Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 08 tháng 7 năm 2021

    Đài Loan khẳng định chủ quyền sau khi Mỹ tái phản đối độc lập

    Bộ Ngoại giao Đài Loan ngày 7/7 tuyên bố hòn đảo là một quốc gia có chủ quyền trong bối cảnh một quan chức cấp cao của chính quyền Biden phản đối sự độc lập của hòn đảo.

    Trước đó hôm 6/7, Điều phối viên Toà Bạch Ốc về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương – Kurt Campbell cho biết: “Chúng tôi ủng hộ mối quan hệ không chính thức bền chặt với Đài Loan. Nhưng chúng tôi không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan”. Quan chức này đã đưa ra câu trả lời trước câu hỏi mối quan hệ Hoa Kỳ và Đài Loan dường như đang bền chặt hơn.

    Theo SCMP, bình luận, của ông Campbell được đưa ra tại một sự kiện do Asia Society tổ chức, là tuyên bố công khai đầu tiên về vấn đề này của một quan chức chính quyền Biden.

    Đây cũng là bình luận công khai đầu tiên của ông Campbell về vấn đề Đài Loan kể từ khi ông Tập Cận Bình tuyên bố vào tuần trước, tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ rằng, sẽ đè bẹp bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn sự “thống nhất” của Đài Loan với Đại lục.

    Hoa Kỳ chưa bao giờ ủng hộ sự độc lập của Đài Loan kể từ khi Washington chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 1979.

    Ông Campbell cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn nhận ra và hiểu rõ sự nhạy cảm liên quan đến vấn đề này”.

    Ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng Đài Loan có quyền được sống trong hòa bình. Chúng tôi muốn thấy vai trò quốc tế của họ, đặc biệt trong các lĩnh vực như vắc-xin và các vấn đề liên quan đến đại dịch, họ nên có vai trò ở đây”.

    Đáp lại, ngày 7/7, Bộ Ngoại giao Đài Loan cảm ơn ông Campbell đã hỗ trợ Đài Loan tham gia vào các vấn đề quốc tế.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou cảm ơn Hoa Kỳ đã “viện trợ kịp thời” 2,5 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho hòn đảo.

    Bà Ou cho biết chính quyền Biden đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ Đài Loan một cách “vững chắc” kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng và đã tích cực tập hợp sự ủng hộ từ các đồng minh để duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

    Bà nhấn mạnh, là một đối tác đáng tin cậy, Đài Loan sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong các vấn đề toàn cầu khác nhau.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan không bình luận về nhận xét của ông Campbell về nền độc lập của hòn đảo, nhưng nhấn mạnh: “Trung Hoa Dân Quốc [tên chính thức của Đài Loan] là một quốc gia có chủ quyền chứ không phải là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đây là một sự thật và cũng là một thực tế”.

    Bà cho biết Đài Loan sẽ tiếp cận các mối quan hệ xuyên eo biển một cách thận trọng và thực dụng, đồng thời sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ hệ thống tự do và dân chủ của mình.

    Indonesia, Thái Lan cân nhắc tăng cường tiêm vắc-xin ngừa COVID-19

    Indonesia và Thái Lan đang xem xét tiêm thêm vắc-xin cho các nhân viên y tế từng được chủng ngừa bằng vắc-xin COVID-19 của Sinovac.

    Động thái này có thể làm giảm lòng tin của công chúng đối với sản phẩm của Trung Quốc, vốn là công cụ tiêm chủng chính của các nước này.

    "Có rất nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đã được chủng ngừa hai lần nhưng vẫn có các triệu chứng vừa và nặng, hoặc thậm chí tử vong", ông Slamet Budiarto, Phó Chủ tịch Hiệp hội Y tế Indonesia, nói với quốc hội hôm 5/7.

    Indonesia đã tiêm vắc-xin Sinovac cho hàng triệu nhân viên y tế và hàng nghìn người trong số họ hiện có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

    Ông Melki Laka Lena, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Y tế của quốc hội nói: “Đã đến lúc các nhân viên y tế phải tiêm mũi tăng cường thứ ba để bảo vệ họ khỏi tác động của các biến thể mới nguy hiểm và đáng lo ngại hơn”.

    Bà Siti Nadia Tarmizi, một quan chức của Bộ Y tế Indonesia, cho biết đang chờ khuyến nghị từ nhóm tư vấn tiêm chủng và Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) về việc sử dụng một mũi tiêm nhắc lại.

    Thái Lan dự kiến sẽ nhận được 1,5 triệu liều Pfizer-BioNtech được Hoa Kỳ tài trợ vào cuối tháng này, và có kế hoạch sử dụng chúng cho 700.000 nhân viên y tế mà hầu hết trong số họ đã tiêm hai mũi tiêm Sinovac.

    Quan chức y tế cấp cao Udom Kachintorn cho biết kế hoạch này nhằm tăng khả năng miễn dịch, vì biến thể Delta làm tăng số ca bệnh và nhiều nhân viên y tế đã được tiêm chủng đầy đủ bằng vắc-xin Sinovac bị nhiễm bệnh.

    Một tài liệu của Bộ Y tế Thái Lan bị rò rỉ trong tuần này cho thấy chính phủ nước này lo ngại rằng một động thái như vậy sẽ gửi tín hiệu sai đến công chúng vì như vậy là thừa nhận rằng vắc-xin Sinovac không hiệu quả.

    Vụ ám sát tổng thống kéo Haiti chìm sâu hơn vào khủng hoảng


    Đất nước Caribe bước vào những ngày bất ổn sau khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát vào đầu giờ hôm qua. Những kẻ đột nhập vào nhà và tấn công ông cùng vợ ở Port-au-Prince có lẽ là lính đánh thuê. Không rõ ai thuê họ – khi mà ông Moïse có khá nhiều kẻ thù. Phe đối lập, những người tuyên bố nhiệm kỳ của ông đáng lẽ đã kết thúc vào tháng 2, cáo buộc ông thiếu năng lực, tham nhũng và tiếp tay cho vấn nạn băng đảng tham gia chính trị ở Haiti. Và dĩ nhiên, có rất nhiều tin đồn về một màn nhúng tay của thế lực nước ngoài.

    Vụ ám sát sẽ càng gây bất ổn cho một quốc gia vốn đang chìm trong bạo lực, khủng hoảng kinh tế và một vũng lầy chính trị. Trong trường hợp không có tổng thống, thủ tướng Claude Joseph sẽ nắm quyền tạm thời. Sau đó một thủ tướng mới sẽ tuyên thệ nhậm chức và thành lập chính phủ vào cuối tuần. Tuy nhiên số phận của chính phủ mới đó và cuộc bầu cử tổng thống dự kiến ​​vào tháng 9 tới là không rõ ràng, một tình trạng chung của cả nước.

    Các nhà lãnh đạo thế giới đồng loạt tố cáo vụ ám sát tổng thống Haiti Jovenel Moïse. Tổng thống Joe Biden gọi vụ giết người là “ghê tởm”, và cho biết Mỹ luôn “sẵn sàng hỗ trợ” đảm bảo an toàn và an ninh cho quốc gia vùng Caribe này. Các nhà lãnh đạo Colombia và Anh cũng đưa ra quan điểm tương tự. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thì kêu gọi người Haiti “giữ gìn trật tự hiến pháp” trước “hành động ghê tởm”.

    Mâu thuẫn giữa Ả Rập Saudi và UAE chia rẽ OPEC


    Tranh cãi giữa các đồng minh đã và đang gây chia rẽ OPEC +. Nhìn chung tất cả đều đồng ý phải tăng sản lượng dầu, vì nhu cầu đã vượt xa cung. Song UAE muốn điều chỉnh lại đường cơ sở vốn dùng để tính toán các mục tiêu sản xuất, sau khi đã chi mạnh tay để tăng công suất. Trong khi đó Ả Rập Saudi (và Nga) muốn giữ khuôn khổ cũ cho đến năm 2023.

    Căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và UAE, những đồng minh thân cận trên danh nghĩa, đang ngày càng gia tăng. UAE rút lực lượng khỏi Yemen vào năm 2019, khiến Ả Rập Saudi sa lầy vào một cuộc chiến tốn kém. Quan điểm của hai nước đối với Israel, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng khác biệt nhau. Và giờ đây, Ả Rập Saudi muốn thách thức vị thế trung tâm kinh doanh trong khu vực của UAE. Cụ thể, họ đã yêu cầu các công ty nước ngoài hoặc đặt trụ sở khu vực ở Saudi, hoặc mất hợp đồng và bị loại trừ ưu đãi thuế quan cho hàng hóa sản xuất tại các khu vực tự do – một phần quan trọng của nền kinh tế UAE. Cho dù có là đồng minh hay không thì hai nước vẫn cạnh tranh gay gắt.

    Cổ phiếu Didi rớt mạnh sau khi chào sàn New York


    Việc bổ sung cổ phiếu của Didi Global vào các chỉ số toàn cầu của FTSE Russell vào ngày 8 tháng 7 lẽ ra là một tin tuyệt vời cho các nhà đầu tư. Nhưng thay vào đó, một số người bây giờ có thể lo lắng rằng công ty gọi xe Trung Quốc có thể là một lực cản đối với các chỉ số. Didi đã huy động được 4,4 tỷ đô la tại New York vào ngày 30 tháng 6, nhưng trong vòng vài ngày đã bị cơ quan quản lý mạng của Trung Quốc điều tra và bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc. Điều đó đã khiến cổ phiếu của công ty giảm khoảng 20% vào ngày 6 tháng 7.

    FTSE cho biết họ sẽ giữ nguyên kế hoạch ban đầu là bổ sung Didi vào Chỉ số FTSE All-World Index, Chỉ số FTSE vốn hóa lớn toàn cầu, và Chỉ số FTSE mới nổi. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra một cảnh báo: nếu cổ phiếu của công ty bị đình chỉ, họ sẽ tạm dừng và theo dõi tình hình. Đây có lẽ không phải là cách người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Didi, Cheng Wei, hình dung về tuần đầu tiên của công ty mình trên thị trường chứng khoán.

    Khía cạnh chính trị nhạy cảm của các tấm bản đồ


    Các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ rất nhạy cảm về bản đồ. Ukraine đã sử dụng bộ trang phục bóng đá Euro 2020 của mình để đòi lại Crimea do Nga chiếm đóng. Trong tháng này, Việt Nam đã yêu cầu Netflix loại bỏ một bộ phim truyền hình về tình báo của Úc, trong đó có một bản đồ mô tả đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.

    Ấn Độ đặc biệt nhạy cảm. Xuất bản bản đồ mà không tuân thủ chính sách chính thức là bất hợp pháp. Nhưng không phải tất cả các vi phạm đều bị xử lý giống nhau. Những vi phạm gần đây của BBC và WHO chỉ bị khiển trách. Nhưng khi Twitter, một nền tảng truyền thông xã hội và là kẻ thù hiện tại của chính phủ, gọi sai tên các địa điểm hoặc để người dùng chia sẻ các bản đồ “không chính xác”, những sự việc như vậy sẽ bị điều tra như là các hành vi tội phạm.

    Ngay cả các chính trị gia cũng bị dính đón. Tuần trước, một bản đồ được chia sẻ vào năm 2015 bởi Pushkar Singh Dhami, thủ hiến của bang Uttarakhand, đã xuất hiện trở lại trên mạng. Nó thiếu phần lãnh thổ Kashmir mà cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền. Nhưng không có cáo buộc nào được đưa ra. Có lẽ đó là bởi vì nó hiển thị “Akhand Bharat” (phần đất bao gồm Ấn độ trước khi bị chia tách thành 3 nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh), một hoài niệm dân tộc chủ nghĩa của người Ấn Độ .

    500 sinh viên khoa học và kỹ thuật Trung Quốc đã bị Mỹ từ chối visa


    Ngày 6/7 truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, hơn 500 sinh viên tốt nghiệp khoa học và kỹ thuật nước này đã bị Hoa Kỳ từ chối khi xin visa.

    Theo báo cáo, chính quyền Biden một mặt cố gắng đáp ứng yêu cầu của các trường đại học Hoa Kỳ trong việc thu hút một số lượng lớn sinh viên Trung Quốc, một mặt lại vẫn kéo dài chính sách chèn ép các học giả và nghiên cứu sinh về khoa học và kỹ thuật.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên nói rằng Trung Quốc bày tỏ quan ngại và bất mãn trong ngoại giao với Hoa Kỳ, yêu cầu Hoa Kỳ “sửa chữa sai lầm” và ngừng lấy cớ để “hạn chế và chèn ép một cách vô lý” du học sinh Trung Quốc và bảo vệ “quyền và lợi ích hợp pháp” của sinh viên Trung Quốc.

    Mặc dù đông đảo cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự “phẫn nộ” về sự việc trên, họ cho rằng Trung Quốc nên thực hiện “các biện pháp đối phó bình đẳng” và từ chối ký thị thực đối với các sinh viên Hoa Kỳ đến Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Tuy nhiên, bình luận này cũng đã vấp phải nhiều phản hồi chế giễu từ các cư dân mạng khác: “Bạn sẽ sang Triều Tiên du học sao?!”, “Buồn cười! Bao nhiêu người Mỹ sẵn sàng đến nước ta học?”, “Tôi cũng rất yêu nước, nhưng chúng ta đừng quá tự tin mù quáng như vậy được không?!”

    “Mắng Mỹ là công việc, sang Mỹ là cuộc sống. Tôi đề nghị để lên án mạnh mẽ cách làm này của Mỹ, các bạn nên đến Triều Tiên để học tập, cũng có thể đến Châu Phi để học tập”.

    Một số cư dân mạng khác cho rằng: “Vừa chửi lại cũng vừa phải đi… Liệu có thể ngôn hành nhất trí không? Người ta có quyền từ chối. Công nghệ là của họ. Dựa vào cái gì mà bắt họ ai tới cũng phải dạy?!”.

    “Vừa mắng Hoa Kỳ sa sút vô sỉ, vừa lại muốn đến nước họ đi học, nếu không đáp ứng thì mắng mỏ. Nghĩ ở góc độ khác, Trung Quốc có hoan nghênh những du học sinh chửi chúng ta trên mạng không?”

    Một số cư dân mạng đã đưa ra một thư từ chối mới nhất cách đây 2 tuần, cho biết con số từ chối thực sự là hơn 500. “Con số 500 trên báo cáo chính thức chỉ là số liệu thống kê. Có hàng ngàn người đổi visa chưa được ký và những người chưa đi ký, chắc chắn nhiều hơn 500. Ước tính được báo cáo là số lần từ chối trong một ngày.” Một số cư dân mạng tiết lộ rằng những người bị từ chối là học sinh từ các trường như “bảy trường quốc phòng”…

    Kể từ năm 2020, Hoa Kỳ đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc nhập cảnh của sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc vào nước này để ngăn họ ăn cắp công nghệ và tài sản trí tuệ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho việc ĐCSTQ cố gắng lấy cắp công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ từ các học viện và cơ sở nghiên cứu của Mỹ, sau đó sử dụng nó cho dự án quân sự của người Trung Quốc. Nhưng cần nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ muốn ngăn cản tất cả sinh viên và học giả Trung Quốc đến Hoa Kỳ.

    Theo một báo cáo từ trang web công nghệ TechCrunch của Mỹ, từ tháng 9/2020, số lượng visa du học F-1 do Hoa Kỳ cấp cho các ứng viên đến từ Trung Quốc Đại Lục đã giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Trên thực tế, ngoài Mỹ, Chính phủ Anh cũng đã siết chặt các điều kiện nhập học đối với sinh viên quốc tế từ tháng 10 năm ngoái. Những biện pháp liên quan này là do Chính phủ Anh ngày càng lo ngại về khả năng tiếp cận công nghệ và kiến thức của sinh viên Trung Quốc. Có thông tin cho rằng Vương quốc Anh hạn chế sinh viên Trung Quốc trong các chuyên ngành nhạy cảm bao gồm hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và các lĩnh vực khác liên quan đến khoa học quốc phòng.

    Rút khỏi Afghanistan châm mồi lo ngại về sự trở lại của al-Qaeda


    Các lãnh đạo tình báo phương Tây đang lo lắng sự vội vã của các lực lượng phương Tây rút khỏi Afghanistan trong tháng này theo lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã khuyến khích quân nổi dậy Taliban.

    Trong những ngày gần đây, Taliban đã đánh chiếm hết quận này đến quận khác, tràn ngập vào các căn cứ mà quân chính phủ đã mất tinh thần thường đầu hàng hoặc bỏ chạy. Giờ đây, các nhà quan sát nói, bóng ma của chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang quay trở lại dù không mong muốn.

    Trang BBC dẫn lời nhà phân tích an ninh và khủng bố Sajjan Gohel, cho biết: “Việc Biden ra lệnh quân đội rút khỏi Afghanistan khiến Taliban tiếp quản là điều không thể tránh khỏi và tạo cơ hội cho al-Qaeda xây dựng lại mạng lưới của mình, đến mức có thể một lần nữa âm mưu tiến hành các cuộc tấn công trên khắp thế giới”.

    Có hai vấn đề ở đây, thứ nhất, Taliban, lực lượng Hồi giáo cứng rắn cai trị Afghanistan từ năm 1996-2001 bằng bàn tay sắt đang trở lại dưới một hình thức nào đó. Hiện tại, họ nói họ không có tham vọng chiếm thủ đô Kabul bằng vũ lực. Nhưng ở phần lớn Afghanistan, họ đã là lực lượng thống trị và họ chưa bao giờ từ bỏ mưu cầu biến nước này trở thành Tiểu vương quốc Hồi giáo theo những hướng dẫn nghiêm ngặt của riêng họ.

    Thứ hai, al-Qaeda là đối thủ của họ, Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khurasan sẽ tìm cách thu lợi từ sự ra đi của các lực lượng phương Tây để mở rộng hoạt động của họ ở Afghanistan.

    Từ trước đến nay, các cơ quan tình báo của chính phủ Afghanistan hợp tác chặt chẽ với các lực lượng đặc biệt của Mỹ và các nước khác, đã có thể phần nào ngăn chặn được mối đe dọa từ Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo đã ở Afghanistan.

    Nhưng hiện tại điều đó sắp kết thúc, và xuất hiện một mối đe dọa ngày càng lớn hơn đối với nước Anh.

    Trong tuần này, Taliban đã nói rõ rằng họ mong đợi bất kỳ lực lượng phương Tây nào bị bỏ lại sẽ vi phạm thỏa thuận Doha cam kết tất cả các lực lượng Mỹ sẽ khởi hành trước ngày 11 tháng 9. Họ đã thề sẽ tấn công bất kỳ lực lượng còn lại nào như vậy. Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ chủ trì một cuộc họp của Hội đồng an ninh Quốc gia để thảo luận về những hỗ trợ quân sự nào mà Anh nên thực hiện. Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Mật vụ Alex Younger, đã nói với tờ Sky News rằng: “mối đe dọa khủng bố đối với Anh sẽ lớn lên nếu phương Tây bỏ rơi Afghanistan”.

    Tokyo ban bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19, khán giả sẽ bị cấm tới xem Olympics


    Nhật báo Asahi hôm 8/7 đưa tin rằng ban tổ chức Olympics dự kiến sẽ cấm tất cả khán giả tới xem Thế vận hội, trong bối cảnh Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 ở Tokyo, vốn kéo dài trong thời gian đăng cai Olympics, để hạn chế một đợt lây nhiễm mới.

    Các nhà tổ chức sắp chính thức đi tới quyết định về khán giả trong cuộc đàm phán 5 bên hôm 8/7, tờ báo cho biết, trích dẫn những người liên quan đến Thế vận hội.

    Nếu được xác nhận, lệnh cấm khán giả sẽ là đòn giáng mới nhất vào Thế vận hội, vốn bị trì hoãn một năm vì đại dịch và vấp phải một loạt các vấn đề, trong đó có việc chi tiêu vượt ngân sách khổng lồ.

    Các chuyên gia y tế đã nói trong nhiều tuần nay rằng không có khán giả tại Thế vận hội sẽ là lựa chọn ít rủi ro nhất trong bối cảnh công chúng lo ngại rằng hàng nghìn vận động viên và quan chức sẽ làm gia tăng khả năng xảy ra một đợt lây nhiễm mới.

    Cuộc họp sẽ được chủ trì bởi chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach, người đã đến Tokyo hôm 8/7. Các bên tham gia khác bao gồm chính quyền Tokyo và chính phủ Nhật và các quan chức Thế vận hội dành cho người khuyết tật.

    “Cân nhắc đến ảnh hưởng của các biến thể COVID-19 và không để dịch bệnh lây lan trở lại tới phần còn lại của đất nước, chúng ta cần tăng cường các biện pháp ngăn chặn”, Thủ tướng Yoshihide Suga nói.

    "Trước tình hình đó, chúng tôi sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo”.

    Các hạn chế mới ở Tokyo, theo đó các nhà hàng sẽ được yêu cầu ngừng phục vụ rượu, sẽ bắt đầu vào ngày 12/7 và kéo dài đến ngày 22 tháng 8.

    Indonesia phong tỏa toàn quốc chống Covid-19 : Biện pháp mạnh nhưng chưa đủ


    Indonesia phong tỏa toàn quốc từ ngày 07/07 đến 20/07/2021 để chống dịch Covid-19, trong bối cảnh lần đầu tiên quốc gia Đông Nam Á này có số ca tử vong hàng ngày vì virus corona vượt ngưỡng 1.000 và hơn 34.000 ca nhiễm mới, theo thống kê ngày 07/07. Tỉ lệ tử vong hiện nay cao gấp 10 lần so với cách đây một tháng.

    Biện pháp phong tỏa toàn quốc được bộ trưởng Điều Phối Kinh Tế Airlangga Hartarto giải thích là do “số ca tăng nhanh tại nhiều vùng khác” và “phải chú ý đến khả năng của hệ thống bệnh viện”, hiện bị quá tải do số bệnh nhân cần nhập viện không ngừng tăng, theo AFP. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng biện pháp được đưa ra quá trễ và không đủ.

    Thông tín viên trong khu vực Gabrielle Maréchaux tường trình từ Kuala Lumpur :


    Nếu như những biện pháp hạn chế mới được triển khai tại Indonesia có quy mô chưa từng có, thì đối với nhà dịch tễ học Dicky Budiman, những biện pháp này được đưa ra quá trễ và sẽ không mang lại nhiều kết quả. Ông nhận xét : “Phải nói, đáng tiếc là những biện pháp mới được ban hành còn lâu mới đủ để ứng phó với biến thể virus Delta. Nên học tập từ những nước khác cũng phải đối mặt với biến thể này và kết hợp các chiến lược, cũng như phải tăng xét nghiệm, chứ không chỉ biệt lập hay cách ly 14 ngày và phải tăng tốc thực sự chiến dịch tiêm vac-xin để chủng ngừa được ít nhất một nửa dân số”.

    Hiện giờ mới chỉ có chưa đầy 1/10 người dân Indonesia được tiêm chủng, và trong số những người đã được tiêm thì tỉ lệ tử vong hiện cũng đáng quan ngại. Ví dụ như nhân viên y tế là một trong những đối tượng đầu tiên được tiêm vac-xin Sinovac của Trung Quốc và trong số những người bị chết vào tháng Sáu, phần lớn đã được tiêm chủng từ nhiều tháng trước đó.

    Theo ông Budiman, có hai kịch bản có thể giải thích hiện tượng này : Trước tiên, dường như hiệu quả của vac-xin Sinovac bị giảm sau 6 tháng. Tiếp theo, có thể là vac-xin này không hiệu quả đối với biến thể Delta.

    Cuối cùng, các nhà quan sát đưa ra một quan ngại khác : với tỉ lệ xét nghiệm của Indonesia nằm trong số thấp nhất thế giới, cùng với việc phải trả phí xét nghiệm đối với những người không có triệu chứng, số người bị nhiễm Covid-19 thực sự còn cao hơn nhiều so với con số thống kê chính thức, vốn đã đáng lo ngại.

    Covid-19: Dời SEA Games sang năm 2022 vì Việt Nam phải chống dịch


    Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 dự kiến diễn ra tại Việt Nam năm nay được dời lại do đại dịch, có thể đến năm 2022. Một trong các nhà tổ chức hôm nay 08/07/2021 cho AFP biết như trên.

    Các cuộc tranh tài trong Đại hội thể thao Đông Nam Á, theo dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 21/11 đến 02/12/2021 tại Hà Nội và 11 thành phố khác, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày mai sẽ bị phong tỏa trong vòng hai tuần lễ.

    Ông Varin Tansuphasiri, thành viên Ban tổ chức và là phó chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan nói rằng Việt Nam muốn dời lại sang tháng Tư hay tháng Năm 2022 vì đại dịch.

    Trước đó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng đã khuyến cáo nên hoãn lại, vì dịch Covid hoành hành tại Bắc Ninh và Bắc Giang, hai tỉnh sẽ diễn ra các cuộc thi đấu, thậm chí một sân vận động dành cho môn cầu lông (vũ cầu) đã bị biến thành bệnh viện dã chiến.

    Tuy nhiên theo ông Varin Tansuphasiri, việc tìm được thời điểm thích hợp không đơn giản vì lịch trình thi đấu năm 2022 dày đặc: Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh tháng Hai, Đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung Anh (Commonwealth) vào tháng Bảy, nên Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong khâu tổ chức.

    SEA Games 31 dự kiến thu hút 20.000 người tham dự trong đó có 7.000 vận động viên từ 11 quốc gia trong khu vực. Trong SEA Games kỳ trước vào năm 2019, nước chủ nhà Philippines đứng đầu bảng với 149 huy chương vàng, Việt Nam xếp thứ nhì với 98 huy chương vàng. Việt Nam đã từng tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á vào năm 2003.

    Covid-19 vẫn lây lan mạnh tại Sydney tuy đã phong tỏa gần 2 tuần

    Các ca nhiễm ở Sydney tiếp tục tăng tuy cư dân thành phố đã trải qua gần hai tuần phong tỏa

    Thành phố Sydney của Australia ghi nhận số ca lây nhiễm Covid-19 hàng ngày ở mức cao nhất kể từ nhiều tháng qua, bất chấp việc đã áp dụng lệnh phong tỏa được gần hai tuần.

    Chính quyền bang New South Wales báo cáo có 38 ca tại bệnh viện bang hôm thứ Năm, đẩy số ca trong đợt bùng phát biến thể Delta này lên trên 370 trường hợp.

    Giới chức nói mọi người đang vi phạm lệnh phong tỏa với việc vẫn qua lại, gặp gỡ giữa các hộ gia đình.

    Người dân được kêu gọi hãy tuân thủ yêu cầu không ra khỏi nhà.

    "Chúng ta chỉ cần mọi người dừng việc qua lại gặp gỡ nhau để kỳ phong tỏa này có tác dụng," Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian nói.

    "Xin hãy dừng việc gặp gỡ nhau ở trong nhà đối với những người không cùng gia đình, hộ gia đình của quý vị. Gia đình trong trường hợp này nghĩa là những người mà quý vị sống cùng, chứ không bao gồm người thân, họ hàng bà con trong đại gia đình hoặc bạn bè," bà nói.

    Chụp lại video,

    Indonesia đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung oxy

    Bà nói thêm rằng những người có triệu chứng khi đi lại trong cộng đồng cũng đang làm bùng phát tình trạng lây lan virus.

    Các ca hôm thứ Năm đánh dấu mức lây nhiễm cao kỷ lục trong một ngày đơn lẻ kể từ 14 tháng qua.

    Thành phố lớn nhất nước Úc, nơi có 5 triệu dân, hiện đang yêu cầu mọi người ở nhà cho tới ngày 17/7.

    Các khu vực lân cận, gồm Blue Mountains, Central Coast, Wollongong và Shoalhaven cũng bị ảnh hưởng.

    Theo quy định, mọi người được phép ra khỏi nhà khi có nhu cầu thiết yếu, chẳng hạn như đi mua sắm, tập thể dục hoặc để chăm sóc người khác. Các cơ sở kinh doanh như nhà hàng bán đồ ăn mang đi và các cửa hàng bán lẻ chuyên dụng vẫn được phép mở cửa.

    'Chúng ta cần tăng cường phòng chống'

    Trước đó, hồi đầu tuần, giới chức đã buộc phải gia hạn lệnh phong tỏa thêm một tuần nữa do các ca lây nhiễm không giảm - đã có từ 18 đến 35 ca lây nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua.

    Tuy đa số những người được xác định là sống cùng nhà với những người nhiễm bệnh đã được cách ly, nhưng vẫn có một lượng lớn lây nhiễm trong cộng đồng.

    "Những con số này là quá cao. Chúng ta cần phải làm giảm xuống," bà Berejiklian nói.

    Tình trạng bùng phát tại Sydney bắt đầu từ khu ngoại ô, vùng bãi biển Bondi và các vùng giàu có lân cận kể từ giữa tháng Sáu. Nhưng điểm nóng nay đã chuyển vào các khu vực ngoại ô phía tây nam thành phố.

    Những người chỉ trích nói rằng thông điệp của cơ quan y tế công đã không hiệu quả trong do không đến được với những cộng đồng không nói tiếng Anh tại đó, và đây là nơi mà nhiều người phải đi làm các công việc không chính thức, là những việc không thể làm được từ nhà.

    Úc đã hạn chế khách quốc tế nhập cảnh xuống mức còn một nửa so với trước và thử nghiệm cách ly tại nhà để đối phó với biến thể Delta

    Bà Berejiklian cảnh báo rằng những khu vực đó có thể sẽ phải chịu những lệnh hạn chế nghiêm ngặt hơn.

    "Chúng tôi không muốn kéo dài thời gian phong tỏa. Chúng tôi không muốn chứng kiến cảnh Sydney phải rơi vào cảnh bị phong tỏa lặp đi lặp lại cho tới khi khi đa số dân được tiêm phòng vaccine. Mức độ đẩy nhanh tiến trình này cũng như những khó khăn trong việc triển khai hoàn toàn phụ thuộc vào tất cả chúng ta."

    Cảnh sát New South Wales nói sẽ cử thêm 100 nhân viên cảnh sát tới các điểm nóng, bắt đầu từ thứ Sáu, để đảm bảo mọi người tuân thủ quy định.

    Đợt bùng phát biến thể Delta tại Sydney và sự hoang mang tại các thành phố khác hồi tuần trước đã làm nổ bùng lên cơn giận dữ của dân chúng về việc chính quyền liên bang chậm trễ triển khai tiêm vaccine.

    Hiện có chưa tới 10% người dân Úc đã được tiêm vaccine. Việc thiếu vaccine, đặc biệt là hàng Pfizer, khiến cho nhiều người, nhất là những người dưới 40 tuổi, không thể được tiêm chủng ngừa cho tới những tháng cuối năm.

    Hôm thứ Năm, Thủ tướng Scott Morrison nói ông sẽ gửi thêm 300.000 liều vaccine Pfizer và AstraZeneca nữa tới Sydney để chống lại "tình hình rất nghiêm trọng" tại đó.

    Úc đã bắt đầu tiêm phòng vaccine từ tháng 2, khi nước này mới chỉ có rất ít các ca bệnh.

    Tốc độ triển khai đã bị chậm lại do có những vấn đề về nguồn cung ứng và tâm lý ngần ngại của mọi người về tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca. 

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào