số và tất cả công dân Afghanistan phải có quyền được giáo dục tử tế trong khuôn khổ luật Hồi giáo và truyền thống của Afghanistan.

    “Chúng tôi muốn tất cả các đại diện của xã hội Afghanistan... tham gia vào việc tạo ra một nhà nước Afghanistan”, Reuters dẫn lời ông Delawar nói thêm.

     

    Không có nhận xét nào