100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc : Đài Loan quyết tự vệ đến cùng
Trong
bài diễn văn hôm 01/07/2021 nhân kỷ niệm 100 năm đảng Cộng Sản Trung
Quốc được thành lập, ông Tập Cận Bình hứa hẹn « thống nhất » Đài Loan, «
dập tắt » mọi ý đồ ly khai và tuyên bố độc lập của hòn đào với 24 triệu
dân này. Lập tức, chính quyền Đài Bắc ngay chiều qua tuyên bố « quyết
tâm bảo vệ chủ quyền và dân chủ Đài Loan » đến cùng. Công luận Đài Loan
coi như không có sự kiện đảng Cộng Sản Trung Quốc tròn 100 tuổi.
Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre tường trình:
Không
một bài viết nào trên báo chí Đài Loan sáng ngày 01/07/2021. Điều đó
chứng tỏ công luận xứ này ít quan tâm đến sự kiện 100 năm ngày thành lập
đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ngay cả đảng đối lập Đài Loan là Quốc Dân
Đảng, vốn có lập trường hòa hoãn với Bắc Kinh cũng không chuyển lời chúc
mừng tới Bắc Kinh trong dịp này.
Cần phải nói là quan hệ giữa
hai bờ eo biển Đài Loan đã nguội lạnh đáng kể từ 2016 và với việc đắc cử
của một vị tổng thống Đài Loan chủ trương độc lập. Sau việc Bắc Kinh
siết gọng kềm với Hồng Kông và trước những cuộc tập trận liên tục của
quân đội Trung Quốc, ngày càng có nhiều người Đài Loan bác bỏ mọi dự án
sáp nhập với Hoa Lục. Theo thăm dò gần đây nhất có đến 90 % những người
được hỏi bác bỏ ý tưởng này.
Đảng Lực lượng Thời đại xuất thân từ
phong trào « Hướng Dương » của sinh viên năm 2014 – chủ trương chống
lại ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Đài Loan, cách nay hai ngày thậm chí
đã tổ chức một sự kiện trên mạng internet, mang tên « Hổ thẹn thay cho
đảng Cộng Sản Trung Quốc ». Biểu tượng thể hiện tình liên đới ngày càng
lớn giữa Đài Loan và Hồng Kông, ba nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông được
mời tham dự sự kiện nói trên.
Về phần mình, truyền thông Đài Loan
dành trang nhất cho sự kiện Đài Bắc và Washington nối lại đàm phán để
ký kết một thỏa thuận thương mại. Bắc Kinh coi đây như là một hành động
đối đầu với Trung Quốc và thời điểm đưa ra thông báo Mỹ và Đài Loan nối
lại đàm phán là một vố đau đối với Trung Quốc.
Dù vậy, trong bài
diễn văn tại Quảng Trường Thiên An Môn hôm 01/07/2021 lãnh đạo Tập Cận
Bình đã nhấn mạnh đến quyết tâm « thống nhất » Đài Loan với « đất mẹ »
và đe dọa « đập tan mọi ý đồ đòi độc lập của Đài Loan ». Trong một thông
cáo cùng ngày, chính quyền Đài Bắc đáp trả : « Quyết tâm của chúng tôi
bảo vệ chủ quyền và nền dân chủ Đài Loan không thay đổi ».
Lục Quân Nhật – Mỹ tiến hành đợt tập trận chung lớn nhất từ trước tới nay
Hôm
qua 01/07/2021, Lực lượng Lục Quân của Nhật Bản và Hoa Kỳ đã bắt đầu
đợt tập trận chung tại các trại huấn luyện trên toàn lãnh thổ Nhật Bản
với khoảng 3.000 người tham gia.
Theo đài truyền hình quốc gia
Nhật Bản NHK, đợt tập trận kéo dài 9 ngày này được coi là lớn nhất từ
trước tới nay giữa lực lượng bộ binh hai nước, trong bối cảnh Bắc Kinh
đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự của mình tại biển Đông.
Đây
cũng là dịp để Mỹ lần đầu tiên triển khai một đơn vị tên lửa đánh chặn
trong khuôn khổ cuộc tập trận tại trại huấn luyện trên đảo Anami Oshima
thuộc tỉnh Kagoshima phía nam Nhật Bản.
Tại đây, cuộc tập trận đã
khởi sự từ ngày 30/06 với khoảng 70 người tham gia dựa trên kịch bản
một cuộc không kích của đối thủ. Các giàn phóng tên lửa trên mặt đất và
radar cho hệ thống đánh chặn PAC-3 được đưa đến từ căn cứ không quân của
Mỹ tại tỉnh Okinawa.
Còn theo hãng thông tấn Anh Reuters, Nhật
Bản cũng lần đầu tiên tiến hành một đợt diễn tập không quân chung với
Phillipines từ ngày 5 đến ngày 8/7 với nội dung huấn luyện cứu trợ nhân
đạo và thảm họa. Cuộc tập huấn diễn ra tại căn cứ không quân Clark, một
cơ sở quân sự cũ của Hoa Kỳ tại miền bắc Philippines.
Nhật Bản và
Philippines đã ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự vào
tháng Giêng năm 2015 và kể từ đó đến nay đã tổ chức 17 cuộc tập trận hải
quân chung.
Có thể nhận thấy rõ ràng Nhật Bản đang thể hiện một
thái độ chủ động hơn trong vấn đề hợp tác quân sự với các đồng minh và
an ninh khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông.
Biến thể Delta hoành hành ở châu Á
Một
con đường ở khu trung tâm thương mại Brisbane trở nên vắng vẻ vào ngày
30/6/2021, khi Úc áp dụng lệnh phong toả để đối phó với tình trạng bùng
phát dịch do biến thể Delta gây ra.
Biến thể rất dễ lây lan
Delta của virus corona hiện đang lan tràn khắp châu Á trong tuần này,
với số ca nhiễm kỷ lục ở Úc và Hàn Quốc, khiến một số quốc gia phải thắt
chặt kiểm dịch trong khi các quốc gia khác đẩy nhanh việc tiêm chủng,
theo tin Reuters.
Biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ
vào tháng 12 năm ngoái hiện đã lây lan sang khoảng 100 quốc gia. Tổ chức
Y tế Thế giới gần đây cảnh báo rằng nó có thể sớm trở thành loại virus
thống trị. Biến thể này hiện cũng đang làm tăng số ca nhiễm bệnh ở Nhật
Bản, gây ảnh hưởng xấu đến Thế vận hội Olympic diễn ra trong tháng này.
Vào
ngày 2/7, bang New South Wales, nơi có đông dân nhất của Úc, ghi nhận
mức tăng ca nhiễm hàng ngày cao nhất trong năm nay. Tổng số ca bệnh ở
tiểu bang này trong đợt bùng phát gần đây nhất đã lên đến 200 ca, phần
lớn là do biến thể Delta gây ra.
Sydney, nơi cư trú của 1/5 trong
tổng số 25 triệu dân của Úc, đang trải qua nửa thời gian ngừng hoạt
động kéo dài hai tuần để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Điều này khiến
nhà chức trách phải đưa ra cảnh báo trong bối cảnh việc tiêm chủng trên
toàn quốc diễn ra chậm chạp.
Cũng như một số quốc gia khác ở châu
Á, Úc hiện đang phải vật lộn để tiêm chủng cho người dân khi những
thành công ban đầu trong việc ngăn chặn đại dịch đã dẫn đến sự chần chừ
tiêm vaccine và việc các nhà sản xuất cung ứng chậm.
Australia hiện mới tiêm phòng đầy đủ cho 6% dân số, trong khi Nhật Bản đã tiêm phòng 12%.
Nhật
Bản hôm thứ Tư báo cáo biến thể Delta hiện chiếm gần 1/3 tổng số ca
nhiễm ở miền đông nước này, bao gồm cả Tokyo, và có thể tăng lên 50% vào
giữa tháng Bảy.
Tokyo và ba quận lân cận nằm trong số các khu
vực được đặt trong tình trạng “bán khẩn cấp”, bắt đầu từ ngày 11/7 và
tình trang gia tăng số ca nhiễm gần đây khiến cho các quan chức nghiêng
về việc duy trì các hạn chế tại chỗ, theo các nguồn tin chính phủ nói
với Reuters.
Hôm 2/7, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike nhắc lại rằng
lệnh cấm khán giả đến xem Thế vận hội Olympic, bắt đầu vào ngày 23/7, sẽ
là một lựa chọn nếu như tình hình COVID-19 trở nên tồi tệ hơn.
Tại
Hàn Quốc, các quan chức hôm 2/7 cho biết số ca nhiễm virus corona trong
ngày lên đến 800 ca, cao nhất trong gần sáu tháng qua, với tỷ lệ tiêm
chủng dưới 10%. Số ca nhiễm mới trung bình ở nước này đã tăng trong 10
ngày liên tiếp, và nhà chức trách ở Seoul đã phải trì hoãn việc nới lỏng
các biện pháp giãn cách xã hội.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ
tư thế giới, đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp bắt đầu từ thứ Bảy cho
đến ngày 20/7 để ngăn chặn sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc bệnh.
Tại
Ấn Độ, số ca nhiễm mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng kể
từ khi tăng đến mức cao nhất 400.000 ca một ngày vào tháng 5, với việc
chính phủ tập trung vào việc tiêm chủng hàng loạt.
Hạ viện Hoa Kỳ
thông
qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 700 tỷ đô la, nhằm bơm tiền vào sửa
chữa đường phố, hệ thống giao thông công cộng, đường ống dẫn nước và hệ
thống thoát nước vốn đã cũ kỹ của đất nước. Vẫn không rõ dự luật này sẽ
liên quan tới đâu với thỏa thuận giữa Tổng thống Joe Biden và một nhóm
thượng nghị sĩ lưỡng đảng vào tuần trước, mặc dù lãnh đạo Dân chủ tại Hạ
viện Nancy Pelosi cho biết họ tán thành cả hai.
EU ra hộ chiếu vắc-xin điện tử
Sau
một năm hạn chế, người châu Âu đang rất mong ngóng cho một kỳ nghỉ
không phải chịu các biện pháp kiểm dịch trong mùa hè này. Hôm qua, EU đã
ra mắt “chứng chỉ covid kỹ thuật số,” mà họ hy vọng sẽ tạo điều kiện
cho đi lại tự do hơn trong khối (nhưng các nước được toàn quyền quyết
định các hạn chế của riêng họ). Công dân và cư dân EU (và cả những nước
Schengen ngoài EU) có thể nộp đơn xin cấp thẻ nếu họ đã được chủng ngừa,
đã khỏi bệnh hoặc gần đây có kết quả xét nghiệm âm tính.
Vẫn có
những lo ngại về chương trình này. Một là nó có tính phân biệt đối xử.
Nó chỉ chấp nhận bốn loại vắc-xin được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu phê
duyệt, trong khi một số nước Châu Âu đã lựa chọn các loại vắc-xin khác,
như Hungary dùng Sputnik V của Nga. Những người phản đối cũng cho rằng
nó mang rủi ro. Không ai biết vắc-xin có thể bảo vệ được bao lâu còn các
biến thể mới vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Dù vậy, EU rất muốn thúc
đẩy du lịch để giúp các nền kinh tế nội khối phục hồi sau đại dịch. Như
mọi câu chuyện khác, nó là một cuộc đánh đổi.
Chile soạn thảo hiến pháp mới
Vào
Chủ nhật này một hội đồng hiến pháp sẽ bắt đầu soạn thảo hiến pháp mới
để thay cho phiên bản hiến pháp hiện tại của Chile vốn có từ năm 1980
dưới chế độ độc tài của Tướng Augusto Pinochet. Hội đồng này là sản phẩm
của một thỏa thuận chính trị giúp chấm dứt biểu tình hàng loạt xoay
quanh bất bình đẳng vào năm 2019. Tám mươi tám trong số 155 thành viên
của nó, được chọn trong một cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5, là những người
phi đảng phái. Gần một nửa là phụ nữ và 17 người đại diện cho các dân
tộc bản địa
Các bên đều thống nhất phải giảm bớt quyền lực của
tổng thống, phân quyền và vai trò lớn hơn của nhà nước trong giáo dục, y
tế và lương hưu. Nhưng sẽ có tranh cãi gay gắt xem phải thay đổi đến
đâu. Thật ra mô hình hiện tại mang đến thành công kinh tế, nhưng cũng
làm gia tăng căng thẳng xã hội.
Hội đồng này sẽ làm việc trong
chín tháng, và có thể gia hạn thêm ba tháng nữa. Công việc đầu tiên của
nó là bầu ra một hội đồng quản trị và thống nhất các quy tắc. Thật không
may là các đại biểu có thể bị phân tâm bởi cuộc bầu cử tổng thống tháng
11 tới.
Đảng cầm quyền Ba Lan bầu chủ tịch đảng
Kể
từ khi lên nắm quyền vào năm 2015, đảng Luật pháp và Công lý đã tìm
cách lấy lại hình ảnh của Ba Lan. Họ đã cải cách các thể chế của đất
nước, bao gồm cả cơ quan tư pháp, bất chấp phản đối của Ủy ban châu Âu
rằng đảng này đang phá hoại nhà nước pháp quyền. Jaroslaw Kaczynski,
đồng sáng lập và chủ tịch của đảng, là kiến trúc sư của nỗ lực đó. Dù
chỉ làm phó thủ tướng, nhưng ông được nhiều người coi là nhà lãnh đạo
trên thực tế của Ba Lan.
Ngày mai tại hội nghị đảng, ông sẽ tái
ứng cử chức chủ tịch đảng. Ông khó có thể thất bại, nhưng đã tuyên bố
đây là lần tranh cử cuối của ông. Hiện Kaczynski không có người kế nhiệm
rõ ràng: một cuộc thăm dò cho thấy hơn 60% người được hỏi không rõ ai
có thể thay thế ông. Chỉ 18% điền tên thủ tướng Mateusz Morawiecki, một
lãnh đạo đảng khác. Nhưng hiện tại thì đảng vẫn sẽ lạc quan. Sự kiểm
soát của Kaczynski giúp họ có định hướng và sự gắn kết. Vì thế vị trí
của ông khó mà thay thế được.
Câu chuyện hợp pháp hóa cần sa ở Mỹ
Hôm
qua, Connecticut và Virginia trở thành những bang mới nhất cho phép
người trên 21 tuổi được sử dụng một lượng nhỏ cần sa cho mục đích giải
trí. Hiện tiến trình này đang diễn ra rất nhanh chóng: chỉ trong năm nay
đã có năm bang hợp pháp hóa cần sa giải trí.
Điều này chủ yếu
diễn ra ở các bang theo hướng tự do. Trong số 18 bang (cộng với
Washington, D.C.) đã hợp pháp hóa cần sa giải trí, có tới 16 bang bỏ
phiếu cho Joe Biden vào năm 2020. Dù vậy vài đảng viên Cộng hòa cũng ủng
hộ ý tưởng này. Montana, bang mà Donald Trump thắng dễ dàng, đã phê
duyệt vào tháng 11. Còn các bang đỏ khác như Missouri hay Oklahoma cũng
có thị trường cần sa y tế phát triển mạnh.
Nhưng hợp pháp hóa ở
cấp liên bang sẽ khó khăn hơn. Nhiều chính trị gia Cộng hòa vẫn phản đối
nới lỏng các hạn chế. Và dù hơn 80% đảng viên Dân chủ ủng hộ cần sa hợp
pháp, nhưng các đảng viên quyền lực nhất thì không. Chính ông Biden
thậm chí còn cấm tuyển những người hút cần sa vào chính quyền ông.
Việt Nam: Dự kiến 8 triệu liều vaccine trong tháng 7, miễn dịch cộng đồng đầu 2022
GS.TS
Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, vừa cho biết dự kiến
trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vaccine chống dịch Covid-19
về Việt Nam.
Ông Long cho biết trong lộ trình cung ứng vaccine, Việt Nam đã ký các thoả thuận hợp đồng trong năm 2021 là 105 triệu liều.
Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm vào thời điểm này, nên cao điểm vaccine dồn dập về Việt Nam sẽ là quý 4/2021.
Dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vaccine về Việt Nam.
'Miễn dịch cộng đồng'
Trước đó, ngày 1/7, ông Long cho biết sẽ có khoảng 30 triệu liều vaccine về Việt Nam trong quý 3 năm 2021.
Ông Long phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022 diễn ra sáng 2/7.
"Chúng
ta cố gắng từ nay đến cuối năm tiêm hết cho người dân, hoặc có thể sang
đầu năm 2022. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra mục tiêu đến năm 2023
đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đưa ra mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm
2022. Đây là yêu cầu rất lớn trong khi các nước khác là trong năm 2022
và đầu 2023."- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Ông Long nhắc nhở cần cây
dựng trang web về tiêm chủng vaccine Covid-9 trong đó "công khai tất cả
các thông tin liên quan đến toàn bộ hoạt động tiêm chủng".
Theo
kế hoạch, chiến dịch tiêm chủng được thực hiện ở 19 nghìn điểm tiêm,
trong đó nền tảng cơ bản nhất là trạm y tế xã, phường, các điểm tiêm di
động, các cơ sở y tế.
Các cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ phải tiến
hành khám sàng lọc và phân loại sẵn tất đối tượng dự kiến tiêm chủng từ
18 tuổi trở lên để phân loại trường hợp nào được tiêm tại trạm y tế xã
phường, trường hợp nào cần phải tiêm ở cơ sở y tế có giường bệnh, trường
hợp nào được tiêm tại điểm tiêm di động.
"Tôi đề nghị các địa phương trong tháng 7/2021 phải xong việc khám sàng lọc trên quy mô này," Bộ trưởng Long nói tại cuộc họp.
Phát ngôn viên Tổng thống Đài Loan nói Bắc Kinh 'như trẻ con'
Tập Cận Bình phát lời hiệu triệu của Trung ương Đảng với toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc
Người
phát ngôn của văn phòng tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, Kolas Yotaka,
đã phản ứng mạnh dạn trên Twitter chế nhạo Bắc Kinh sau khi ông Tập Cận
Bình nói nhiệm vụ lịch sử là giải quyết vấn đề Đài Loan.
Bà
Kolas Yotaka hôm 1/7 đăng dòng tweet: "Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn Đài
Loan cho sinh nhật lần 100. Chọn thứ khác đi. Trưởng thành đi chứ."
Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận
Bình vừa phát biểu ngày 1/7 tại Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng
sản Trung Quốc.
Trong phát biểu, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh
giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất hoàn toàn tổ quốc, là
"nhiệm vụ lịch sử không thay đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc".
"Bất
cứ ai đều không nên coi nhẹ quyết tâm kiên cường, ý chí kiên định, năng
lực lớn mạnh giữ gìn chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của nhân
dân Trung Quốc," ông nói.
Bà Kolas Yotaka trở thành phát ngôn cho phủ tổng thống Thái Anh Văn từ tháng Năm 2020.
Trong
khi đó, cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1/7 cũng lên Twitter tuyên
bố rằng 100 năm tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu một "thế
kỷ của những cánh đồng giết người và nạn diệt chủng."
Ông Pompeo khẳng định rằng không có đảng chính trị nào trong lịch sử "giết nhiều người hơn đảng cộng sản Trung Quốc."
Không có nhận xét nào