Mỹ không định bắt du khách phải tiêm chủng mới được nhập cảnh
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho hay các giới chức Mỹ vẫn đang liên lạc với các đối tác Canada, châu Âu và các nơi khác để quyết định khi nào và làm thế nào để gỡ bỏ những hạn chế du hành một cách an toàn.
“Đó không phải là ý định của chúng tôi,” bà Psaki nói với phóng viên tại Tòa Bạch Ốc khi được hỏi là liệu chính phủ Mỹ có yêu cầu du khách phải tiêm vaccine COVID rồi mới được nhập cảnh Mỹ hay không.
Trước sự lây lan của biến thể Delta gây quan ngại ngày càng tăng, bà Psaki loan báo Mỹ có kế hoạch gửi 2,5 triệu liều vaccine Johnson & Johnson cho Colombia.
Nhà cầm quyền quân sự Myanmar không cho báo chí gọi họ là 'chính quyền quân sự'
Binh sĩ Myanmar chuẩn bị trấn áp một cuộc biểu tình.
Nhà cầm quyền quân đội Myanmar ngày 30/6 đe dọa sẽ có hành động pháp lý đối với các hãng tin nước ngoài gọi họ là chính quyền quân sự cũng như tường trình về sự kiện họ chiếm quyền hồi tháng 2 năm nay là một cuộc đảo chánh.
Nhiều hãng tin nước ngoài, kể cả Reuters, đã dùng các cụm từ như vậy khi nói về Hội đồng Chính quyền Quốc gia do quân đội lãnh đạo và vụ lật đổ lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi
Bộ Thông tin do quân đội kiểm soát đưa ra cảnh báo vừa kể trên nhật báo Global New Light of Myanmar.
“Một số hãng tin nước ngoài được cảnh báo từ nay chớ nên dùng cụm từ chính quyền quân sự để ám chỉ chính phủ và chớ nên trích dẫn hay thổi phồng tin giả,” theo cảnh báo của Bộ Thông tin.
“Sẽ có những hành động chống lại họ theo luật lệ hiện hành nếu họ dùng sai, trích dẫn và thổi phồng tin giả cũng như gieo rắc thông tin sai lạc.”
Giám đốc Bộ Thông tin và phát ngôn viên của nhà cầm quyền Myanmar không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Chính phủ quân sự Myanmar kiên quyết nói rằng họ nắm quyền phù hợp với hiến pháp, cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử mà đảng của bà Suu Kyi thắng áp đảo vào tháng 11 năm ngoái. Cáo buộc này bị ủy ban bầu cử lúc đó và các nhà quan sát quốc tế bác bỏ.
Các nước phương Tây lên án việc chiếm quyền là một cuộc đảo chánh và áp đặt chế tài có giới hạn lên nhà cầm quyền quân sự Myanmar.
Chính quyền quân sự Myanmar bị các tổ chức tự do báo chí chỉ trích vì bắt nhiều nhà báo, thu hồi giấy phép của một vài tổ chức truyền thông độc lập và hạn chế tiếp cận internet.
Lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing nói truyền thông là thiết yếu cho nền tự do ngôn luận và dân chủ, nhưng cũng kêu gọi truyền thông địa phương ngăn chặn việc xâm nhập của những ý tưởng nước ngoài.
Bill Cosby được ra tù
ngay sau khi tòa án cao nhất Pennsylvania lật lại bản án tấn công tình dục hồi năm 2018 của ông. Nam diễn viên hài đã chấp hành được hai năm của bản án từ ba đến mười năm. Tòa cho biết lẽ ra ông không phải đối mặt cáo buộc vì đã đạt một thỏa thuận không truy tố hơn 15 năm trước. Vụ Cosby là phiên tòa xét xử tội phạm tấn công tình dục nổi bật đầu tiên của kỷ nguyên #MeToo.
Các nhà lập pháp Minnesota
đã thông qua một loạt các cải cách cảnh sát, bao gồm các giới hạn về khám nhà không thông báo và việc sử dụng nhân chứng, dù các đảng viên Dân chủ yêu cầu có biện pháp triệt để hơn. Các cải cách này được thông qua sau nhiều tháng tranh cãi trong cơ quan lập pháp bang, và chỉ chưa đầy một tuần sau khi cựu cảnh sát Derek Chauvin bị tuyên án vì tội sát hại người đàn ông da đen không vũ trang George Floyd hồi năm ngoái.
Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập
Chỉ một thập niên trước, khó có thể nhìn thấy bàn tay kìm kẹp của Đảng Cộng sản đối với Trung Quốc. Các nhà đầu tư nước ngoài và khách VIP thường gặp các bộ trưởng chính phủ, thị trưởng thành phố và hiệu trưởng các trường đại học, chứ không phải bí thư đảng ủy, người thực sự đứng đầu. Nhưng giờ đây dưới thời Tập Cận Bình, chủ tịch nước kiêm tổng bí thư, ĐCSTQ đang hiển hiện hơn bao giờ hết và không hề e ngại về quyền lực tuyệt đối của mình.
Hôm nay sẽ có một buổi lễ ở Bắc Kinh để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng, với ông Tập phát biểu trước đám đông ở Quảng trường Thiên An Môn. Bốn thập niên tiến bộ kinh tế, quân sự và công nghệ đã khiến các quan chức Trung Quốc quả quyết rằng mô hình kỹ trị của họ cũng chính danh như bất kỳ nền dân chủ nào khác, và chắc chắn là hơn cả hệ thống kém cỏi của Mỹ. Ông Tập là “Nhà lãnh đạo của Nhân dân” chỉ làm điều gì tốt nhất cho đa số, theo lời các cơ quan tuyên truyền. Song người thiểu số, chẳng hạn như người Hồi giáo ở Tân Cương hay phe dân chủ ở Hồng Kông, có thể không đồng ý. Tất nhiên họ không được mời đến dự buổi lễ.
OPEC+ họp trong bối cảnh giá dầu lên cao
Kể từ tháng 4 năm 2020, giá dầu thô Brent đã tăng từ 20 USD/thùng lên hơn 70 USD, cao nhất trong ba năm qua. Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch, giới năng lượng đang kháo nhau xem khi nào giá sẽ vượt 100 đô la. Điều này còn phải xem liệu các bộ trưởng OPEC+ có quyết định tăng sản lượng hơn nữa hay không khi họ họp hôm nay.
Triển vọng 100 đô la có thể không quá sáng sủa. Nếu OPEC+ giữ nguyên các kế hoạch hiện có, sản lượng sẽ cao hơn 841.000 thùng/ngày trong tháng này. Và một thỏa thuận nới lỏng biện pháp trừng phạt đối với dầu Iran có thể còn làm tăng nguồn cung hơn nữa. Tuy vậy nếu covid-19 tăng đột biến trên toàn cầu thì nhu cầu có thể giảm.
Khá kỳ lạ nhưng giá cao sẽ không quá tốt cho OPEC+. Bởi vì khi ấy các nhà đầu tư sẽ bơm tiền vào sản xuất mới ở những nơi ngoài tổ chức, từ đó khiến giá giảm. Thị trường dầu mỏ nên cẩn thận với điều mà họ muốn.
Chính quyền Mỹ không muốn tập trung vào các thỏa thuận thương mại
Hiến pháp Mỹ khá cụ thể trong việc phân chia quyền lực. Trong khi tổng thống có thể đàm phán các thỏa thuận thương mại, chỉ Quốc hội mới có thể thay đổi thuế quan. Để tránh giẫm lên chân nhau, hai cơ quan đã đặt ra một sắp xếp hữu ích. Với một thứ gọi là Thẩm quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), Quốc hội sẽ đặt ra những điều khoản mà các nhà đàm phán phải đạt được từ các đối tác thương mại. Đổi lại, họ đồng ý tiến hành bỏ phiếu thuận hay chống đơn giản về kết quả của những cuộc đàm phán đó.
Nhưng TPA có giới hạn thời gian. Vòng thương lượng cuối là hồi năm 2015, và sẽ hết hạn hôm nay, với dường như không có bất kỳ kế hoạch nào để gia hạn nó. Điều này phù hợp với thông điệp chung của chính quyền Biden: các thỏa thuận thương mại mới không phải là ưu tiên của họ. Các cuộc đàm phán hiện tại, chẳng hạn như với Anh, thì “đang được xem xét”, khiến cho các quan chức Anh rất khó chịu, đặc biệt sau khi họ đã dành nhiều tháng đàm phán với chính quyền Trump. Người Mỹ dường như quan tâm hơn đến việc thực thi các thỏa thuận hiện có và chắt chiu vốn liếng chính trị của họ cho những cuộc chiến khác.
Cuba đối mặt khủng hoảng lương thực
Cuba đang đối mặt tình trạng thiếu lương thực tồi tệ nhất kể từ những năm 1990. Ở một nước nhập khẩu tới khoảng 70% thực phẩm, việc tìm kiếm nguyên liệu trước đây đã khó khăn, và giờ đây thì gần như không thể. Chính phủ, vốn buộc nông dân bán sản phẩm thu hoạch của họ với giá không cạnh tranh, đang rất thiếu tiền mặt. Đại dịch đã gây thiệt hại nặng cho ngành du lịch, thường chiếm 10% GDP, và khiến người Cuba khó làm ăn hơn. Giá lương thực toàn cầu tăng 40% cũng không giúp được gì. Hiện các tiệm bánh mì quốc doanh đang thay thế các loại bột mì nhập khẩu bằng những loại tự trồng trong nước, khiến người tiêu dùng thất vọng.
Chính phủ đã công bố các biện pháp tăng sản lượng nông nghiệp trong nước, song nếu không tự do hóa kinh tế thì sẽ chẳng cải thiện được nhiều. Cho đến nay, các cải cách vẫn còn chậm chạp. Ví dụ, nông dân đã có thể giết mổ bò để bán hoặc tiêu dùng cá nhân, điều trước đây là bất hợp pháp. Nhưng theo một nông dân ở thị trấn ven biển Bahía Honda, quy trình xin phép quan liêu là đủ để “khiến anh ta chán món [thịt bò]”.
Thụy Sĩ dự trữ vaccine Mỹ, tặng vaccine Anh cho COVAX
Thụy Sĩ sẽ tặng 4 triệu liều vaccine AstraZeneca mà nước này dành cho chương trình chia sẻ vaccine COVAX, chính phủ tuyên bố ngày 30/6, để giúp giải quyết sự chênh lệch vaccine cho các nước đang phát triển.
Thụy Sĩ lúc đầu dự trữ 5,4 triệu liều AstraZeneca, nhưng cơ quan hữu trách thuốc men của nước này, Swissmedic, chưa chấp thuận vaccine của AstraZeneca vì chưa nhận được tất cả dữ liệu cần thiết từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Trước đây Thuỵ Sĩ loan báo dự tính tặng 3 triệu liều vaccine cho COVAX, nay số này được nâng lên thành 4 triệu.
Thụy Sĩ đặt thêm nhiều đáng kể các vaccine phát triển theo cơ chế mRNA của Moderna và Pfizer, kể cả cho năm 2022, vì chuẩn bị cho khả năng sẽ cần tiêm thêm liều tăng cường, hoặc do miễn nhiễm từ các đợt tiêm đầu mai một hoặc do biến thể.
Thuỵ Sĩ cho biết đang chú trọng vào các vaccine được phát triển theo cơ chế mRNA như của Pfizer và Moderna vì “những vaccine này chứng tỏ hiệu nghiệm cao và dễ được cơ thể chấp nhận.”
Ngoài việc tặng vaccine AstraZeneca cho COVAX, Thụy Sĩ cũng tặng 157 triệu đô la cho chương trình chia sẻ vaccine này.
Quân lực Singapore 'đạt miễn dịch cộng đồng, tập sống cùng Covid-19'
Covid App của Singapore dùng công nghệ để truy vết
Singapore vừa tuyên bố quân lực nước này đã tiêm vaccine đủ số lượng để đạt miễn dịch cộng đồng, và từ nay học cách sống chung với virus dịch Covid-19.
Chính phủ Singapore đã nói rằng họ có kế hoạch coi Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu và sống chung với nó, một khi đủ số dân đã được tiêm phòng.
Và nay, quân đội nước này là lực lượng tiên phong đã tiêm đủ để đạt miễn dịch cộng đồng trước các khu vực dân số khác.
Tình trạng miễn dịch cộng đồng, trên lý thuyết, có nghĩa là quân lực Singapore sẽ có thể giảm thiểu gián đoạn hoạt động ngay cả khi xảy ra các ca nhiễm virus Covid-19.
Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen cho hay họ sẽ không phải đóng cửa các cơ sở đào tạo của mình nếu xảy ra các ca nhiễm, và có thể giảm bớt các hạn chế để cho phép các đơn vị hoạt động với hiệu quả tối đa.
Hơn 90% lính Singapore đã tiêm xong liều vaccine đầu tiên.
Dự kiến sang tuần thứ hai của tháng Bảy, 92% lính sẽ được tiêm chủng đầy đủ cả hai liều.
Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen nói: "Điều đó khá khả quan. Điều đó có nghĩa là quân lực đã đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn."
Tiến sĩ Ng đã phác thảo cách quân đội sẽ đối phó với trạng thái "bình thường mới" khi virus Covid-19 là loài đặc hữu.
"Sống chung với căn bệnh có nghĩa là về cơ bản, chúng ta thực hiện các hoạt động với nguy cơ lây nhiễm luôn ở đó. Chúng ta giảm nguy cơ vì không thể loại bỏ nó. Vì vậy, đó là một suy nghĩ hoàn toàn khác," ông nói.
Mặc dù tiêm chủng sẽ là "trụ cột" khi sống với Covid-19, việc kiểm tra và giám sát cũng sẽ được tăng cường, ông nói.
Khi phát sinh các ca nhiễm, các trường đào tạo như Trung tâm Huấn luyện Quân sự Cơ bản, Trường Sĩ quan và Trường Sĩ quan Đặc công sẽ không cần phải đóng cửa.
Vào tháng 9, không quân và lục quân Singapore sẽ tiến hành Forging Sabre, một cuộc tập trận tổng hợp bắn đạn thật ở Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Ng giải thích quan điểm của chính phủ rằng quân lực sẽ coi Covid-19 như một thực tế hàng ngày, thay vì đối phó với nó như một bệnh dịch.
Ngày 24/6, các bộ trưởng của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Singapore - Gan Kim Yong, Lawrence Wong và Ong Ye Kung - đã đăng bài dài trên tờ Straits Times với tiêu đề "Sống bình thường, với Covid-19."
Họ hạ thấp kỳ vọng vào việc tiêu diệt virus corona, ví nó như bệnh cúm và nhấn mạnh rằng với việc tiêm phòng và các biện pháp khác "chúng ta có thể biến đại dịch thành một thứ ít đe dọa hơn nhiều ... và tiếp tục cuộc sống của chúng ta."
Thăm dò: Ủng hộ dành cho Tổng thống Biden sa sút
Sự ủng hộ dành cho Tổng thống Joe Biden sa sút kể từ tháng Tư, chủ yếu từ các đảng viên Dân chủ, trong lúc chính quyền Biden chật vật đối phó với Quốc hội để thực hiện những lời hứa khi tranh cử và nhiều người Mỹ lo ngại về sự phục hồi kinh tế không đồng đều, theo cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện.
Cuộc thăm dò dư luận toàn quốc từ ngày 11 đến 17/6 cho thấy ông Biden vẫn còn được yêu thích hơn người tiền nhiệm Cộng hòa Donald Trump: 55% người trưởng tán đồng cách ông làm việc và 65% thích cách ông đáp ứng với đại dịch virus corona. Tại cùng thời điểm này cách đây 4 năm, chỉ khoảng 36% người trưởng thành tán đồng cách làm việc của ông Trump.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Mỹ không chấp nhận cách lãnh đạo của ông Biden về kinh tế, bạo động súng ống và thuế khóa, sự giảm sút mạnh nhất là trong đảng Dân chủ của ông, đặc biệt là những người dưới 40 tuổi, những người theo đảng Dân chủ không phải da trắng hay những người không có bằng đại học.
Nền kinh tế đã đưa y tế và bệnh dịch lên thành một mối quan tâm hàng đầu, với gần một phần tư người trưởng thành được thăm dò gọi đây là vấn đề quan trọng nhất. Đa số người Mỹ lo ngại về chi phí đời sống đang tăng, và công luận khác biệt hầu như 50-50 về cách thức chính phủ nên làm để mọi việc tốt hơn, theo cuộc thăm dò.
Bốn mươi tám phần trăm những người trả lời cho biết chấp thuận cách ông Biden xử lý nền kinh tế, giảm 4 điểm so với một cuộc thăm dò tương tự vào tháng Tư. Con số người Mỹ không chấp thuận thành tích kinh tế của ông Biden tăng 4 điểm, ở mức 43%.
Chỉ có 35% nước Mỹ nghĩ là nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng, và 44% cho biết “rất quan ngại” là giá cả tiếp tục leo thang, theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos.
Trong số các đảng viên Dân chủ, 78% nói họ chấp thuận lịch trình kinh tế của ông Biden, giảm 7 điểm so với tháng Tư, trong khi con số đảng viên Dân chủ không chấp thuận kế hoạch kinh tế của ông Biden tăng 6 điểm đến 15%.
Dù có hy vọng kinh tế tăng trưởng 7% trong năm nay, nhưng thống kê của chính phủ cho thấy phục hồi sau đại dịch đang tiến triển chậm chạp hầu hết trong số các sắc dân thiểu số và những người không có bằng đại học.
Thách thức đối với ông Biden sẽ là tìm ra những giải pháp khả dĩ và cùng lúc giữ cho đảng Dân chủ đoàn kết.
Sự giảm sút ủng hộ dành cho ông Biden diễn ra cùng lúc phe Dân chủ chật vật thông qua những phần quan trọng trong nghị trình của ông Biden tại Quốc hội.
100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc: Tập Cận Bình hứa tăng cường quân sự, thống nhất Đài Loan
Chủ tịch Tập Cận Bình từ khán đài trên quảng trường Thiên An Môn hát quốc qua nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ảnh ngày 01/07/2021. REUTERS - CARLOS GARCIA RAWLINS
Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm nay 01/07/2021, chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi đà tiến « không thể đảo ngược » của Trung Quốc, tiếp tục phát triển quân sự, hứa hẹn « thống nhất » Đài Loan, đồng thời đe dọa đập tan những thế lực nào muốn khuất phục Trung Quốc.
Nêu ra sự kiện hàng trăm triệu người đã ra khỏi cảnh nghèo khổ cùng cực sau vài thập niên, Tập Cận Bình nhấn mạnh « sự phục hưng vĩ đại của Trung Quốc đã bước vào một tiến trình lịch sử không thể đảo ngược ». Theo AFP, đây là dấu hiệu gởi đến Washington vốn thường xuyên nói rằng Trung Quốc là đối thủ về chính trị và kinh tế.
Ông Tập hứa hẹn tiếp tục tăng cường quân sự, « thống nhất » với Đài Loan, ổn định xã hội tại Hồng Kông đồng thời bảo vệ an ninh và chủ quyền Trung Quốc.
Reuters dẫn tuyên bố của Tập Cận Bình : « Giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất hoàn toàn tổ quốc là nhiệm vụ lịch sử không thể nào lay chuyển được của đảng Cộng Sản, và là khát vọng của nhân dân Trung Quốc ». Ông kêu gọi « đồng bào » hai bên bờ eo biển cùng tham gia tiến trình « thống nhất hòa bình », đập tan các âm mưu đòi Đài Loan độc lập.
Theo ông Tập, cường quốc nước ngoài nào sách nhiễu, đàn áp hay muốn khuất phục Trung Quốc sẽ phải đổ máu trước « Vạn lý Trường thành bằng sắt do hơn 1,4 tỉ người Trung Quốc hợp thành ».
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gởi về bài phóng sự về buổi lễ hoành tráng tại Thiên An Môn :
« Đám đông reo hò khi nhìn lên bầu trời. Khoảng 30 chiếc trực thăng vừa xuất hiện phía trên quảng trường Thiên An Môn, tạo thành con số 100 để đánh dấu dịp đảng được 100 tuổi. Những khách mời không được quyền mang theo điện thoại di động, nên họ nhờ các nhà báo chụp giùm tấm ảnh cùng với chiếc vé vào cửa để kỷ niệm.
« Không có một Trung Hoa mới nếu không có đảng Cộng Sản Trung Quốc », sinh viên các trường đại học thủ đô hát. Không có diễn binh, thay vào đó là những bộ áo đầm mang màu sắc tươi sáng. Chế độ muốn cho thấy một hình ảnh trẻ trung và tân tiến của đảng.
Bên cạnh đó là tinh thần tiến công kiên quyết. Nếu ai đó vẫn còn chưa chịu hiểu, thì đây, 100 phát đạn đại bác được bắn đi từ những khẩu pháo dựa vào tường Đại sảnh đường Nhân Dân. Người ta nghe thấy tiếng những thiết bị bay không người lái.
Từ phía trên khán đài ở Tử Cấm Thành, ông Tập Cận Bình tuyên bố : « Người Trung Quốc không chỉ giỏi trong việc phá hủy thế giới cũ mà còn giỏi xây dựng nên thế giới mới. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa mới đóng góp được vào công cuộc phát triển Trung Quốc ». Cả quảng trường nhất loạt vỗ tay hoan nghênh chủ tịch nước.
Một sinh viên trường đại học Bắc Kinh là đảng viên cho biết : « Chúng tôi hết sức tự hào, hôm nay là một ngày quan trọng ».
Bầu trời bỗng trở nên xám xịt. Vừa mặc áo mưa vào là các tình nguyện viên đã yêu cầu cởi ra, cũng như khi đội lên chiếc nón kết lúc trời nắng, một tiếng đồng hồ trước đó. À ra vậy, ngay cả trang phục của những người tham dự cũng là một phần của màn diễn đã được tính toán từng ly từng tí cho các camera của truyền hình quốc gia Trung Quốc.
Dịp kỷ niệm diễn ra vào lúc đảng đã kết nạp thêm 2.430.000 đảng viên mới trong năm 2020, và khoe khoang thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid. Trước khi bước lên xe buýt, một nhà báo Tân Hoa Xã hỏi chúng tôi có những cuộc biểu tình lớn như vậy tại châu Âu hay không. Trả lời : ‘Có, nhưng chủ yếu để phản đối chính phủ’ ».
Theo ông Lôi Cường (Wu Qiang), giáo sư đại học Thanh Hoa đã từ chức sau khi ủng hộ Hồng Kông, dịp kỷ niệm này còn là cách để ăn mừng việc Trung Quốc thoát khỏi số phận của các đảng cộng sản Đông Âu và Liên Xô cũ, đã tan rã sau chiến tranh lạnh. Đảng tìm cách gắn liền sự sống còn của mình với quốc gia, dân tộc, nhằm tạo tính chính danh.
Không có gì ngạc nhiên khi vài chục triệu người chết đói và bị thanh trừng thời Mao không hề được nhắc đến.
Thế giới tiếp tục có ấn tượng xấu về Trung Quốc
Chủ tịch Tập Cận Bình trên lễ đài tại quảng trường Thiên An Môn, nhân dịp kỷ niệm 100 năm, ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 01/07/2021. REUTERS - CARLOS GARCIA RAWLINS
Trong khi ông Tập Cận Bình khẳng định « sự phục hưng vĩ đại », cuộc thăm dò dư luận của trung tâm Pew có trụ sở tại Washington công bố hôm 30/06/2021 cho thấy người dân Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á đều có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc : vi phạm nhân quyền, hành xử vô trách nhiệm.
Về vấn đề tôn trọng quyền tự do cá nhân, ý kiến tiêu cực đối với Bắc Kinh cao ở mức kỷ lục tại bảy quốc gia Ý, Hàn Quốc, Hy Lạp, Canada, Úc, Anh và Hà Lan.
Tại Nhật Bản, ấn tượng xấu về Trung Quốc tăng lên 88%, gần đạt mức kỷ lục 93% hồi cao điểm tranh chấp lãnh thổ tại Biển Hoa Đông. Ở Hàn Quốc, cứ 10 người thì có đến 9 người nói rằng Bắc Kinh không hề tôn trọng tự do cá nhân của công dân Trung Quốc (năm 2018 tỉ lệ này là 8/10).
Singapore ít phê phán Trung Quốc vi phạm nhân quyền nhất trong số các nước được khảo sát là Hoa Kỳ, Đài Loan, New Zealand, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Thụy Điển, nhưng số người chỉ trích Bắc Kinh cũng đã chiếm đến 60%.
Còn tại Mỹ, tâm lý chống Trung Quốc tiếp tục tăng lên, số người có cái nhìn tiêu cực về Bắc Kinh lên đến 76%, tăng gần 30% so với năm 2017, thời chính quyền Donald Trump. Đặc biệt có 3% người Mỹ khi được hỏi nghĩ gì về Trung Quốc đã nêu ra ngay « Tân Cương », « Duy Ngô Nhĩ ». Theo một nhà nghiên cứu của Pew, tỉ lệ này có vẻ không nhiều, nhưng là một thay đổi lớn đối với những người Mỹ bình thường, vì trong những khảo sát các năm trước, họ không hề nói đến Tây Tạng hay Đạt Lai Lạt Ma.
Publicité
Nhìn chung, kết quả thăm dò mới nhất của Pew được South China Morning Post dẫn lại cho thấy, các quan chức Trung Quốc đang đối mặt với tình thế khó khăn, khi muốn thực hiện nhiệm vụ ông Tập giao cho là mở rộng bạn bè, tạo tiếng thơm cho Trung Quốc. « Ngoại giao chiến lang » hung hăng chỉ làm xấu thêm hình ảnh của Bắc Kinh. Số người cho rằng Tập Cận Bình đã hành xử đúng đắn trong các vấn đề quốc tế chỉ chiếm có 20%.
Về kinh tế, đa số những người được hỏi ủng hộ một quan hệ kinh tế chặt chẽ của nước mình với Mỹ hơn là với Trung Quốc. Tại Úc, tỉ lệ này từ 43% trong năm 2019 đã tăng lên 59%, cho thấy sự rạn nứt giữa Bắc Kinh và Canberra ảnh hưởng đến công chúng Úc. Tại châu Âu, số người cho rằng nên quan hệ chặt hơn với Mỹ gấp ba lần so với số người ủng hộ Trung Quốc, cho dù Bắc Kinh đã vượt Washington trở thành đối tác thương mại chính của Liên Hiệp Châu Âu năm 2020.
Cuộc khảo sát của viện thăm dò Pew được tiến hành với 19.000 người trưởng thành tại 17 nước từ tháng Hai đến tháng Năm.
https://www.rfi.fr/vi
Ba người ở Quảng Ngãi bị bắt vì các bài viết ‘xâm phạm’ trên Facebook
01/07/2021
VOA Tiếng Việt
Các ông Bạch Văn Hiền, Lê Trung Thu và Phùng Thanh Tuyến. Photo Cơ quan An ninh điều tra Công an Quảng Ngãi via Báo Quảng Ngãi
Hôm 30/6, công an tỉnh Quảng Ngãi đã bắt giam ba người vì cho rằng họ đã sử dụng mạng xã hội để “xâm phạm lợi ích của Nhà nước.”
Báo Quảng Ngãi loan tin rằng ông Bạch Văn Hiền, 34 tuổi, ông Phùng Thanh Tuyến, 38 tuổi, và ông Lê Trung Thu, 41 tuổi, cùng ở TP. Quảng Ngãi, đã đăng tải trên Facebook nhiều thông tin, tài liệu có nội dung “xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.”
Báo Pháp luật Online (PLO) dẫn lời nhà chức trách cho biết ba người này đã “xâm phạm” lợi ích của Toà án, Công an, Quân đội, Thanh tra, VTV, Tuyên giáo và cá nhân các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Báo Quảng Ngãi dẫn lời đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an Quảng Ngãi, nói: “Mặc dù đã được lực lượng An ninh Công an tỉnh Quảng Ngãi gọi hỏi, răn đe, cảnh báo, song những đối tượng này đều phớt lờ, thậm chí còn thách thức pháp luật.”
Hai người bị công an Quảng Ngải bắt vì viết bài trên Facebook. Photo Quang Ngai TV
Trong diễn biến liên quan, hôm 30/6, chính quyền Hà Nội đã bắt giam nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, còn gọi là Lê Dũng Vova, với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.” Tổ chức nhân quyền Article 19 ở Anh đã lên tiếng quan ngại việc bắt ông Dũng, gọi đó là việc sách nhiễu những tiếng nói độc lập.
Vào đầu năm 2021, Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc lên tiếng cáo buộc Việt Nam vi phạm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị bằng các kìm hãm quyền tự do ngôn luận.
Cơ quan của LHQ lo ngại về việc sử dụng “những điều luật được định nghĩa mơ hồ” ở Việt Nam để “giam giữ một các tuỳ tiện ngày càng nhiều các nhà báo, blogger, những người đưa ra ý kiến bình luận và những người bảo vệ nhân quyền.”
Việt Nam hiện bị xếp thứ 175 trong số 180 quốc gia trên thế giới trong bảng xếp hạng về “Chỉ Số Tự Do Báo Chí năm 2020” do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố hồi cuối tháng 4.
Nhà nước Việt Nam nói rằng “Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người.”
Bộ Ngoại Việt Nam vào tháng trước khẳng định tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam vẫn được thể hiện rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và nội dung của báo chí Việt Nam, và rằng có đến hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng mạng Internet và mạng xã hội quốc tế và trong nước.
https://www.voatiengviet.
Không có nhận xét nào